221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1278787
Điệp khúc gõ cửa "xin" về nhà của thầy thuốc Anh hùng
1
Article
null
Điệp khúc gõ cửa 'xin' về nhà của thầy thuốc Anh hùng
,

- Đến nay, sau nhiều năm sơ tán, Giáo sư, Anh hùng Lao động Phạm Gia Khải vẫn chưa thể về sống trong căn nhà của mình. Phần diện tích phụ có trong sổ đỏ bị lấn chiếm vẫn chưa được giải quyết.

Đã hơn 2 năm giải quyết nhưng đến nay sự việc dường như bế tắc khi UBND thành phố Hà Nội vừa ra văn bản chỉ đạo “tiếp tục tuyên truyền…(?!). GS. Khải lại phải mang đơn đi gõ cửa các cấp “xin” được giải quyết để ông có thể trở về căn nhà của mình.

Thông báo kết quả xử lý vụ nhà GS. Khải cho Văn phòng Chủ tịch nước được biết

Văn phòng Chủ tịch nước vừa có công văn số 467 do ông Nguyễn Văn Chiền, Chủ nhiệm Văn phòng ký “về việc chuyển đơn thư” gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Nội dung công văn có đoạn: Ông Phạm Gia Khải, Giáo sư, Chủ tịch hội tim mạch Việt Nam, Chủ tịch hội đồng chuyên môn phía Bắc, Phó chủ tịch hội đồng chuyên môn Ban bảo vệ sức khoẻ cán bộ Trung ương đề nghị các cấp hữu quan thành phố Hà Nội khẩn trương giải quyết dứt điểm việc các hộ dân đến sau ở tầng 1 số nhà 7A, ngõ Phan Chu Trinh lấn chiếm, gây khó khăn và cản trở việc sử dụng diện tích nhà ở mà ông đã được cấp sổ đỏ.

Văn phòng Chủ tịch nước trân trọng chuyển đến đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để chỉ đạo cho, xem xét giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho Văn phòng Chủ tịch nước được biết kết quả”, CV đề nghị Hà Nội xử lý.

Báo cáo, chỉ đạo rồi lại… báo cáo!

Trong lần gặp lại GS. Khải tại viện tim mạch Quốc gia trước cái Tết Canh Dần, tôi có nghe người thầy thuốc anh hùng tâm sự rằng ông đã và đang là “nạn nhân của vấn nạn hành chính” và những suy ngẫm của ông.

Mô tả ảnh.

Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước gửi Chủ tịch Hà Nội về việc GS. Khải ngày 5/5.

Nhưng không phải ông mất hy vọng, ông vẫn tin rằng các cơ quan chức năng ở Hà Nội cũng sẽ giải quyết nhanh cho ông để ông có thể trở về sống trong chính ngôi nhà của mình ở ngõ 7A Phan Chu Trinh. Nơi mà ông có thể thực hiện chuyên môn cứu người, chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước hơn. Nơi ông đã phải rời xa gần 3 năm nay.

Lần đó tôi cũng tin rằng ông có thể thoả mãn được ước mong, dù biết rằng cái Tết năm này ông chưa thể trở về nhà.

Tưởng như mọi việc êm xuôi khi Sở Xây dựng Hà Nội có báo cáo UBND thành phố (đã rất nhiều báo cáo) để giải quyết sự việc tại số nhà này. Đưa ra phương án mà các ngành chức năng đã thông quan trong 2 năm qua.

Phương án lựa chọn sẽ là phương án số 5, phân bổ lại diện tích phụ, thu hồi lại diện tích lấn chiếm của hộ dân ở tầng 1 trong nhiều năm qua, lập lại trật tự.

Sau đó UBND thành phố có CV số 93 ngày 7/1/2010 lại tục chỉ đạo các ngành thống nhất phương án trình thành phố.

Ông Phạm Gia Minh, người đồng sở hữu với GS. Khải trong ngôi nhà số 7A, ngõ Phan Chu Trinh buồn rầu nói: Đã 4 tháng trôi qua mà chúng tôi mới chỉ được phép sửa lại cái bếp. Còn việc hoạch định diện tích phụ thì không thấy động tĩnh. UBND, Thành uỷ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo nhiều lần rồi nhưng đến nay GS. Khải vẫn chưa thể về nhà được.

Đến đầu tháng 3/2010, Sở Xây dựng đã có tờ trình về việc hoạch định lại diện tích phụ, thống nhất phương án số 5, đề nghị UBND thành phố ra quyết định phê duyệt để có thể triển khai.

Ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng quản lý nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Vụ nhà GS. Khải hiện sở đang gửi tờ trình xin quyết định cuối cùng của UBND thành phố.

Mô tả ảnh.

"Báo chí nói nhiều về cải cách hành chính, nhưng tôi và người thân chưa có may mắn được thụ hưởng cải cách đó", GS. Phạm Gia Khải ngậm ngùi sau 3 năm mang đơn gõ cửa các cơ quan chức năng "xin" được giải quyết để khỏi phải "sơ tán". Ảnh: Duy Tuấn

Tuy nhiên, sau khi nhận được tờ trình đề nghị thành phố có quyết định phê duyệt phương án xử lý thì UBND thành phố Hà Nội lại ra văn bản tiếp tục chỉ đạo xử lý, không ra quyết định.

Ngạc nhiên hơn công văn số 1449 ngày 5/4 do Phó Chánh văn phòng Nguyễn Văn Thịnh có phần nội dung như những lần chỉ đạo trước. “… UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, UBND, MTTQ phường Phan Chu Trinh, Cty TNHH MTV quản lý phát triển nhà… tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân nghiên cứu thống nhất với dự kiến phương án hoạch định trước khi trình UBND thành phố".

Trong khi thực tế mấy năm qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức rất nhiều lần họp, vận động nhưng đều không được. Chính ông Hiền cũng từng nói rằng để đạt được đồng thuận là không thể. Về phương án xử lý cũng đã có, thực tế trong 2 lần gần đây nhất trong các báo cáo của Sở XD - cơ quan chủ trì vụ việc đều nhắc tới phương án đã được các ngành thống nhất.

Công văn của thành phố còn có đoạn: Trường hợp không đạt được sự đồng thuận, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Thanh tra thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm, phường Phan Chu Trinh... kiểm tra xác định rõ căn cứ pháp lý cho việc hoạch định diện tích phụ, báo cáo UBND thành phố.

Chậm xử lý vì sợ bị kiện?

Ông Hiền giải thích về sự chậm trễ trong việc giải quyết sự việc: “Trong khi quy định về diện tích phụ là phải có sự đồng thuận. Nếu không được có khi phải mời các ngành họp, không chỉ ở Hà Nội mà cả Trung ương. Nếu không thì phải sửa quy định và Luật, trao quyền cho nhà nước định đoạt, bỏ câu phải có sự đồng thuận. Hoặc là quy định tổ chức hoà giải lần thứ mấy nếu không được thì cơ quan nhà nước ra quyết định”.

Mô tả ảnh.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó GĐ Sở XD Hà Nội: "Sự việc không thể để lâu được (...) Hiện thành phố vấn đang phân vân". (Ảnh: VN Meida)

Còn ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó GĐ Sở Xây dựng thì cho biết: “Hiện thành phố hiện đang phân vân là khi bán nhà nhưng không hoạch định. Bây giờ mình lấy lại phần người ta đã ở vào đấy rồi thì có đúng hay không?

Đang lăn tăn chuyện đó chứ còn phương án thì có rồi. Tức là tôi đã bán cho anh rồi giờ tôi lại hoạch định diện tích phụ đấy thì về cơ sở pháp lý làm thế nào cho nó chuẩn để làm sao khi mình làm người dân không kiện lại chính quyền được”.

Ồng Tuấn cho rằng hiện giữa Luật và thực tế đang có sự vênh nên thành phố muốn chắc chắn khi quyết cái này.

Khi trả lời phóng viên câu hỏi với tư cách là người được Hà Nội giao chủ trì giải quyết vụ việc này thì theo ông, đến khi nào thì có thể giải quyết xong?, ông Tuấn nói: “Việc này không thể để lâu được, trong quý 2 này sẽ thực hiện xong, thành phố đã giao rồi. Khi đấy đủ yếu tố pháp lý rồi thì không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế và người dân có phản đối thì mình cũng có căn cứ. Bây giờ bản thân các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang còn “lăn tăn”.

Như vậy, sau gần 3 năm giải quyết, tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết nhưng không thành, lần này Sở XD lại tiếp tục mời các cơ quan chức năng, các hộ dân liên quan, để tiến hành họp, vận động, thống nhất lại phương án mà họ đã thống nhất từ lâu.

Không biết lời hứa của vị lãnh đạo sở sẽ hoàn thành trong quý này có thực hiện được hay không khi cách giải quyết vẫn như vậy. Rồi sau đó lại tiếp tục báo cáo. Và Hà Nội sẽ có giải pháp gì để giải quyết dứt điểm vấn đề nhỏ mà không nhỏ trên?

Sự việc trên khiến tôi ngẫm lại lời của ông Khải đã từng nói: Báo chí nói nhiều về cải cách hành chính, nhưng tôi và người thân chưa có may mắn được thụ hưởng cải cách đó. Có nhiều nguyên nhân của sự nhiêu khê, nhưng không thể không nói tới trình độ nghiệp vụ kém của cán bộ phụ trách các khâu và sự "vô cảm" đáng sợ ở không ít người”.

  • Duy Tuấn
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,