Theo một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc, tổ chức này vừa chỉ trích chính phủ Iraq rằng những thay đổi phút chót trong luật bầu cử của nước này không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời gây khó khăn hơn cho người dân khi muốn phản đối dự thảo hiến pháp.
Luật bầu cử sửa đổi được cho là sẽ gây khó khăn hơn cho người dân Iraq khi muốn phản đối bản dự thảo hiến pháp. |
Các quan chức LHQ hiện đang gặp gỡ các nhà chức trách Iraq để bày tỏ sự lo ngại của mình và họ tin rằng cuối cùng Iraq cũng sẽ phải thay đổi quyết định, phát ngôn viên Stephane Dujarric cho biết hôm qua.
Hôm 2/10, Quốc hội Iraq đã sửa đổi nhiều luật mới, trong đó có một điều khoản ghi rõ: Cần đa số những người đi bỏ phiếu nhất trí để dự thảo hiến pháp được thông qua và cần 2/3 số cử tri "đăng ký" đi bỏ phiếu tại ít nhất 3 tỉnh phản đối để dự thảo hiến pháp bị bác bỏ.
Trong khi đó, nguyên văn điều khoản chưa sửa đổi là: "Cuộc trưng cầu dân ý sẽ thành công và dự thảo hiến pháp được phê chuẩn nếu đa số cử tri ở Iraq thông qua và nếu 2/3 số cử tri ở 3 tỉnh không phản đối".
"Chúng tôi đã bày tỏ sự phản đối lên Quốc hội và tới ban lãnh đạo chính phủ Iraq", trích lời Jose Aranaz, một cố vấn luật pháp của Nhóm chuyên gia bầu cử LHQ ở Iraq, khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters. Theo ông Aranaz, quyết định trên của Quốc hội Iraq là không thể chấp nhận được và không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
LHQ lên án Quốc hội Iraq đã sửa đổi luật bầu cử không đúng với chuẩn quốc tế. |
Người Sunni Ảrập ngay lập tức cũng đã có phản ứng giận giữ trước sự thay đổi trên. Họ tin rất nhiều cử tri đăng ký đi bỏ phiếu có thể đã không đến địa điểm bỏ phiếu do bạo lực.
Thực tế, người Sunni vốn cũng đã phản đối bản dự thảo hiến pháp và kêu gọi dân chúng bỏ phiếu Không vì cho rằng các điều khoản trong đó có thể sẽ dẫn đến một Iraq bị phân rẽ. Vì vậy, sự thay đổi trên lại càng gây khó cho họ khi muốn hiến pháp bị bác bỏ.
Hôm 3/10, Saleh al-Mutlaq, một nhóm Sunni có tên Đối thoại Quốc gia Iraq đã kêu gọi sự thay đổi luận bầu cử là "sự giả dối trắng trợn". "Họ muốn hiến pháp này được thông qua bất chấp nguyện vọng của người dân".
-
Thanh Hảo (Theo BBC, Al Jajeera, AP)