221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1269110
Chính quyền “ra tay”, đầm Hồng vẫn tiếp tục bị bức tử
1
Article
null
Bài 3:
Chính quyền “ra tay”, đầm Hồng vẫn tiếp tục bị bức tử
,

- Ngay sau những phản ánh của báo VietNamNet về tình trạng “bức tử” đầm Hồng đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía chính quyền các cấp ở quận Thanh Xuân. Tuy vậy, việc tái lấn chiếm vẫn diễn ra hàng ngày tại khu đầm này.

>> Bài 1: Những "lá phổi xanh" giữa Thủ đô đang thở khò khè

>> Bài 2: "Không thể chỉ nghe dân nói vì... dân là gian"!

[video(15031)]

Những ký ức tốt đẹp về khu đầm…

Ông Nguyễn Văn Vinh, nguyên đại tá công an, người từng có 15 năm làm tổ trưởng tổ dân phố số 19 (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) kể cho chúng tôi nghe về những ký ức tốt đẹp về khu đầm rộng nay bị thu hẹp lại bởi tình trạng lấn chiếm, đổ rác thải, phế thải xây dựng trong nhiều năm qua.

Tôi đã ở đây từ năm 1991, trước đây đầm Hồng rộng biết mấy, bây giờ mất đi ít nhất cũng 1/3. Để tôi nói tình cảm của nhân dân ở đây, họ hầu hết là cán bộ và đều muốn có một cuộc sống yên bình, có cây xanh, có ao hồ, thành khu vui chơi giải trí. Nhưng tại sao tình trạng này vẫn cứ kéo dài”, ông Vinh cho biết.

Mô tả ảnh.
Phế thải VLXD từ các con ngõ ngách phường Khương Đình không ngừng được người dân đổ ra đầm Hồng.

Ông Vinh cho biết, tháng 9/1999, ông Hoàng Văn Nghiên, lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra một quyết định 113, trong đó có điều 7, điều 9 nói về quy hoạch xây dựng khu đầm Hồng thành khu vui chơi giải trí, và là khu hồ tiêu nước của thành phố nhưng không hiểu sau đó vì sao lại không làm.

Và hiện tại, sau khi báo chí lên tiếng, chính quyền các cấp cũng đã vào cuộc song vẫn chưa thể chấm dứt được tình trạng tái lấn chiếm, đổ đất, vật liệu xây dựng trên đầm Hồng.

Vẫn còn lẻ tẻ những người đi xe thồ đổ đất lấn chiếm cả khu vực xung quanh này, có loại ban ngày có loại ban đêm. Một xe thồ chở thuê như thế là 5000, cứ thể mà đổ, vật liệu thì vôi, cát, gạch”, một người dân sống ở đây kể.

Bản thân ông Vinh và nhiều người dân sống xung quanh đầm đều tha thiết muốn góp công bảo vệ đầm Hồng nhưng “lực bất tòng tâm”.

Ông Vinh nói thêm: “Tôi nói với cán bộ phường, nếu các anh không có biện pháp cứng rắn thì không tài nào giữ được đầm Hồng. Nếu như thành phố Hà Nội, quận Thanh Xuân, phường Khương Đình tập trung vào bảo vệ đầm Hồng thì không khó.

Dân đồng tình ủng hộ rồi, làm cam đoan, phát động đấu tranh trong quần chúng chống lấn chiếm, bắt những kẻ cố tình đổ đất vô tội vạ, giao cho chính quyền, lực lượng kiểm soát, các chốt… nói thế nhưng không ai làm, bây giờ mấy người đi xe thồ vẫn đổ”.

Đầm tiếp tục bị bức tử

Ngày 10/3, khi nhóm PV VietNamNet có mặt tại khu vực ven đầm thì vẫn chứng kiến được cảnh xe thồ, xe tải chở đất, vật liệu xây dựng đổ vào đầm, lấn đất khá “sôi động” giữa ban ngày.

Mô tả ảnh.
Hàng chục chiếc xe cải tiến đang đua nhau kéo phế thải VLXD san lấp khu vực Giếng Ngự thuộc đầm Hồng.

Có mặt tại khu vực đầm gần Giếng Ngự, thuộc địa phận phường Khương Đình, hàng chục chiếc xe cải tiến đua nhau kéo vật liệu xây dựng, hồn nhiên đổ ra đầm.

Theo bà Phạm Thị Bông, tổ trưởng tổ 17, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân thì đây là khu vực giếng di tích của làng, cũng là phần đất thuộc đầm Hồng nhưng không hiểu sao người ta cứ thản nhiên kéo xe đến đổ đất ra để lấn xây nhà như vậy.

Bà Bông chỉ vào khu đường đất mà theo bà, trước đây, đầm nước ăn sâu vào đến đó rồi cho biết: “Khu đầm này trước đây rất rộng. Nhưng, Công ty thuỷ sản duy nhất từ khi đến đây đã lấn hồ rất nhiều. Công ty này đã hết hạn thầu khu hồ này mấy năm nay nhưng đến thời điểm này vẫn lấn đất làm nhà suốt đêm suốt ngày. Tất cả những cái nhà này là của họ vừa đổ ra làm. Họ cứ căng hết rồi rải bạt rồi làm nhà. Nếu có nói thì họ đưa cả anh em họ hàng đến để đánh”.

Tại khu vực Đầm Sòi, hiện tượng đổ đất lấn đầm còn diễn ra sôi động hơn. Do khu vực này nằm ở phía sâu trong ngõ ngách, lại ít người qua lại nên việc đổ đất lấn đầm diễn ra quy mô hơn. Những chiếc xe tải lớn được huy động để đổ đất lấn ra gần giữa Đầm Sòi.

Mỗi xe sau khi đổ đất xong sẽ có đội ngũ đứng cảnh giới san bằng ra luôn để cho xe sau tiếp tục đổ lấn ra hồ. Tất cả những xe tải đổ đất này đều không mang biển kiểm soát.

Mô tả ảnh.
Xe tải ngang nhiên đổ đất lầm chiếm đầm sòi thuộc diện tích đầm Hồng.

Khu vực phía trong ngõ sâu vào Đầm Sòi nườm nượp các xe kéo, xe cải tiến chở vật liệu xây dựng vào đổ vào đầm. Phế thải xây dựng chất cao ngút trong đầm. Gần như, không thể nhận ra khu đầm nước này nữa.

Ngay phía sau trụ sở Công ty thuỷ sản Duy Nhất đang tồn tại một bãi giữ xe nằm trên nền đất do đổ vật liệu xây dựng đổ xuống. Người dân cho biết, bãi đỗ xe này là do lấn đầm mà có.

Có ý kiến của người dân tổ dân phố 19 (phường Khương Đình) cho rằng, nếu trên đường Hoàng Văn Thái, đường Nguyễn Ngọc Nại còn xây dựng thì đầm Hồng còn bị lấn chiếm. Bởi phế thải xây dựng không còn con đường nào khác ngoài việc đổ xuống đầm.

Đầm Hồng bị thu hẹp khoảng 2 héc ta?

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trí Tuệ, Chủ tịch UBND phường Khương Đình về việc đầm Hồng tiếp tục bị bức tử.

Ông Tuệ cho biết, việc san lấp lấn chiếm đầm đã diễn ra hàng chục năm nay: “Nó vẫn thường xuyên diễn ra nhưng như chúng tôi đã nói hiện nay chúng tôi đã có những biện pháp, không phải là ít kinh phí nữa. Nếu để ngăn chặn được toàn bộ như thế thì chúng tôi tập trung cả phường xuống đấy chỉ để canh thì chả làm được cái gì nữa. Để mà ngăn chặn triệt để thì đúng là khó đối với phường”.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Chính quyền phường Khương Đình đang bất lực với nạn đổ trộm phế thải VLXD và rác thải.

“… Những đối tượng xe thồ, xe cải tiến cũng tranh thủ những lúc vắng lực lượng vẫn có hiện tượng đổ nhưng không còn nhiều. Riêng lấn chiếm bằng xe ô tô thì không có”, ông Tuệ nói.

Tuy vậy, khi nhóm PV cho ông Tuệ xem đoạn clip cảnh xe tải đổ phế thải xây dựng lên khu vực đầm Sòi (thuộc đầm Hồng) thì ông Tuệ lại cho biết: không thể nhận biết được vị trí trong đoạn video.

Nói về diện tích đầm Hồng bị lấn chiếm trong nhiều năm qua, ông Tuệ cho biết: Để xác định diện tích đầm ngày xưa với diện tích bây giờ thì chúng tôi chưa thể xác định được. Trong quá trình quản lý rồi cho thuê, rồi nhân dân san lấp, chắc chắn là đầm Hồng đã bị thu hẹp. So với ngày xưa nó bị thu hẹp tương đối nhiều, bây giờ còn độ gần 10ha… nó bị lấn chiếm khoảng 1 đến 2 ha.

Ông Tuệ cũng cũng cho biết thêm, trong nhiều nguyên nhân dẫn tới việc đầm Hồng bị lấn chiếm thì có nguyên nhân do công tác quản lý của chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ từ thời còn là xã, còn thời điểm chuyển phường mà ông quản lý thì đã làm rất tốt (?!).

Hiện có khoảng 50 hộ nằm trong diện phải di dời khi thực hiện dự án kè hồ. Theo ông Tuệ thì những hộ dân này chưa thể biết là có xây trái phép hay không mà cần thời gian để điều tra.

Việc xử lý đối với những diện tích lấn chiếm lòng đầm, ông Tuệ cho biết thêm: Hiện đang giữ nguyên hiện trạng các khu vực lấn chiếm, đồng thời quản lý tốt việc tái lấn chiếm. Chúng tôi sẽ phối hợp với các phòng ban quận khảo sát, có kế hoạch xây dựng biện pháp cho đúng quy trình.

Về công ty thuỷ sản Duy Nhất, lãnh đạo phường Khương Đình khẳng định là không có việc công ty này lấn đầm mà có chăng một số đối tượng chở thuê cho các hộ xây dựng đổ vào đầm. Hiện hợp đồng thuê đầm đã hết hạn gần 3 năm nay nhưng vẫn chưa thể thu hồi được.

Còn bãi đỗ xe phía sau công ty này thì không được phép làm chứ không chỉ là sai mục đích bởi phần đó là thuộc diện tích của đầm. Trong đợt ra quân ngày 11/3 cũng sẽ xúc đi một phần bãi đất đấy và thu hồi lại.

  • Nhóm PV Điều tra
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,