Trong cuộc họp tại Texas, Tổng thống Mỹ Bush đã nói với Thủ tướng Israel rằng nước này phải ngừng việc mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và rút khỏi Gaza. Lời cảnh báo ấy lại diễn ra đúng vào lúc quan hệ giữa Israel và Palestine đang vô cùng căng thẳng, thậm chí ngay trong nội bộ Israel cũng có những bất đồng sâu sắc.
Thủ tướng Sharon và Tổng thống Bush tại Crawford. |
Đằng sau những cử chỉ thân mật
George W. Bush đã giang rộng vòng tay đón mừng Ariel Sharon tới trang trại riêng Crawford, bang Texas hôm 11/4. Cuộc đàm thoại giữa hai nhà lãnh đạo xem chừng có vẻ thân mật dù người ta vẫn đồn đại hai ông chẳng hề ưa nhau. Trong cuộc hội thoại, ông Bush đã nói ông mong được đưa ông Sharon đi thăm vòng quanh trang trại. Đáp lại, nhà lãnh đạo Israel mời Tổng thống Mỹ tới thăm trang trại riêng của ông tại Israel. Thế nhưng, mọi chuyện đâu chỉ đơn giản dừng lại ở đó, bởi lẽ cuộc nói chuyện này diễn ra đúng vào lúc căng thẳng đang leo thang.
Người Israel và người Palestine một lần nữa lại "hằm hè" với nhau bất chấp một thoả thuận ngừng bắn mang tính tượng trưng. Hôm 9/4 vừa qua, quân đội Israel đã giết chết 3 thiếu niên Palestine. Nhằm trả đũa hành động này, người Palestine đã bắn rocket vào các khu định cư Do Thái tại Dải Gaza. Chắc chắn tại cuộc họp Texas, ông Sharon đã nói với ông Bush rằng nếu Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas không thể hoặc không đàn áp các tay súng vũ trang, Israel sẽ buộc phải hành động như vậy.
Lo sợ những nỗ lực nhằm hoà bình từ sau cái chết của Yasser Arafat có thể sẽ như "muối bỏ biển", ông Bush dường như tích cực xây dựng cho mình hình ảnh một nhà trung gian trung thực. Ông phê bình Thủ tướng Israel vì việc mở rộng các khu định cư Do Thái trên những vùng lãnh thổ Palestine đồng thời cho rằng Israel không nên làm gì vi phạm tới cái gọi là "lộ trình hoà bình Trung Đông". Hiện tại, ông Sharon đang lên kế hoạch dỡ bỏ toàn bộ các khu định cư của Israel tại Dải Gaza song dường như ông muốn thắt chặt gọng kìm của nhà nước Do Thái tại khu vực Bờ Tây.
Có lẽ thực tế không hoàn toàn giống như dự định. Dù ông Sharon tìm cách sơ tán các khu định cư tại Bờ Tây, thì những khu định cư khác lại tiếp tục mọc lên và hàng rào an ninh mà Israel đang xây dựng tiếp tục lấn vào vùng đất của người Palestine. Làm người Palestine phẫn nộ có nghĩa là làm suy yếu ông Abbas - người đang cần phải chứng tỏ những gì mà Palestine có được nếu muốn giành quyền kiểm soát các tay súng vũ trang theo nguyện vọng của ông Bush và ông Sharon. Chính vì lẽ đó, ông Bush đã phải lên tiếng chỉ cho Israel thấy "sự cần thiết" khi hợp tác với giới lãnh đạo Palestine để cải thiện cuộc sống hàng ngày của người Palestine.
Ông Sharon hứa chỉ dỡ bỏ những khu định cư bất hợp pháp nằm ở vùng ranh giới hai bên. Các khu định cư này thường được các nhóm theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái dựng lên mà không được phép của chính phủ. Song đó không phải vấn đề gây bận tâm mà chính sự gia tăng ngày càng mạnh của các khu định cư hợp pháp, đặc biệt là tại những vùng xung quanh Đông Jerusalem nơi có đông người Palestine sinh sống mới là điều khiến ông Bush lo ngại. Bản "lộ trình hoà bình" mà Mỹ vạch ra cho thấy Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Nhưng chính phủ Israel lại công bố các kế hoạch mở rộng Maale Adumim, một khu dịnh cư Do Thái ở gần đó đồng thời đề xuất dựng hàng rào an ninh xung quanh khu này. Nghiễm nhiên hành động đó sẽ cô lập Đông Jerusalem với phần còn lại của khu Bờ Tây.
Năm ngoái, ông Bush đã khiến Thủ tướng Israel hài lòng trong khi làm người Palestine một phen hoảng hốt khi tuyên bố rằng một số vùng thuộc khu Bờ Tây có thể sẽ trở thành lãnh thổ của Israel trong bất kì thoả thuận cuối cùng nào. Nhưng giờ đây, ông lại nói với nhà lãnh đạo Israel rằng những vùng đất đó không được phép mở rộng hơn nữa.
Kẻ thù từ chính đồng bào
Cái khó đối với Sharon là ở chỗ, cũng giống như Abbas, ông chịu sức ép của các phần tử cực đoan trong nước. Những người Israel hữu khuynh thường tuyên bố không một phần nào thuộc Dải Gaza hay Bờ Tây được phép trao cho người Palestine. Hôm 13/4 vừa qua, họ đã tụ tập tại trung tâm của cuộc xung đột - ngọn đồi ở Jerusalem, nơi người Do Thái sùng kính gọi là Đền Núi còn người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif. Nhà chức trách Israel đã phải vất vả trấn áp họ đồng thời tuyên bố sẽ cấm đàn ông Do Thái và Hồi giáo dưới 40 tuổi đến nơi này.
Đa số người Israel ủng hộ kế hoạch rút khỏi Gaza của ông Sharon. Song một số ít phản đối lại chính là những nhân vật rất kiên định. Hôm 15/4 vừa qua, người chống đối đã đóng cửa 167 ngôi trường xung quanh Tel Aviv nhằm gây rối đời sống thường nhật của người dân trong thời kỳ sắp diễn ra chiến dịch rời khỏi Gaza.
Ngoài ra, Sharon cũng phải ép đảng Likud hữu khuynh của ông thông qua kế hoạch này. Ông còn phải tìm cách giành được sự ủng hộ từ các đảng khác trong Nghị viện vì Likud hiện đang điều hành một chính phủ thiểu số chỉ với 40 trong tổng số 120 ghế.
Tất nhiên, bạo lực từ phía người Palestine có thể biến mọi nỗ lực hoà bình thành vô hiệu. Nhưng ông Sharon cảm thấy một mối đe doạ đang tới gần. Ông đã khiến dư luận chú ý khi tuyên bố rằng bầu không khí tại Israel "giống như đêm trước của cuộc nội chiến". Lực lượng an ninh Israel đã coi những đe doạ lấy mạng Thủ tướng là nghiêm túc. Hôm 15/4, họ bắt giam một phần tử dân tộc cực đoan với lý do người này gây nguy hiểm cho an ninh. Tuy nhiên, ông Sharon cũng tỏ ra lạc quan về người Palestine và cho rằng có thể tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột này khi Arafat đã ra đi. Hai tuyên bố trái ngược trên cho thấy với sự ra đi của cố Tổng thống Palestine, giờ đây, Ariel Sharon nghĩ rằng kẻ thù đáng gờm nhất của ông nằm trong số những người đồng bào Do Thái của ông.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)