- Hàng triệu con dân đất Việt vẫn ngày đêm bám biển và hướng về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và ước ao một ngày không xa chúng ta sẽ giành lại quyền kiểm soát trên vùng đất vốn là máu thịt của Việt Nam, để những người ngư dân đánh bắt nơi đảo xa không còn nỗi lo sợ bị “tàu lạ” đâm chìm hay bị bắt giữ vô cớ và đòi tiền chuộc.
>> Kỳ 1: 10 ngày nghẹt thở trên vùng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 2: Nín thở đi qua vùng biển "tử thần"
>> Kỳ 3: Hiểm nguy giữa biển Hoàng Sa
>> Kỳ 4: Bỏ vùng biển Hoàng Sa là có tội với cha ông
>> Kỳ 5: Đêm dưới lòng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 6: Hoàng Sa, nơi cuộc sống không có chỗ cho sự yếu hèn
>> Kỳ 7: Tựa vào nhau để sống với Hoàng Sa
>> Kỳ 8: Hoàng Sa, 36 năm vẫn cách một nhịp chèo.
>> Những hình ảnh phóng viên VietNamNet ghi trực tiếp từ Hoàng Sa
Khi loạt phóng sự “Tường trình từ Hoàng Sa” được đăng tải trên VietNamNet, và cuộc trực tuyến với những cột mốc sống ở Hoàng Sa sắp diễn ra, hàng ngàn độc giả trên mọi miền đất nước đã gửi thư và gọi điện về đường dây nóng báo VietNamNet để bày tỏ niềm xúc động khi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh chân thực về vùng biển đảo quê hương, lòng cảm phục của mình trước những “chiến binh” giữ biển và niềm khát khao một ngày Việt Nam sẽ giành lại chủ quyền trên vùng biển đảo thân thương.
3 nhân vật sẽ trả lời trực tuyến (từ trái qua): Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng, nhà báo Nguyễn Hoàng (bút danh Vũ Trung). |
Cảm phục trước ý chí kiên cường của ngư dân
Những ngư dân, họ ra đi trong tâm thế của người con nước Việt ra vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc để mưu sinh. Sợi dây đất liền với biển đảo Hoàng Sa được kết nối bằng ý chí can trường của những con dân đất Việt. Dường như, những tai ương bão tố, sự đe doạ, uy hiếp tính mạng của tàu tuần tra Trung Quốc hàng ngày, hàng giờ vẫn không làm họ chùn bước. Bởi trong trái tim của họ, biển đảo Hoàng Sa là phần máu thịt thiêng liêng không thể thiếu…
Độc giả Trần Đại Nghĩa, địa chỉ email: nghiadaitran_kieu@yahoo.com đã gửi thư bày tỏ tình cảm của mình đối với các ngư dân bám biển bất chấp hiểm nguy, như là một minh chứng hùng hồn về chủ quyền vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc:
“Họ thật là những người dũng cảm, can trường, những người đàn ông thực sự. Trong lịch sử thế giới, nhiều khi kẻ thù hung bạo phải khiếp sợ, nể phục và lùi bứơc trước những con người như vậy. Sự hy sinh của họ không vô ích, nó sẽ khơi dậy tinh thần yêu nước, quật cường của dân tộc cùng đứng lên, đoàn kết bên nhau chống lại cái bất công, tiêu diệt cái ác, đem lại cuộc sống thanh bình cho dân tộc mình, cho nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp nên ủng hộ, giúp đỡ họ. Họ là hiện thân niềm tự hào của dân tộc mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, là lời cảnh báo đanh thép nhất cho những kẻ có tính xâm lược và đe dọa các dân tộc khác trên thế giới nhớ lại các bài học trong lịch sử”.
Bạn đọc Phùng Quang Trọng (email: quangtrong3105@yahoo.com) cũng cùng chung tình cảm khâm phục, ngưỡng mộ ý chí quật cường của những người con của biển:
“Tôi đã theo dõi từ bài viết đầu tiên loạt bài của VietNamNet về những người con của biển, những người con của Trường Sa. Tôi rất xúc động, cảm ơn phóng viên VietNamNet đã không quản hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió để chuyển tải cho bạn đọc những hình ảnh chân thực, những dòng văn giàu cảm xúc được viết ra từ ngòi bút của sự chia sẻ và lòng dũng cảm. Cảm ơn các anh, những ngư dân bé nhỏ nơi biển xa mênh mông, các anh đã vượt qua những suy nghĩ tầm thường của những người trẻ như chúng tôi về cơm áo gạo tiền, về những mưu sinh nơi phố phường phồn hoa. Mỗi con thuyền của các anh là một cột mốc đánh dấu chủ quyền trên biển của chúng ta, mỗi người trong các anh là một chiến sỹ can trường nơi đầu sóng ngọn gió chiến đấu với thiên nhiên hung hiểm và những thế lực bạo tàn. Chỉ biết nói rằng: Cảm ơn các anh, thật nhiều!”
Với quan điểm ngư dân bám biển chính là những chiến sĩ thầm lặng đang ngày đêm chiến đấu để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bạn Nguyễn Duy Phi, email: motnuavangtrang8387@yahoo.com khẳng định:
“Thật tuyệt vời! Có thể sẽ có bao hiểm nguy đang rình rập phía trước họ nhưng niềm tin yêu hi vọng và sự lạc quan yêu đời vẫn đầy ắp sau những nụ cười. Họ chính là những chiến sĩ thầm lặng đang ngày đêm chiến đấu để khẳng định chủ quyền trên những vùng biển đảo thân thương của Tổ quốc. Thay mặt cho những người bạn ở đất liền xin chúc các chú, các bác cùng tất cả các bạn, những người ngày đêm bám biển có một sức khỏe dồi dào và an lành sau mỗi chuyến đi xa! Chúng tôi luôn ở bên các bạn”.
“Những người ngư dân này xứng đáng là anh hùng của thời đại. Họ đã không ngại ngần hy sinh bản thân, cố bám đất bám biển để kiếm sống và đồng thời khẳng định một cách gián tiếp là chúng ta, người dân Việt Nam sẽ không bao giờ từ bỏ biên cương của đất nước. Đọc xong phóng sự mà tôi quá nghẹn ngào vì hành động phi thường và quá thương những người dân miền Trung. Cám ơn phóng viên đã dũng cảm đi thực tế viết bài này”.
Hàng ngàn những ý kiến thổn thức trước hình ảnh thân thương của vùng biển đảo quê hương. Bạn đọc summer_rain2010@yahoo.com, một bạn trẻ ở thế hệ 8X giãi bày:
“Đọc bài viết của anh, em cũng thấy trong lòng mình đang thổn thức. 36 năm rồi đất nước đã hoà bình, non sông tưởng đã hoàn toàn thu về một mối vậy mà sự thực vẫn còn một phần thiêng liêng của Tổ Quốc vẫn nằm trong tây ngoại bang. Em thuộc thế hệ 8X, sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoà bình nhưng tình yêu nước và lòng biết ơn thì luôn luôn bừng cháy trong từng huyết quản. Thương lắm những con người đang ngày đêm bám biển và xót xa, bức xúc lắm khi hay tin thuyền bè của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ khi đang khai thác ngay trên chủ quyền biển Việt Nam. Chúng ta những người dân đất Việt hãy nắm chặt tay hơn nữa để bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương VIỆT NAM”.
Nhờ loạt bài viết trên, nhiều độc giả bên cạnh sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ những người con đất biển, đồng thời cũng tự hào về dòng giống Lạc Hồng của dân tộc. Bạn đọc Nguyễn Luật Pháp, (email: luatphap45@yahoo.com) đã gửi thư đến báo VietNamNet chia sẻ:
“Thật vô cùng tự hào về lòng yêu đất nước của muôn thế hệ con dân Việt Nam. Dù từ hàng ngàn năm trước trong những cuộc chiến chống xâm lăng của mọi triều đại phong kiến phương Bắc, hay trong những cuộc chiến giành độc lập của Tổ quốc trong những năm của thế kỷ 20, ý chí và lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn luôn cho chúng ta sức mạnh chiến thắng! Ngư dân của các tỉnh miền Trung đang là những người lính kiên cường đương đầu trước bão tố, trước kẻ xâm lược để bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ hãy có những biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ họ.Toàn dân tộc Việt Nam phải chung lưng đấu cật để bảo vệ từng tấc đất, tấc biển trời của Tổ quốc!
Chúng ta phải ưu tiên số một cho nhiệm vụ giữ nước. Dù có phải giảm bớt một số dự án nào đó để giành kinh phí cho xây dựng sức mạnh giữ nước chúng ta cũng phải làm. Cùng với bè bạn trong cộng đồng ASEAN đoàn kết nhất trí, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân thế giới tôn trọng công lý ủng hộ chúng ta nhất định sẽ chiến thắng như đã từng chiến thắng trong những cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước hàng ngàn năm qua!”
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, email: nguyenhuuquy56@yahoo.com.vn bày tỏ cảm xúc chân thành của ông về vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Ông còn gửi kèm bài thơ “Gọi Hoàng Sa” để sẻ chia xúc cảm cùng bạn đọc:
“Chùm phóng sự ảnh rất đặc sắc. Tôi xem và thật xúc động. Thương lắm những người dân bình thường, can trừơng, lạc quan bám biển Tổ quốc để lao động và khẳng định chủ quyền của đất nước. Họ thực sự là những người lính trên cõi bờ cương vực của Tổ quốc dù chỉ là những ngư dân lam lũ thật thà. Họ thay mặt cho nhân dân bám trụ nơi luôn rình rập nhiều bất trắc do thiên nhiên và ngoại bang mang đến.
Cũng là một người lính, tôi rất cảm phục họ. Ước gì mình cũng được ra đó để tìm hiểu viết về những thường dân chiến sĩ dũng cảm đó. Hoàng Sa, Trường Sa, nhắc đến hai cái tên đó lòng ta dấy lên nhiều cảm xúc mãnh liệt. Nhất là Hoàng Sa, giọt máu thiêng của Việt Nam đang bị người nước ngoài chiếm giữ.
Bao giờ Hoàng Sa trở lại với chúng ta? Câu hỏi nhức nhối trong lòng dân đất Việt. Từ tình yêu Hoàng Sa, tất cả những bài viết vế vùng biển đảo này tôi không bao giờ bỏ qua. Tôi đã từng có bài thơ "Gọi Hoàng Sa". Trích chép ra đây để được chia sẻ với những thường dân chiến sĩ, với những người con của Tổ quốc đang ngày đêm bám biển giữ gìn lãnh hải thiêng liêng:
“Rong rong bao linh hồn Việt
Ẩn trong những cánh buồm may
Từ hàng trăm năm trước
Không chịu tan
Không chịu bay
Gọi Hoàng Sa
Cho ngủ quên dưới bóng cỏ xâm lược
Mot hạt cát cũng là Tổ quốc
Một cành san hô cũng máu cha ông
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Những con thuyền xuyên thế kỷ
Bay lên
Từ đáy thời gian
Bão nổi
Sóng gầm
Ta tới
Ngực biển
Dân binh
Áo vải
Chân không
Lùa gió
Cát sóng
Cấp bãi cát vàng
Đặt mốc non sông Việt ...
Hoàng Sa của ta
Dấu tích truyền đời
Từ ngôi mộ có tên, không xương cốt
Miếu vọng hồn khói
Trùng trùng
Bao thế kỷ
Lòng không nao núng
Lòng dân
Vằng vặc trời Nam...”
Cảm ơn những người ngư dân vì họ chính là những “cột mốc” sống trên biển góp phần khẳng định chủ quyền dân tộc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, độc giả Nguyễn Thành Chung, chungtn875@yahoo.com, viết:
“Tinh thần và tấm lòng của bà con ngư dân miền Trung đặc biệt là bà con ngư dân đảo Lý Sơn thực sự đáng trân trọng và tự hào. Lời tâm sự "... Bởi đó là vùng đất thiêng của Tổ quốc mà cha ông mấy trăm năm trước đã đổ máu, mồ hôi để khai phá. Bỏ vùng biển Hoàng Sa là có tội với cha ông…” thực sự làm cho con dân nước Việt như chúng tôi cảm thấy tự hào và luôn ghi nhớ ở đó giữa muôn trùng khơi vẫn còn một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bị ngoại bang chiếm giữ, và chúng ta mỗi người con nước Việt có trách nhiệm không được phép quên đi nghĩa vụ thiêng liêng đấu tranh đòi lại chủ quyền biển đảo HOÀNG SA - TRƯỜNG SA.
Thiết nghĩ Nhà nước cần có những chủ trương, biện pháp thực tế khuyến khích việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo, mà cụ thể là có những biện pháp hỗ trợ biểu dương khuyến khích những ngư dân đang ngày đêm bám biển khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những con người như anh Trương Minh Quang trong bài viết này xứng đáng được tặng thưởng huân chương vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, được nhận những phần thưởng động viên khích lệ và san sẻ khó khăn rủi ro gặp phải. Được như vậy bà con ngư dân càng thêm quyết tâm bám trụ nơi vùng biển HOÀNG SA - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn trong tay ngoại bang”.
Chu Long, mrchulonghp@yahoo.com:
“Cảm ơn các anh, chính các anh cũng là những người lính, tuy rằng không trực tiếp cầm súng, nhưng sự có mặt trên vùng biển Tổ quốc đã nói nên điều đó, những vùng biển khong phải lúc nào cũng bình yên như ta muốn. Vì chủ quyền Tổ quốc các anh đã không ngại hiểm nguy, và những việc làm đó của các anh đã nói nên lòng yêu Tổ quốc của con người Việt Nam chúng ta. Tôi cảm ơn các anh”.
Để bày tỏ lòng khâm phục bà con ngư dân và tinh thần quả cảm của phóng viên VietNamNet đã có một chuyến hải hành “lành ít dữ nhiều” ra Hoàng Sa để cho độc giả một cái nhìn cận cảnh về đời sống nhọc nhằn của ngư dân, bạn đọc Đào Hữu Hảo, (email: hao178@yahoo.com) viết:
“Đọc loạt bài báo này thôi cảm thấy khâm phục tinh thần của người phóng viên, khâm phục tính dám làm của ban biên tập VietNamNet. Nhưng trên hết là khâm phục tinh thần quật cường của những ngư dân việt nam. Xin cảm ơn các anh chị trong toàn báo VietNamNet đã cho chúng tôi một cái nhìn cận cảnh về đời sống nhọc nhằn của ngư dân. Xin tất cả mọi người dân Việt Nam, dù ở bất cứ đâu, làm ở bất cứ lĩnh vực nào hãy chung tay góp sức để đấu tranh bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng mà ông cha đã mất rất nhiều máu và mồ hôi để có được. Nhà nước cần có sự trợ giúp thích hợp đối với những tai nạn do bị phía Trung Quốc gây ra đối với ngư dân đánh bắt tại Hoàng Sa. Xin chân thành cảm ơn toàn soạn”.
Lương Khánh Toàn, khanhtoanluong@gmail.com
“Gửi nhà báo Vũ Trung. Trước hết tôi xin bày tỏ sự ngưỡng mộ lòng dũng cảm và tình yêu nước của anh. Bỏ lại gia đình, bè bạn lênh đênh hơn 10 ngày trên vùng biển Hoàng Sa đối mặt với rất nhiều khó khăn và những mối nguy hiểm không lường trước được để thu thập tài liệu, tìm hiểu thực trạng về cuộc sống của ngư dân Việt Nam về tình hình chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khó nói hết những khó khăn, nguy hiểm anh đã trải qua nhưng những gì thu được cũng vô cùng to lớn. Bài viết là một thông điệp khẳng định quyết tâm bảo vệ biển đảo, biên giới của Tổ quốc. Chúc cho các ngư dân Việt Nam luôn thuận buồm xuôi gió với những chuyến đi biển đầy ắp cá tôm, mong các anh luôn kiên cường bám biển, đấu tranh giành lại chủ quyền cho Tổ quốc. Chúc anh Vũ Trung luôn mạnh khỏe. Cám ơn anh”.
Và thầm cầu mong bình yên cho các anh trong mỗi chuyến ra khơi. Khanh.Nh, hokhanh.hk@gmail.com cầu chúc:
“Đọc loạt bài kí sự về chuyến đi biển ra Hoàng Sa của tác giả, tôi không khỏi dâng lên những cảm xúc khó tả. Từ khi sinh ra đến nay, tôi mới được nhìn thấy qua những tấm ảnh của tác giả về biển, trời, nước của Hoàng Sa... Thương lắm những ngư dân như những cột tiêu sống trên biển, ngày đêm vẫn can trường bám biển... Xúc động lắm vì biển trời quê hương. Thống nhất được 35 năm mà có những khúc thịt bị cắt lìa khỏi Tổ quốc... Cầu chúc biển đảo quê hương sẽ mãi là của ta, cầu chúc những ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, mạnh khỏe bình an... Chân thành cảm ơn tác giả đã mang đến cho chúng tôi loạt bài kí sự này! Mong anh giữ gìn sức khỏe và viết thật "khỏe" cho những bài tiếp theo!”
Góp sức nhỏ của mình để cùng ngư dân giữ biển
Không chỉ bày tỏ lòng cảm phục và biết ơn các ngư dân và phóng viên VietNamNet, nhiều độc giả còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân cũng là hành động góp phần thể hiện chủ quyền biển đảo của dân tộc.
Nguyễn Minh, nguyen_katia@yahoo.com
“Thật khâm phục những ngư dân này, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ cho họ. Và chúng ta, những người dân đất Việt nên lập một quỹ hỗ trợ cho những ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa”.
Thu hằng, Htuyenquang@gmai.com cũng cùng chung quan điểm đó:
“Thật cảm động vì bài viết này. Chúng ta là người Việt muốn giữ được chủ quyền biển Việt phải có con người Việt bám trụ. Mong các cơ quan chức năng hãy bớt chút tiền bạc đầu tư cho ngư dân cũng như chiến sỹ canh giữ đảo để họ có thể sống và cống hiến nhiều hơn vì đất nước”.
Độc giả Lê Năng Công, conghoay@yahoo.com còn đề nghị toà soạn báo VietNamNet thành lập quỹ Hoàng Sa- Trường Sa để hỗ trợ ngư dân:
“Kính gửi tòa soạn. Trân trọng cảm ơn tác giả Vũ Trung và tòa soạn có loạt bài về Hoàng Sa. Đề nghị tòa soạn lập một quỹ ủng hộ bà con ngư dân, cũng như ủng hộ gia đình các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên biển Đông. Hình thức ủng hộ có thể nhiều cách: Bằng tin nhắn, qua ngân hàng... và ta có thể công khai mọi chi tiêu, nguồn, tình hình tài chính để mọi người cùng giám sát,...
Tôi tin rằng sẽ có hàng triệu tấm lòng hưởng ứng. Tiền sẽ chi cho các mục đích cụ thể như sau: Hỗ trợ 100% cho bà con bị bọn tàu lạ đâm chìm, hỗ trợ cho bà con gặp nạn, mua trang thiết bị cần thiết như máy ICOM,... và nếu như có thể ta có thể hỗ trợ bà con mua tàu lớn để lập ra các đội tàu lớn ra khơi”.
Bất chấp những khó khăn gian khổ cộng lẫn hiểm nguy khi đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, những ngư dân Việt đã thêm một lần khẳng định chủ quyền thiêng liêng máu thịt không dời của biển đảo quê hương. Nhiều độc giả gửi thư đến cũng bày tỏ niềm tin vững chắc vào chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với biển Hoàng Sa.
Hồ Đình Linh, hdlinh2007@gmail.com
“Trời của ta, biển của ta, đảo của ta, nhức nhối lâu rồi Hoàng Sa ơi! Kính mong VietNamNet và các cơ quan thông tấn báo chí cần có nhiều hơn nữa những thước phim về quần đảo Hoàng Sa, để chúng ta gần đảo hơn nữa. Trong tận đáy lòng mình, tôi thiết tha, đồng cảm vơi ngư dân, những người đại diện cho chủ quyền Việt Nam trên biển. Một ngày nào đó ta lại cắm ngọn cờ Tổ quốc nơi đảo xa, như bao thế hệ tiền nhân đã quyết chí làm được, đó là điều phải làm với tiền nhân, với dân tộc chưa một lần khuất phục trước mọi kẻ thù”.
Khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam
Một số độc giả lại đưa ra những ý kiến góp ý, mong muốn bảo đảm an ninh trên biển Đông để cuộc sống của những ngư dân bớt đi phần nào gian nguy.
Nguyễn Thắng, thanghbg@yahoo.com:
“Tôi đã khóc khi xem loạt bài này của phóng viên Việt Nam Net. Theo tôi bây giờ, chúng ta chưa thể đòi ngay được quần đảo Hoàng Sa. Nhưng chúng ta vẫn phải triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động đánh bắt hải sản và sự hiện diện của Việt Nam tại vùng biển chủ quyền. Nếu chỉ một mình ngư dân Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận thôi thì chưa đủ, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Nghệ An, Huế... và các tỉnh tiếp theo nên cử thêm đội tàu của tỉnh mình cùng tới để tham dự vào đội tàu thường xuyên ở Hoàng Sa này. Chính quyền địa phương dù không công khai cũng nên bằng mọi cách thông qua các nghiệp đoàn, hội để hỗ trợ chi phí cho các đội thuyền chuyên đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Tôi nghĩ đã đến lúc Vinashin cũng nên có động thái tích cực hỗ trợ ngư dân đảo Lý Sơn để đóng tàu to đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa và còn là khẳng định chủ quyền đất nước tại vùng biển này”.
Hoàng Anh Tiến, truongsavietnam@yahoo.com:
“Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương sáng để mọi người noi theo, những con người được đề cập đến trong bài viết trên... là những tấm gương tiêu biểu cho ý thức, tinh thần dân tộc cao cả. Họ dám đương đầu với quân chiếm đóng trái phép Trung Quốc trên biển Hoàng Sa. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần có chiến lược phát triển kinh tế biển, thực sự đưa kinh tế biển thành chủ chốt trong nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh trên biển Đông cho ngư dân ta làm việc cũng như đảm bảo cho tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng đi qua thật sự hoà bình, an toàn. Trong quan hệ quốc tế nên mở rộng đa phương hoá, hạn chế sự hiện diện của Trung Quốc để nâng cao tầm và thế cho đất nước Việt Nam ta. Phát triển kinh tế hơn nữa, tăng cường tiềm lực quốc phòng, sẵn sàng có hành động đáp trả bất cứ hành động khiêu khích bắt giữ trái phép ngư dân ta”.
“Theo tôi Nhà nước cần thiết kế lại tàu và trang bị động cơ cao tốc cho tàu đánh cá của ta ở Hoàng Sa và trợ cấp ngân sách hoặc hỗ trợ xăng dầu cho bà con. Vì sự có mặt của họ thể hiện chủ quyền của nước ta tại Hoàng Sa .Trong bối cảnh điều kiện chưa cho phép ta lấy lại Hoàng Sa bằng biện pháp mạnh thì đó cũng là một biện pháp tốt đi vào lòng người”.
“Đã từ rất lâu rồi, tôi vẫn nghĩ vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của chúng ta từ khi bị ngoại bang chiếm giữ, là từ khi đó dân biển của ta không giám ra đó đánh bắt nữa. Nhưng sau mấy ngày theo dõi đọc những bài viết của phóng viên VietNamNet, tôi thấy thật nghẹn lòng và tự hào đối với những ngư dân ngày đêm bám biển với một bản lĩnh và ý chí kiên cường đối với vùng biển mà cha ông ta đã tìm kiếm được và gìn giữ biết bao đời qua.
Hiện tại không biết nói gì hơn để thể hiện được tấm lòng của một người Việt Nam yêu nước. Chỉ mong rằng với việc cương quyết khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đảng, Nhà nước, nhân dân, kiều bào và cộng đồng quốc tế, một ngày nào đó không xa, ngoại bang sẽ trả lại quần đảo Hoàng Sa cho dân tộc ta. Cụ thể là chuỗi đảo hình lưỡi liềm trong đó có đảo Hoàng Sa và một số đảo nhỏ khác mà cha ông ta đã tìm thấy và trấn giữ trước khi bị chiếm. Khi đó ngư dân ta mỗi khi đi ra khơi sẽ không còn phải lo lắng bị bắt bớ, đàn áp, có chỗ lưu trú mỗi khi bão về. Đặc biệt khẳng định được chủ quyền, đảm bảo an ninh quốc gia, tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau…”
Bạn đọc ở email: nhgpkt@gmail.com khẳng định niềm tin bất diệt:
“Không biết nói gì hơn ngoài sự cảm phục lòng can đảm của các anh các chú, đất nước rất cần những người như các anh các chú. Hãy can đảm bám biển tôi tin sẽ có 1 ngày Hoàng Sa sẽ thuộc về Việt Nam của chúng ta!”
Đó cũng là hi vọng và niềm mong ước của tất cả con dân đất Việt.
-
Báo VietNamNet