221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1271432
Kỳ 8: Hoàng Sa, 36 năm vẫn cách một nhịp chèo
1
Article
null
Tường trình từ Hoàng Sa:
Kỳ 8: Hoàng Sa, 36 năm vẫn cách một nhịp chèo
,

- Hình như tôi đã khóc trong những đêm trắng cùng ngư dân đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa. Tôi đã khóc, nhưng nước mắt tôi không chảy, mà nghe quặn thắt trong lòng khi nhìn về phía quầng sáng, nơi có ánh đèn tín hiệu nhấp nháy trên đảo Tri Tôn, Bom Bay, Phú Lâm… 

>> Kỳ 1:  10 ngày nghẹt thở trên vùng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 2:  Nín thở đi qua vùng biển "tử thần" 
>> Kỳ 3:  Hiểm nguy giữa biển Hoàng Sa
>> Kỳ 4:  Bỏ vùng biển Hoàng Sa là có tội với cha ông
>> Kỳ 5:  Đêm dưới lòng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 6:  Hoàng Sa, nơi cuộc sống không có chỗ cho sự yếu hèn
>> Kỳ 7:  Tựa vào nhau để sống với Hoàng Sa

Tôi cũng như hàng triệu con dân đất Việt đang ngày đêm bám biển và hướng về Hoàng Sa đã đớn đau nhìn vùng đất thiêng của Tổ quốc đang còn nằm trong tay của ngoại bang hơn 36 năm qua…

 

Tôi không khóc…

 

Trước khi ra Hoàng Sa, tôi đã mất nhiều tháng trời đọc lại toàn bộ tư liệu lịch sử về Hoàng Sa, mảnh đất thiêng của Tổ quốc. Tôi đã đến nơi trưng bày những hiện vật, tư liệu về Hoàng Sa.

 

Khi ở trong căn phòng nhỏ của Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng, nơi “ở nhờ” của vị Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa và cái nơi được gọi là phòng trưng bày ấy chỉ chừng 16m2 chật hẹp mà lòng tôi tự hỏi: Chúng ta còn nghèo, nhưng lẽ nào lại nghèo với quá khứ hào hùng của cha ông mấy trăm năm trước?

 

Lẽ nào không có một chốn riêng tử tế để đặt cái trung tâm hành chính của huyện đảo đã từng thổn thức bao con tim của người con đất Việt khi nhắc đến hai chữ Hoàng Sa!

 

3.JPG

Chúng tôi không bao giờ biết khóc. Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy nơi vùng biển Hoàng Sa.

Thú thực, khi đặt chân vào Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng để đi tìm cái phòng làm việc của ông Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, tôi biết rõ mười mươi ông Đặng Công Ngữ là Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Cái chức danh ấy là có thực, nhưng không hiểu sao người ta không muốn giới thiệu bằng một bảng hướng dẫn?

 

Trong hành lang hẹp dẫn đến căn phòng trưng bày tư liệu và hiện vật huyện Hoàng Sa nằm chéo góc đối diện với phòng làm việc của ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch huyện Hoàng Sa, tôi phải đứng chờ để người quản lý mở cửa. Nhưng dường như cửa đóng then cài đã lâu lắm, nên chiếc ổ khoá phải được đập phá, tôi mới vào được.

 

Trong cái căn phòng chật hẹp ấy, tôi đã vỡ oà với biết bao nhiêu hình ảnh, tư liệu khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đứng nhìn những hình ảnh, tư liệu mà lòng tôi rưng rưng. 

 

Trong lòng tôi có biết bao câu hỏi tại sao? Chúng ta nghèo đến mức để không có một nơi trưng bày những tư liệu, hình ảnh này cho con dân nước Việt tìm về để thổn thức, để yêu thương cái mảnh đất mà 36 năm nay vẫn còn nằm trong tay của ngoại bang?

 

Mãi đến bây giờ, cái huyện đảo Hoàng Sa được thành lập đã 13 năm (thành lập từ tháng 01/1997) được xác định ranh giới hành chính là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315km), bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp.

Ngày 21/4/2009, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh ký quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa trong nhiệm kỳ 2009-2014.

 

Tôi đã mất nhiều ngày đi tìm cái trung tâm hành chính huyện đảo Hoàng Sa, đi tìm vị chủ tịch huyện đảo này. Nhiều lời giới thiệu tôi đến Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng. Vẫn biết rằng, vị chủ tịch khả kính và kho tư liệu ngồn ngộn đang tá túc tại đây nhưng không hiểu sao đã nhiều lần tôi đến mà chân tôi không thể bước nổi qua cánh cửa hẹp này.

 

Bởi tôi cũng như hàng triệu triệu trái tim con dân nước Việt vẫn ước mong một trung tâm hành chính huyện đảo Hoàng Sa được xây dựng to đẹp. Bởi, đó là niềm tự hào của mọi con dân đất Việt khi tìm về để tri ân những bậc tiền nhân, để nhớ về vùng đất thiêng của Tổ quốc.

 

Trong những ngày được làm ngư dân lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa, tim tôi nghẹn lại khi nhìn thấy những lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay trên nóc ca bin của những con tàu ngư dân lướt sóng.

 

Tôi đã đứng lặng người trước biển với niềm tự hào: Tổ quốc vẫn hiện diện hàng ngày, hàng giờ nơi vùng biển đầy hiểm nguy này. Lòng tôi ấm lại và không hề biết run sợ trước bất kỳ thế lực nào.

Cờ Tổ quốc vẫn tung bay trên nóc ca bin các tàu đánh bắt tại biển Hoàng Sa

 

Thuyền viên Nguyễn Văn Nam cùng hàng trăm thuyền viên khác mà tôi gặp trong những ngày lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa đã tự hào nói với tôi rằng: Ngoài biển Hoàng Sa mênh mông, lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc mỗi con tàu đã giúp chúng tôi tự hào và vững tin hơn để đối mặt với hiểm nguy.

 

Những tư liệu, hình ảnh, những sắc phong, những chiến thuyền, những con dân đất Việt một thời sống ở Hoàng Sa… Một trung tâm hành chính huyện đảo Hoàng Sa, một vị chủ tịch huyện đảo. Và ngoài biển đảo Hoàng Sa, tôi đã nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay…

 

Đó là tất cả niềm tự hào của con dân đất Việt, là nơi truyền lửa yêu thương và niềm tin để cháu con tiếp tục cuộc hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.   

…nhưng lòng quặn thắt

 

Tôi đã thắt lòng khi đi ngang qua các đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa vào ban đêm. Đứng nhìn từ xa, quầng sáng cùng ánh đèn nhấp nháy mà theo tay chỉ của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn bảo đó là đảo Phú Lâm, Tri Tôn, Hai Trụ, Bom Bay… hiện vẫn đang còn bị Trung Quốc chiếm giữ. Thú thực, lúc đó, nước mắt tôi không rơi, nhưng lòng tôi quặn thắt.

 

Cố với tay để nhặt nắm đất thiêng của Tổ quốc nhưng xa quá, mặc dù vùng đất thiêng ấy chỉ cách nơi tôi đi qua chưa đầy 2 hải lý trong cái đêm vượt qua vùng biển “tử thần” đảo Tri Tôn, Phú Lâm.

 

Tôi năn nỉ thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn trong cái đêm đánh bắt nơi vùng biển đảo Bom Bay tìm cách cho tôi một lần được đặt chân lên đảo. Nhưng thuyền trưởng Tuấn bảo rằng: "không thể được", dù nơi ấy không phải là đảo quân sự nhưng cũng lắm hiểm nguy.

 

Bởi chỉ cần đặt chân lên cái đảo san hô nhỏ nơi có trụ đèn là lập tức tàu tuần tra Trung Quốc vây bắt ngay.

 

hs19.JPG

Phía bên kia là đảo Hoàng Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc

Còn thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng thì nửa đùa, nửa thật bảo với tôi rằng: "Nếu anh muốn lên các đảo Trung Quốc chiếm giữ chỉ có cách duy nhất là cho tàu chạy thẳng vào đảo và chấp nhận bị Trung Quốc bắt giữ là lên được đảo. Nhưng chưa chắc anh được lên đảo Phú Lâm, hay Tri Tôn. Ngay như anh em tụi tui bị Trung Quốc bắt giữ cũng chỉ lên được cái đảo nhỏ không tên nằm cạnh các đảo lớn".

 

Đất trời thiêng liêng, biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc đây rồi. Tôi nhắm mắt nghe hồn thiêng sông núi, nghe lời thì thầm của vùng biển đảo yêu thương đang còn rên xiết trong tay của ngoại bang chiếm giữ.

 

Ngước nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trên nóc của những con tàu rẽ sóng giữa biển Hoàng Sa, tôi thấy tự hào. Nhưng lòng tôi lại quặn thắt khi nhìn về phía biển mờ xa nơi cái quần sáng nhấp nháy trong đêm mà lòng tôi tự hỏi: Đã hơn 35 năm đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, nhưng một phần đất máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn trong tay của ngoại bang. Chúng ta liệu có lãng quên dần theo thời gian?!

 

Hoàng Sa máu thịt đây rồi! Tôi đã chạm tay vào vùng biển yêu thương để mà thổn thức, mà đau đớn cùng với niềm tự hào của con dân đất Việt trong những ngày được sống cùng hàng nghìn ngư dân can trường bám biển Hoàng Sa. 

  • Vũ Trung
    (còn tiếp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,