Từ 2004, Trung Quốc đã chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm mới, theo bài báo "Tư duy mới của lãnh đạo TQ đối với sự phát triển trong tương lai" của chuyên gia về Đường Văn Thành, đăng trên tạp chí Kính Báo tháng 8-2005.
Phố Đông - Thượng Hải, điển hình của phát triển kinh tế Trung Quốc |
Chỉ trong một ngày cuối tháng 6-2005, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã liên tiếp triệu tập hai hội nghị quan trọng. Theo tiết lộ của giới thạo tin ở Bắc Kinh, hai hội nghị nêu trên đều có liên quan tới việc "Qui hoạch năm năm lần thứ 11" và chiến lược phát triển trung và dài hạn của Trung Quốc.
4 nhân tố kiềm chế phát triển
Trong vòng năm năm tới, rất có khả năng sẽ là thời kỳ tập trung bùng phát các loại mâu thuẫn kinh tế - xã hội vốn đã được tích tụ trong suốt một thời kỳ phát triển lâu dài của Trung Quốc, trong đó có bốn nhân tố kiềm chế quá trình phát triển của Trung Quốc rất đáng được quan tâm là:
Vấn đề đất đai. Tài nguyên đất canh tác tính theo đầu người ở Trung Quốc rất thấp, hơn nữa do thời kỳ tăng tốc của tiến trình công nghiệp hóa, nên cung ứng đất đai không đủ và luôn là một mâu thuẫn tiềm tàng ở nước này.
Vấn đề cung ứng năng lượng và tài nguyên khoáng sản. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc chỉ vào khoảng 1,8%, trong khi tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ dầu mỏ lại luôn duy trì một cách ổn định ở mức trên 6%.
Vấn đề đầu tư. Chu kỳ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lần này chủ yếu là do sự tác động của nhân tố đầu tư. Năm 2004, tỉ trọng đầu tư trong GDP đã tăng đến mức 51,3%. Dự báo năm 2005 con số này có thể sẽ vượt qua mức 53%.
Tỉ trọng đầu tư trong GDP cao như vậy là vấn đề chưa từng xuất hiện ở các nước phát triển, ngay cả ở Nhật Bản và "bốn con rồng châu Á". Theo "Qui hoạch năm năm lần thứ 11", Trung Quốc sẽ lại chào đón một cao trào đầu tư mới.
Cải cách thể chế chính trị Cùng với việc trù tính và qui hoạch phát triển kinh tế xã hội trong tương lai, lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc gần đây đã tiến hành nghiên cứu thảo luận xung quanh vấn đề xây dựng nền văn minh chính trị trong thời kỳ "Qui hoạch năm năm lần thứ 11", đồng thời xác định đây cũng là bước chuẩn bị cho Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007. Phát triển dân chủ trong đảng vẫn là một chủ đề quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay. Hơn nữa vấn đề cải cách chế độ bầu cử trong hệ thống quốc hội, hệ thống đảng; tăng cường tác dụng tham dự chính trị của quốc hội và của đảng; tiếp tục tiến hành cải cách thể chế chính trị để thúc đẩy xây dựng chính phủ và nền tài chính theo kiểu dịch vụ cũng đang trở thành chủ đề mới trong cải cách thể chế chính trị mà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Một số nhân sĩ trong chính giới Bắc Kinh tiết lộ thời kỳ "Qui hoạch năm năm lần thứ 11" là thời kỳ quan trọng của Trung Quốc trong quá trình phát triển từ một xã hội no ấm sang xã hội khá giả, từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp. Các lĩnh vực công cộng như thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phân phối thu nhập, điều hòa các mối quan hệ về lợi ích trong xã hội, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm, hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội, đưa ra môi trường pháp chế xã hội tốt đẹp, sẽ có sự thay đổi chưa từng có. Tiến trình dựa vào xây dựng chính phủ theo kiểu dịch vụ công là mục tiêu sẽ thúc đẩy toàn cục phát triển kinh tế xã hội. |
Lúc đó, trong điều kiện của một nền kinh tế thị trường liệu Trung Quốc có phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thừa?
Xuất khẩu và rủi ro của đồng đôla Mỹ. Động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là xuất khẩu, trong khi tăng trưởng cao về xuất khẩu lại có liên quan tới con số thặng dư mậu dịch Trung - Mỹ liên tục mở rộng.
Tính đến nay, thâm hụt mậu dịch của Mỹ đã duy trì liên tục trong suốt hơn 20 năm qua, tỉ trọng của ngành chế tạo trong GDP của Mỹ đã từ gần 30% ở thời kỳ đầu thập niên 1980 đã giảm xuống còn 13% vào năm 2004.
Do ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ đang nhanh chóng bị thu hẹp hoặc chuyển ra hải ngoại, nên khả năng xuất hiện sự biến động lớn của đồng đôla Mỹ cũng không phải là nhỏ.
Từ tình hình trên có thể phán đoán rằng khả năng đồng đôla Mỹ xuất hiện khủng hoảng trong thời kỳ "Qui hoạch năm năm lần thứ 11" của Trung Quốc là tương đối lớn. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ mất đi một động lực thúc đẩy quan trọng.
Đột phá 6 trọng điểm
Sáu trọng điểm lớn trong dự thảo "Qui hoạch năm năm lần thứ 11" đã được trình lên trung ương và các cơ quan liên quan là:
1/ Tích cực thúc đẩy thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế, thực hiện chuyển đổi phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư, xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng sang dựa vào tiêu dùng và đầu tư, nội nhu và ngoại nhu cùng thúc đẩy tăng trưởng; từ chủ yếu dựa vào công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng sang công nghiệp và ngành nghề dịch vụ cùng thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời dựa vào tài nguyên nguồn nhân lực và sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật.
2/ Điều chỉnh ưu việt hóa kết cấu ngành nghề. Chuyển tình hình kết cấu ngành nghề của Trung Quốc nặng về hình thức, tiêu hao năng lượng cao thành kết cấu ngành nghề dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật và sáng tạo, tiêu hao năng lượng thấp, hiệu quả cao, có nhiều cơ hội mở rộng việc làm và có thể tái sử dụng tài nguyên.
3/ Giải quyết vấn đề "tam nông". Thông qua các phương thức như bản thân ngành nông nghiệp tăng cường sản xuất, mở rộng thu nhập của nông dân, tăng cường chi phí chuyển dịch tài chính đối với nông nghiệp, nâng cao trình độ dịch vụ công cộng cơ bản ở nông thôn. Từng bước thực hiện công nghiệp trợ giúp nông nghiệp và thành thị ủng hộ nông thôn.
4/ Thúc đẩy phát triển lành mạnh thành thị hóa.
5/ Thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các khu vực, theo tổng thể: "phát triển miền Tây, chấn hưng Đông Bắc, miền Trung trỗi dậy, miền Đông đi đầu".
6/ Tăng cường xây dựng xã hội hài hòa. Coi công tác giải quyết bất công xã hội, thực hiện công bằng xã hội, nâng cao mức độ xã hội cùng hưởng thành quả phát triển là điểm xuất phát, là trọng điểm trong việc biên chế và thực hiện “Qui hoạch năm năm lần thứ 11”.
TTXVN