Mỹ có kế hoạch tăng viện trợ cho các nạn nhân còn sống sót sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương lên tới 350 triệu USD, gấp 10 lần số cam kết trước đây vài ngày, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác hãy hành động tương tự.
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell (trái) và Tổng thư ký LHQ Kofi Annan trong một cuộc họp báo tại trụ sở của LHQ ở New York |
Đây là khoản viện trợ lớn nhất được Washington đưa ra tính đến thời điểm này trước khi các đại diện Mỹ và Liên Hợp Quốc gặp gỡ nhau để bàn về các vấn đề phối hợp cứu trợ sau đợt thiên tai kinh hoàng vừa qua.
Số người chết cụ thể |
Indonesia: 79.940 |
Sri Lanka: 28.508 |
Ấn Độ: 10.763 |
Thái Lan: 4.560 |
Somalia: 120 |
Burma: 90 |
Maldives: 67 |
Malaysia: 65 |
Tanzania: 10 |
Seychelles: 1 |
Bangladesh: 2 |
Kenya: 1 |
Liên Hợp Quốc cho biết, đến giờ đã quyên góp được tất cả 1,2 tỷ USD tiền ủng hộ cho khoảng 5 triệu nạn nhân may mắn sống sót. Tuy nhiên, hoạt động cứu trợ dường như không được tổ chức tốt, các thông tín viên cho hay.
Theo thống kê, đã có ít nhất 125.000 người thiệt mạng trong các trận sóng thần vừa qua. LHQ cho biết, con số này có thể lên tới 150.000 hoặc cũng có thể không bao giờ tính được. Hàng nghìn người vẫn mất tích sau trận động đất ở Indonesia kéo các đợt sóng thần kinh hoàng ở Ấn Độ Dương hôm 26/12. Các lễ hội, tiệc mừng năm mới 2005 tại một số quốc gia đều bị hoãn để tưởng nhớ những người xấu số.
Mỹ phái 1.500 lính thuỷ đánh bộ tham gia cứu trợ tại Sri Lanka
Một quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ hôm Thứ Bảy cho biết, nước này sẽ gửi 1.500 lính thuỷ đánh bộ cùng 1 máy bay chở 12 chiếc trực thăng đến Sri Lanka để hỗ trợ công tác cứu trợ và tái thiết sau thảm hoạ sóng thần vừa qua.
Theo đó, nhóm cứu trợ đầu tiên gồm 200 binh sĩ Mỹ từ căn cứ quân sự Okinawa sẽ có mặt thành phố cảng miền Nam Galle vào Thứ Hai tới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Đại tá Tom Collins cho biết: "Tình hình đang thay đổi từng ngày nên chúng tôi không biết chính xác cần phải làm gì, tuy nhiên, kế hoạch đầu tiên của chúng tôi là phái 1.500 lính thuỷ đánh bộ và các phương tiện cần thiết để hỗ trợ việc cứu trợ".
Gần 4.000 người chết sau khi các đợt sóng thần cao tới 10 mét ập vào thành phố lịch sử Galle của Sri Lanka ngày 26 tháng 12 vừa qua.
Các nhân viên cứu hộ ở đây đang nỗ lực tìm kiếm các thi thể còn sót lại trong số hơn 28.000 người Sri Lanka bị thiệt mạng do sóng thần Ấn Độ Dương gây ra.
Các diễn biến khác:
- Ở làng Mullaitivu, đông bắc vùng Tamil Tiger ở Sri Lanka, những thanh niên tham gia phiến quân đã đốt 3.000 xác người chết.
- Các nhân viên cứu hộ nhận định, phải mất hàng tuần lễ, thậm chí hàng tháng, mới có thể xác định được tất cả những người thiệt mạng được tìm thấy ở Thái Lan.
- Ít nhất 5.000 người châu Âu hiện vẫn mất tích.
- Chưa rõ số người Mỹ mất tích song các nhà chức trách cho biết, họ đang xem xét khoảng 2.000-3.000 cái tên.
Các đợt thiên tai kinh hoàng trong lịch sử
Năm |
Thảm họa |
Số người chết |
2004 | Động đất ở châu Á | 125.000 |
2003 | Động đất ở Bam, Iran | 26.271 |
1976: | Động đất ở Tangshan (TQ) | 242.000 |
1970 | Lốc xoáy ở Bangladesh | 500.000 |
1923 | Động đất ở Tokyo | 140.000 |
1887 | Lũ ở sông Hoàng Hà (TQ) | 900.000 |
1826 | Sóng thần ở Nhật Bản | 27.000 |
1815 | Núi lửaTambora phun trào ở Sumbawa, Indonesia | 90.000 |
1556 | Động đất ở tỉnh Shanxi và Henan, Trung Quốc | 830.000 |
(Thanh Hảo - Theo BBC, Reuters, AP, AFP)