– Cuối cùng thì kết quả thanh tra giá thuốc chính thức của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã chứng minh đúng là có chuyện giá thuốc mua 1 bán 5 như những gì báo chí phản ánh trong thời gian qua!
TIN LIÊN QUAN
>>> Sự thật về người bệnh bị "bòn rút" qua giá thuốc
Đúng là có chuyện giá bán = 500% giá mua!
Kết quả cho thấy giá nhập khẩu và giá bán thuốc đang chênh nhau quá lớn, có loại thuốc mức chênh lệch lên tới trên 500% như những gì mà VietNamNet đã nêu trong bài viết “Sự thật về người bệnh bị “bòn rút” qua giá thuốc” cách đây 1 tháng.
Việc thanh tra 5 loại thuốc (được Hemax; Inimod Tablet 30; Vibovit Bovas; Lidocef; Lapaliver) mà VietNamNet phản ánh có tỷ lệ chênh lệch cao giữa giá bán buôn so với giá nhập khẩu chính là điểm nhấn trong đợt thanh tra này.
Kết quả cho thấy có 2 mặt hàng là Hemax ; Inimod Tablet 30 có tỷ lệ chênh lệch giữa nhập khẩu (giá CIF) và giá bán trên thị trường thấp hơn so với phản ánh. Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược không đưa ra những con số để đối chiếu, so sánh.
Thuốc Lapaliver (khoanh đỏ) bán tại bệnh viện Nhi TW có giá cao gấp gần 500% so với giá nhập khẩu. Kết quả thanh tra giá thuốc của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thừa nhận điều này. (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Riêng sản phẩm Vibovit Bovas là thực phẩm chức năng nên chưa thuộc phạm vi quản lý giá. Vì thế, dẫu có chênh lệch nhưng Cục Quản lý Dược không đưa ra đánh giá, nhận định nào.
Đối với 2 mặt hàng còn lại là Lidocef và Lapaliver, Cục Quản lý Dược thừa nhận có tỷ lệ giá bán buôn so với giá nhập khẩu cao đúng như đã phản ánh.
Cụ thể: thuốc Lapaliver được bán tại bệnh viện Nhi TW với giá 3.700 đồng/viên. Giá nhập khẩu gần nhất của thuốc này vào thời điểm năm 2008 là 4,5 đô la Mỹ/hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên. Tính ra, giá bán 1 viên thuốc Lapaliver đắt gấp gần 5 lần giá nhập khẩu!
Tại bệnh viện Bạch Mai, giá trúng thầu năm 2009 (giá trúng thầu sau đó trở thành giá bán cho người bệnh) của loại thuốc Lydocef 1g (do hãng Shandong Reyoung của Trung Quốc sản xuất, công ty Dược phẩm Trung ương II nhập khẩu) là 68.000 đồng/hộp 1 lọ.
Trong khi đó, giá nhập khẩu của loại thuốc này năm 2008 (tính theo giá công bố mới nhất trên website Cục Quản lý Dược) là 0,65 đô la Mỹ/lọ. Tính theo tỷ giá hiện tại, giá nhập khẩu của thuốc này xấp xỉ 12.500 đồng/lọ. Như vậy, giá bán ra chênh lệch tới xấp xỉ 540% so với giá nhập khẩu!
Cục Quản lý Dược không đưa ra lời giải thích hoặc nhận định nào về việc giá bán ra cao gấp nhiều lần so với giá mua vào.
Giá vẫn tăng, nhưng tăng hợp lý?
Kết quả thanh tra của Cục Quản lý Dược cũng cho thấy, về cơ bản thị trường dược phẩm Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Hà Nội từ 1/1/2010 đến 31/3/2010 ổn định, không có việc tăng giá bất hợp lý, phù hợp với diễn biến chung tình hình thị trường cả nước.
Cụ thể: Đối với thuốc sản xuất trong nước: qua khảo sát 726 mặt hàng, có 14 mặt hàng điều chỉnh tăng giá, chiếm tỷ lệ 1,93% với tỷ lệ tăng giá trung bình 5,14%.
Thuốc nhập khẩu: qua khảo sát 2.361 mặt hàng thấy 124 mặt hàng điều chỉnh tăng giá, chiếm tỷ lệ 5,25 % với tỷ lệ tăng giá trung bình 5.51% và 3 mặt hàng điều chỉnh giảm giá chiếm tỷ lệ 0,13% với tỷ lệ giảm giá trung bình 24,66%.
Đối với thuốc trong nhà thuốc bệnh viện với thuốc trên thị trường, kết quả thanh tra cho thấy: kết quả khảo sát ngẫu nhiên 2.491 mặt hàng của 06 nhà thuốc bệnh viện và 08 nhà thuốc xung quanh bệnh viện cho thấy: 97,78% lượt mặt hàng có giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện thấp hơn giá bán lẻ tại nhà thuốc xung quanh bệnh viện với tỷ lệ trung bình 6,82%.
Với 2,22% lượt mặt hàng còn lại có giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá bán lẻ tại các nhà thuốc bên ngoài bệnh viện với tỷ lệ trung bình 6,54%.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược không nói rõ loại thuốc nào giá bán trong bệnh viện thấp hơn giá bán tại các nhà thuốc xung quanh bệnh viện. Bởi trên thực tế, có những loại thuốc giá bán trong bệnh viện cao hơn giá bên ngoài nhưng bệnh nhân vẫn phải chấp nhận mua vì tìm mua bên ngoài vô cùng khó khăn (đặc biệt là các loại thuốc đặc trị, giá thường rất đắt).
Xem xét rút giấy phép hoạt động của một doanh nghiệp Dược nước ngoài
Về những sai phạm được phát hiện trong đợt thanh tra giá thuốc này, Cục Quản lý Dược đã đề xuất hướng xử lý các sai phạm cụ thể như sau:
- Chuyển Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh để xử lý các đơn vị, cá nhân có vi phạm về kê khai, niêm yết giá thuốc như Công ty TNHHTMDP Huy Minh; Công ty TNHH DP Nhất Ý; Công ty TNHH DP Nguyễn Gia; Công ty TNHH DP Việt Pháp.
- Yêu cầu một số cơ sở rà soát lại giá kê khai cho phù hợp như Văn phòng đại diện Medochemie; Mega Lifesciences…
- Dừng cấp số đăng ký hoặc giấy phép nhập khẩu một số cơ sở như Văn phòng đại diện Công ty Dasan Medichem Co.Ltd; Công ty TNHH DP Việt Pháp...
- Xem xét rút giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam của 01 doanh nghiệp nước ngoài.
|
-
Cẩm Quyên