Một tháng sau ngày bầu cử 30/1 lịch sử, các cuộc thương lượng phân chia quyền lực ở Iraq vẫn chưa ngã ngũ với những bất đồng xung quanh các vấn đề nóng như lãnh thổ, vai trò của tôn giáo hoặc thành phần dân tộc trong bộ máy chính trị...
Ứng viên người Shiite Ibrahim al-Jaafari (trái) thương lượng với lãnh đạo người Kurd Massoud Barzani. |
Thể chế nào cho nhà nước Iraq?
Quốc hội mới được bầu vẫn chưa biết bắt đầu soạn thảo Hiến pháp ra sao, một khi thể chế nhà nước tương lai chưa nghiêng hẳn về lựa chọn nào. Người thì muốn xây dựng một nhà nước theo hướng mô phỏng lại bộ máy chính quyền Mỹ, người lại muốn có một nhà nước Hồi giáo truyền thống ở sa mạc Ảrập, nơi đạo Hồi đứng trên mọi quy định pháp luật - một nhà nước Hồi giáo kiểu Iran...
Người Shiite, được sự ủng hộ đắc lực của Mỹ từ trước, trong và sau cuộc bầu cử, đã tỏ ý xây dựng đất nước dân chủ theo con đường Mỹ cố vấn. Trong khi đó, cả người Sunni lẫn người Kurd đều yêu cầu phải duy trì yếu tố đạo Hồi trong việc hoạch định chính sách và quản lý đất nước trong tương lai.
Sắc tộc - vấn đề cũ chưa có giải pháp mới
Cho dù thành lập Nhà nước mới theo hướng nào thì cuộc tranh giành quyền lực giữa 3 dòng người chính ở Iraq vẫn sẽ diễn ra quyết liệt và có thể cướp đi khả năng thành công của chính quyền mới. Người Hồi giáo dòng Shiite khó "đội trời chung" với người Sunni đã đành, người Kurd lại cũng muốn có tiếng nói riêng hơn là tồn tại trong một Iraq thống nhất.
Các lãnh đạo người Kurd mạnh mẽ yêu cầu mở rộng quyền tự trị, với đầy đủ quyền kiểm soát và quân đội riêng để quản lý hoàn toàn khu vực phía Bắc đất nước. Điều này càng khó thoả hiệp hơn khi họ định giành quyền kiểm soát tuyệt đối với thành phố Kirkuk giàu dầu mỏ bậc nhất Iraq.
Khó phân chia quyền lực
Để đảm bảo tính hợp pháp cho chính quyền mới, đòi hỏi phải có sự tham gia đầy đủ của cả người Shiite, Sunni và người Kurd. Người Sunni tuyên bố tẩy chay bầu cử nhưng hiện giờ, khi được mời tham gia chính quyền mới, họ yêu cầu quyền lực tương đối, không chịu thua kém quá nhiều so với các kình địch người Shiite.
Bỏ người Sunni không được mà kéo họ vào bộ máy chính quyền cũng không được, vì vậy chính người Shiite đã phải chủ động hoãn việc phân chia quyền lực cuối cùng.
Chưa đạt được thoả thuận phần còn do cái gọi là "các lãnh vực chủ chốt" có thể mang lại quyền lực khác nhau cho những người đảm nhiệm. Cụ thể, tranh luận về việc ai sẽ nắm giữ 5 bộ quan trọng hàng đầu là quốc phòng, nội vụ, tài chính, dầu mỏ và ngoại giao đang diễn ra hết sức gay gắt.
Kết quả đầu tiên - Thủ tướng và Tổng thống
Trong tình hình đó, việc đạt được những kết quả dứt điểm là điều khó xảy ra. Song với những nỗ lực không mệt mỏi của người Shiite, đã hiện ra đôi nét về bộ máy chính quyền mới ở Iraq.
Kết quả quan trọng nhất tính tới thời điểm này có lẽ là việc Liên minh Iraq thống nhất của người Shiite đã quyết định đưa bác sỹ Ibrahim al Jaafari làm ứng viên chính thức cho chức Thủ tướng - chức vụ quyền lực nhất trong chính quyền tương lai.
Tuy nhiên, Thủ tướng lâm thời Ayad Allawi cũng đang rất nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ để cạnh tranh chức Thủ tướng chính thức với ông Jaafari, khiến tình hình phân chia quyền lực càng thêm căng thẳng.
Một kết quả nữa là chức vụ Tổng thống cũng gần như đã được định đoạt. Chức vụ chỉ mang tính tượng trưng này nhiều khả năng sẽ thuộc về Jalal Talabani, một chính trị gia người Kurd thuộc Liên minh người Kurd yêu nước.
Nhưng ngay cả chức vụ ít quan trọng đó cũng chưa chắc đã thuộc về Talabani, khi rất nhiều lãnh đạo người Shiite và cả người Sunni vẫn còn nhớ rõ những hiềm khích và xung đột lịch sử với người Kurd. Nhiều người cho rằng, đến phút chót, chức vụ này cũng chưa được đảm bảo.
Với quá nhiều điều khó thương lượng như vậy, khả quan nhất, theo nhiều người dự đoán, phải mất vài tuần nữa thì may ra mới tạm ổn.
(NHQ - Tổng hợp)