221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
627396
Thâm hụt thương mại Mỹ: "Đừng đổ lỗi cho đồng NDT"
1
Article
null
Thâm hụt thương mại Mỹ: 'Đừng đổ lỗi cho đồng NDT'
,

Gần đây, một số Thượng Nghị sĩ Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc vì thâm hụt thương mại của Mỹ lại tăng cao năm ngoái và đề xuất áp đặt mức thuế quan 27,5% đối với mọi hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc nếu nước này không tăng tỉ giá hối đoán đồng NDT. Họ tin rằng nếu Trung Quốc nâng giá đồng tiền, vấn đề thâm hụt của Mỹ sẽ được giải quyết. Trung Quốc nghĩ gì về điều này?

Công nhân tại Nhà máy dệt có vốn đầu tư nước ngoài ở Ninh Ba, Trung Quốc đang miệt mài lao động.

Đối với Trung Quốc, cáo buộc của các TNS Mỹ là vô lý và không công bằng.

Mỹ cho rằng Trung Quốc xuất khẩu quá nhiều hàng sang Mỹ. Theo các nhà kinh tế Trung Quốc, điều này không đúng. Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy từ năm 1994, Canada là nhà xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ. Năm 2004, tổng giá trị hàng hoá Canada xuất sang Mỹ lên tới 256 tỉ USD, cao hơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc 30%. Trước năm 2003, các nước xuất khẩu lớn thứ hai và ba vào Mỹ là Nhật Bản và Mexico. Chỉ đến năm 2003, Trung Quốc mới trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai sang Mỹ. Lý do khoảng cách thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lớn như vậy là vì lượng hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc ít hơn nhiều so với số lượng Mỹ xuất sang Canada, Mexico và Nhật.

Chính phủ Trung Quốc không hề thao túng tỉ giá hối đoái đồng NDT nhằm hạn chế hàng nhập khẩu từ các nước khác trong đó có Mỹ. Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, nước này đã đạt thặng dư thương mại khoảng 32 tỉ USD năm 2004. Đối chiếu con số này với số liệu thống kê thương mại của Mỹ cho thấy Trung Quốc bị thâm hụt thương mại tới 130 tỉ USD với các nước còn lại trên thế giới. Năm 2004, số lượng hàng nhập khẩu từ châu Á chiếm khoảng 66% tổng số hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong khi hàng nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm 8% tổng số. Trung Quốc chịu thâm hụt thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN. Cộng cả thâm hụt thương mại với Đài Loan, tổng giá trị thâm hụt thương mại của Trung Quốc lên tới khoảng 127 tỉ USD.

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa năm 1978 và bắt đầu chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá sang kinh tế thị trường, ngày càng có nhiều đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào nước này. Điều kiện xuất, nhập khẩu của Trung Quốc cũng đã thay đổi nhiều. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc từ lâu trở thành bánh xe chính trong guồng quay xuất nhập khẩu. Năm 2004, lượng hàng xuất khẩu và nhập khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc.

Luồng vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc phần lớn đến từ các thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài muốn dùng tiền của họ tại đây không chỉ vì lý do thị trường Trung Quốc phát triển nhanh với 1,3 tỉ người tiêu thụ mà còn nhằm vào giá nhân công rẻ.

Trung Quốc là một thị trường lớn với 1,3 tỉ người tiêu dùng.

Trung Quốc là nước có thu nhập bình quân vào loại trung bình thấp. Tổng sản phẩm quốc nội trên mỗi đầu người vượt quá 1.000 USD năm 2004. Mức lương trung bình tính theo giờ của các công nhân thành thị chỉ bằng khoảng 1,47% USD mức của Mỹ; chi phí lao động theo giờ chỉ vào khoảng 2 USD, chưa bằng 10% của Mỹ. Đa số người Trung Quốc vẫn sống ở các vùng nông thôn, cung cấp một nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp.

Chi phí lao động thấp đã khiến các nước và vùng lãnh thổ châu Á nhất là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chuyển dịch ồ ạt phương tiện sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng lợi thế này. Trước đây, họ sản xuất tại nước họ và xuất khẩu sang Mỹ. Giờ đây họ chuyển nhà máy tới Trung Quốc đại lục. Đầu iên là các ngành công nghiệp xuất khẩu đòi hỏi nhiều lao động. Dần dần về sau, các ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao như sản xuất máy tính xách tay, ổ cứng vi tính và chip cũng được dời sang Trung Quốc.

Chính vì lý do này, Trung Quốc ngày càng trở nên hội nhập hơn vào guồng máy sản xuất và cung ứng toàn cầu. Ngày càng có nhiều hàng điện tử mang thương hiệu Nhật Bản hay Hàn Quốc được bán sang thị trường Mỹ với mác "Made in China". Những xu hướng này hiển nhiên liên quan tới sự dịch chuyển dây chuyền sản xuất hướng ra xuất khẩu từ các nền kinh tế hàng đầu châu Á sang Trung Quốc.

Trung Quốc cần nhập khẩu nhiều nhiên liệu, thiết bị và công cụ máy móc thô nhằm phục vụ cho mục đích xuất khẩu và cung ứng cho thị trường nội địa. Song nguồn nhập khẩu chính của nước này là từ châu Á mà không phải Mỹ. Năm 2003, hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đạt 116 tỉ USD, chiếm hơn 1/2 tổng giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc Đại lục trong khi hàng nhập khẩu từ Mỹ chỉ chiếm 7,5% tổng số.

Có vài lý do giải thích tại sao các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc lại thích nhập khẩu từ châu Á hơn nhập từ Mỹ.

Thứ nhất, một lượng lớn hàng nhập khẩu Trung Quốc liên quan tới hoạt động lắp ráp và chế biến của các công ty có vốn nước ngoài tại đây. Việc sản xuất các thiết bị chính cần thiết cho dây chuyền lắp ráp lại nằm ở "chính quốc". Do vậy, khi dây chuyền lắp ráp hoạt động, họ cần thường xuyên nhập khẩu từ các công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài tại Trung Quốc và những công ty mẹ này phần lớn lại nằm ở châu Á.

Thứ hai, nhiều công ty, nhất là chi nhánh của tập đoàn Nhật Bản hay Hàn Quốc tại Trung Quốc thường mua hàng hoá từ các công ty khác cũng thuộc tập đoàn (ví dụ như từ công ty mẹ hay các chi nhánh khác thuộc công ty mẹ) đặt tại chính quốc.

Thứ ba, vì Nhật và Hàn Quốc, các nước ASEAN là láng giềng của Trung Quốc, họ có lợi thế về chi phí vận chuyển so với các công ty Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thứ tư, hàng hoá có chất lượng từ châu Á thường rẻ hơn so với các hàng hoá cùng loại nhập từ Mỹ do chi phí lao động thấp hơn. Ví dụ năm 2003, mức lương bình quân theo giờ của các công nhân tại Hàng Quốc bằng khoảng 47% mức của các công nhân Mỹ.

Thứ năm, Trung Quốc hiện là một nhà nhập khẩu công nghệ cao tầm cỡ và nhiều sản phẩm công nghệ cao chỉ có thể được sản xuất tại Mỹ. Theo các số lượng thống kê của Mỹ, năm 2003, Trung Quốc nhập máy bay, lò phản ứng hạt nhân, máy móc và thiết bị khác từ Mỹ với tổng giá trị lên tới 10,6 tỉ USD, chiếm 40% tổng giá trị hàng hoá Trung Quốc nhập từ Mỹ. Các sản phẩm công nghệ cao là một lĩnh vực mà nhà sản xuất Mỹ có thế mạnh tương đối. Song lợi thế này đang bị suy yếu do một vài chính sách của Mỹ, nhất là cách kiểm soát cứng nhắc hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Một phần vì lý do này, năm 2003, mặt hàng công nghệ cao Mỹ xuất sang Trung Quốc chiếm 10% tổng số sản phẩm công nghệ cao Trung Quốc nhập từ nước ngoài.

Mặt hàng dệt may của Trung Quốc hiện đang chiếm thị phần lớn tại các nước châu Âu và Mỹ.

Như vậy, lời kết đã khá rõ ràng. Lý do Mỹ bị thâm hụt thương mại trong buôn bán với Trung Quốc không phải do tỉ giá hối đoái của đồng NDT. Vấn đề ở đây là những chính sách của Mỹ đã khiến các nhà xuất khẩu nước này mất đi lợi thế tương đối so với các nhà xuất khẩu khác. Nếu Mỹ thực sự muốn cạnh tranh trên một sân chơi công bằng và mở cửa, họ nên xem xét lại chính sách của mình, đặc biệt là chính sách thương mại lệch lạc với Trung Quốc, hơn là chỉ tìm cách biến Trung Quốc thành "kẻ giơ đầu chịu báng". Áp đặt thuế quan lên tất cả các mặt hàng Trung Quốc sẽ chỉ gây tổn hại tới lợi ích của cả hai nước.

  • Tân Huyền - (Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,