221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
986010
Bệnh tay chân miệng: Báo động đỏ
1
Article
null
Bệnh tay chân miệng: Báo động đỏ
,

(VietNamNet) - Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM ước tính, tuần qua, số ca tay chân miệng đã tăng gấp 2 lần so với tuần trước đó, từ trung bình 70ca/tuần lên 140ca/tuần.

Một trẻ bị tay chân miệng có biến chứng đang điều trị tại khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II. Ảnh: H. Cát

Ngày 24/9, hơn 115 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II - TP.HCM. Đây là lần đầu tiên khoa Nhiễm  tiếp nhận số ca tay chân miệng lớn nhất. Trong đó có 10% trẻ rơi vào tình trạng sốc.

Cùng thời điểm này của tuần trước, khoa tiếp nhận điều trị cho khoảng 75 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng thường có 2 tác nhân gây bệnh là siêu vi trùng Coxacki A16 và Enterovirus 71. Với tác nhân Coxacki A16, bệnh thường tự thuyên giảm và khỏi sau một tuần lễ xuất hiện hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc loét miệng.

Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng do Enterovirus71 có thể khiến trẻ dễ bị các biến chứng nặng, như: viêm não - màng não,  viêm cơ tim, phù phổi, liệt mềm cấp... Các biến chứng trên có thể gây tử vong rất nhanh trong vòng 24 giờ.

Trong khi đó, 60 trẻ đang điều trị bệnh tay chân miệng tại khoa Nhiễm Thần kinh - BV Nhi đồng I, tăng 10 bệnh nhi so với tuần trước. Trong đó, 35 bệnh nhi có những biến chứng thần kinh.

BS. Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi đồng I, cảnh báo các bậc cha mẹ vẫn chưa chú trọng theo dõi diễn tiến của bệnh tay chân miệng.

Một phần, do bệnh thường xảy ra vào mùa hè - thu, cùng thời điểm với một số các bệnh lý hay bệnh nhiễm trùng ngoài da, đặc biệt là các bệnh thủy đậu bệnh, bệnh do nhiễm siêu vi Herpex simplex hoặc nhiễm khuẩn như tụ cầu và liên cầu.

Bóng nước do thuỷ đậu nổi rải rác toàn thân, gồm nhiều loại bóng nước: bóng nước đục, bóng nước trong, bóng nước mới và bóng nước cũ. Còn bóng nước do siêu vi Herpex simplex thường nổi thành chùm quanh miệng. Đối với các bóng nước xuất hiện do viêm nhiễm thường kèm theo những vết trầy xước... bị nhiễm trùng.

Vì vậy, bóng nước xuất hiện ở các vị trí như tay, chân, miệng và một số ở mông là những dấu hiệu lâm sàng để nhận diện bệnh tay chân miệng.

Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, các bậc phụ huynh phải giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ bằng cách súc miệng hàng ngày, lau rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm... Ngoài ra, để bóng nước không bị vỡ ra, phải cắt ngắn móng tay cho trẻ, và nhất là không được đắp lá cây lên các bóng nước. 

Nhằm giảm thiểu số ca mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt là ở trẻ trong lứa tuổi mầm non và mẫu giáo, tuần qua Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các trung tâm y tế của 24 quận huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục. Qua đó triển khai công tác vệ sinh phòng bệnh tại các trường mầm non, nhà giữ trẻ trên địa bàn, từ khâu ăn uống, vệ sinh cá nhân đến đồ chơi.

  • Hương Cát
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,