Cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên ở Iraq trong vòng 50 năm qua đã kết thúc và được coi là thành công sau khi các điểm bỏ phiếu chính thức đóng cửa vào 21h00 tối 30/1 (giờ VN).
Cảnh sát Iraq vui mừng reo hò ngay khi bầu cử kết thúc. |
Bầu cử vẫn bị chống phá ác liệt
Tin cho biết, có sự chênh lệch đáng kể trong tỷ lệ đi bỏ phiếu giữa người Shiite với người Sunni và người Kurd
Ở khu vực của người Shiite ở phía Nam và khu vực người Kurd ở phía Bắc, cử tri hăng hái xếp hàng dài đi bỏ phiếu. Nhiều người tươi cười lạc quan, có người còn xúc động đến rơi nước mắt.
Ngược lại, tại các thành phố của người Sunni như Falluja, Samarra hay Ramadi, đường phố cũng như nhiều điểm bỏ phiếu vắng tanh suốt cả ngày. Đa số người dân nơi đây phần thì đã tuyên bố tẩy chay bầu cử từ trước, phần lo sợ bị quân nổi dậy tấn công sát hại nên đã đóng cửa ngồi nhà mặc bầu cử trôi qua.
Nỗi lo đó hoàn toàn có cơ sở bởi bóng đen bạo lực vẫn bao trùm đất nước suốt ngày hôm nay. Các vụ bạo lực đẫm máu đã xảy ra ở Baghdad khiến ít nhất 25 người thiệt mạng.
Một website có liên hệ với nhóm al-Zarqawi đã đăng tải thông điệp của tổ chức khủng bố này đưa ra chiều nay, trong đó nhóm này công khai nhận trách nhiệm về các vụ trên.
Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời của Iraq, ông Hazim al-Shaalan, cho biết các vụ tấn công chắc chắn còn dữ dội hơn nếu các biện pháp an ninh không đượcthắt chặt từ trước, cụ thể là ban hành lệnh đóng cửa biên giới với các nước láng giềng và đóng cửa sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad cùng với việc gia tăng thời gian giới nghiêm và hạn chế tối đa các phương tiện giao thông trên đường phố.
Cử tri xếp hàng tại một điểm bỏ phiếu ở Baghdad. |
Xếp hàng dài di bỏ phiếu
Hàng triệu người Iraq đã quyết định đi bỏ phiếu, bất chấp sự chống phá của quân nổi dậy khiến 35 người thiệt mạng trong ngày bầu cử. Do vậy, Uỷ ban bầu cử Iraq tự tin tuyên bố ngay rằng tỷ lệ đi bầu rất cao.
Samir Hassan, 32 tuổi, một người đã mất một chân trong một vụ đánh bom năm ngoái, phát biểu với báo chí khi đang đứng chờ tới lượt mình bỏ phiếu tại Baghdad: "Có phải bò tôi cũng cứ tới đây. Tôi không muốn những kẻ khủng bố giết hại thêm người Iraq giống như đã làm đối với tôi".
Ngay khi cuộc bầu cử vẫn còn hơn một tiếng nữa mới kết thúc, Uỷ ban bầu cử Iraq đã có tuyên bố rằng tỷ lệ đi bầu là khoảng 72% - cao hơn nhiều so với dự tính.
Một quan chức phụ trách bầu cử có tên Adil al-Lami đưa ra kết luận này song không nói rõ con số này có được là dựa trên cơ sở nào. Theo ông, những nơi nào vẫn còn người xếp hàng trong khi giờ bỏ phiếu đã hết thì thời gian bỏ phiếu sẽ được gia hạn một cách phù hợp.
Một nữ cử tri làm dấu hiệu chiến thắng sau khi bỏ phiếu. |
72%, tức khoảng 8 triệu cử tri, tham gia bỏ phiếu đồng nghĩa với việc kết quả bầu cử sẽ được công nhậnlà hợp pháp. Trước đó, chính quyền đã quy định lượng cử tri tối thiểu để đảm bảo tính hợp pháp cho bầu cử phải đạt 50% trong tổng số 13 triệu cử tri hợp lệ.
Vấn đề là, với việc các giám sát viên quốc tế tránh xa các khu vực bỏ phiếu vì lo sợ khủng bố, không ai dám xác thực tính hợp pháp cũng như lượng cử tri thực sự tham gia bỏ phiếu là bao nhiêu.
"Ngày đặc biệt"
Trước đó không lâu, cố vấn bầu cử cấp cao của Liên Hợp Quốc, ông Carlos Valenzuela đưa ra nhận xét dè dặt hơn, trong đó công nhận tỷ lệ đi bầu cao nhưng không hoàn toàn chắc chắn.
Nhưng ông Carlos Valenzuela tin rằng không xảy ra gian lận trong ngày bầu cử hôm nay - một ngày mà ông cho là "rất đặc biệt" - và hy vọng tỷ lệ đi bầu đó đủ đảm bảo tính hợp pháp cho kết quả bầu cử.
Việc kiểm phiếu đã được bắt đầu ngay khi chấm dứt bỏ phiếu và theo kế hoạch, kết quả chính thức sẽ được thông báo trong vài ngày nữa.
Anh - Mỹ hài lòng
Tổng thống Mỹ tuyên bố ngày bầu cử 30/1 là "một thành công vang dội". Từ Washington, ông phát đi thông điệp chính thức của Mỹ về sự kiện mà họ đã góp phần tạo ra: " Qua việc tham gia tích cực vào cuộc bầu cử tự do, ngời Iraq đã mạnh mẽ đoạn tuyệt với chủ nghĩa bài dân chủ của quân khủng bố".
Trước đó vài giờ, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nhận xét rằng ngày bầu cử hôm nay ở Iraq diễn ra tốt đẹp hơn cả mong đợi.
Gần như cùng lúc, từ Lodon, Thủ tướng Anh Tony - đồng minh thân cận nhất của Bush trong cuộc chiến Iraq - cũng chia sẻ quan điểm với Tổng thống Bush rằng bầu cử là một đòn giáng mạnh mẽ vào chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ông nói: "Sức mạnh quân sự đã lật đổ Saddam và tạo điều kiện để người Iraq được quyền bỏ phiếu tự do. Và hôm nay, sức mạnh của tự do đã được cảm nhận trên toàn Iraq".
Lịch trình bầu cử 28/1: kiều dân Iraq bắt đầu bỏ phiếu; lệnh giới nghiêm được áp dụng ban đêm |
Bầu cử Iraq qua các con số: 7.471 ứng viên từ 111 đảng phái và liên minh đăng ký bầu cử |
(NHQ - Theo BBC, AP)