Bộ trưởng Quốc phòng Đức bác bỏ đề nghị của Mỹ về việc để NATO đảm đương nhiệm vụ của quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Peter Struck. |
Ông Peter Struck, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, đã tuyên bố như vậy ngay trong ngày đầu của cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Romania. Tai đây Mỹ đề xuất, lực lượng gìn giữ hoà bình của NATO tại Afghanistan sẽ kết hợp với 18.000 lính Mỹ đang chiến đấu với tàn quân Taliban và lực lượng khủng bố al-Qaeda.
"Chúng tôi phản đối việc kết hợp hai lực lượng này", ông Struck nói. "Chính phủ Đức muốn ổn định trước hết".
Hiện Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO đang có mặt tại Kabul, thủ đô của Afghanistan, và 5 đội Tái thiết cấp tỉnh cũng đã được thiết lập ở bắc Afghanistan. Khác với các đơn vị quân Mỹ, lực lượng NATO không thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Theo Nicholas Burns, Đại sứ Mỹ tại NATO, Mỹ muốn hai lực lượng quân sự này kết hợp dưới sự chỉ huy chung và việc liên kết nếu được thực hiện vào đầu năm 2005 càng tốt. "Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, bằng cách nào các vị có thể kết hợp hai lực lượng quân sự có nhiệm vụ rất khác nhau này", ông Burn nói. "Nhưng sẽ có nhiều người giúp đưa ra phương hướng để các nhà lãnh đạo quân sự của liên minh có thể xem xét vấn đề này".
Ông Burns hi vọng, các nhà lãnh đạo quân sự của liên minh sẽ đưa ra câu trả lời trong cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng sẽ diễn ra vào tháng 2 tới tại Nice, Pháp.
Kể từ 8/2003, NATO đã triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình tại Kabul. Lực lượng này hoàn toàn biệt lập với lực lượng chiến đấu của Mỹ. Trong những tháng gần đây, NATO đã mở rộng hoạt động ở các tỉnh miền bắc Afghanistan và hiện đang muốn triển khai thêm 8.000 binh sĩ tới phía tây nước này.
Ông Struck nói, ông ủng hộ việc triển khai thêm quân của NATO nhằm mở rộng hoạt động gìn giữ hoà bình. Nhưng ông e rằng, chính phủ Đức sẽ không ủng hộ việc liên minh sẽ đảm nhiệm cả nhiệm vụ chiến đấu ở Afghanistan.
Đức là một trong những nước có đóng góp nhiều nhất đối với hoạt động gìn giữ hoà bình. Số binh sĩ Đức tham gia vào hoạt động này là 2.500.
Cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO lần này còn bàn đến vấn đề về Iraq. Tuần trước, các nước đồng minh đã thông qua kế hoạch gửi khoảng 300 hướng dẫn viên đến Iraq để huấn luyện cho các chỉ huy cấp cao của quân đội Iraq mới thành lập.
Tuy nhiên, các nhà lập kế hoạch quân sự của NATO đang lo ngại về việc làm cách nào để tìm được số hướng dẫn viên nói trên. Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ sẽ không triển khai quân đến Iraq. Còn các quốc gia khác cũng rất miễn cưỡng khi phải giao phó các nhân viên của mình cho một hoạt động nguy hiểm và tốn kém.
Hiện đang có khoảng 40 nhân viên huấn luyện và nhân viên hỗ trợ của NATO tại Baghdad. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại rằng, hoạt động của phái đoàn này có thể không mang lại kết quả như mong muốn trước khi cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở Iraq vào đầu năm tới theo dự kiến.
Cuộc họp với sự tham gia của 26 Bộ trưởng Quốc phòng NATO nhằm thúc đẩy quyết định hiện đại hoá quân đội để hỗ trợ cho nỗ lực mở rộng hoạt động gìn giữ hoà bình ở Afghanistan. Tổng Thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer cho biết, một lực lượng mới gồm 17.500 binh sĩ đã sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống khẩn cấp.
(Việt Hằng - Theo AP)