Gần 800 ngày sau khi về chấp hành án phạt tù tại trại giam Phước Hòa, Bình Kiểm ngồi trước mặt tôi là một người đàn ông dáng vẻ thư sinh, gương mặt hiền lành, thoải mái, mắt cười híp mí.
Bình hồn nhiên tâm sự về cuộc sống của mình ở trong tù, về vợ, về con cái, thậm chí là chuyện bồ bịch, vừa nói vừa cười, ánh mắt sáng bừng, vui vẻ. Không dễ để tưởng tượng ra đây chính là “giang hồ Bình Kiểm” – kẻ đã thực hiện vụ bắt cóc đòi 10 triệu USD gây chấn động Sài Gòn, kẻ khiến nhiều dân giang hồ phải toát mồ hôi hột lúc gặp mặt.
“Trong tù tinh thần tôi sảng khoái hơn ở ngoài”
Khi cán bộ phân trại I (trại giam Phước Hòa – huyện Tân Phước – Tiền Giang) vừa đưa Phạm Đức Bình (tức Bình Kiểm) vào gặp tôi, tôi đã nhận thấy sự vui vẻ, hồn nhiên, thanh thản đến kì lạ trên gương người đàn ông lẫy lừng chốn giang hồ này. Hỏi Bình Kiểm “hình như anh rất thanh thản với cuộc sống trong tù?”, Bình cười và gật đầu. Anh ta nói: “Trong này tôi chẳng phải lo nghĩ gì, chỉ ăn, ngủ và lao động, đâu phải toan tính đủ các kiểu như ở ngoài. Thế nên cái tâm của tôi giờ đây rất bình lặng”.
Sau khi bị tòa tuyên án 28 năm tù, Bình Kiểm được đưa về trại giam Phước Hòa từ ngày 01/ 01/ 2008. Vì là thành phần đặc biệt từ ngoài xã hội nên từ khi vào đây, nhất cử nhất động của Bình Kiểm trong trại giam đều được các cán bộ quản giáo theo dõi kĩ, đề phòng Bình có những manh động khó lường. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, như lời các cán bộ trại Phước Hòa thì Bình “khá thuần” và tích cực cải tạo. Hiện giờ Bình đang học nghề thủ công tại phân trại I, nghiêm túc chấp hành án cải tạo và kỳ nào cũng được xếp loại cải tạo khá và là một thành viên tích cực trong các phong trào thể dục thể thao của phân trại.
Bình hồn nhiên kể với tôi: “Trong này tôi khoái đá bóng lắm. Chiều nào lao động xong cũng đi đá. Thỉnh thoảng vào những ngày lễ, tết hay có sự kiện gì, các đội bóng phạm nhân của các phân trại lại được gặp nhau thi đấu. Đó là những ngày vui và nhiều tiếng cười nhất của tôi ở đây”. Ngoài những hoạt động giải trí như chơi thể thao, coi tivi, buổi tối trước khi đi ngủ, Bình Kiểm còn dành 20 phút để đọc các cuốn tiểu thuyết mà anh ta thích. Bình bảo, Bình có cái thú vui tao nhã này từ hồi trai trẻ, khi mà con người còn chưa nhuốm bụi giang hồ. Những tác phẩm kinh điển thế giới như “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Cuốn theo chiều gió” rồi các tiểu thuyết dã sử Trung Quốc như “Thủy Hử”, “Đông Chu liệt quốc”, “Tam Quốc diễn nghĩa”, Bình đều đã đọc đi đọc lại nhiều lần.
Những cuốn sách đó giờ vẫn theo Bình vào trại giam và được Bình chiêm nghiệm theo một cách khác, với những cảm nhận khác hoàn toàn so với những năm tháng bon chen bên ngoài. Bình bảo, ngay cả lúc hai vợ chồng bỏ nhau, Bình để lại toàn bộ tài sản cho vợ và ra đi với hai bàn tay trắng nhưng sách thì Bình không “nhường” cho vợ. Đi đâu thì đi, Bình Kiểm cũng nhất định phải mang theo số sách quý của mình.
Khi đã tâm sự rất thân tình, Bình lấy tay vén tóc lên rồi chỉ cho tôi xem mái tóc bạc rất nhiều của anh ta. Nó bạc từ trước khi Bình bị bắt, bạc vì những đêm mất ngủ, vì phải suy nghĩ đủ trăm phương ngàn kế để có thể tồn tại được trên giang hồ, vì lúc nào cũng thắc thỏm, lo âu, sợ hãi đủ điều. Vào tù, tư tưởng hoàn toàn thoải mái, tóc Bình không bạc thêm nữa nữa. Ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa, ngủ nghê có điều độ, ngày ngày lại tập thể thao, Phạm Đức Bình bảo sức khỏe mình hiện giờ rất tốt, tinh thần thì vô cùng phấn chấn: “Tôi nói có thể chị không tin, nhưng đi tù mấy lần là mấy lần tôi thấy mình thanh thản nhất, vì không làm việc xấu, không nghĩ đến những việc xấu, không hại người. Ngay cả ngày xưa lúc hai vợ chồng tôi còn sống với nhau, tình cảm và quan hệ vợ chồng thăng hoa nhất lại chính là quãng thời gian tôi cải tạo trong tù.
Bình Kiểm và 4 đàn em trong phiên tòa xét xử ngày 25/9/2007 (Ảnh: Thanhnien) |
Hồi ấy, mỗi lần cô ấy lên thăm, được cán bộ tạo điều kiện gặp nhau ở phòng hạnh phúc, là những giây phút ngọt ngào, mặn nồng nhất trong cuộc sống vợ chồng. Vợ tôi vụng, không biết nấu ăn. Cứ ngày nào cô ấy lên thăm, tôi lại nấu cho vợ nào món gà, nào món canh, món xào, không thiếu thứ gì. Hai vợ chồng sống với nhau trong phòng hạnh phúc ở trại mà cảm thấy mãn nguyện vô cùng. Những cái đó lúc ở ngoài xã hội rất hiếm xảy ra, vì có bao nhiêu thời gian và sức lực, tôi dành hết cho việc nghĩ cách kiếm tiền và kiếm tiền, chẳng còn đủ tâm sức để hâm nóng hạnh phúc lứa đôi. Trong tù thì nghĩ được nhiều lắm, thấy sống thanh sạch sướng thật, nhưng cứ ra tù, cần tiền, tôi lại quay trở lại việc làm ăn phạm pháp, không bỏ được, thế nên ngày hôm nay tôi mới lại có mặt ở đây” – Bình hồn nhiên kể.
Câu chuyện tình “yêu là cưới” hài hước
Những phóng viên tham dự phiên tòa xử Bình Kiểm cách đây vài năm đều không thể quên được những cử chỉ, lời nói hồn nhiên của Bình Kiểm, đặc biệt là tình yêu đặc biệt mà Bình dành cho vợ. Ngày bị tòa tuyên án 28 năm, Bình cười toe, vừa đi ra xe thùng vừa hô ầm lên sung sướng “được sống rồi” đầy mãn nguyện, cử chỉ, dáng vẻ như một đứa con nít được mẹ tha đòn. Trước lúc lên xe, Bình cũng luôn miệng nói với vợ “anh yêu em vô cùng”, dù rằng lúc đó hai vợ chồng Bình đã bỏ nhau được mấy năm trời. Chuyện tình yêu rồi chuyện vợ chồng của Bình Kiểm, những người biết Bình đều biết, vừa buồn cười, vừa ngộ nghĩnh.
Bình Kiểm kể Lan – vợ anh ta là một người phụ nữ đẹp. Bình Kiểm biết vợ mình từ năm 1993, khi Lan đang làm nghề kinh doanh quần áo. Tuy nhiên, mãi đến tháng 11/1995, hai người mới chính thức quen nhau rồi về sống với nhau ngay sau đó. Phạm Đức Bình cũng bảo đây là người phụ nữ duy nhất mà anh ta yêu cho đến lúc này. Cái lý do khiến Bình mê đắm vợ cũng hết sức đặc biệt: “Lần đầu tiên gặp vợ tôi, tôi thấy cô ấy đẹp quá. Thế là tôi yêu. Tôi là người thích phụ nữ đẹp. Với tôi, đàn bà chỉ cần đẹp, còn thì tính cách ra sao tôi không cần quan tâm. Vợ tôi đẹp lắm. Ít nhất thì trong mắt tôi, cô ấy cũng là người đẹp nhất. Nhìn thấy cô ấy lần đầu tiên là tôi yêu liền, chẳng quan tâm đến tính cách cô ấy ra sao, xấu hay tốt”.
Tôi có hỏi Phạm Đức Bình về những kỉ niệm thời yêu nhau của hai vợ chồng thì Bình cười ngất: “Hai vợ chồng tôi tính ra không có đến một ngày yêu đương. Lần đầu nhìn thấy vợ tôi là năm 1993, nhưng đến năm 1995, tôi mới có cơ hội tiếp xúc. Ngay ngày đầu tiên ấy, tôi đã biết trái tim mình thuộc về người phụ nữ này. Ngày hôm đó tôi có cái gì trong tay, tôi đều cho vợ tôi tất. Tôi bảo với cô ấy rằng em về sống với anh đi, từ giờ mọi cái anh làm ra đều là của em, đều thuộc về em. Nói thế rồi ngày hôm sau chúng tôi về ở với nhau thật, không hôn thú, không cả đám cưới, chỉ sống với nhau như thế thôi.
Trước lúc đưa vợ tôi về, tôi có “giao kèo”: Anh yêu em và muốn sống với em. Nhưng mình không đăng kí kết hôn em nhé. Vì kết hôn rồi đến lúc chán nhau lại phải ra tòa li hôn, vừa mệt vừa mất thời gian. Em chỉ cần biết là em ở với anh một ngày thì anh sẽ chiều chuộng em một ngày, em ở với anh 1000 ngày thì em sẽ là nữ hoàng của anh 1000 ngày. Sau này nếu hai đứa hết duyên với nhau, có bỏ nhau, thì mọi tiền bạc của cải anh có đều là của em hết. Anh chỉ mang vài bộ quần áo và mấy bộ sách quý của anh đi thôi”.
Bình Kiểm đã phải trả giá cho tội lỗi của mình (Ảnh: Thanhnien) |
Đi nhiều trại giam, tiếp xúc với nhiều phạm nhân, Bình Kiểm thực sự để lại ấn tượng mạnh trong tôi vì những tính cách kì lạ nhưng cũng hết sức thú vị, những cái mà không dễ tìm thấy trong cuộc sống hiện nay. Khét tiếng trên giang hồ, nhưng với vợ con Bình Kiểm hiền lành như một cọng bún, vợ con thích gì chiều đấy, muốn gì có đấy. Cái sự chiều vợ của Bình Kiểm thì đến tận bây giờ - sau khi hai vợ chồng bỏ nhau, Bình gây ra vụ bắt cóc rồi đi tù – giang hồ Sài thành vẫn xuýt xoa ngưỡng mộ. Bình bảo, yêu phụ nữ đẹp đã khó, lấy phụ nữ đẹp và sống với họ càng khó hơn. Đã lấy người đẹp thì khó khăn, cay đắng gì cũng phải cắn răng chịu đựng hết. Ra ngoài hét ra lửa, nhưng về nhà, vợ nói gì Bình cũng nghe, cũng chiều, chẳng bao giờ cãi lại nửa câu. Trong gia đình Bình, nếu có ai giận dỗi, nóng nảy, to tiếng, thì chỉ là do vợ Bình không kiềm chế được, chứ Bình thì tuyệt nhiên không bao giờ.
Một trong những nguyên tắc hôn nhân của Bình Kiểm là không bao giờ làm vợ mất lòng. Vợ mua một cái áo mới rồi hỏi nhận xét của Bình, dù vô cùng ghét cái áo, Bình cũng không chê, chỉ khen, để vợ khỏi mất lòng. Vợ gây ra chuyện gì, có lỗi gì Bình Kiểm cũng không bao giờ mắng, chỉ cười hề hề rồi bỏ qua. Kể về vợ, Bình Kiểm rất “thật thà” kể rằng, vợ tôi khó tính lắm, hay ghen lắm, nên nhiều khi vợ chồng có cái bất hòa, tôi lại nhịn. Vợ tôi vụng, làm cái gì cũng không đúng ý tôi hết, nhưng mỗi lần định quát vợ một vài câu, nhìn vào mặt vợ thấy thương thương, yêu yêu lại hết muốn quát. “Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp” – không có câu nói nào diễn tả tình yêu và sự chiều chuộng kì lạ của Bình Kiểm với vợ hơn câu nói này.
(còn tiếp)
-
Thảo Nguyên