"Lần nào sang Việt Nam, tôi cũng ăn tối với ông Ẩn. Có lẽ số lần tôi ngồi với ông nhiều hơn ngỗi với bất kỳ người Việt Nam nào khác. Sau bữa tối, thường thì tôi uống rượu còn ông hút thuốc lá và cuối buổi, bao giờ ông ấy cũng thông minh hơn tôi" - Thomas Vallely.
>>>> Kỳ I: Chia tay người bạn Lớn
"Không dám khóc, sợ anh trêu"
Một người tham dự đám tang của ông Ẩn từ đầu đến cuối nhận xét: "Một đám tang có quá nhiều…nguyên sĩ quan tình báo quân đội và không có nước mắt, sự than vãn..." Anh ta giải thích thêm: "Một nhân cách như ông Ẩn ra đi, người ta không thể khóc để thể hiện sự đau thương, tiếc nuối. Và bởi sinh thời, ông ấy luôn dung sự hài hước để tránh nói về những điều không vui…"
Nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn nhắc tới một nữ điệp báo tên là Tám Thảo, năm nay khoảng 75 tuổi. Bà và em gái ăn mặc đẹp và có mặt từ đầu đến cuối đám tang. Hiện hai bà ở gần nhau trong một kiệt nhỏ. Tối hôm trước khi đưa tang, kể chuyện với chúng tôi, bà kín đáo đưa tay xóa những giọt nước mắt để cố giữ trên môi nụ cười mang dấu ấn của một phụ nữ đẹp khi nói về ông Ẩn.
Hai vợ chồng ông Phạm Xuân Ẩn (ngồi giữa), bên cạnh là ông Mai Chí Thọ, phía bên trái là hai chị em bà Tám Thảo. (Ảnh do bà Thảo cung cấp). |
Bà kể…
Tôi quen anh Ẩn khi mới 20 tuổi. Anh cũng đã từng xin cưới cô em gái tôi nhưng vì cô ấy vướng việc đi học ở Anh đành thôi.
Anh là người dạy chúng tôi tiếng Anh đầu tiên. Buổi đầu tiên, sau khi dạy xong hai tiếng, anh nói:"Các chị có khiếu, học được đấy". Sau này, tôi đã học lên để làm được thông dịch viên cho sở Mỹ.
Hàng chục năm nay hai em tôi vẫn đến thăm anh luôn. Mấy tháng trước, bên Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo quốc phòng) có tổ chức cho chúng tôi cùng anh Mai Chí Thọ đến nhà chơi, có chụp ảnh chung với vợ chồng anh. Hôm đó, anh Mai Chí Thọ nói với anh Ẩn: "Mày làm sao chết, tiếng nói còn sang sảng vậy mà"; anh Ẩn nói: " Chết cũng được rồi, 80 tuổi rồi, Bác Hồ nói: "Thất thập cổ lai hy" mà giờ mình "hy" quá rồi".
Tuần trước, hai chị em rủ nhau đi thăm, nhưng ông không nói được nữa. Chúng tôi nói, anh mấp máy miệng, nhấp mắt, tỏ ra có nghe. Đôi mắt vẫn như cười. Cách đây hơn bốn mươi năm, trước mỗi chuyến đi làm nhiệm vụ nguy hiểm, anh thường dặn tôi những câu đại loại như: nếu anh không về nữa thì bảo vợ anh cất, hủy tài liệu nào để ở đâu trong nhà, và nói với ai những gì… Thế nhưng, thấy tôi rơm rớm nước mắt là anh phá lên cười và nói một câu gì đó thật hài hước để tôi quên chuyện khóc.
Vậy nên những ngày biết anh có thể mất trong nay mai, chị em tôi không dám khóc trước mặt anh, sợ anh trêu…
Đứa cháu mà hồi xa xưa đó anh Ẩn hay chở đi chơi, năm ngoái nó từ Đức về, bảo: "Con định sang năm mới về. Nhưng con nghe mấy cô nói: Chú Hai yếu lắm, nên về năm nay cho chắc ăn". Ông nghe, cúi đầu lặng thinh, trông cảm động lắm…".
Tình báo VN ai đi đầu, có phải ông Ẩn? |
Đại tá tình báo Nguyễn Xuân Mạnh: Cách đây một tháng anh Cao Đăng Chiếm gặp tôi nói: "Phạm Xuân Ẩn chiều sâu về mặt tình báo đã vươn lên ngang tầm cỡ quốc tế… Giờ mình chưa biết hết tầm cỡ đó. Làm việc tốt với địch mà giữ được bí mật thì đó là thành công quá lớn. Tìm hiểu để thấy tình báo Việt Nam ai đi đầu, người đó có phải là ông Ẩn không? Những nghiên cứu về Ẩn có lẽ cùng cần tiếp tục. |
Hồi những năm 60, hai chị em bà Thảo đẹp có tiếng ở Sài Gòn; nhà bà có một cửa hàng tơ lụa lớn ở chợ Bến Thành. Có mấy người lính kín coi mai mối cho nhà báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn: "Anh cưới một trong hai chị em nhà đó làm vợ đều tốt cả". Thỉnh thoảng, ông đến chở hai chị em và đứa cháu gọi "hai bà" bằng cô đi ăn kem, uống nước. Đó là bình phong rất tốt để ông Ẩn qua lại trao tài liệu cho bà Thảo đưa ra chiến khu mà không sợ bị lộ.
Trong nhiều chuyến đến chơi như vậy, mỗi tháng một lần, ông Ẩn làm nhiệm vụ thu Đảng phí của bà Thảo. Bà Thảo cười khi nhắc đến kỷ niệm xa xưa đó: "Lúc đầu, chỉ có tôi là Đảng viên, em gái tôi chưa được kết nạp, anh bảo tôi: Ở trỏng nói, tôi đóng 100 đồng, chị đóng 50 đồng. Tùy theo mức lương". Tôi nói: "Cho tôi đóng 100 đ luôn cho rồi. Mà Việt cộng có trả lương cho mình đâu mà đóng Đảng phí theo mức lương". Anh cười: "Không, tôi không biết. Trỏng bảo sao thì đóng vậy..".
Lời bà nói khiến tôi nhớ lại một trong nhiều câu chuyện mà đại tá Nguyễn Xuân Mạnh, nguyên trưởng ban tình báo ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn thời đó kể về ông Ẩn: "Hôm nọ, GS LARRY BERMAN ở Mỹ, đang chuẩn bị viết một cuốn sách về ông Ẩn, trong chuyến sang đây đã đến hỏi tôi: "Khi chỉ huy ông Ân, các ông gửi bao nhiêu tiền một tháng để ông ấy hoạt động? Tôi bảo: Ông Ẩn còn gửi tiền giúp chúng tôi nữa…".
"Làm trai trong suốt thời li loạn, anh thật xứng danh một anh hùng…"
Ông Mười Hương (người đã cử ông Ẩn đi Mỹ học) đã cùng những người bạn cũ ra tận Nghĩa trang TP. HCM tiễn đưa ông Ẩn (ảnh: BN) |
Khi chúng tôi đến nhà, đại tá tình báo Tư Cang (Nguyễn Văn Tào) đang ngồi trước cuốn vở ghi bài thơ tặng bạn. Những câu thơ của người lính già chân chất mà không kém vẻ hào sảng. Ông nói ngày mai (tức hôm làm lễ truy điệu - tác giả), ông sẽ ghi bài thơ này vào sổ tang.
…Đời người tình báo thế là xong/Tình dân nghĩa Đảng, nợ non sông/Làm trai trong suốt thời li loạn/Anh thật xứng danh một anh hùng.
Nay anh nằm đó, anh Hai Trung/Nhớ giọng anh cười, thật ấm lòng/Những lúc hiểm nguy căng sợi tóc/Vấn nói, vẫn cười, vẫn ung dung.
Xuân Ẩn từ nay ẩn thật rồi/Bạn bè thương tiếc mãi không nguôi/Riêng tôi nhớ mãi người đồng chí/Dũng cảm, thông minh, nhớ một đời…
Ông Tư Cang là cụm trưởng tình báo phụ trách trực tiếp Phạm Xuân Ẩn, nhưng hơn thế họ còn là bạn của nhau trong suốt mấy chục năm trời.
Giữa năm 1966, cấp trên bảo tôi vô Sài Gòn gặp ông Ẩn. Tôi ra 136B đường Gia Long (Lý Tự Trọng bây giờ), chờ ông Ẩn tới. Khi thấy tôi từ trong nhà bà Thảo bước ra, ông bảo tôi: "Trong rừng mà ngon quá ta, nhưng giày không hợp, tôi mua cho đôi khác, áo mới quá không hợp, kiếm cái cũ chút ha". Nghe vậy, thấy gần gũi liền…
Từ đó, dù tôi là chỉ huy trực tiếp thì ông là thầy dạy mấy "món" cụ thể để tôi trở thành người thành phố, tránh bị lộ. Ông học bên Mỹ, biết nhiều thứ chứ tôi ở rừng ra, biết gì đâu. Có lần tôi đi với bà Thảo vô nhà hàng, bước vô là thả luôn cánh cửa; ai dè bà Thảo đã quen với thói quen đứng bên cạnh giữ cửa cho phụ nữ như thường lệ của ông Ẩn nên không để ý, bị cửa đập một nhát. Hoảng quá, bà giả giả vờ cãi lộn để tránh bị lộ. Sau đó, ông Ẩn bảo tôi: " Anh phải mở cửa xe, mở cửa cho phụ nữ bước vô. Vụng như anh người ta biết ở rừng về lộ chết. Kể cả đôi khi không biết chửi thề, đạo mạo quá cũng lộ mình là Việt Cộng đó".
Đại tá Tư Cang kể rằng, họ đã từng chuẩn bị cho cái chết nhiều lần, kể cả việc phải chết chung, khi làm nhiệm vụ tình báo. Nguy hiểm nhất là một lần ông Ẩn được giao nhiệm vụ đưa thư liên lạc từ một nước cộng sản trực tiếp cho một viên chức cao cấp tại tòa đại sứ của một nước đối phương tại Sài Gòn. Đó là một việc rất nguy hiểm vì rất có thể viên chức kia đã không còn giữ thỏa thuận làm việc cho nước cộng sản kia, hoặc là sợ bị lừa, ông ta sẽ hô hoán lên và ông Ẩn sẽ bị bắt ngay. Tư Cang và ông Ẩn bàn thảo suốt hai tháng đủ mọi tình huống rồi mới thực hiện. Trước khi đi, đã dặn dò mọi người đề phòng có thể bị bắt, bị giết.
"Ông Ẩn cầm thư lên lầu, tôi đứng ở dưới, chờ từng phút một… Thế rồi, một lúc sau ông Ẩn đi xuống bảo: "Ông ta cầm thư bỏ vào túi luôn và hỏi: "Tôi có thể gặp lại ông ở đâu?". Ông Ẩn bảo tôi là: "Lần đầu tiên, tôi thấy đầu gối mình run lên".
Có một lần ông chở tôi đi, gần phủ tổng thống, tôi nói: Tài liệu anh đưa có giá trị lắm, cấp trên thưởng anh Huân chương Chiến công Hạng nhất. Anh nói: "Anh nói tôi mừng nhưng tụi mình khó có cơ hội để đeo cái đó".
Nghe ông nói mình thấy thương. Vẻ mặt ông lúc đó buồn buồn.
…Sau ngày giải phóng, thỉnh thoảng anh đạp xe đạp vô nhà tôi chơi, nói chuyện phiếm, lúc nào cũng vui vẻ kể cả những khi không thuận lợi nhất. Sau này ông được phong Anh hùng, được thiếu tướng, ông thương tui lắm. Khi tôi được phong Anh hùng, ông nói: "Mừng cho anh, vậy là được rồi. Nhưng mà nghĩ lại tôi với anh có giỏi gì hơn anh em đâu. Đi ào ào trong Sài Gòn mà không bị bắt là nhờ cái số mình nó vậy chứ không phải mình giỏi".
Thomas Vallely: " Với tôi, ông Ẩn là người thầy"
Thomas kể…
…Một trong những thầy giáo giỏi nhất của cuộc đời tôi là ông Ẩn. Chúng tôi là bạn thân của nhau trong suốt 20 năm nay.
Khi tôi bắt đầu làm việc ở trường Harvard, tôi cần tìm hiểu về Việt Nam. Một nhà báo nổi tiếng nhất trong lịch sử của tờ New York Times là ông Neil Sheehan đã giới thiệu tôi với ông Ẩn. Lúc đó tôi muốn biết về Việt Nam, bởi ông McNamara - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ 1961 - 1968 lúc đó đã có viết cuốn hồi ký với tiêu đề là "Nhìn lại một thời" (In Retrospec). Lúc ông ấy đến trường Harvard nói chuyện thì tôi là một trong những người ngồi ở bàn chủ tọa để điều hành cuộc tranh luận. Hai ngày trước khi có cuộc nói chuyện này, tôi đã đến Sài Gòn, ngồi bên bờ sông Sài Gòn nói chuyện với ông Ẩn. Trong cuộc nói chuyện đó, tôi đã dùng rất nhiều tư liệu trong cuốn sách mang tên "Những lời nói dối hào nhoáng" của Neil Sheehan … Ông Ẩn nói đó là cuốn sách hay nhưng nó chỉ nói về nước Mỹ thôi, nhưng khi đến cuộc thảo luận đó thì đừng nói về nước Mỹ mà hãy nói về Việt Nam thôi…
Cuộc nói chuyện của ông McNamara tại trường Harvard đã trở thành một cuộc tranh luận kịch liệt. Nhiều người tham dự tại đó chỉ trích nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lừa dối vì không nói cho nhân dân Mỹ kết cục của cuộc chiến tranh Việt Nam mà ông ta đã dự đoán trước. Trước sự chỉ trích này, ông McNamara đôi lúc đã không thể tự chủ được và nổi nóng.
Có lẽ nhờ những gì thu nhận được từ cuộc nói chuyện với ông Ẩn bên bờ sông Sài Gòn hôm trước, tôi đã thành công trong việc làm dịu lại không khí với tư cách là thành viên của bàn chủ tọa.
Lần nào sang Việt Nam, tôi cũng ăn tối với ông Ẩn. Có lẽ số lần tôi được ngồi với ông tính kỹ sẽ nhiều hơn ngồi với bất cứ người Việt Nam nào khác. Mỗi lần như vậy, sau bữa tối thường thì tôi uống rượu còn ông hút thuốc lá. Cuối buổi, bao giờ ông ấy cũng thông minh hơn tôi.
- Điều gì ở ông Ẩn đã khiến ông coi ông ấy là người thầy của mình?
- Tôi trẻ hơn ông Ẩn nhiều, ông dạy cho tôi về chiến tranh Việt Nam mà tôi cũng đã có tham gia, và điều đặc biệt hơn là ông dạy cho tôi về những điều sau cuộc chiến...
-
Lương Thị Bích Ngọc
Phản hồi của bạn đọc: