Để các cuộc đàm phán với Israel có được một cơ hội, Mahmoud Abbas không những cần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới mà còn phải thắng một cách thuyết phục.
Ông Abbas được người Palestine ủng hộ. |
Từng là chiến binh Hồi giáo, từng ''chửi'' Israel là ''tên địch phục quốc Do Thái'', giờ đây Mahmoud Abbas vẫn là ''nỗi sợ hãi'' của người Israel. Như một người kế cận đầy tiềm năng của cố Tổng thống Yasser Arafat, ông Mahmoud Abbas có nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vào chủ nhật tới 9/1, song ông cũng sẽ phải nỗ lực hết mình để chiếm được lòng tin cả trong lẫn ngoài.
Ông Abbas hay còn gọi là Abu Mazen chính là cơ hội tốt nhất để thúc đẩy tiến trình hoà đàm. Israel và Mỹ đã ''bế quan toả cảng'' đối với ông Arafat hầu như ngay sau khi phong trào intifada lần thứ hai bùng nổ - cho đến nay nó đã kéo dài sang năm thứ 5. Không giống như những lãnh đạo cao cấp khác của Palestine, ông Abbas nhiều lần kêu gọi chấm dứt đấu tranh vũ trang. Một hành động mà Thủ tướng Israel ''ca ngợi'' là một ''cánh cửa cơ hội''. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử của mình, giống như cố Tổng thống Arafat, ông Abbas cũng ''đòi'' Jerusalem là thủ đô của Palestine, quyền hồi hương của người tị nạn...Tất cả đều bị Israel bác bỏ thẳng thừng.
Điều đó chẳng có gì ngạc nhiên bởi ông Abbas gần như đơn thương độc mã trong bộ máy chính quyền Palestine: thái cực ôn hoà trong bộ máy vốn chẳng mấy ôn hoà. Qays Abdul Kerim - thuộc Mặt trận Dân chủ Giải phóng Palestine (một đảng tương đối ôn hoà tại Palestine) - nhận xét: ''Quan điểm của ông ấy rất ôn hoà và phi bạo lực. Tôi nghĩ chính sách này tương đối ngây thơ''.
Và hầu hết nhân dân Palestine đều đồng ý với nhận xét trên. Kết quả thăm dò tháng trước do Trung tâm Chính sách và Khảo sát nghiên cứu Palestine tiến hành cho thấy, 2/3 số người được hỏi đều nghĩ rằng, bạo lực đã mang lại được nhiều hơn những gì đàm phán đem lại. 3/4 cho rằng, chính bạo lực đã buộc Sharon phải ra lệnh rút quân đơn phương khỏi Dải Gaza. Trong khi đó, Thủ tướng Palestine Ahmed Qurei vẫn hoài nghi. Hôm 1/1, ông Ahmed Qurei tuyên bố: ''Bạo lực chỉ chấm dứt khi và chỉ khi có một tiến trình hoà bình nghiêm túc và đáng tin cậy'' và ông này đã bác bỏ tổ chức Hội nghị về Palestine do Thủ tướng Anh Tony Blair đề xuất và được ông Abbas ủng hộ. Cho đến nay, các chiến binh tại Dải Gaza vẫn phớt lờ lời kêu gọi ngừng bạo lực của ông Abbas. Trong vài ngày qua, du kích Palestine đã tấn công rocket vào nhiều khu định cư Do Thái tại Dải Gaza.
Nếu như ông Abbas thực sự là người theo chủ nghĩa hoà bình? Tại sao ông lại được ngưỡng mộ? Điều đó không chỉ ông là người ''thừa kế'' của cố Tổng thống Arafat. Sau 4 năm đổ máu, cho dù 81% người Palestine nghi ngờ Sharon, song họ vẫn muốn hoà giải với người Do Thái. Họ muốn thống nhất hơn là bạo loạn. Và họ đều hiểu, ông Abbas là người mà Israel có thể đàm phán cùng. Marwan Barghouti, thành viên cao cấp của Fatah bị Israel giam giữ, cũng rút lui để tránh xảy ra một sự rạn nứt.
Giờ đây, có lẽ thử thách lớn nhất đối với ông Abbas không phải là các nhóm vũ trang Hồi giáo như Hamas mà chính từ trong chính đảng của mình. Dù Hamas doạ tẩy chay cuộc bầu cử, song nhóm này giờ cũng chỉ giành được vẻn vẹn 20% sự ủng hộ. Trớ trêu thay, vấn đề lại nằm ngay trong chính đảng Fatah, đó là khoảng cách giữa vũ trang và chính trị, giữa thành viên trẻ và già, giữa những người trở về từ nước ngoài như ông, Arafat và những anh hùng trong nước như Barghouti, giữa Bờ Tây và Dải Gaza. Nếu ông Abbas không làm tốt việc của mình, ''cơn giận dữ'' sẽ bùng phát trong Đại hội Fatah dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 tới.
Do vậy, ông Abbas sẽ phải thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tới. Tổ chức Hamas, dù tẩy chay bỏ phiếu, nhưng cũng không kêu gọi cử tri không đi bầu cử. Nếu Hamas làm vậy, chắc chắn ông Abbas sẽ mất một lượng phiếu đáng kể. Đối thủ đáng gờm chính là ứng cử viên Mustafa Barghouti - người chủ yếu dồn tiêu điểm vào chống tham nhũng trong chính quyền Palestine. Như vậy, ông Abbas càng kiếm được ít phiếu thì ông lại càng cần sự ủng hộ của các nhóm trong Fatah. Trong các bài diễn văn tranh cử của mình, ông Abbas dường như muốn thắng cử một cách an toàn để rảnh tay hoà đàm với Israel.
Thông điệp thực sự của ông Abbas chỉ trở nên rõ ràng khi các cuộc hoà đàm bắt đầu. Tuy nhiên, đó là vấn đề ''con gà và quả trứng''. Israel muốn thấy Palestine đạp tan khủng bố trước khi đưa ra thoả hiệp. Trong khi, ông Abbas muốn có một thoả thuận ngừng bắn với lực lượng vũ trang Hồi giáo. Và, các tay súng Hồi giáo chỉ buông vũ khí khi họ thấy các chính sách của ông Abbas phát huy hiệu quả - nói cách khác tức là Israel cần nhượng bộ nới lỏng các trạm kiểm soát và thả tù nhân trước.
Điều gì có thể khiến quả bóng lăn? Ông Sharon muốn phối hợp rút khỏi Gaza cùng Palestine, song ông Abbas từ chối vì điều đó không năm trong một thoả thuận hoà bình toàn diện. Avi Gil, nguyên Tổng giám đốc thuộc Bộ Ngoại giao Israel, nghĩ rằng nhà nước Do Thái cần bắt đầu chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho chính quyền Palestine tại một thị trấn - cụ thể là Bethlehem, và nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì sẽ trao tiếp quyền tại các khu vực khác. Điều đó có thể là một thử thách đối với ông Abbas và cũng là dấu hiệu của lòng tin.
(Trần Kiên - Theo Economist)