- Có thể nói, ở xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, cơn sốt quặng đang len lỏi vào khắp các ngóc ngách, khi nhà nhà làm quặng, người người làm quặng.
Tại một hộ dân ở ngay cầu treo, cách ủy ban nhân dân xã Tri Phương một đoạn đường, một ngôi nhà ba tầng khang trang, bề thế. Nó là một hình ảnh hiếm hoi khiến chúng tôi ngạc nhiên, vì Tri Phương vẫn là một xã nghèo, người dân vẫn phải cứu đói vào những ngày giáp hạt.
Ngay tại sân, một đống bạt che kín mít những bao tải buộc đầu. Xé vài bao tải, thật bất ngờ, bên trong toàn quặng. Đây là một trong số những điểm đầu nậu thu gom quặng chờ xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Dọc hai bên đường, những đống quặng thô được chất thành từng đống trong các bao tải, chứa trong các bồn xây gạch ba-vanh quây kín.
Còn đây là “chợ” thu mua quặng lậu có tên là Bãi Sàng, nằm giữa trục đường chính dẫn vào xã Tri Phương, cách UBND xã Tri Phương khoảng 2 km. “Chợ quặng” mở tại một bãi đất trống và khá bằng phẳng, nhìn tuy hoang sơ nhưng khá nghiêm ngặt.
Những cây nứa tép được rào xung quanh, dù sơ sài nhưng cũng như ngầm đánh dấu ranh giới với bên. Hai thanh niên ngồi trên xe máy “chốt” ngay lối vào. Bên phải, một dãy xe máy vài chục chiếc dựng cạnh nhau.
Các đầu nậu cả đàn ông, phụ nữ… đều nhấp nhổm chờ “quặng” từ trên núi đi xuống, hay từ các ngã đường chở quặng bằng xe máy đi vào.
Liền kề chợ quặng, mỏm núi bên cạnh cũng là “công trường” khai thác quặng lậu của người dân địa phương.
Mỏm núi lổm nhổm đá tai mèo, xen giữa màu xám xịt của đá là màu đất gan gà bị khoét thủng từ hốc núi. Phải để ý rất kỹ mới có thể nhận thấy những nhóm người đang miệt mài đào bới… Đa số là phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Với họ, việc đào quặng lậu giống như là “nghề phụ” vào những ngày nông nhàn.
Cuối ngày là thời điểm các “thợ quặng” đưa hàng từ trên núi đưa xuống, bán cho các tư thương.
Một người làm việc miệt mài, mỗi ngày họ cũng gom được 50 – đến gần 1 tạ quặng. Tính với giá xấp xỉ 3 ngàn đồng/1kg, mỗi ngày họ thu nhập được vài ba trăm ngàn đồng.
Từ điểm thu mua này, quặng sẽ được các đầu nậu vận chuyển đến các địa điểm tập kết và đến tối lại tuồn sang bán cho các tư thương Trung Quốc.
Nếu chỉ tính con số mỗi đêm, dân buôn quặng trái phép đưa sang Trung Quốc qua đường mòn biên giới của Tri Phương chỉ khoảng chục tấn quặng, thì mỗi năm, Cao Bằng đã để chảy máu một khối lượng khoáng sản khổng lồ. Đó là chưa kể đến, còn rất nhiều những đường mòn tiểu ngạch khác nằm dọc biên mà dân buôn quặng lậu luôn tìm cách “khai thông”!
Các điểm tập kết quặng và thu mua đều diễn ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật. Điều ấy ai cũng biết. Hình như, chỉ có chính quyền là không hay?
Clip 1: Trắng đêm theo chân ngựa thồ quặng lậu vượt biên
-
Nhóm PV Điều tra