- Ban đầu anh Khôi, ngụ đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú TP.HCM thấy giữa hai lằn mông con trai 2 tuổi, tên Phạm H. bị đỏ, mọc nốt lấm tấm nhưng không để ý lắm. vài ngày sau, bé bỗng quấy khóc, bỏ ăn, không ngủ do các nốt sần sưng tấy, lan rộng, mưng mủ thì anh mới tá hỏa đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN
Tại đây, các bác sĩ da liễu đã kết luận bé bị viêm da nặng do dị ứng với tã giấy, chỉ cần chậm trễ một chút là sẽ chuyển sang nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Bản thân vợ chồng anh Khôi, cha mẹ của bé Hùng vô cùng bất ngờ vì nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm cho con rất đơn giản, ít được chú ý tới. Hằng ngày, do bận rộn với công việc nên gia đình anh thường xuyên đóng tã giấy cho con vì tiện lợi, thậm chí có lúc do đi chơi xa nên bé H. được đóng tã giấy cả ngày, đến chiều mới thay.
Hăm da do tã có thể gây nhiễm trùng máu. Ảnh: BV.
Ngày 31/3, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết do thời tiết vào mùa nắng nóng nên lượng trẻ bị viêm da, dị ứng do sử dụng tã giấy không đúng cách đến bệnh viện khám và điều trị ngày càng nhiều.
Hăm tã tưởng chừng là một triệu chứng đơn giản nhưng lại dễ đem đến cho trẻ những biến chứng vô cùng nguy hiểm mà không phải phụ huynh nào cũng để ý đến.
Do chức năng tiện lợi nên tã giấy được đông đảo cha, mẹ lựa chọn để dùng cho con. Tuy nhiên, một số phụ huynh thiếu hiểu biết, dùng phải tã kém chất lượng, sai kích cỡ hoặc quên không thay tã cho bé trong một thời gian dài dẫn đến trẻ bị viêm da trầm trọng gây biến chứng nặng.
“Sử dụng tã giấy không đúng cách, vùng kín luôn bị ẩm ướt, độ pH trong nước tiểu thấm ngược vào da sẽ gây kích thích, hăm, loét ở trẻ.
Nếu cha mẹ sơ ý không chăm sóc, điều trị cho bé kịp thời trẻ có thể bị nhiễm trùng da, đường tiểu, thậm chí nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.”, bác sĩ Lê nói.
Qua đó, bác sĩ Lê đặc biệt lưu ý phụ huynh, trẻ nhỏ rất dễ bị mắc bệnh về da do tã giấy gây ra do làn da còn mỏng manh, nhạy cảm. Nếu phải dùng tã giấy, cha, mẹ nên lựa chọn loại tã mềm, thấm nước tốt, phù hợp kích cỡ với trẻ. Đặc biệt, không được để bé đóng tã quá lâu, mỗi lần thay tã cần rửa sạch bằng nước lã.
Phụ huynh cũng không cần rắc phấn rôm khi thấy vùng kín của con có vết hăm đỏ, phấn rôm sẽ gây bít lỗ chân lông làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da cho bé. Khi trẻ bứt rứt, bỏ ăn, sốt, vết hăm sưng, làm mủ thì cần được đưa đi khám ngay để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Việc dùng tã giấy không đúng cách cũng có thể làm trẻ có dáng đi hai hàng, vòng kiềng.
-
Thanh Huyền