Tuần này, khi Tổng thống Mỹ tiến hành lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai thì Condoleezza Rice cũng bắt đầu chính thức đảm nhiệm vị trí ngoại trưởng Mỹ.
Condoleezza Rice |
Đến lúc này, khi đã trở thành một người có quyền lực ở nước Mỹ, ít ai còn nghĩ tới chuyện màu da của Rice. Nhưng ngược thời gian đôi chút mới thấy sự xuất sắc của bà trong việc đối mặt với nạn kỳ thị này.
Sẽ sai lầm nếu nói rằng Rice không hề quan tâm tới vấn đề màu da của mình cũng như những vấn đề liên quan tới nó trong cuộc sống thường ngày cũng như đời sống chính trị. Chỉ có điều, bà chống lại nó một cách âm thầm khác người mà rất quyết liệt và hiệu quả.
"Rice không có thời gian nói chuyện với những người da đen suốt ngày nói về vấn đề chủng tộc và cuộc đấu tranh của họ. Song điều đó không có nghĩa là bà không có ý tưởng gì về vấn đề đó", Nicholas Lemann, một nhà báo từng nhiều lần gặp gỡ và phỏng vấn Rice, nhận xét.
Có người đã so sánh việc bà vượt qua ghánh nặng của nạn kỳ thị màu da như một con thiên nga bơi trên mặt hồ - trông phía trên rất nhẹ nhàng, chậm rãi, song phía dưới là đôi chân đang guồng lên không nghỉ để đẩy mình về đích!
Rice sinh ra trong một gia đình người Mỹ da đen ở thị trấn Birmingham thuộc vùng phía Nam Alabama - nơi nạn kỳ thị chủng tộc được đánh giá là gay gắt nhất trên đất Mỹ. Các hành vi bạo lực nhằm vào người da đen đã trở thành chuyện thường ngày. Người da đen ở đây đã đấu tranh bằng nhiều cách nhằm giành lại quyền công bằng cho mình.
Song gia đình Rice - một gia đình trí thức trung lưu - không đi theo con đường đấu tranh mà những người cùng màu da vẫn thường làm. Theo họ, cách đấu tranh tốt nhất với người da trắng là cố gắng làm được những gì mà người da trắng có thể làm.
"Cha mẹ tôi luôn dạy tôi rằng, con không thể giành giật được một mẩu hamburger ở Woolworth (ý nói không thể tranh giành lợi ích thường ngày với người da trắng - ND), nhưng con có thể làm Tổng thống đất nước này", Rice kể.
Cụ thể, gia đình Rice tin rằng thông qua nỗ lực làm việc, kỷ luật và tri thức, giấc mơ Mỹ cũng có thể đến với người Mỹ da đen như đã đến với người Mỹ da trắng. Khẳng định vị thế xã hội bằng thành quả cá nhân chứ không phải bằng các hành động đấu tranh, đó là triết lý sống đã được đi vào tiềm thức của Rice từ thời thơ ấu.
Xuất phát từ ý tưởng cạnh tranh thầm lặng với người da trắng để được những quyền lợi như họ, cha mẹ Rice đã cho cô con gái nhỏ sống và học tập như một đứa trẻ da trắng. Cô được cha mẹ cho tới nhà thờ vào mỗi Chủ Nhật, cho học đàn piano, học kèn, học tiếng Pháp và học vượt tới hai lớp ở trường phổ thông. Theo họ, làm như vậy là đã tự tìm lấy công bằng cho mình bởi những thứ đó vốn được cho là sinh hoạt của giới thượng lưu ở Mỹ.
Nhiều người vẫn chưa quên câu nói nổi tiếng của Rice khi bị một phóng viên phỏng vấn một cách xấc xược trong đó có nhắc tới vấn đề chủng tộc: "Để tôi giải thích cho anh rõ. Tôi nói được tiếng Pháp, chơi được nhạc của Bach. Chung quy lại, tôi cao hơn anh một bậc xét trong chính nền văn hóa của anh".
Một lần khác, khi đang là chuyên gia nghiên cứu tại Học viện Stanford, Rice đi mua sắm nữ trang với một người bạn. Anh chàng bán hàng đã buông những lời ám chỉ về màu da của hai người khách. Trong khi bạn mình đang bối rối thì Rice nhìn thẳng vào nhân viên bán hàng và nói: "Ta làm rõ điều này nhé. Anh đang đứng sau quầy kia để kiếm mỗi giờ 6 đô-la. Còn tôi đứng trước quầy yêu cầu anh đưa ra những món hàng đắt giá, đơn giản vì tôi có thể làm một công việc gì đó tốt hơn anh".
Có thể nói, mọi thành công trong đời của Tân Ngoại trưởng Condoleezza Rice đều bắt nguồn từ ý thức màu da. Để vượt lên tất cả, phải đạt được gần như tất cả. Đó là cách sống và phấn đấu của bà.
"Nếu bạn là người da đen sống ở Birmingham, người ta sẽ nói với bạn rằng: anh có nỗ lực gấp đôi người da trắng thì cũng chỉ chạy được nửa quãng đường so với họ", Rice lập luận, "Nhưng tôi lại nghĩ khác. Cứ cho là như vậy, nếu nỗ lực gấp bốn lần thì bạn sẽ bằng với người da trắng thôi. Tất nhiên, có nhiều người còn sẵn sàng nỗ lực gấp tám lần, và như vậy, họ có thể vượt lên".
Không ai biết Condoleezza Rice đã nỗ lực gấp bao nhiêu lần, nhưng rõ ràng bà đã vượt lên rất ngoạn mục.
(NHQ - Theo GIR, USA Today)