221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
657466
Chiến dịch "bàn tay sắt" chống tham nhũng tại Indonesia
1
Article
null
Chiến dịch 'bàn tay sắt' chống tham nhũng tại Indonesia
,

Ngay sau khi Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nhậm chức, người ta vẫn còn nghi ngờ liệu ông có thật sự đủ khả năng đánh bật nạn tham nhũng đang hoành hành trên đất nước Indonesia.

Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

Ông đã làm, làm thật mạnh, như cốt cách nhà binh, đánh ngay vào những cái "ổ" tham nhũng cấp cao nhất. Những kết quả bước đầu được dân tin tưởng và những kẻ tham nhũng ắt phải chùn tay.

Cuối tháng năm, các nhà điều tra thuộc Ủy ban chống tham nhũng Indonesia (KPK) cho bắt giữ giám đốc Ủy ban bầu cử Nazaruddin Sjamsuddin, người từ trước đến nay vẫn là một nhân vật được nể trọng.

Ba quan chức cao cấp khác thuộc ủy ban này cũng đang bị tình nghi. Vụ việc xoay quanh khoản tiền 2,47 triệu USD được các công ty chi cho một số nhân vật của Ủy ban bầu cử sau khi các công ty này thắng thầu trong các dự án chuẩn bị cho cuộc bầu cử hồi năm 2004.

Bộ trưởng cũng bị điều tra

Cùng thời gian này, Tổng thống Yudhoyono cho các nhà điều tra quyền thẩm vấn Bộ trưởng Tư pháp Hamid Awaluddin để phục vụ cuộc điều tra. Ông Awaluddin từng là một nhân vật quan trọng của ủy ban này trong khoảng thời gian xảy ra xìcăngđan tham nhũng.

KPK có thể sẽ buộc ông Awaluddin tạm ngưng công việc nếu tuyên bố ông là nghi phạm. Sự kiện Sjamsuddin và Awaluddin diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Tư pháp ra lệnh bắt giám đốc điều hành ngân hàng lớn nhất Indonesia Mandiri (ảnh 2) trong một cuộc điều tra tham nhũng khác.

Cuộc điều tra tham nhũng đối với Ủy ban bầu cử gây chấn động dư luận Indonesia vì các nghi phạm đều là những người được nể trọng, trong đó có nhiều học giả. Đáng lưu ý là Ủy ban bầu cử đã được khen ngợi vì đã tổ chức thành công loạt bầu cử quốc hội và tổng thống khá phức tạp năm ngoái.

"Đó là một cú đấm dành cho giới học giả. Nó cho thấy tham nhũng không phân biệt ai ở Indonesia" - ông Eep Saefulloh Fatah, Viện Nghiên cứu Indonesia, nhận xét.

"Các quan chức chính phủ, viên chức ngân hàng, các doanh nhân... đang phải rất đắn đo khi có ý định tham nhũng", giám đốc Tổ chức Giám sát tham nhũng Indonesia Teten Masduki phát biểu.

"Vụ điều tra Ủy ban bầu cử đang có một ảnh hưởng mạnh lên dư luận, làm nản lòng những quan tham và hi vọng sẽ tạo một tiền lệ khả quan để chấm dứt quốc nạn này", ông Masduki nói thêm.

Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 10-2004, Tổng thống Yudhoyono đã thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trên toàn quốc, bắt đầu từ những cơ quan đầu não cao nhất là phủ tổng thống, phó tổng thống, nội các, văn phòng quốc vụ và các bộ, ủy ban nhà nước.

Dư luận Indonesia nói sau khi (cựu) tổng thống Suharto bị hạ bệ sau 32 năm nắm quyền, phủ tổng thống đã ba lần thay đổi chủ (với các tổng thống Habibie, Wahid và Megawati), văn phòng quốc vụ cũng tiến hành thay đổi nhân sự, nhưng các quan chức nòng cốt của các cơ quan này hầu như không thay đổi.

Vì vậy tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục lộng hành. Tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá Indonesia là một trong những nước tham nhũng nhiều nhất thế giới.

4.000 đơn tố cáo từ dân

Tổng thống Yudhoyono đã cho thành lập KPK với 48 thành viên thuộc cảnh sát, kiểm sát, Cục Giám sát tài chính và giám sát xây dựng với nhiều quyền lực. Kể từ khi được thành lập, KPK đã tiếp nhận khoảng 4.000 tố cáo của người dân về những trường hợp tham nhũng.

"Biện pháp 8 điểm chống tham nhũng" của Indonesia

1- Tiến hành điều tra và kiểm toán từ phủ tổng thống, phủ phó tổng thống, văn phòng nội các và ban thư ký quốc vụ.

2- Giám sát tất cả công tác mua sắm vật chất, chi tiêu của tất cả các bộ và ủy ban nhà nước.

3- Ngăn chặn tình trạng tham ô khi tiến hành xây dựng các công trình tái thiết ở Aceh sau thảm họa sóng thần.

4- Ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng nảy sinh trong công tác xây dựng cơ bản năm năm tới.

5- Tiến hành điều tra tình trạng tham nhũng ở các bộ, ủy ban nhà nước và các xí nghiệp quốc doanh.

6- Truy nã 12 tội phạm quan trọng hiện đang lẩn trốn ở nước ngoài.

7- Tăng cường cuộc đấu tranh chống nạn khai thác, chặt phá rừng phi pháp.

8- Tăng cường điều tra đối với những kẻ bị tình nghi trốn lậu thuế.

KPK có quyền nêu tên những người bị tình nghi, ra lệnh bắt giữ, tiếp nhận những hồ sơ điều tra từ cảnh sát và cùng làm việc với một tòa án đặc biệt được lập ra nhằm đẩy nhanh qui trình xét xử các vụ tham nhũng nhạy cảm.

Ngoài ra còn có ba người làm cố vấn cho tổng thống: tổng trưởng Nha Cảnh sát quốc gia, viện trưởng Viện Kiểm sát, cục trưởng Cục Giám sát tài chính và xây dựng.

Nhiệm vụ của KPK gồm: trinh sát, điều tra và khởi tố hình sự đối với hành vi tham nhũng; truy nã và tiến hành bắt giam, đồng thời niêm phong tài sản của những đối tượng bị bắt, đảm bảo tài sản của nhà nước không bị thất thoát.

Hơn một tháng trước, tòa án chống tham nhũng Indonesia ra phán quyết đầu tiên: phạt thống đốc tỉnh Aceh Abdullah Puteh 10 năm tù vì đã "xơ múi" trong vụ mua một chiếc trực thăng năm 2001. Đây là kết quả một cuộc điều tra do KPK tiến hành.

Dường như Tổng thống Yudhoyono đã tiếp đủ sức mạnh và nâng cao tinh thần cho KPK vì không có quan chức nào bị đồn đại hay điều tra có mối quan hệ với ông hoặc là thành viên trong gia đình ông. "Lần này sẽ thật sự thay đổi.

Ông Yudhoyono đang cho thấy điều đó bằng cách bắt những con cá lớn mắc tội tham nhũng - tài xế tên Acie ở Jakarta tỏ ra tự tin - Từ nay, những kẻ xấu, tốt hơn nên cẩn trọng".

Bà Emmy Hafild, tổng thư ký Tổ chức Minh bạch quốc tế Indonesia, khẳng định KPK là "một hiện tượng mới, thật đáng khích lệ khi có một tổ chức săn lùng tham nhũng".

Tuy vậy, bà Emmy nhận định vẫn còn nhiều trở ngại lớn và trước mắt cần có sự thay đổi tận gốc các cơ quan chính phủ. "Cuộc chiến chống tham nhũng không chỉ là việc thực hiện pháp luật. Nó cũng cần có những giải pháp ngăn ngừa".

Chuyên gia người Úc Merle Ricklefs cho rằng mức lương của các quan chức Indonesia quá thấp nên họ khó mà "mãi luôn trong sạch".

Trên tờ The Straits Times, ông viết: "Tình hình (tham nhũng) ở Indonesia nghiêm trọng đến nỗi nó là vấn đề có tính cốt lõi cho đất nước này. Tiến sĩ Yudhoyono không thể chỉ đơn giản ra lệnh cấm tham nhũng và sau đó ngồi xem nó có hiệu lực trên toàn bộ đất nước rộng lớn của ông".

Số các quan chức bị bắt giữ vẫn còn khá ít và những người chỉ trích cho rằng mặc dù có sự thay đổi về quan điểm chống tham nhũng song họ vẫn chưa được thuyết phục chừng nào chưa có thêm nhiều quan tham phải cho tay vào còng.

(TT, Theo Jakarta Post, TTXVN, Straits Times)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,