Pat Robertson cho rằng chính quyền Bush nên ám sát Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Nhưng hồ sơ các vụ ám sát lãnh đạo nước ngoài của Mỹ lại cho thấy, "chơi dao không khéo, có ngày đứt tay".
Chỉ riêng trong thập niên 1960, Washington đã 8 lần lên kế hoạch ám sát Chủ tịch Fidel Castro song tất cả những nỗ lực ấy chỉ đem lại thất bại. |
Ám sát các nhà lãnh đạo nước ngoài là một vũ khí quen thuộc được Washington sử dụng nhằm thay đổi những chế độ mà họ không ưa.
Năm 1960, có ý kiến trong chính quyền Kennedy rằng nên dùng chất độc để ám sát Thủ tướng Congo Patrice Lumumba. Hay như vụ ám sát nhà lãnh đạo Dominica Rafael Trujillo, Washington đã cung cấp vũ khí cho một đơn vị hành động gồm toàn người bản xứ.
Đặc biệt, nỗ lực ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong thập niên 1960 làm tiêu tốn khá nhiều "tâm lực" của chính quyền Mỹ khi ấy. Đã có tới 8 kế hoạch được vạch ra. Nhiều loại vũ khí, độc dược như xì gà tẩm thuốc độc, đạn cối và một bộ đồ lặn sát người tẩm nấm độc được bí mật giao cho các phần tử Cuba lưu vong.
Ấy vậy mà, Chủ tịch Castro vẫn sống bình yên cho tới giờ. Điều này cho thấy những kế hoạch ám sát vì mục tiêu chính trị thật "điên rồ" và chẳng hề dễ dàng.
Chơi dao có ngày "đứt tay"
Ngay sau khi Robertson đưa ra lời gợi ý Washington nên ám sát nhà lãnh đạo khó ưa H.Chavez, nhiều quan chức trong chính quyền Bush đã tỏ ra xa lánh ông.
Cái chết của Thủ tướng Lumumba đã đẩy Congo vào một cuộc nội chiến mà cho đến giờ vẫn chưa chấm dứt. |
Đương nhiên, không một chính quyền nào muốn bị bêu ra trước công chúng vì một vụ ám sát. Lịch sử các vụ ám sát chính khách nước ngoài của Mỹ trên thực tế rất dài, nhiều màu sắc và cho tới giờ vẫn gây tranh cãi.
Những gì chúng ta biết chủ yếu xuất phát từ những cuộc điều tra do một uỷ ban Thượng viện tiến hành giữa thập niên 1970. Các cuộc điều tra tập trung vào những vụ tấn công hoặc những âm mưu tấn công do Mỹ lên kế hoạch hay Mỹ hỗ trợ.
Thời kỳ này, có 5 vụ đáng chú ý diễn ra tại Congo, CH Dominica, miền Nam Việt Nam, Cuba và Chile. Tất cả đều được Uỷ ban Thượng viện kiểm tra.
Hậu quả của một số vụ đã tác động tới nền chính trị nội bộ cho tới tận ngày hôm nay.
Lấy ví dụ như Congo. Cho tới nay, nước này "đắm chìm" trong chiến tranh và tình trạng vô chính phủ đã 45 năm. Người ta hy vọng chấm dứt tình trạng này vào năm tới nếu bầu cử diễn ra theo đúng kế hoạch. Đó sẽ là cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên kể từ khi ông Lumumba được bầu làm Thủ tướng Congo năm 1960 - thời điểm Congo thoát khỏi sự thống trị của Bỉ.
Trở lại ngày ấy, cả Mỹ, Bỉ và nhiều phe phái tại Congo đã cùng tham gia vào "cuộc đua" ám sát Lumumba. CIA đã phái một điệp viên mang theo lọ chất độc không tên tới Congo.
Cùng thời điểm này, một chỉ huy quân đội Congo có tên Mobutu Sese Seko và nhiều người khác đã lập ra một kế hoạch bắt cóc và sát hại Lumumba. Họ đã thành công - Lumumba bị đánh cho tới chết. Điệp viên của CIA sau đó đã phải đổ lọ độc dược xuống Sông Congo.
Tương tự như vậy, tại Chile, vụ ám sát xảy ra từ lâu nhưng vẫn còn ám ảnh hiện tại khi nước này phải gặm nhấm di sản của chế độ độc tài Augusto Pinochet.
Hồi đó, CIA đã ủng hộ một âm mưu làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Salvador Allende bằng cách bắt cóc một trong số các tướng lĩnh của ông. Khi ấy, nhiều người tin rằng việc loại trừ Tướng Rene Schneider sẽ mở đường cho một cuộc đảo chính lật đổ Allende. CIA đã cung cấp vũ khí cho một nhóm bất đồng chính kiến Chile để họ trung lập hoá Tướng Schneider. Nhưng cuối cùng, vào năm 1970, Schneider bị giết chết. Ba năm sau, Pinochet đã lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Allende - một động thái được Mỹ hậu thuẫn tận tình.
Từng là con bài trong tay Washington, số phận của Diệm đã sớm kết thúc khi cục diện miền Nam rơi vào thế bất lợi cho Mỹ. |
Ngày 2/11/1963, chỉ 3 tuần trước khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát, Ngô Đình Diệm bị giết chết trong một cuộc đảo chính. Các dữ liệu lịch sử cho thấy Mỹ đã hậu thuẫn nhóm tướng lĩnh âm mưu lật đổ Diệm với hy vọng thay đổi cục diện ở miền Nam Việt Nam. Nhưng cuối cùng, nỗ lực ấy chẳng thay đổi được tất yếu của lịch sử - dân tộc Việt Nam vẫn chiến thắng.
Khi tất cả những hành động mờ ám này được đem ra ánh sáng thập niên 1970, Tổng thống Mỹ khi ấy là Gerald Ford đã ra một sắc lệnh cấm các vụ ám sát vì động cơ chính trị. Nhưng đến năm 1986, Mỹ lại đánh bom các mục tiêu ở quốc gia Bắc Phi Lybia, nơi ở của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Vụ này xảy ra sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào một câu lạc bộ đêm tại Berlin, nơi lính Mỹ thường xuyên đến giải trí.
Bước sang thập niên 1990, Tổng thống Bill Clinton đã cho phép CIA truy sát Osama Bin Laden. Khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, chúng ta có thể nhớ lại rõ ràng, Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào hầm trú ẩn của Saddam Hussein và các con trai. Căn hầm có thể đã bị trúng bom. Đó cũng chính là điểm khởi đầu của cuộc chiến mà cho tới giờ Mỹ vẫn chưa thể rút chân ra.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)