Mỹ thất bại lần thứ hai trong việc thử nghiệm NMD. |
Hôm qua (14/2), Mỹ một lần nữa lại thất bại trong việc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa hạt nhân quốc gia (NMD). Tên lửa đã không thể bay ra khỏi bệ phóng sau khi kích hoạt. Đây lần thất bại thứ hai trong vòng mấy tháng qua.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy nguyên nhân thất bại của vụ thử là các thiết bị hỗ trợ ở đảo Pacific - địa điểm tổ chức thử nghiệm - chứ không phải là bản thân tên lửa.
Nếu kết quả đó chính xác, các quan chức quốc phòng Mỹ có thể đỡ thất vọng hơn so với lần thử nghiệm trước. Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích rằng công nghệ quốc phòng quá tốn kém mà vẫn vô tác dụng đã lại dấy lên một lần nữa. Mỗi cuộc thử nghiệm tên lửa như vậy tốn kém khoảng 85 triệu USD.
Tên lửa phòng thủ được thử nghiệm hôm qua đặt tại hòn đảo Kwajalein trên Thái Bình Dương và mục tiêu ngăn chặn của nó là một tên lửa ICBM bắn đi từ đảo Kodiak trên vùng biển Alaska. Tên lửa tấn công rơi đúng mục tiêu và không hề hấn gì, trong khi tên lửa phòng thủ không sao thoát ra khỏi bệ phóng để ngăn chặn!
Trong lần thử nghiệm trước, vụ việc cũng diễn ra tương tự khi chỉ có tên lửa tấn công hoạt động trơn tru. Các quan chức quốc phòng sau đó cho rằng nguyên nhân là do một lỗi trong phần mềm nhận dạng tên lửa tấn công hoạt động không hoàn hảo.
Chính quyền Bush dự định chi khoảng 8,8 tỷ USD cho riêng các chương trình tên lửa hạt nhân trong kế hoạch ngân sách quốc phòng năm 2006, giảm hơn chút ít so với mức 9,9 tỷ của năm 2005.
Vụ thử nghiệm hôm qua diễn ra tại hòn đảo Kwajalein trên Thái Bình Dương. |
Vụ thử hạt nhân của Mỹ diễn ra chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi CHDCND Triều Tiên thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân và tuyên bố không quay lại bàn đàm phán sáu bên một khi Mỹ vẫn giữ thái độ thù địch với mình.
Hiện vẫn chưa có nhận xét nào về việc liệu thất bại này có ảnh hưởng gì đến tính hiệu quả của hai hệ thống phòng thủ tên lửa đặt tại Alaska và California hay không. Hai hệ thống này được đặt tại các điểm trên nhằm ngăn chặn tên lửa CHDCND Triều Tiên có thể bắn từ bên kia Thái Bình Dương sang.
(NHQ - Theo CNN, AP)