221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1020018
"Nỗi niềm công nông" trước giờ G
1
Article
null
'Nỗi niềm công nông' trước giờ G
,

(VietNamNet) - Ngày mai (1/1/2008), xe công nông sẽ chính thức bị "khai tử". Người dân nhiều địa phương, nhất là các địa phương xem "công nông là đầu cơ nghiệp" đang sống trong nhiều tâm trạng khác nhau. Một mặt thực hiện Nghị định của Chính phủ, nhưng một mặt họ vẫn trông chờ các giải pháp thiết thực sau ngày cấm công nông của các cấp chính quyền địa phương. Bởi một lẽ ai cũng biết, xe công nông là phương tiện quan trọng với nông thôn, vùng núi.

>> TP.HCM: Gia hạn lưu hành xe ba bánh đến 30/6/2008
>> Xe ba gác, những ngày cuối...
>> Phóng sự ảnh: Những ngày cuối của "hung thần"!

"Làng tỉ phú" làm giàu nhờ… công nông! 

Chỉ còn 1 ngày nữa để làng Khoai (thôn Minh Khai, Thị trấn Như Quỳnh, Hưng Yên) làm quen với cuộc sống không nghe tiếng công nông. Bắt đầu từ ngày 1/1/2008,  những chiếc công nông, những “đầu cơ nghiệp” của làng Khoai thành chuyện của “thời xa vắng”.

a
Những chuyến công nông cuối cùng ở làng Khoai
Ðầu làng Khoai là một bãi rác lớn, những bao tải chất lên ngồn ngộn được những chiếc xe tải cỡ lớn chở về. Rồi chúng được chia ra, chất lên những chiếc công nông về mỗi gia đình. Từ sáng đến tận đêm khuya, làng Khoai không ngớt tiếng máy của những chiếc công nông đầu ngang mình dọc vận hành, bụi bay mù mịt, mùi khét lẹt… Nhưng chính những tấn rác như được công nông vận chuyển vào làng đã mang lại lại tiền tỉ. “Thu nhập cả thị trấn Như Quỳnh trong năm qua là hơn 230 tỉ, trong đó làng Khoai chiếm đến 200 tỉ” - Chủ tịch thị trấn Như Quỳnh, ông Đinh Văn Thắng cho biết. 

“Cấm xe công nông, xe tự chế, xe 3 bánh thì cả làng Khoai chỉ có nước về với… xe ngựa. Mà bây giờ cũng không còn cỏ để cắt nuôi ngựa nữa, đất đai ruộng vườn bán hết thành khu công nghiệp rồi. Chưa biết rồi sẽ ra sao. Với hàng tấn nhựa trong làng sản xuất ra hàng ngày hoặc nhập về mà cấm công nông thì chỉ biết dùng xe đẩy tay, hoặc xe kéo. Lại dùng sức người”, ông Đinh Văn Tiến, người sản xuất nhựa trong làng, than thở.

Ông Tiến giải thích thêm: Mua xe tải khoảng hơn 100 triệu thì nhiều nhà dư sức mua nhưng mua về chỉ để làm sang ở… bãi ngoài làng. Đường làng nhỏ, hẹp chỉ có công nông tự chế là đi thoải mái. Còn vào sâu trong ngõ thì có xe 3 bánh, vừa lùi, quay ngang dọc, mang hàng vào đến tận cửa nhà.

Khoảng hơn 10 năm trước, ông Tiến là một trong những người có xe công nông đầu tiên trong làng. Hai chiếc công nông tự chế của ông mua với giá hơn 20 triệu, ngày đó là cả một gia tài. Cũng từ những chuyến xe công nông mà kinh tế gia đình ông và nhiều hộ trong làng phát triển và mở ra xưởng tái chế nhựa là cơ ngơi cả gia đình bấy giờ.  “Mỗi chuyến chạy trong làng, loanh quanh rẻ nhất cũng là 3 chục nghìn trong vòng chưa đầy 30 phút. Mỗi ngày mỗi chiếc công nông của tôi cũng đẻ ra được hơn 300 nghìn, đã trừ đi tiền dầu…” - ông Tiến tâm sự. 

d
Chỉ có xe công nông, xe tự là len lỏi trong mọi đường thôn, ngõ hẻm
Ông Tiến bảo: "Lợi ích cấm công nông thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu mà làm theo. Có lẽ, cần có những nơi có đặc cách, như các làng nghề chẳng hạn. Như vậy dễ cho dân thực hiện hơn, chứ cấm là cấm tất cả luôn thì cũng khó cho dân…”.

Nhưng 2 chiếc công nông của gia đình ông vẫn còn là may mắn, vì dù sao tuổi đời của nó cũng đã đi gần thập kỷ và nó cũng cổ lỗ sĩ lắm, tắt máy hay khục khặc giữa đường là chuyện bình thường. Còn chiếc xe của anh thợ trẻ Nguyễn Văn Khang cùng làng thì chỉ biết cách kêu trời hoặc tự trách mình không nắm được lộ trình cấm công nông.

Khang dành dụm tiền nong của những năm tháng làm thợ ép nhựa để mua chiếc xe gần được 1 năm, “lúc đó chỉ biết mơ hồ là không được chạy ra quốc lộ 5, còn chạy trong làng thì vẫn… vô tư!. Vì tôi mua xe cũng chỉ để vận chuyển chủ yếu trong làng. Nên không sợ”. Bây giờ, chiếc xe mới đại tu thay lại máy cách đây 3 tháng nay chỉ vài ngày nữa thôi là thành sắt vụn .

Cấm công nông thì không chỉ riêng người chạy công nông trong làng khổ mà người chịu thiệt hại chính và nhiều nhất vẫn là các hộ sản xuất. Các hộ làm nhựa trong làng Khoai có tới 500 máy cán, ép nhựa. Anh Minh Sơn, một cơ sở sản xuất lớn trong làng đã chi ly tính toán ra cái thiệt hại nhãn tiền khi cấm công nông: “Cước phí công nông một chuyến cao lắm trong làng cũng chỉ 50 nghìn chở được khoảng 4 tạ nhựa. Còn thuê xe tải nhỏ thì phải mất 150 nghìn mà chỉ được 5 tạ nhựa. Như vậy là giá trị công nông gấp gần 3 lần xe tải nhỏ. Đó là ngoài đường lớn, còn trong ngõ thì xe tải... chịu thua”.

Còn với người dân thường thì có lẽ cái dễ thấy nhất khi không còn 32 chiếc công nông chạy trong làng là giảm thiểu tiếng ồn, giảm khói bụi. Nhưng chưa chắc đã giảm được ô nhiễm làng nghề. Cả làng hơn 90% dân số làm nhựa nên làng Khoai là… bãi rác khổng lồ!. Nhựa phế thải, rác nilon được chở về từ cả tỉnh như lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Hải Dương để tái chế. Các đống rác nhựa phế thải mà không có công nông để giải quyết nhanh thì nó còn bốc mùi kinh khủng hơn nhiều so với… khói và tiếng ồn của công nông!

Đối diện với khó khăn

Ở Gia Lai do địa hình rừng núi đường đi lại phức tạp, nhất là vào mùa mưa, để vận chuyển một lượng lớn lương thực thực phẩm góp phần phát triển sản xuất, người dân đã mua sắm rất nhiều xe độ chế vì các phương tiện khác không đảm đương được. Hiện Gia Lai có 18.000 xe công nông, trên 6.000 xe tự chế đang hoạt động.

a
Công nông là tài sản quan trọng đối với người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Ông Trần Văn Quang ở An Phú – TP Pleiku (Gia Lai), gương mặt không giấu được nỗi buồn và lo lắng, đứng lặng nhìn hai chiếc xe công nông tự chế mới mua được gần năm thở dài: "Để phát triển kinh tế gia đình, thấy địa bàn chuyện vận tải hàng hoá gắp nhiều khó khăn vì đường sá đi lại quá khó khăn. Gia đình tôi đã quyết định mua lại hai chiếc xe này.

Bây giờ, điều tôi lo lắng nhất là số tiền bỏ ra quá lớn (30 triệu đồng/một chiếc) mà nguồn thu từ khi mua chưa đáng là bao. Nợ ngân hàng còn đó, lấy gì mà trả và đặc biệt hơn là hai đứa con đang học đại học sẽ bị cắt “nguồn viện trợ” lấy gì mà ăn học".

Hơn 10 năm qua, vợ chồng ông Quang không quản đêm hôm mưa nắng, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" gắn đời mình trên nương rẫy, dành dụm được chút tiền, “muốn làm ăn lớn” đành liều vay mượn thêm ngân hàng hơn 40 triệu đồng mua hai công nông, tích cực băng đồng lội suối vận chuyển hàng hoá, cây trồng kiếm tiền để nuôi ba đứa con ăn học. Ngày hay tin "cái cần câu cơm" của mình sẽ bị cấm lưu thông, ruột gan ông rối bời. Vợ ông đứng ngồi không yên, than vãn suốt cả ngày.

Còn ông Đinh Nông (47 tuổi) dân tộc Banar ở Đăk Đoa cũng tâm trạng buồn như ông Quang. Gặp chúng tôi, ông nghẹn ngào: "Tôi mất ăn, mất ngủ nhiều ngày qua, khi nghe tin chiếc xe công nông độ chế của mình sắp bị cấm lưu hành. Trong làng có hơn 30 chiếc xe như xe của mình, “số phận của nó” chắc là trở thành sắt vụn được mấy ngàn. Những bao lúa trên rẫy sức đâu mà cõng từng bao nhỏ về nhà để xay ra gạo mà ăn. Đồng bào dân tộc mình, đi rẫy; chở nông sản; chạy nước tưới cà phê, lúa nước và xay lúa lấy gạo để ăn hằng ngày đều dùng công nông”.

Trăn trở với công nông

Chúng tôi có mặt tại huyện Chư Sê, một huyện phía Nam của tỉnh Gia Lai, cách trung tâm TP Pleiku chừng 50km. Đây là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nhanh của tỉnh Gia Lai. Ở đây, tại các buôn làng người dân chủ yếu sống nhờ vào chiếc xe công nông và độ chế. Trung bình một làng có trên 20 xe, cả huyện trên 6.000 chiếc. Chư Sê là địa phương có nhiều xe công nông nhất trên các địa bàn của tỉnh Gia Lai..

a
Ông K sor Nhíp – 37 tuổi , dân tộc Jrai ở Nhơn Hoà – Chư Sê cho chúng tôi biết: “Gia đình tích luỹ mãi và vay mượn bà con dân làng mới mua được chiếc xe công nông để chuyên nghề chạy chở sản phẩm gia đình làm ra. Chiếc xe là tài sản, là cần câu cơm cho cả nhà 6 miệng ăn. Bây giờ cấm không cho chạy nữa thì không biết sinh nhai bằng cách gì!?

Chủ trương Nhà nước đã ban hành thì người dân phải thực hiện. Nhưng khi cấm thì phía chính quyền cũng phải nghiên cứu, hỗ trợ giúp chúng tôi có điều kiện để chuyển đổi ngành nghề hoặc tạo điều kiện để chúng tôi được vay vốn tái đầu tư những loại xe mà Nhà nước cho phép lưu hành để được theo nghề cũ…”.

Ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBND huyện không khỏi trăn trở: "Theo chúng tôi, đây là chủ trương hoàn toàn đúng, nhưng vì liên quan đến cuộc sống của nhiều người dân nên chuyện thực thi không chỉ là giải quyết vấn đề hành chính. Phải tính tới các giải pháp kinh tế và tạo điều kiện cho người dân lao động sản xuất. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ vốn sản xuất, cây trồng… để cho bà con các dân tộc thuận lợi trong sản xuất, giao lưu hàng hoá, phát triển kinh tế". Những đối tượng có xe ba gác, xe công nông tự chế, chuyển đổi nghề cũng sẽ được ngân hàng Chính sách xã hội và Đầu tư - Phát triển cho vay vốn để làm ăn. Huyện khuyến khích người dân đầu tư mua sắm ô tô tải hoặc ô tô khách loại nhỏ hoạt động ở khu vực nông thôn”.

Anh Lê Thiết Hùng (42 tuổi) quê Thừa Thiên Huế vào Gia Lai lập nghiệp đã hơn 10 năm nay, kiếm sống duy nhất một nghề chạy xe công nông chở vật liệu xây dựng và hàng hoá nông sản kiếm tiền cho cả gia đình. Anh bảo, nếu đình chỉ lưu hành xe công nông, độ chế, ba gác… là cắt mất nguồn thu nhập chính từ nghề này cuộc sống gia đình và việc học hành của các con sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

"Tôi cũng đã nghĩ đến việc chuyển nghề, nhưng phương án khả quan nhất là chuyển qua bốc vác và hái thuê tiêu, cà phê để lo cái ăn trước mắt rồi tính tiếp. Nhưng cũng rất khó vì bây giờ mua được chiếc xe tải hoặc chiếc xe chở khách thì tiền lên đến trên 200 triệu đồng. Một khoản tiền quá lớn đối gia đình tôi”.

Ngày mai (1/1/2008), xe công nông sẽ chính thức bị "khai tử", tuy nhiên, người dân nhiều địa phương, nhất là các địa phương xem "công nông là đầu cơ nghiệp" đang sống trong nhiều tâm trạng khác nhau.

Một mặt thực hiện Nghị định của Chính phủ, nhưng một mặt họ vẫn trông chờ các giải pháp thiết thực sau ngày cấm công nông của các cấp chính quyền địa phương. Bởi một lẽ ai cũng biết, xe công nông là phương tiện quan trọng với nông thôn, vùng núi.

  • Hân Minh - Thông Chí

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,