Anh Avi Farhan, một người định cư Do Thái, không muốn phải dời bỏ ngôi nhà thân yêu của mình trước khi quân đội Israel rút khỏi Gaza vào tháng sau, và cách duy nhất anh có thể thực hiện là tìm cách trở thành công dân Palestine.
Khu định cư Do Thái tại Gaza. |
"Tôi đã gặp một vài người dân Palestine và bày tỏ thiện ý muốn hoà bình với họ bằng cách trở thành công dân Palestine", Farhan nói với phóng viên Reuters, "Đây thực sự là một quyết định khó khăn khi phải từ bỏ quyền công dân Israel, nhưng hơn tất cả tôi muốn ở lại với mảnh đất này".
Một quan chức Palestine chính là người đã gợi ý với Farhan về điều này. Farhan có thể sẽ được cho phép ở lại Gaza, ngôi nhà mới của 1,4 triệu người dân Palestine, với điều kiện anh phải tuân thủ luật pháp Palestine. Trên thực tế thì bất cứ lá đơn đề nghị nào cũng sẽ được chính quyền Palestine xem xét công bằng giống như mọi người khác.
Người định cư Do Thái cũng rất mong đợi vào hoà bình. |
Farhan là một người Do Thái gốc Lybia, anh đã phải dời bỏ Tripoli lúc mới lên 3 tuổi bởi cuộc chiến tranh diễn ra vào năm 1948 do Israel tiến hành. Farhan cũng là một trong nhiều người định cư Do Thái thành lập khu định cư Elei Sinai sau khi bị buộc phải rời khỏi khu định cư Sinai vào năm 1982. Giống như khu Bờ Tây và Gaza, quân đội Israel đã nắm quyền kiểm soát vùng đất Sinai sau cuộc chiến vào năm 1967, tuy nhiên sau đó nước này đã đồng ý trao trả lại vùng đất trên cho Ai cập theo một thoả thuận hoà bình.
"Chính quyền Israel đã cảnh báo với tôi về tình hình an ninh bất ổn nếu tôi quyết định ở lại, tất nhiên tôi cũng rất lo lắng về điều này", anh Farhan tâm sự. Có những quan chức Israel đã cho rằng hành động trên của Farhan như một "mánh lới quảng cáo" để những người định cư khác cứu vãn ngôi nhà của họ. "Chắc chắn sẽ có những rủi ro về an ninh đối với người định cư Do Thái, điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội Israel không có mặt", một quan chức Israel cảnh báo.
Tuy nhiên chính quyền Palestine lại bày tỏ sự hoan nghênh đối với những người Israel muốn ở lại bởi họ coi đây như một cơ hội để 2 dân tộc tiến hành hoá giải hận thù. "Không giống như người Do Thái luôn có thái độ chia rẽ về tôn giáo, người dân Palestine luôn hoan nghênh đối với những người Israel có thiện ý hoà bình". Một quan chức Palestine nói.
(Việt Phương - Theo Reuters)