Cho đến hôm qua, chi nhánh Al-Qaeda tại Jeddah vẫn bị coi là ''liệt''. Không giống như ở Thủ đô Riyadh hoặc Tỉnh miền Đông, mọi âm mưu tấn công tại cảng bên bờ biển Đỏ đều bị lực lượng an ninh phát giác.
Cột khói đen lớn bốc lên từ phía Toà lãnh sự Mỹ tại thành phố cảng Jeddah. |
|
Nhưng chính tại Jeddah, khủng bố đã thực hiện một trận đánh ''ngoạn mục'' nhất trong 2 năm gieo rắc bạo lực của mình, khiến chính phủ Ảrập Xêút và Mỹ không kịp trở tay.
Đòn đánh bất ngờ vào Toà lãnh sự Mỹ được coi là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào một cơ quan ngoại giao, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất tại vương quốc này. Không một lời cảnh báo, không một lời đe doạ, vụ tấn công lần này hoàn toàn khác biệt so với các vụ tấn công lớn khác mà Al-Qaeda đã tiến hành tại Ảrập Xêút. Các quan chức ngoại giao phương Tây tại Riyadh thừa nhận, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin tình báo nào về vụ tấn công khủng bố này.
Lực lượng an ninh đã nhanh chóng kiểm soát Toà lãnh sự. Nguồn tin thân cận với Cục an ninh Ảrập Xêút cho biết, có vẻ vụ khủng bố lần này là một đặc vụ liều chết: những kẻ tấn công liều mạng vãi đạn mở lối qua các cổng do đó rất khó có thể ngăn được chúng vào chiếm toà nhà.
Vụ tấn công bất ngờ này một lần nữa gây ra mối quan ngại về khả năng kiềm toả mối đe doạ Al-Qaeda của Ảrập Xêút.
Kể từ vụ tấn công vào công ty dầu lửa ở Khobar hồi tháng 5 khiến 22 người nước ngoài và 7 nhân viên an ninh thiệt mạng và vụ sát hại Muqrin, người được cho đầu đảng của Al-Qaeda, những kẻ khủng bố bị đẩy vào thế ''phòng thủ''.
Vụ tấn công vào toà lãnh sự Mỹ dường như được vạch ra để gây sự chú ý, đồng thời tái tập trung chiến dịch khủng bố vào mục tiêu có thể thu hút được ''con tim'' của thường dân Ảrập. Rất nhiều người Ảrập Xêút, trong đó có các giáo sĩ độc lập vốn vẫn lên án mạnh mẽ chiến dịch tấn công của Al-Qaeda nhằm vào người nước ngoài, có vẻ ''ưng ý'' hơn khi thấy mục tiêu là của Mỹ.
''Rõ ràng Al-Qaeda đang thất thế. Bằng cách tấn công vào một mục tiêu được bảo vệ thậm chí còn tốt hơn cả Hoàng cung, Al-Qaeda đang cố gắng cải thiện hình ảnh của mình'', Abdelaziz al-Qassim, một chuyên gia pháp luật và là một học giả tôn giáo tại Riyadh, nhận định như vậy.
Mới tháng trước, hơn 25 học giả tôn giáo đã công bố sắc lệnh ủng hộ cuộc thánh chiến chống lại quân đội Mỹ tại Iraq. Các nhà phân tích tại Riyadh cho biết, nhiều người Ảrập tức giận trước các vụ tấn công của quân đội Mỹ vào nhiều thành phố của người Ảrập dòng Sunni tại Iraq. Trong khi đó, Chính phủ Ảrập Xêút thông báo với các quan chức ngoại giao Iraq rằng, họ đang yêu cầu các giáo sĩ khác lên án các hành động nổi dậy.
Kể từ vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001, Mỹ cũng lên tiếng yêu cầu Chính phủ Ảrập Xêút phát động chiến dịch tấn công các tiểu nhóm khủng bố tại vương quốc này. Năm ngoái, sau cuộc chiến Iraq, Mỹ đã rút 5.000 quân khỏi Ảrập Xêút, chấm dứt sự hiện diện quân sự - cái cớ mà Osama bin Laden và đồng đảng vin vào để tấn công vào các mục tiêu của Mỹ.
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Ảrập Xêút bắt đầu có dấu hiệu lắng dịu trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên, với vụ tấn công Toà lãnh sự hôm qua, chính quyền Riyadh chắc chắn phải chịu sức ép của Washington buộc đẩy mạnh các chiến dịch chống khủng bố và đảm bảo các biện pháp an ninh tối ưu cho các cơ sở ngoại giao phương Tây.
(Trần Kiên - tổng hợp)