(VietNamNet) - Có lần, đang trong cơn sốt nhưng ông phải chở hai bà khách mập ú từ chợ Sài Gòn về cư xá Đồng Tiến. Mệt nên ông đi chậm và liên tục bị khách cáu gắt, giục đi nhanh. Ông ngậm ngùi kể: Mỗi câu thúc giục của khách chẳng khác gì người đánh xe lấy roi quất vào mông ngựa.
>> Phóng sự ảnh: Những ngày cuối của "hung thần"!
>> TP.HCM: Gia hạn lưu hành xe ba bánh đến 30/6/2008
>> Xe ba gác, những ngày cuối...
>> "Nỗi niềm công nông" trước giờ G
30 năm rong ruổi
Đợi khách |
Giữa dòng người xuôi ngược, hình ảnh một ông lão còm cõi, áo rách, đang gò lưng đạp xích lô đập vào mắt đã làm nhiều người xót xa. Nhất là khi, chỉ còn 6 tháng nữa nữa Nghị định 32 về việc cấm xe 3 bánh tự chế sẽ có hiệu lực tại TP.HCM. Những người như ông lão và bao nhiêu người nữa sẽ phải từ bỏ “chiếc cần câu cơm” đã cùng mình chìm nổi với đời mấy chục năm nay…
Ở tuổi 74, ông Cấn Đằng Phi (Trần Quang Diệu, Q.3) vẫn ngày ngày rong ruổi trên mọi nẻo đường với chiếc xe xích lô đã cũ nát. Xe ôm phổ biến, xích lô ít chở khách mà chỉ chở hàng nên vô cùng vất vả. Có khi chở những cái tủ khá cồng kềnh, ì ạch đạp 5,6 cây số cũng chỉ kiếm được mấy chục nghìn.
Vào độ tuổi "xưa nay hiếm" như ông, phải chở nặng, thậm chí còn phải khiêng đồ lên cho khách quả là việc làm quá sức. Nhưng vì miếng cơm, ông không thể không làm. Mấy chục năm gắn bó với nghề đạp xích lô, ông đã chứng kiến biết bao chuyện vui buồn… mà ông sắp phải xa nó.
Vốn là một người lính của chế độ cũ, sau năm 1975, ông rơi vào tình cảnh khó khăn, cuộc sống bấp bênh nên ông chuyển nghề.
Ông chọn nghề đạp xích lô. Không có tiền mua xe, hàng ngày, khi ông Tám hàng xóm nghỉ chạy xe, ông Phi mượn chạy vài cuốc kiếm tiền phụ gia đình. Khi bà mẹ biết chuyện, đã lấy số tiền dành dụm để lo hậu sự là 5 chỉ vàng và đi vay thêm 2 chỉ nữa đưa cho ông mua xe xích lô. Nhớ lại sự hy sinh của mẹ, ông Phi vẫn còn ngậm ngùi.
Ông vẫn còn nhớ như in cái ngày mình hành nghề với chiếc xe mới, lúc chạy ra khỏi nhà, những người đồng nghiệp đã giơ tay chào: Ê! Chào ngựa mới! Dân đạp xe xích lô lúc đó thường tự trào nhận mình là "trâu bò, lừa ngựa".
Mua chiếc xe chưa được bao lâu thì anh trai chết. Ông Phi cùng chị dâu ngược xuôi lo cho 5 đứa cháu nhỏ dại. Ông tự nhủ, dù vất vả đến mấy cũng không để các cháu phải bỏ học.
Để đủ gạo nuôi các cháu, hàng ngày ông phải dậy từ 5 giờ sáng, len lỏi khắp các nẻo đường thành phố đến 11-12 giờ đêm mới về nhà. Thức khuya dậy sớm, nhưng ông cũng chỉ kiếm đủ gạo lo bữa ăn cho gia đình. Ngày nào không đi hay không có khách là cả nhà phải nhịn đói hoặc ăn khoai mì. Bởi thế, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào ông cùng chiếc xe vẫn lầm lũi lao động trên đường.
Khổ nhất là đạp xích lô vào những ngày trời mưa, gió thổi mạnh làm ông phải gồng mình lên đạp, bị mưa tạt rát mặt. Ông nhớ có lần chở bà khách ăn mặc sang trọng qua cầu. Thường thì khách xuống đi bộ, qua cầu lên xe đi tiếp. Bà khách mặc đồ đẹp nên năn nỉ ông cho ngồi trên xe, qua cầu sẽ trả thêm tiền.
Dốc cầu cao, đẩy được bà khách đến nửa cầu thì ông đuối sức. Cũng may, có một anh thanh niên đi ngang đẩy giúp. Nhận tiền rồi cũng là lúc ông rét run, răng đánh vào nhau lập cập.
"Đời xích lô"
Ông Cấn Đằng Phi đang rong ruổi trên đường thiên lý |
Mấy chục năm trong nghề, ông Phi đã đủ thứ chuyện vui buồn. Có lần, gặp khách là một cô gái, ông đòi 20 nghìn, cô gái chỉ trả 10 nghìn. Đòi thêm 5 nghìn nhưng cô gái nhất định không chịu nên ông đành chấp nhận đi. Đến cổng một biệt thự, cô gái yêu cầu cho xuống rồi đưa tờ 100 nghìn và nói: “Chú tiêu giùm cháu” và chạy khuất vào trong nhà. Câu nói của cô gái ông vẫn còn nhớ mãi và cảm động đến tận bây giờ.
Nhưng chuyện vui thì ít mà chuyện buồn thì nhiều. Ông Phi ngậm ngùi: Làm nghề xích lô phải biết chịu đựng và phải chấp nhận sự khinh khi. Nhiều khi, chạy vất vả nhưng lại bị khách quỵt tiền, rồi khách ăn gian đường. Có khách thuê xe cả buổi sáng. Chở đi hết chợ này đến chợ kia, rồi đến một chợ ở luôn trong đó không ra nữa khiến người đạp xích lô chờ dài cổ và phải bỏ đi đón khách khác.
Không chỉ thế, dân đạp xích lô còn phải đối phó tranh giành khách với chính những người đồng nghiệp của mình. Rồi còn bị giam xe khi đậu bên lề đường. Đó là những ngày cả gia đình lao đao. Đến khi lấy được ra thì xe đã hư hỏng nặng phải mất nhiều tiền để sửa chữa.
Trong cuộc đời đạp xích lô của mình, ông đã chứng kiến bao chuyện đau lòng. Ông kể, vào chiều 30 Tết, cũng không nhớ chính xác là năm nào, đang chạy xe trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Phú Nhuận), ông thấy một người đàn bà ra vẫy xe. Dừng xe, bà khách chỉ một người đàn ông nằm trên vỉa hè và kêu ông chở đến bệnh viện cấp cứu. Ông vội vàng nhờ người khiêng ông khách lên xe rồi chở đến bệnh viện.
Nhưng đi qua 3 bệnh viện đều không nơi nào nhận với lý do bệnh viện không đủ phương tiện cứu chữa hoặc không đúng tuyến!?. Không được cứu chữa, người đàn ông đã tắt thở trên xe. Hỏi ra mới biết hai vợ chồng ở Tây Ninh lên thành phố kiếm việc làm. Cả tuần không kiếm được việc phải nằm đường nằm chợ sinh ốm đau. Bà vợ muốn ông làm phước chở ra bến xe để về Tây Ninh. Nhưng chở hai người gần ba tiếng đồng hồ, ông quá mệt, mà đường ra bến xe lại quá xa.
Ông quyết định không lấy tiền và tìm xe khác chở hai người ra bến xe rồi ông sẽ trả tiền. Nhưng nhìn thấy cái xác, ai cũng lắc đầu. Mãi sau mới có một người thanh niên đồng ý chở nhưng đòi giá khá cao. Còn bao nhiêu tiền ông móc hết ra trả tiền xe giúp người đàn bà bất hạnh. Ông tâm sự: "Mình đã khổ rồi mà còn có người khổ hơn. Nhìn tình cảnh người đàn bà mà tôi ứa nước mắt…".
Hình ảnh một ông lão còm cõi, áo rách, đang gò lưng đạp xích lô đập vào mắt đã làm nhiều người xót xa, ái ngại |
Chạy xe nhiều, bị lao lực nên ông bị bệnh lao. Có bệnh nhưng không dám đi khám vì nếu đi khám sẽ phải nghỉ chạy xích lô. Mà nghỉ một ngày là cháy túi, mấy đứa cháu sẽ bị đói. Vả lại, tiền đâu đi chụp phim, khám bệnh, mua thuốc? Nhiều cuốc xe ông phải đạp trong cơn sốt cơn ho, choáng váng cả mặt mày, chở khách tới ngã ba, ngã tư, mắt hoa lên phải dồn hết tàn lực mới điều khiển nổi xe qua những giao lộ.
Có lần, đang trong cơn sốt nhưng ông phải chở hai bà khách mập ú từ chợ Sài Gòn về cư xá Đồng Tiến. Mệt nên ông đi chậm và liên tục bị khách giục đi nhanh. Ông ngậm ngùi: Mỗi câu thúc giục của khách chẳng khác gì người đánh xe lấy roi quất vào mông ngựa. Ông phải cố gắng hết sức để không nôn thốc nôn tháo khi hai bà khách khó tính còn ngồi trên xe. Đến khi khách xuống xe, tay vẫn đang cầm tiền nhưng ông đã gục xuống mửa thốc, mửa tháo, rồi lên xe nằm gần một tiếng đồng hồ cho đỡ cơn sốt mới lầm lũi đạp xe về.
Nhưng ông Phi bảo, như mình vẫn là sướng vì còn có nhà để về. Khổ nhất là những người nhập cư, không đủ tiền thuê phòng, rủ đông người thuê chung thì không có chỗ để xe nên đành lấy xích lô làm nhà, tối kéo xe lên vỉa hè ngủ. Bất chấp nắng mưa, kể cả những ngày đau ốm. Ngủ đường trên xe phải ngủ trong tư thế co quắp, rồi muỗi đốt, rồi sương gió. Có người ngủ một mình, đã khóa xe cẩn thận bị kẻ gian xông thuốc mê, khiêng xuống đường lấy mất xe. Sáng dậy chỉ biết khóc.
Mù mịt lối thoát!
Nếu ai biết hoàn cảnh của anh Nguyễn Trọng Đức (Lái Thiêu, Bình Dương) hiện tại sẽ đều lắc đầu ái ngại và thương cảm.
Không chạy xe chở hàng, lấy gì mà sống? |
Thời trai trẻ, anh từng là nhân viên an ninh trong sân bay, nhưng vì... lấy trộm hàng đem ra ngoài bán nên bị cho nghỉ việc. Trở về nhà ở ngoại thành Hà Nội, anh Đức đã lưu lạc khắp chốn giang hồ để kiếm sống. Có một thời gian, anh qua Campuchia vác thuốc lá thuê. Vì tên chủ bắn chết một người anh em trong nhóm do nghi ngờ anh này đi báo nhà chức trách nên anh Đức và mấy người bạn đã đánh vợ hắn rồi trốn về. Anh từng đi đào vàng, nhưng 6 tháng trời mà không kiếm được gì nên lại thất thểu về quê đi bốc hàng thuê và làm phụ hồ…
Rồi lại do hành hung người khác, không sống được ở xã, anh đành đưa cả gia đình vào Bình Dương sinh sống. Anh chọn nghề chạy xe ba gác. Nhưng không lâu sau, vợ anh đi theo người khác, để lại đứa con út lúc đó mới hơn 1 tuổi. Khó khăn chồng chất khó khăn. Một mình anh phải làm nuôi bố mẹ già và hai đứa con nhỏ.
Hành nghề tại TP. HCM nhưng anh lại thuê nhà ở Bình Dương cho rẻ. Hàng ngày, từ 5 giờ sáng anh bắt xe buýt lên thành phố, rồi đến chỗ gửi xe ba gác, lấy than củi chất lên xe và đi bỏ mối hoặc bán dạo. Tối đến, khi chuyến xe buýt cuối cùng khởi hành anh mới về nhà. Tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền học của cả nhà trông chờ vào chiếc xe than. Những ngày trời mưa, anh lại lo ngay ngáy vì nước mưa tạt vào, than ướt sẽ chẳng ai mua.
Mỗi tháng anh kiếm được khoảng 2 triệu. Với số tiền đó, hàng tháng cái gia đình nhỏ bé ấy phải chi tiêu hết sức tằn tiện mà vẫn không đủ. Anh kể, nhiều lúc về nhà xót xa khi nghe đứa con trai út hỏi: Bố ơi! Nhà hàng xóm nấu cái gì mà thơm thế. Sở dĩ nó hỏi thế vì suốt ngày phải ăn cá khô và rau muống. Tôi cũng muốn cho con mình được ăn ngon, mặc đẹp nhưng hoàn cảnh không cho phép đành phải chịu.
Những ngày này, mặt anh Đức sạm lại vì lo lắng do chưa tìm ra lối thoát. Anh bày tỏ: "Nếu đi ăn cướp mà bị bắt thì bảo chúng tôi không chịu làm ăn. Chúng tôi làm ăn lương thiện thì lại cấm. Bế tắc quá, e rằng chúng tôi đành phải làm liều nếu không muốn để con mình chết đói và thất học..".
Không chỉ anh Đức, còn biết bao người cũng dùng xe ba gác làm phương tiện kiếm sống đang bi quan như thế khi cho đến giờ này, họ vẫn bế tắc chưa tìm được đường ra cho bài toán kinh tế của gia đình mình…
Xe ba gác, xích lô tại TP.HCM được "đặc xá" thêm 6 tháng nữa. Nhưng ai cũng bảo, lối thoát vẫn mù mịt lắm.
-
Hà Dịu
Ý kiến của bạn?