- 4 cán bộ của VNPT được cử sang French Guyana "tiền trạm" cho sự kiện phóng VINASAT-1 đều còn trẻ. Họ được giao những nhiệm vụ quan trọng và vinh dự. Khi gặp PV VietNamNet giữa Nam Mỹ xa xôi, ai cũng bảo rất nhớ nhà và thèm đồ ăn Việt. Nguyễn Quang Tuấn, một thành viên trong nhóm bảo: "Vợ em sắp đẻ con đầu lòng, nhiều lúc, tối đến buồn lắm...".
Sau hành trình 3 chặng đường bay với tổng thời gian kéo dài tới 31 tiếng, cuối cùng, đoàn nhà báo VTV và VietNamNet đã đặt chân tới sân bay Cayenne, Thủ đô của French Guyana (Nam Mỹ) vào 3h20 phút ngày 12/4/2008, chuẩn bị tường thuật cho sự kiện phóng VINASAT-1 tại Trung tâm Vũ trụ châu Âu ở Kourou.
Đường phố Cayenne |
Hành trình nửa vòng trái đất theo chiều từ Đông sang Tây khiến khoảng thời gian ngày và đêm bị kéo dài thêm do thay đổi múi giờ. Chuyến bay được khởi hành từ Hà Nội lúc 19h45 ngày 11/4, nhưng khi đến Pháp vào 6h20 phút sáng, thì ở Việt Nam đã là 1h chiều ngày 12/4.
Và khi hạ cánh xuống sân bay Cayenne lúc 3h20 phút chiều cùng ngày, thì ở Việt Nam đã 1h20 phút sáng ngày 13/4. Hiểu một cách nôm na, chuyến bay dài chạy ngược hướng quay của trái đất, giống như đang chạy trốn khỏi ánh nắng mặt trời, khiến cho một ngày hành trình dài ra tới hơn 36 tiếng.
Đặc sản Việt trên đất Nam Mỹ
Nằm ngay phía trên của Brazil, gần sát đường xích đạo, French Guyana là một lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp, nơi được chọn để xây dựng sân bay vũ trụ châu Âu CNES/CSG.
French Guyana được chọn lựa vì là nơi có thể phóng vệ tinh lên quỹ đạo phía trên đường xích đạo với khoảng cách ngắn nhất, cũng như có điều kiện thời tiết ổn định, rất ít giông bão.
Một bữa ăn của đoàn PV và nhóm 4 cán bộ VNPT tại French Guyana. |
Tuấn bảo: "Anh ơi, bên này thức ăn hằng ngày đắt đỏ lắm, nhóm VINASAT bên này toàn mua bánh mỳ về ăn trưa, kẹp thêm ruốc vào, còn tối thì tự nấu cơm cho rẻ...".
4 thành viên đều trẻ, được giao những nhiệm vụ quan trọng và vinh dự. Nhưng ai cũng rất nhớ nhà và thèm đồ ăn Việt. Nguyễn Quang Tuấn bảo: "Vợ em sắp đẻ con đầu lòng, nhiều lúc, tối đến buồn lắm...".
Để giúp họ "vơi đi" phần nào nỗi buồn đó, PV VietNamNet đã mang theo sang French Guyana một ít đặc sản Việt Nam. Đó là món quà mà nhóm 4 thành viên VINASAT ai cũng yêu thích.
Cayene chiều 12/4 đổ trận mưa rào to hiếm thấy, và khỏi phải nói, bữa đặc sản Việt Nam tại Nam Mỹ xa xôi khi đoàn nhà báo từ sân bay về đến khách sạn ngon tới mức nào với 4 anh em nhóm VINASAT.
Cộng đồng 8.000 người Việt nói tiếng Pháp
Vừa đặt chân xuống thành phố Cayenne, cảm giác đầu tiên là những đặc trưng kiến trúc và quy hoạch có nét tương đồng với kiến trúc 36 phố cổ của Hà Nội, với những con phố nhỏ chia hình bàn cờ và các ngôi nhà đậm nét kiến trúc kiểu Pháp. Lãnh thổ French Guyana rộng 83.534km2, với dân số hơn 200.000 người, chủ yếu là người da màu Mỹ Latinh.
Bà Minh và người phụ nữ da màu tốt bụng chỉ đường cho nhóm PV. |
Tại Cayenne, hằng tuần vẫn có 3 phiên chợ nông sản của người Mông vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 7. Cộng đồng người Việt cũng có khá nhiều tại Kourou, nơi có sân bay vũ trụ của Ariane Space, và KaKaO, một địa phương miền núi với cộng đồng người Mông khá đông.
Đại diện hãng hàng không vũ trụ Ariane Space giới thiệu cho chúng tôi số điện thoại của một phụ nữ Việt Nam tên Tang. Bà đã sinh sống tại Cayenne từ rất lâu. Nhưng các cuộc gọi từ ĐTDĐ roaming của nhóm nhà báo đều bị báo lỗi. Cả đoàn chuyển sang bắt tay vào cuộc tìm kiếm nhà hàng ăn Việt Nam có tiếng nhất tại thành phố Cayenne.
Địa chỉ đầu tiên với tấm biển có chữ Vietnamien xuất hiện, nhưng nhà hàng đóng cửa và không có một ai. Rất may, nhờ sự nhiệt tình của một người phụ nữ da màu sống gần đó, bà không chỉ chỉ đường, mà bảo nhóm nhà báo chúng tôi lên xe, bà sẽ chở đi tìm nhà ông chủ Việt Nam đã mở ra nhà hàng này.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của người phụ nữ từng là giáo viên này, nhà hàng ăn Việt Nam thứ hai cũng hiện ra. Nhưng vẫn không có một ai trong cửa hàng. Hôm nay là ngày Chủ nhật, và tất cả người dân ở Cayenne đều đóng cửa hàng không bán. Mọi người bắt đầu nản chí vì ngay trong buổi chiều, đoàn nhà báo sẽ phải rời Cayenne để di chuyển tới Trung tâm Vũ trụ Kourou, cách 60km.
Với lòng nhiệt tình đặc biệt, người phụ nữ da màu đưa chúng tôi tới một địa chỉ nhà hàng Việt Nam thứ 3, nơi duy nhất còn bán hàng vào ngày Chủ nhật.
Thật bất ngờ, sau vài câu trao đổi với người phụ nữ 77 tuổi sinh ra tại Sài Gòn, có bố gốc Nam Định và mẹ người Nghệ Tĩnh, khi đưa số điện thoại do đại diện Ariane Space giới thiệu, bà Đặng nói ngay: "Đó là số máy điện thoại của riêng tôi!"
Cuộc hạnh ngộ không hẹn
Cuộc tìm kiếm tưởng chừng bất thành cuối cùng lại đưa chúng tôi gặp được đúng người phụ nữ Việt Nam ban đầu được giới thiệu. Tên gốc của bà là Phạm Thị Minh, lấy chồng là lính Pháp. Bà theo chồng qua nhiều nước, qua châu Âu và đến French Guyana này khi bà vừa tròn 26 tuổi. Bây giờ, bà Minh đã 77 tuổi.
Lúc 1h chiều, quán của nhà bà Minh rất đông khách. |
Lúc 11h sáng, quán đang vắng tanh chưa dọn hàng, nhưng khi biết chúng tôi có ý định ăn thử một bữa cơm trưa Việt Nam tại Cayenne, bà Minh bảo nên đặt bàn trước. Khi chúng tôi quay lại vào 12h30, khách vẫn chưa có ai. Một lát, có người khách đầu tiên tới, anh con trai bà Minh (không nói được tiếng Việt) hỏi khách có đặt chỗ trước chưa, khách trả lời chưa, liền bị từ chối là đã hết chỗ.
Ngồi thêm 30 phút, từng nhóm khách gia đình lần lượt đến ngồi vào bàn đặt trước và chờ đợi món ăn. Dù quán phục vụ chậm vì không thuê nhiều nhân viên (chi phí thuê nhân công tại Cayenne rất đắt đỏ), nhưng món ăn tại đây có những nét đặc trưng riêng của Việt Nam khiến các thực khách luôn biết kiên nhẫn ngồi đợi.
Sau 51 năm sống ở French Guyana, dù đã có lần quay trở về Việt Nam vào năm 1974 cùng chồng, bà Minh vẫn mong muốn được quay trở lại Việt Nam thêm một lần nữa. Nhưng sức khoẻ và chứng bệnh tim mạch không còn cho phép bà thực hiện khát khao cháy bỏng về nguồn cội này.
Với bà Minh, Việt Nam vẫn là những ký ức rất đẹp. |
Với tấm chân tình của người Việt cách Tổ quốc nửa vòng trái đất, chúng tôi hỏi sau này, khi qua đời bà có muốn sẽ được đưa về Việt Nam chôn cất hay không?
Bà nhẹ nhàng nói: "Khoảng vài năm trước, tôi vẫn còn mong muốn đó, nhưng bây giờ thì tôi không muốn như vậy nữa. Chồng tôi, con tôi đều được chôn cất tại nơi này, đó thực sự là quê hương thứ 2 của tôi rồi...".
-
Bình Minh (tại French Guyana)