(VietNamNet) - “Đó thực sự là những câu chuyện tuyệt vời về những con người tuyệt vời. Giờ thì người đọc càng hiểu vì sao lưới tình báo này không thể bị lộ, ngay cả khi mọi việc đã sáng tỏ. Họ là những người nhỏ bé nhưng đã góp phần tạo nên quá khứ vĩ đại” - (Dang Hong Chuyen, 01 Mac Dinh Chi Q.1, Email: Danghong...@yahoo.com).
>> Huyền thoại cụm tình báo H.63 anh hùng
Ngay khi loạt bài về lưới tình báo H.63 được đăng tải, tiếp nối chùm bài về người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH, toà soạn VietNamNet đã ngập tràn bởi những dòng chữ như vậy.
Từ những lá thư xin được... nghiêng mình
Một cụm tình báo được phong Anh hùng LLVT Nhân dân ngay từ khi đất nước chưa hoàn toàn giải phóng.
Một điệp viên hoàn hảo đến độ những người ở các chiến tuyến khác nhau đều nghiêng mình kính trọng và khao khát đặt bút viết về ông.
Một người chỉ huy hai tay bắn súng như một nhưng luôn giành một viên đạn cho mình để giữ an toàn cho lưới.
Một mỹ nhân dám hy sinh tuổi trẻ vì nặng lòng với quê hương.
Một chiến sỹ giao liên tình báo 6 lần bị cưa chân mà vẫn im lặng để bảo mật tài liệu và cứu sống đồng đội.
Một phụ nữ giao liên chấp nhận xa con để hoàn thành nhiệm vụ. Một chàng trai trẻ trước phút hy sinh chỉ năn nỉ xin “đừng nói với má tui, kẻo má buồn”...
Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) tại TP.HCM tháng 4/2007. Ảnh: Hà Trường.
Họ là thế, cứ từng người từng người dám xả thân trong cuộc chiến trường kỳ để vẽ nên một bức tranh “huyền thoại về cụm tình báo H.63 anh hùng”.
Thế nên, giữa hàng trăm lá thư hồi âm đầy xúc động từ độc giả, khó khăn lớn nhất đối với Ban biên tập chính là... làm sao có thể đếm hết những lá thư... xin phép được nghiêng mình trước những người anh hùng đã thực sự trở thành huyền thoại đó.
Và niềm mong mỏi cho hàn gắn, yêu thương
Điều kỳ lạ nhất kể từ khi loạt bài về cụm tình báo H.63 được khởi đăng cho đến nay chính là hàng loạt lá thư được gửi đến từ chính những người đã từng cầm súng. Thế giới mạng lâu nay vốn được biết đến như thứ lãnh địa riêng của giới trẻ, nhưng khi H.63 bắt đầu “lộ sáng”, lãnh địa đó bị xâm lấn thêm bởi một lớp độc giả mới.
Người trẻ nhất của thế hệ 30 năm trước đây nay cũng đã 50 tuổi, vậy mà họ vẫn tìm đọc bằng được những câu chuyện về đồng đội của mình, tìm mọi cách để được tự phản hồi về toà soạn, và tìm mọi khả năng có thể để liên lạc với những chiến sỹ anh hùng.
Đến lúc này, sự bí ẩn của người lính cụ Hồ mới được hé thêm một góc nhỏ. Có vẻ như trong trái tim của người lính luôn có điều gì rất đặc biệt. Khi chiến tranh, họ chiến đấu vì Tổ quốc, vì đồng đội. Khi hoà bình, họ luôn tìm về nhau mà chẳng bởi lý do gì.
Có lẽ thế nên trong suốt hành trình ngược trở lại ký ức, cứ khi nào nhắc đến hai tiếng “đồng đội”, những người anh hùng chưa bao giờ chùn chân trước tra tấn, tù đày như Tư Cang, Hai Thương, Tám Thảo... lại nhoè nước mắt.
Vinh quang ư? Họ nói: “Hãy dành cho đồng đội!”. Vì thế, phải tận mắt nhìn thấy những “cụ ông, cụ bà” ở tuổi ngoài 70, cả đời sống trong bom đạn nhưng vẫn bật khóc nức nở khi nhắc đến tên đồng đội thì mới thấm được phần nào cái tình đồng chí thiêng liêng ấy.
Tự nhận mình là “người lính già nhưng vẫn đọc say mê những bài báo về đồng đội”, độc giả Nguyễn Minh Thương (Cần Thơ) viết: "Tôi cảm thấy thật sự tự hào về một thời kỳ chúng tôi đã sống và chiến đấu, tự hào về các đồng chí đồng đội, những người đã hy sinh, những người còn sống hôm nay. Chúng tôi, người lính già vẫn luôn sẵn sàng ôm khẩu AK ra trận để bảo vệ Tổ quốc này".
Một người cựu tù Côn Đảo với anh hùng Nguyễn Văn Thương thì viết: "Kính gởi anh Thương, tôi là một cựu tù Côn Đảo, ngày ấy tôi có nghe anh em kể chuyện nhiều về anh, sau giải phóng tôi cũng đọc vài bài báo viết về anh, nhưng từng chi tiết về cuộc chiến đấu ấy hôm nay mới được thể hiện trên trang báo nầy. Đây là bằng cớ sinh động hết sức thuyết phục.Tôi xin cám ơn anh và báo đã cho chính tôi được chiêm ngưỡng thời gian vàng son ấy. Xin ghi lại đây lời cảm phục của người cùng thế hệ với anh" - (Trần Đức Hùng, Email: duchungtran...@hotmail.fr).
Anh hùng LLVT nhân dân, thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (Hai Thương), tại TP. HCM tháng 4/2007. Ảnh: Hà Trường.
Xúc động trước cuộc đời bất khuất và kiên cường của người anh hùng Nguyễn Văn Thương, độc giả Pham Duc Dung, ở 23 Nguyễn Đức Cảnh, Phước Long, Nha Trang thậm chí còn gửi tặng riêng anh một bài thơ đặc biệt:
ĐÔI CHÂN
Kính tặng anh hùng Nguyễn Văn Thương
Người bị CIA cưa chân 6 lần
Đời cho ta đôi chân
Vững bước trong trời đất
Đắp vun đời hạnh phúc
Tô thắm tình nước non…
Tuổi thơ với đôi chân
Tung tăng trên đồng nắng
Vui thả Diều bắt Bướm
Chém xoèn xoẹt cỏ bay.
Đôi chân lớn từng ngày
Với nương đồng năm tháng
Vẫy nước tung bọt trắng
Xới tơi thửa đất cằn.
Rồi với đôi bàn chân
Trên chiến trường đánh giặc
Băng Trường Sơn heo hắt
Vượt ghềnh thác cheo leo.
Đôi chân Anh vững vàng
Thêm chắc tay cầm súng
Trên chiến trường năm tháng
Khiến lũ giặc kinh hoàng
Đôi chân Mẹ cho con,
Mẹ ơi!
không còn nữa
Lũ C.I.A man rợ!
Chúng cưa đứt. Mất rồi!
Từng khúc chúng cắt rời
Sáu lần tim đau thắt
Lang thang giữa trời đất
Biết tìm chúng đâu đây…
Đôi chân ấy không còn
Sao Anh còn vững bước
Kẻ thù không chặt được
Ý chí đã thành đồng!
Đôi chân ấy không còn
Anh vẫn còn xung trận
Càng chắc thêm tay súng
Bắt lũ giặc cúi đầu.
Đôi chân ấy không còn
Đồng đội còn nguyên vẹn
Tổ quốc bao yêu mến
Vẫn còn đó trong tim,
Khi đất nước thanh bình
Đất Trảng Bàng, Bến Cát
Người anh hùng gang thép
Còn in dấu chân anh.
Bất ngờ hơn nữa là có độc giả từng một thời chiến đấu trên cùng chiến hào với những người anh hùng H.63, sau 40 năm, nay mới được hiểu thêm về đồng đội của mình. Độc giả Bùi Thép ở Tp.HCM viết: "Tôi vào Nam năm 1968, ở Phòng quân báo miền. Hồi đó tôi là thợ sửa máy cho cụm H63. Tôi cũng biết nhiệm vụ của H.63 nhưng rất mơ hồ, bởi vì nguyên tắc. Sau giải phóng, tôi chuyển ngành. Hàng năm chúng tôi vẫn gặp nhau do Ban liên lạc tổ chức. Tôi thường gặp chú Tư Cang nhưng chỉ đến hôm nay, qua VietNamNet, tôi mới biết thêm những thành tích lớn lao nhưng rất thầm lặng mà những người thường ngày bên mình đã làm trước đây. Thật kinh ngạc, thú vị và hấp dẫn!".
Chính vì lẽ đó mà “mặc dù đã 50 tuổi rồi”, nhưng độc giả Nguyen Chanh (tximex...@yahoo.com.vn) “cứ mỗi lần đọc là nước mắt lại chảy thành dòng”. "Đọc những trang hồi ký về lưới tình báo H63, tôi thấy được như sống lại những ngày gian lao vất vả mà oai hùng ngày nào" (Nguyen Hoa, email: tienbo-...@vnn.vn). “Tôi là một cán bộ của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Hơn 10 năm trong nghề, tôi đã từng gặp gỡ nhiều nhân vật nữ huyền thoại, nhưng quả thật nhân vật Tám Thảo đã gây ấn tượng mạnh cho tôi” (Phạm Kim Ngân, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội)...
Song song với những dòng thư hồi âm từ lớp độc giả cao tuổi vẫn là cả trăm lá thư gửi về từ giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.
Độc giả Nguyễn Quang Thạch, đang làm việc tại Bộ GTVT, tâm sự: "Tôi được sinh ra sau hoà bình. Bố tôi là sỹ quan quân đội tham gia chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến Pháp và Mỹ. Qua đọc bài viết này, tôi càng thấy kính trọng và khâm phục hơn những bậc cha ông như bố tôi dám xả thân vì dân tộc”.
Ở xa hơn, mãi tận những phương trời xa xôi, thế hệ trẻ người Việt cũng không quên bày tỏ lòng biết ơn tới những người anh hùng một thời cầm súng.
Cô Mỹ Nhung (Tám Thảo) tại tư gia ở TP.HCM tháng 4/2007.
Độc giả Tiến Thành, hiện đang sống ở Kharkov-Ukraina viết: "Chúng con, chúng cháu cám ơn các ông các bà đã làm nên lịch sử Việt Nam. Bên này con xin cố gắng học tốt tiếng Việt”. Còn độc giả hungkt...@yahoo.com hiện đang sống tại Nhật cũng bày tỏ trong một lá thư viết vội bằng tiếng Việt không dấu: "Xin lỗi vì tôi không gõ được phông tiếng Việt. Tôi theo dõi rất đầy đủ các bài viết về những chiến sĩ tình báo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Rất cảm ơn VNN đã cho thế hệ trẻ chúng tôi được biết về sự hy sinh mất mát của những chiến sĩ cách mạng”.
Những lời hứa và những trăn trở trước thế hệ cha anh
Vì thế, bên cạnh lời bày tỏ lòng ngưỡng mộ, kính phục, lớp độc giả trẻ cũng thêm một lần được khẳng định: "Nước mắt khóc cho đồng đội sẽ ko bao giờ nguôi. Tôi mong rằng Tổ quốc ta phải ngày càng phát triển để xứng tầm với những gì mà thế hệ cha anh đã gây dựng nên. Xin gửi lời chào thân ái" - Ho ten: N T Cuong.
"Chú Tư Cang ơi! Hình ảnh của các chú đã làm sống dậy hình ảnh của chủ nghĩa anh hùng dân tộc Việt Nam, đồng thời mãi mãi là tấm gương để chúng cháu học tập và noi theo trong mọi thời kỳ lịch sử của dân tộc." - Dinh Duy Phong, Dia chi: Quyet Tien, Kien Xuong, Thai Binh, Email: duyphonge...@fpt.vn.
"Chú Hai Thương, khi đọc loạt phóng sự này, con đã không ngăn được nước mắt. Sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh đi trước sẽ mãi là tấm gương cho chúng con phấn đấu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc." - nguyenducgiang_...@yahoo.com.vn viết.
"Khi đọc những dòng chữ viết về ông Hai Thương, ông Phạm Xuân Ẩn, tôi đã nhiều lần ứa nước mắt, và trong thâm tâm tôi luôn trào dâng niềm biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của các ông. Mong sao các thế hệ trẻ luôn được giáo dục theo tấm gương tận tụy hy sinh vì đất nước của các ông. Xin kính chúc ông Hai Thương luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Cám ơn quý báo!" - Ho ten: nguyen quang phat, nqph...@sony.com.vn
Anh hùng LLVT nhân dân, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung), khi là phóng viên của tạp chí Time tại Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu.
"Đọc loạt bài "Huyền thoại về cụm tình báo H.63 anh hùng" khiến tuổi trẻ chúng tôi vô cùng tự hào và xúc động. Họ đã sống đúng như một huyền thoại, thật đẹp mà cũng thật anh hùng. Nghĩ về họ, chúng tôi cảm thấy vô cùng băn khoăn, day dứt, tự thấy mình càng phải sống tốt hơn, trách nhiệm hơn” - Nguyễn Mười (thumuoi...@yahoo.com.vn).
Đi xa hơn câu chuyện quá khứ, rất nhiều độc giả bày tỏ thêm những trăn trở của ngày hôm nay: "Tuổi trẻ chúng tôi, những người của thế hệ hiện tại và tương lai, mấy ai biết đến những chiến công này? Nghĩ mà buồn khi lớp trẻ bây giờ thuộc lịch sử Trung Quốc hơn là lịch sử Việt Nam. Nếu thế hệ trẻ không hiểu được lịch sử nước nhà thì tương lai của đất nước sẽ thế nào? Câu hỏi này có lẽ dành cho các nhà làm giáo dục, những người đang cố gắng... cải cách”, độc giả Trần Quang Trung, ở Nghệ An viết.
Còn em Vũ Thuý Nga (Địa chỉ: Tuyen Quang, Email: vuthuyng...@yahoo.com.vn) thì đầy băn khoăn: "Cháu chỉ có thể khóc khi đọc những dòng chữ này. Cám ơn các chú các bác đã hy sinh cho chúng cháu được sống như ngày hôm nay. Nhưng cháu thắc mắc với các nhà giáo dục rằng sự dũng cảm của Quan Vân Trường trong Tam Quốc khi cho Hoa Đà mổ có lẽ còn không dũng cảm và lẫm liệt như những anh hùng của ta. Nhưng tại sao chúng cháu biết Quan Vân Trường từ khi còn nhỏ, vậy mà bây giờ chúng cháu và nhiều các em nhỏ khác còn biết rất ít về những anh hùng của ta?".
"Tôi đang công tác trong ngành công an, đối tượng mà tôi đấu tranh là tội phạm hình sự. Trước đây khi mới vào ngành, phá được nhiều vụ án, bắt được nhiều đối tượng côn đồ hung hãn, đâm chém thuê, giết người, cướp tài sản... tôi thấy hãnh diện và đôi khi còn tự kiêu. Nhưng khi đã được các đồng chí lớn tuổi kèm cặp, tôi đã không ngừng học tập, để rồi tôi thấy mình thật nhỏ bé. Nhất là sau khi được biết về những người anh hùng, tôi thấy sự hy sinh thầm lặng của các bác thật khó có thể kể hết được bằng lời. Tôi không biết nói gì hơn, xin trân trọng biết ơn các bác - NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG" - Độc giả Nguyen Trong Thang, ở Hải Phòng bày tỏ.
"Kính gửi Các Ông, Bà, các Bác, các Cô chú! Con sinh ra trong thời bình, chưa một lần biết thế nào là chiến tranh. Nhưng, từ trong sâu thẳm, lúc nào con cũng biết ơn các ông bà, các bác đã hy sinh thân mình, một lòng một dạ vì Tổ quốc để chúng con có được ngày hôm nay. Bố của con cũng là một chiến sĩ tình báo, đã giải ngũ để trở về với đời thường, giữa vòng quay của cuộc sống: cơm áo gạo tiền, nhưng lúc nào, bố con cũng nhắc đến những tháng ngày "cơm độn sắn, cháo rau má" để cho chúng con hiểu, cuộc sống của chúng con ngày hôm nay có được, đó là từ sự hy sinh của các ông bà, các bác đem đến cho chúng con. Thực sự cho con được gửi tới mọi người lời tri ân, lời cảm ơn sâu sắc nhất." Độc giả Phạm Tuấn Anh ở Hải Dương mythai_x...@yahoo.com viết.
Và đó là lý do mà độc giả Phạm Mai ở Hà Tây (maimi...@gmai.com) đã cẩn thận gửi thư “xin trích lại một số đoạn trong loạt phóng sự này trên blog của mình”. Thậm chí, rất nhiều ý kiến khác cũng chung những gợi ý đề nghị: nên in lại những câu chuyện này thành sách, có thể đưa vào sách lịch sử, nên tạc tượng, đặt tên đường phố, làm phim... về những người anh hùng vĩ đại này.
Tất cả những ý kiến đóng góp đó, VietNamNet đã lưu giữ lại cẩn thận và chuyển tận tay tới những người anh hùng trong cuộc chiến. Ngoài ra, VietNamNet xin đặc biệt gửi lời cảm ơn tới những độc giả đã đóng góp thêm nhiều tư liệu và ý kiến đánh giá quý báu cho loạt bài viết này.
Với những ý kiến đề nghị làm rõ thêm một số chi tiết trong quá trình chiến đấu của những nhà tình báo của cụm H63 và những nhân vật khác, VietNamNet sẽ đề cập sâu hơn trong những bài báo hoặc những cuốn sách sau.
Trong cả hệ thống Tình báo Quốc phòng đồ sộ thời chiến tranh, 40 kỳ đầu tiên này mới chỉ là một góc nhỏ về cụm tình báo H.63, cũng như H.63 đang là một góc nhỏ trong cả bức chân dung về những con người làm nên lịch sử thế kỷ XX.
-
Báo điện tử VietNamNet