- Nhiều hộ dân phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh phản đối việc địa phương này đền bù không thỏa đáng còn “ép” dân trong việc giải phóng mặt bằng?
Bài 1: Không chịu giao đất GPMB thì... nghỉ việc
Lấy 10 nhưng trả chỉ có 7
Trong đơn người dân phản ánh: Thành phố áp dụng phương án đền bù là: 70% đất tái định cư và và khấu trừ 30% đất để xây dựng cơ sở hạ tầng. Với phương án như trên chúng tôi thấy không đúng và không có cơ sở.
Ngày 14/6, phóng viên VietNamNet tới tìm hiểu tại địa phương này, người dân ở đây rất bức xúc và không đồng tình bởi cách làm của UBND TP. Hà Tĩnh trong việc đền bù GPMB.
Bà Lưu Thị Lài có chồng là ông Dương Đình Hân, phản đối cách áp giá đền bù và khối lượng đền bù của dự án. “Đền bù thời điểm nào thì áp giá thời điểm đó, gia đình tôi không nhất trí với việc UBND TP trừ 30% để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tại sao đơn của dân gửi lên UBND Thành phố nhiều như thế mà thành phố không trả lời lại ép dân phải di dời. Chúng tôi thấy giá cả đền bù như thế là quá thấp. Yêu cầu trả đủ đất cho dân và di dời nhà phải đủ tiền để xây lại nhà tương xứng”.
Còn bà Hoàng Thị Đào (vợ ông Hồ Khắc Tăng) thì cũng không thống nhất đối với Thông báo số 12 của UBND TP. Hà Tĩnh kèm theo kết luận cuộc họp dân ngày 28/4, bà cho rằng: “Họ nói một đường nhưng làm một nẻo, tôi phát biểu không nhất trí về phương án đền bù mà họ ghi vào biên bản là tôi nhất trí! Như thế là lãnh đạo làm dối dân”.
Bà Hoàng Thị Đào vợ ông Hồ Khắc Tăng cho rằng: “Họ nói một đường nhưng viết một nẻo, tôi không nhất trí về phương án đền bù mà họ ghi vào biên bản nhất trí”.
Ông Nguyễn Hữu Thái, giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng, không đồng tình về giá trị GPMB so với giá trị thực của ngôi nhà và mảnh vườn đang sinh sống. Ông phân tích: "Nhà tôi có gần 900m2 đất nhưng chỉ đền bù 70% đất, như thế là thiệt cho dân. Hơn nữa giá thị trường 25 triệu/1m2 nhưng áp giá đền bù chỉ có 5 triệu/1m2. Giá đó không chấp nhận được. Mặt tiền hiện có của tôi là 35,5m mà ở vị trí mới chỉ có 17,6m nên gia đình chưa di dời. Nguyện vọng của gia đình là trả đủ đất và đền bù mặt bằng tương xứng”. Ông Nguyễn Văn Côi càng bức xúc hơn: “Khi dự án đường Hàm Nghi thi công, gia đình tôi đã mất 300m2 đất mà không được đền bù đất tái định cư, nay dự án “đường bao phía Tây TP. Hà Tĩnh” thi công tiếp tục mất 30% (tương đương 200m2, trên tổng số 675,6m2 diện tích đất). Chính quyền làm như thế dân có chịu nổi không?”. Ông Côi cũng cho biết thêm “một hộ dân chỉ được cấp 1 triệu đồng phí di dời là không thể thực hiện được, như nhà tôi có tới 3 cái nhà lớn chỉ có 1 triệu đồng thì làm sao mà di dời”.
“Không di dời sẽ bị cắt điện, nước, thông tin liên lạc”
Cũng theo phản ánh của những hộ dân trên thì ngày 28/4/2010, ông Trương Tiến Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh đã “phát biểu” với dân rằng: Nếu không di dời sẽ bị cắt điện, nước và thông tin liên lạc 3 hộ dân gồm Dương Đình Hân, Hồ Khắc Tăng và Nguyễn Thị Quyết.
Anh Trần Quốc Hương, con trai bà Nguyễn Thị Quyết đứng trước nhà mình, không giấu nổi uất ức: “Họ sẽ cưỡng chế, cắt điện, cắt nước, cắt thông tin liên lạc”. |
Anh Trần Quốc Hương con trai bà Nguyễn Thị Quyết không dấu được ức chế vì cho rằng chính quyền địa phương ép phải di dời bằng việc “sẽ cưỡng chế, cắt điện, cắt nước, cắt thông tin liên lạc”. “Chúng tôi không thể chấp nhận một lãnh đạo có thái độ như thế với dân. Lãnh đạo mà áp đảo dân như thế sao được?” – anh Hương nói.
Trao đổi với P.v về vấn đề lãnh đạo thành phố "ép dân" di dời bằng cách trên, ông Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh nói: “Về lý là tuyên truyền không được, vận động chưa xong thì xử phạt hành chính, khâu cuối cùng là cưỡng chế.
Sau khi cưỡng chế thì phải di dời tất cả, cắt điện, nước và thông tin liên lạc. Chuyện đó anh em Hội đồng GPMB chỉ đạo, sau khi cưỡng chế thì thực hiện xử phạt hành chính bổ sung".
Không nhận tiền thì khỏi nhận... kỷ niệm chương!
Ông Dương Đình Hân từng tham gia quân đội, năm 1986 xuất ngũ về địa phương sinh sống. Vào năm 1999 tham gia sinh hoạt Hội Cựu chiến binh (CCB), đến nay luôn hoàn thành mọi chỉ tiêu của Hội đặt ra. Duy chỉ việc vướng mắc là gia đình ông Hân là 1 trong 7 hộ dân khối phố 8, phường Trần Phú, chưa chấp nhận với phương án đền bù dự án Đường bao phía Tây TP Hà Tĩnh.
Đầu năm 2009, ông Hân tròn 20 năm tham gia Hội Cựu chiến binh, thuộc số 14 hội viên Chi Hội Cựu chiến binh khối phố 8, phường Trần Phú, được kỷ niệm chương do Trung ương Hội Cựu chiến binh trao tặng dịp này, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận.
Ông Dương Đình Hân ngậm ngùi vì việc gia đình không nhận tiền GPMB rồi rốt cuộc bị "rớt" khỏi danh sách được nhận kỷ niệm chương một thời cống hiến cho quân đội. |
Chi hội trưởng nói với tôi là chưa nhận tiền đền bù nên không được nhận kỷ niệm chương. Hỏi chi hội, được biết do phường cắt khỏi danh sách. Lên phường, ông Chương (chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trần Phú) bảo dưới Chi hội không trình lên”.
Ngày 25/6, VietNamNet đã gặp trực tiếp chi hội trưởng Cựu chiên binh khối phố 8 và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Đình Ngụ, Chi hội trưởng Cựu Chiến binh khối phố 8 cho biết: “Vừa rồi có xét và phát kỷ niệm chương 15 năm cho các anh em quân nhân tham gia hội cựu chiến binh.
Anh Hân là đủ tiêu chuẩn, chúng tôi có đề xuất danh sách 14 đồng chí được nhận kỷ niệm chương Cựu chiên binh, nhưng anh Chương bảo anh Hân nằm trong diện giải phóng mặt bằng, chưa nhận tiền đền bù, còn các chỉ tiêu khác anh thực hiện đầy đủ, vì vậy chưa được nhận kỷ niệm chương năm 2009”.
Chiều ngày 25/6, tại UBND phường Trần Phú, ông Lê Đăng Chương trả lời một cách gay gắt và bức xúc rằng: “Nhận kỷ niệm chương là phải hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xét tiêu chuyển trong giải phóng mặt bằng ông Hân chưa chấp hành nên đợt vừa rồi chưa cấp kỷ niệm chương, ông Hân chưa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đợt tới nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì sẽ cấp”.
Chúng tôi không hiểu vì lý do gì, mà tại địa phương này dùng nhiều biện pháp để buộc dân phải di dời một cách đặc biệt như thế. Việc làm không cấp kỷ niệm chương CCB cho ông Hân gây bức xúc cho người dân, bởi giữa việc giải phóng mặt bằng tái định cư và kỷ niệm chương ghi nhận thời gian nhiều năm tham gia Hội cựu chiến binh là 2 việc khác nhau.
- Kiều Trinh – Duy Tuấn - Trí Thức