Một luật sư trong vụ Saddam Hussein có văn phòng ở Baghdad đã bị 5 tay súng Iraq bắt cóc tối qua. Thông tin này lại phủ thêm bóng đen lên phiên toà gây tranh cãi.
|
Awad Hamed al-Bader - Chánh án Toà án Cách mạng Iraq thuộc chế độ cũ |
Cảnh sát Baghdad cho biết, luật sư của một đồng bị cáo trong phiên toà xét xử Saddam Hussein đã bị bắt cóc vào hồi 8h30’ tối (giờ GMT) hôm qua.
Ông Sadoon al-Janabi bị bắt từ văn phòng phía bắc Baghdad. Các nhân chứng kể rằng họ thấy 5 người đàn ông vũ trang mang mặt nạ đi 2 chiếc bán tải Nissan màu trắng. Vụ việc diễn ra chỉ trong vòng 3 phút nên không ai kịp phản ứng. Khi cảnh sát đến nơi thì mọi chuyện đã an bài.
Al-Janabi bào chữa cho ông Awad Hamad al-Bandar, cựu Chánh án Toà án Cách mạng Iraq trước đây. Ông Bandar bị buộc tội kết án tử oan đối với 143 người dân ở Dujail theo chỉ đạo của Saddam Hussein. Tất cả 143 người đều bị tử hình. Saddam là một trong tám người bị cáo buộc đã dính líu đến vụ này.
Hiện cảnh sát Baghdad đang bắt tay vào điều tra và chưa đưa ra bình luận gì. Nhiều khả năng, bọn bắt cóc sẽ đòi tiền chuộc trong một hai ngày tới. Nhưng người ta không rõ ai sẽ đứng ra trả tiền chuộc vì tài sản của ông Bandar đã bị phong toả hoàn toàn còn gia đình ông này hiện đã trắng tay.
Tin về vụ bắt cóc ông al-Janabi được đưa ra gần như cùng thời điểm với có tin phóng viên tờ Guardian của Anh, Rory Carroll, được bọn bắt cóc phóng thích.
Cùng ngày cũng đã xảy ra rất nhiều vụ tấn công của du kích Iraq đối với binh lính và cảnh sát Iraq cũng như lính Mỹ.
Cũng trong tối qua (theo giờ Việt Nam), các quan chức bầu cử Iraq đã công bố kết quả trưng cầu hiến pháp ở 16 trên 18 tỉnh thành.
Phiên toà xét xử Saddam, khai mạc hôm thứ ba, đã phải tạm hoãn cho đến 28/11 theo yêu cầu của luật sư biện hộ cho Saddam.
Hiện có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về phiên toà đặc biệt này, chủ yếu xoay quanh tính hợp pháp của nó.
Có ý kiến cho rằng, người Iraq xứng đáng được thấy chế độ Saddam Hussein bị xét xử đúng tội và phiên toà là cần thiết lúc này.
Số khác lại cho rằng, Saddam bị lật đổ bằng cuộc chiến phi pháp và phần lớn thẩm phán do Mỹ chỉ định nên khó có thể khách quan, công bằng.
- Lam Sơn (Theo CNN, AP, AFP)