221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
559684
Thế giới chung tay khắc phục hậu quả động đất, sóng thần
1
Article
null
Thế giới chung tay khắc phục hậu quả động đất, sóng thần
,

Tính đến 23h00 (giờ VN) ngày 27/12, tổng số người thiệt mạng trong thảm họa động đất và sóng thần dữ dội sóng thần ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã lên đến 23.700 người. Trong đó, nước bị thiệt hại nặng nề nhất là Sri Lanka với gần 12.000 người, tiếp đến là Ấn Độ 6.289 người, Indonesia: 4.725 người, Thái Lan: 839 người, Malaysia: 51 người, Maldives: 43 người, Burma: 30 người và Bangladest: 2 người.

SỐ NGƯỜI CHÂU ÂU THƯƠNG VONG DO SÓNG THẦN

Cuối ngày 27/12, với tổng số người chết do thảm họa sóng thần châu Á khoảng 23.700 người, có 67 người châu Âu được khẳng định đã chết và hàng trăm người khác vẫn còn bị mất tích. Dưới đây là những con số thiệt hại về người của các nước châu Âu:

Anh: 15 người chết, 50 người mất tích.

Italia: 13 người chết, 100 người mất tích.

Na Uy: 13 người chết.

Thụy Điển: 10 người chết, 600 người mất tích.

Pháp: 6 người chết, 16 người mất tích.

Áo: 4 người chết, 20 người mất tích.

Đan Mạch: 3 người chết, 5 người mất tích.

Bỉ: 2 người chết, 30 người mất tích.

Phần Lan: 1 người chết.

Thổ Nhĩ Kỳ: 30 người mất tích.

Đức: 4 người mất tích.

Hà Lan: 13 người mất tích.

Ba Lan: 4 người mất tích.

Bồ Đào Nha: 3 người mất tích.

Rumani: 2 người mất tích.

Nga: 4 người mất tích.

Tổng cộng: 67 người chết, 881 người mất tích.
(Đ.Q - Theo AFP)

Sóng thần không chỉ gây thiệt hại ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á mà còn gây ra những đợt thủy triều lớn ở khu vực bờ biển Đông Phi, ảnh hưởng đến các nước nằm từ Sừng châu Phi đến Tanzania.

Tại Somalia, 100 ngư dân cũng đã thiệt mạng khi đang ra khơi đánh cá ở vùng biển Ấn Độ Dương thuộc lãnh thổ nước này. Các quan chức địa phương nói rằng đã vớt được 40 thi thể ngư dân. Tại Seychells, đường xá ở vùng bờ biển thấp bị ngập vì sóng dâng cao 2m, làm hàng trăm gia đình bị mất điện. Tại các sân bay, đội cứu hỏa được huy động để dọn cá trên đường băng do sóng thủy triều tràn vào. Dân cư và khách du lịch tại vùng bờ biển thấp được lệnh sẵn sàng di chuyển lên vùng đất cao hơn khi cần thiết. Các bãi biển tại khu du lịch quanh thành phố Mombassa của Kenia cũng buộc phải đóng cửa vì có những đợt sóng thần lớn. Ở vùng biển phía Bắc và phía Đông đảo Mauritlus có sóng lớn, tuy nhiên chưa có tin về thiệt hại. Sóng lớn còn gây thiệt hại tại các cảng ở đảo Reuynion, làm mực nước trên đảo tăng từ 1-2 mét.

Trong khi đó, Hãng truyền hình Aljazeera ngày 27/12 dẫn lời người đứng đầu Trung tâm dự báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng họ đã phát hiện được sớm vụ động đất dưới biển, có nguy cơ cao dẫn tới sóng thần và đã cố gắng đưa ra lời cảnh báo sớm, nhưng ở khu vực bị sóng thần gây hại không có một hệ thống cảnh báo chính thức nào. Ông Charles McCreery, giám đốc Trung tâm quản lý khí tượng, thủy văn quốc gia Mỹ tại Honolulu được đài này dẫn lời nói: "Sóng thần phải mất một tiếng rưỡi để đi từ trung tâm động đất tới Sri Lanka và một tiếng để đến được bờ biển phía Tây Thái Lan và Malaysia. Người ta có thể chạy bộ khoảng 15 phút vào sâu trong đất liền, đến nơi an toàn. Chúng tôi đã cố gắng làm những gì có thể làm được. Nhưng chúng tôi không có địa chỉ liên hệ nào trong danh bạ điện thoại để liên lạc với bất kỳ ai trong khu vực đó".

Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân và các cam kết cứu trợ mới nhất

Sự đau khổ tột cùng của những người dân Ấn Độ khi thảm họa cướp đi những người thân của họ. (Ảnh: AP)

Đáp lại lời kêu gọi của chính quyền các nước này, nhiều đội cứu hộ cứu trợ trong và ngoài nước đang tiếp tục hướng về những vùng bị nạn để giúp đỡ người dân nơi đây giải quyết hậu quả thảm hoạ.

Quân đội Indonesia đang nỗ lực kéo hàng ngàn xác chết xếp lại ngay ngắn. Vùng tâm của địa chấn vẫn ngập tràn trong nước bẩn. Một người đàn ông bất hạnh có tên Rajali cho biết anh ta không thể nào tìm được chỗ nào khô ráo để chôn cất vợ và hai con.

Nhiều chiếc trực thăng vẫn đảo liên tục trên bầu trời các khu du lịch chịu nạn ở Thái Lan nhằm cấp tốc đưa những người sống sót, trong đó có nhiều du khách nước ngoài, đến nơi an toàn.

Còn ở quốc đảo Maldives, chính quyền đã phải ban bố tình trạng thảm hoạ khẩn cấp để tập trung mọi nỗ lực cứu trợ và giúp đỡ nhân dân các vùng bị nạn.

Các cơn động đất kỷ lục (tính theo độ Richter)
2004 - Indonesia, 9.0
1960 - Chile, 9.5
1964 - Alaska, 9.2
1957 - Alaska, 9.1
1952 - Nga, 9.0

Các tổ chức cứu trợ quốc tế đang kêu gọi sự ủng hộ khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế đối với các quốc gia trên.

Liên minh châu Âu đã nhanh chóng cam kết sẽ viện trợ 3,9 triệu USD cho các nước trong khu vực sóng thần hoành hành. 

Các cơ quan truyền thông Mỹ ngày 27/12 dẫn lời Phó phát ngôn viên của Nhà Trắng Trent Duffy cho biết "theo chỉ thị của Tổng thống, Mỹ sẽ là đối tác đi đầu trong nỗ lực cứu trợ có ý nghĩa nhất" dành cho những nước bị ảnh hưởng của vụ động đất và sóng thần hôm 26/12 ở Nam và Đông Nam Á. Ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell cho biết các đại sứ Mỹ tại Sri Lanka, Maldives, Ấn Độ và Indonesia đã trợ giúp y tế khẩn cấp 400.000 USD và khoảng 4 triệu USD viện trợ nữa sẽ sớm được chuyển cho Hội Chữ thập Đỏ quốc tế. Trợ lý Giám đốc Cơ quan Viện trợ Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Ed Fox cũng cho biết Mỹ sẽ đóng góp khoảng 10 triệu USD nữa cho những nố lực cứu trợ trong tương lai gần. Như vậy, cho tới nay Mỹ đã cam kết trợ giúp tổng cộng gần 15 triệu USD cho các nỗ lực cứu trợ ở vùng bị động đất và sóng thần tàn phá quanh Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo nguy cơ dịch bệnh sẽ lan tràn theo sau thảm hoạ do thiếu nước sạch và thuốc men.

Thế giới đang bắt đầu những nỗ lực cứu trợ các nạn nhân của thảm họa. (AP)

Giáo hoàng  John Paul II cho rằng "thảm hoạ châu Á đã làm Giáng sinh năm nay mất vui" đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ khẩn cấp người dân trên đảo Sumatra thuộc Indonesia để họ sớm lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã huy động được 6,6 triệu USD để hỗ trợ cho khoảng 500.000 người sống sót do thảm họa trên.

Liên Hợp Quốc cũng đã gửi các chuyên gia cứu nạn tới hiện trường thảm hoạ đồng thời tuyên bố sẽ ủng hộ tiền mặt cùng thuốc men và các vật dụng cứu trợ cần thiết nhằm giúp chính quyền các nước liên quan sớm ổn định tình hình trong nước.

Cũng trong ngày 27/12, Ngoại trưởng Australia, ông Alexander Downer thay mặt chính phủ nước này cam kết viện trợ 7,7 triệu USD cho các nước bị nạn thông qua các tổ chức cứu trợ quốc tế.

Nhật Bản đã phái một đội khắc phục hậu quả động đất, trong đó có cả các bác sỹ và y tá, tới Sri Lanka. Đội này còn mang theo cả thuốc men, nước uống và lều bạt đủ dùng cho khoảng 1.000 người trong thời gian trước mắt.

Ngày 27/12, Chính phủ Đức thông báo trên trang Internet trực tuyến rằng chính phủ nước này đã quyết định viện trợ khẩn cấp 1 triệu euro cho những vùng vừa phải trải qua trận động đất và sóng thần thảm khốc ở châu Á, trong đó một phần tiền đã được chuyển qua các tổ chức cứu trợ.Trước đó, một ngày sau khi động đất xảy ra, Bộ Ngoại giao Đức đã thành lập Ban tham mưu giải quyết khủng hoảng do Bộ trưởng Joschka Fischer đứng đầu để tìm hiểu tình hình mới nhất và lập ra đường dây nóng thông báo tin tức cho gia đình những người Đức đang ở khu vực bị thiên tai. Các đại sứ quán Đức ở những nước bị thiên tai được tăng cường nhân lực để hợp tác với chính quyền nước sở tại, các tổ chức cứu trợ và công ty du lịch để tìm hiểu tình hình, giúp đỡ khách du lịch Đức ở những vùng thiên tai.

Trung Quốc cũng chuẩn bị phái một đội cứu trợ tương tự gồm khoảng 40 nhân viên tới Indonesia để tham gia cứu hộ.

Các tổ chức từ thiện quốc tế như Save the Children, World Vision hay Christian Aid cũng đã cấp tốc cho nhân viên của mình bay thẳng tới các vùng bị nạn để giúp đỡ những người còn sống sót. 

Các nước Áo, Hà Lan và Anh cũng cho biết họ sẽ hỗ trợ tiền mặt, thuốc men, chăn màn và lều trại cho dân các vùng bị sóng thần tàn phá.

Ngày 27/12, Bộ Ngoại giao Nam Phi đã thành lập một trung tâm hoạt động 24/ 24 giờ tại thủ đô Pretoria để cung cấp thông tin về những người Nam Phi bị mất tích trong khi đang đi nghỉ tại các nước bị ảnh hưởng của động đất. Bộ Ngoại giao Nam Phi cũng cho biết các sứ quán Nam Phi tại Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Sri Lanka và Maldives đang phối hợp với các nhà chức trách nước sở tại để xác định số người Nam Phi bị ảnh hưởng của động đất và sóng thần. Tổ chức "Cứu trợ Nam Phi" (RSA) cũng đã liên lạc với "Nhóm cố vấn tìm kiếm và cứu trợ quốc tế" (INSARAG) tại Geneva và sẵn sàng cung cấp sự giúp đỡ. Các tổ chức cứu trợ nhân đạo khác cũng Nam Phi cũng đã phát động một chiến dịch cứu trợ khẩn cấp và kêu gọi người dân Nam Phi ủng hộ chiến dịch này.

Cùng ngày , Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Nga Sergey Shoigu nói rằng ngay từ bây giờ, bộ này cần phải sẵn sàng để thực hiện khuyến nghị của Tổng thống Vladimir Putin về cấp cứu và sơ tán các công dân Nga ra khỏi khu vực Đông Nam Á vừa bị sóng thần gây thiệt hại rất lớn về người và của. Bộ trưởng Shoigu cho biết bộ đang chuẩn bị kế hoạch sơ tán khoảng 1500-1600 công dân Nga ra khỏi Thái Lan, chuẩn bị để các khách sạn cũng như đội ngũ bác sĩ và nhân viên cứu hộ ở trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng. Bộ đã cử đoàn tiền trạm đến Thái lan và các nước Đông Nam Á khác để nghiên cứu tình hình tại chỗ cần thiết cho công tác cứu hộ.  

Ngày 26/12, các nhóm đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra của Liên hợp quốc (LHQ) đã đến Sri Lanka và Maldives để phối hợp các nỗ lực cứu trợ nhân đạo của khu vực này. Singapore cũng đã gửi một nhóm cứu trợ nhân đạo đến đảo du lịch Phuket của Thái Lan để hỗ trợ cho những người Singapore bị mắc kẹt ở đây.

Lời kể của các nhân chứng

Những ngọn sóng khổng lồ che lấp cả đường chân trời. Những con sóng đầu tiên  đẹp  đến mê hồn và không báo hiệu gì về sức tàn phá khủng khiếp mà nó mang tới. 11 giờ sáng chủ nhật (26/12), bãi tắm Ko Lant, cách Phuket 60 km bắt đầu hứng chịu cơn sóng đầu tiên.

Vào thời điểm đó, thời tiết rất đẹp, ngay từ sáng, nhiệt độ không khí là trên 30 độ. Mặt biển Andaman lặng như một cái hồ. Trên bãi biển có rất nhiều người và họ đều thấy một con sóng duy nhất rất cao, che lấp cả đường chân trời, lặng lẽ tiến gần về phía bờ. Khi con sóng tiến sát bãi tắm, nước trên đó rút sạch ra phía ngoài xa. Chiều cao cơn sóng lúc ập vào bờ lên đến 3-4 m.

Bari Karlson, 45 tuổi, người Thuỵ Điển, một nhân chứng kể: "Tôi thật không thể tin vào mắt mình".  Ông này nhảy đại vào một khách sạn tại Phuket khi con sóng ập vào. Nước tràn lên đến ngực và ông phải  bám lấy chiếc cột trong khách sạn để không bị nước cuốn trôi. "Một chiếc xe hơi trôi vào bên trong sảnh khách sạn, dòng chảy rất mạnh, tôi vừa phải bám vào cột, vừa phải giữ tay một người bạn vì anh ấy không biết bơi".

Sóng thần cuốn đi mọi thứ.

Vài phút sau đợt sóng đầu tiên, Karlson bắt đầu nghe thấy mọi người hét lên, bãi tắm bị cuốn trôi rồi. "Khi tôi đến gần bãi tắm, ngày càng nghe nhiều tiếng kêu cứu và nhìn thấy một ngọn sóng cao hơn cả thân cây ập đến. Thật không thể tin được."

Đài truyền hình ITV của Thái Lan thông báo có nhiều khách du lịch trú tại một khách sạn 5 sao tại bãi tắm Phi-Phi đã phải trèo lên nóc khách sạn để tránh không bị sóng cuốn đi.

Ông Ulph Michelson, người Thuỵ Điển, chủ khách sạn Connect nói, mọi người đều bị sốc nặng. " Ngoài phố đầy các vật dụng trôi nổi phềnh phềnh: tủ lạnh, ô tô, bàn ghế, xe máy...Ai cũng yêu cầu thông tin. Không ai biết điều gì xảy ra. Chúng tôi rất cần thông tin. Có tin đồn rằng sẽ có những đợt sóng mới". Ông này nói thêm, khách sạn của ông bị thiệt hại nặng nề.

Dưới đây là chùm ảnh về những hậu quả khủng khiếp mà cơn động đất và sóng thần gây ra:

Thi thể của các nạn nhân thiệt mạng trong nhà xác Bệnh viện Chính phủ ở Nagappattinam, thuộc bang Tamil Nadu, nam Ấn Độ.
Quang cảnh bãi biển Marina, Madras nhìn từ trên không.
Nỗi đau mất nhà cửa của một phụ nữ tỉnh Lunawa, nam Sri Lanka.
Một khách du lịch người Thụy Điển tên Andrea (phải) tại Phuket (Thái Lan) trong nỗi đau mất chồng và con khi sóng thần tấn công khu vực này.
Người dân tỉnh Phuket (Thái Lan) đi lánh nạn.
Chiếc ôtô bị sóng thần đánh dạt vào rào chắn bê tông ở Penang, tây bắc Malaysia.
Một người đàn ông lượm cá bị dạt lên bờ biển Vishakapatnam (Ấn Độ).
Một phụ nữ khóc cạnh xác hai con gái nhỏ chết khi sóng thần tấn công Kanyakumari, Tamil Nadu, Ấn Độ.
Khách du lịch Richard Atkins (Anh, bên trái) và Christine Lang (Canada) từ bệnh viện Vachira Phuket viết email về cho gia đình sau khi may mắn thoát chết trong đợt tấn công của sóng thần vào Phuket (Thái Lan).
 
Quang cảnh bãi biển Phuket sau cón sóng thần.

(NHQ; Thanh Hảo; Đ.Quân  - Theo BBC, AP,AFP, Reuters)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,