(VietNamNet) - Mặc dù Sở Y tế Hà Nội quyết định đình chỉ sử dụng mắm tôm, mắm tép trong chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng biển hiệu quảng cáo thực phẩm này vẫn được trưng ra, giá bán không thay đổi.
>> Công bố dịch tiêu chảy, cấm mắm tôm, mắm tép
Lòng lợn mắm tôm không nên ăn ở thời điểm này. |
Hôm nay, cùng với việc Bộ Y tế tổ chức 5 đoàn kiểm tra tình hình dịch bệnh tiêu chảy cấp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, hôm nay (31/10), Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Sở Thương mại, Chi Cục quản lý thị trường và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán sử dụng mắm tôm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể là chợ Ngô Sĩ Liên, Hàng Da, chợ Hôm Đức Viên. Tuy nhiên, việc kiểm tra bất ngờ nên phóng viên báo chí không được thông tin đi cùng.
Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet về việc sử dụng mắm tôm, mắm tép... trên thị trường thì người dân xem ra vẫn còn mơ hồ, thậm chí biết nhưng không sợ.
Dù đã nghe thông tin về việc tạm thời cấm sử dụng mắm tôm nhưng bữa sáng nay anh Nguyễn Quang ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy vẫn cho mắm tôm vào bún riêu. ‘’Sáng nay, tôi ăn bún riêu ở phố Lý Văn Phức. Cho mắm tôm vào bát rồi tôi mới nhớ ra là đang có dịch tiêu chảy và có khuyến cáo không nên sử dụng mắm tôm. Nhỡ tay rồi nên tôi vẫn dùng’’, anh Quang nói.
Cửa hàng bún đậu của chị Dung ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy vẫn khá đông khách. ‘’Tôi cũng không biết việc cấm sử dụng mắm tôm nên vẫn bán hàng. Hôm nay, tôi bán hết gần 10kg bún như mọi khi. Khách hàng sử dụng mắm tôm mà không có ý kiến gì’’. Cách cửa hàng chị Dung không xa, quán bún đậu mắm tôm của chị Liên cũng tương tự. Chỉ có điều khác là cửa hàng chị lại bán bún đậu mắm tôm đã trưng chín. Chị Liên cho biết, khách hàng vẫn gọi bún đậu mắm tôm chứ không thích ăn với nước mắm.
Tại nhiều chợ, các cửa hàng khô vẫn bán mắm tôm. Sáng nay, nếu muốn mua mắm tôm, mắm tép tại chợ Mơ, Quỳnh Mai, Kim Liên, Nghĩa Tân, chợ Xanh… người tiêu dùng vẫn được phục vụ với giá 7.000 – 8.000 đồng/lít mắm tôm, lọ nhỏ 1.000 – 2.000 đồng/lọ…
Tại chợ Mơ, ông Phùng Mạnh Tuấn, Phó Ban Quản lý chợ cho biết, trong sáng qua (31/10), khoảng 35 hộ kinh doanh mắm tép, mắm tôm và 15 hộ kinh doanh ăn uống có sử dụng mắm tôm chế biến thực phẩm đã phải ký cam kết không được kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, tại một số cửa hàng khô trong chợ người tiêu dùng vẫn được phục vụ với giá 7.000 – 8.000 đồng/lít mắm tôm, lọ nhỏ 1.000 – 2.000 đồng/lọ… nếu cần. Tuy nhiên, việc mua bán không được thoải mái như khi chưa có lệnh cấm.
Chợ nhà Bè, nơi có nhiều cửa hàng kinh doanh mắm tôm, mắm tép vẫn khá đông khách. Những tấm biển hiệu quảng cáo các loại đặc sản mắm tôm, mắm tép vẫn được trưng ra. Giá bán mắm tép vẫn giữ nguyên 12.000 đồng/1lạng như trước khi có quyết định cấm.
Bệnh viện quá tải bệnh nhân tiêu chảy
Cảnh giác với dịch bệnh, nhiều người dân khi đau bụng, đi ngoài ở mức độ nào cũng tới nhập viện tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, nên hiện giờ BV này đang bị quá tải.
Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận từ 30 - 40 trẻ em bị tiêu chảy. BS Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong vòng 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhi bị tiêu chảy cấp tới viện gia tăng đáng kể. Điều đáng ngại là nhiều trẻ nhập viện muộn, khiến quá trình điều trị kéo dài dai dẳng. Trẻ bị tiêu chảy kéo dài khiến cơ thể suy yếu và rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Tuy số trẻ bị tiêu chảy gia tăng gần đây được xác định là do Rotavirus, không giống như bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn. Tuy nhiên, bác sĩ Lộc cho biết, các phụ huynh phải tăng cường phòng bệnh cho trẻ, nhất là trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Tốt nhất, phụ huynh nên cho trẻ ăn thức ăn mới, tươi và được nấu chín kỹ. Tuyệt đối không cho trẻ ăn thức ăn để lâu ngày, kể cả thức ăn bảo quản trong tủ lạnh, đặc biệt là không nên mua đồ ăn sẵn ở siêu thị.
Bộ Y tế triển khai nhiều biện pháp mạnh
Bún đậu mắm tôm vẫn có người ăn. |
Trước tình hình trên, Hà Nội đã có phương án, nếu dịch lan rộng sẽ huy động khoảng 1.700 học sinh các trường CĐ, ĐH, bộ đội tham gia tuyên truyền, phát tờ rơi, hỗ trợ chống dịch.
Ngày mai (1/11), Bộ Y tế sẽ triệu tập các tỉnh phía Bắc tập huấn liên tục về giám sát bệnh, kỹ thuật xét nghiệm và phác đồ điều trị. Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Y tế dự phòng, Vụ điều trị, Cục an toàn VSTP, mỗi đơn vị thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, giám sát phòng chống dịch tiêu chảy. Các đoàn công tác có nhiệm vụ triển khai công tác dập dịch khẩn cấp tại các tỉnh đang có dịch, khoanh vùng xử lý triệt để môi trường, chất thải bệnh nhân tiêu chảy cấp; hướng dẫn các tỉnh/huyện triển khai uống thuốc dự phòng cho gia đình các bệnh nhân. Kiểm tra chỉ đạo giám sát việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các quán bình dân, thực phẩm có nguy cơ lây truyền bệnh như mắm tôm, hải sản sống, nguồn nước sinh hoạt. Xử lý nghiêm các trường hợp không an toàn vệ sinh. Tránh vận chuyển bệnh nhân, phòng ngừa dịch lây lan ra môi trường và cộng đồng.
Ngày 31/10, Cục Quản lý dược VN đã có công điện thượng khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hải Phòng; tổng công ty dược và các công ty cung cấp thuốc về việc chuẩn bị nguồn cung cấp thuốc cho điều trị tiêu chảy cấp.
Theo đó, Cục Quản lý Dược Việt Nam đề nghị sở Y tế chỉ đạoc các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm, khoa dược của các cơ sở khám chữa bệnh trong phạm vị địa bàn chuẩn bị cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại thuốc trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cấp, các loại thuốc khử trùng vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh, không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra.
Các công ty dược phẩm địa phương khẩn trương chuẩn bị sẵn các nguồn thuốc, dịch truyền; tổ chức nhập khẩu hoặc liên hệ trực tiếp với các Công ty xuất, nhập khẩu thuốc để nhập khẩu và cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại thuốc phục vụ cho công tác điều trị và phòng chống dịch.
Tổng công ty dược và các công ty sản xuất và xuất nhập khẩu thuốc có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cấp; khẩn trương khai thác nguồn hàng để sản xuất và nhập khẩu ngay dịch truyền và một số loại kháng sinh như Azithromycin, Cefotaxime, kháng sinh thuộc nhóm Quinolon (Ciprofloxacin, Ofloxacin, Levofloxacin) phục vụ cho công tác điều trị và phòng chống dịch.
Cục Quản lý Dược Việt Nam sẽ trực 24h/24h để giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc phòng chống dịch bệnh khi có đề nghị nhập khẩu của các đơn vị theo đúng quy định.
Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đưa ra khuyến cáo người dân thực hiện 6 không. Đó là không ăn mắm tôm, mắm tép; không ăn rau sống; không ăn tiết canh; không ăn nem chua; không ăn gỏi; không uống nước lã.
-
Lệ Hà