221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1000280
Kỳ 6: Cơn khát vàng ở Amazonas
1
Article
null
Ký sự về thổ dân Amazon:
Kỳ 6: Cơn khát vàng ở Amazonas
,

Hơn 6.000 người Brazil đã bỏ quê bỏ quán đến Apui bên bờ sông Rio Juma để tìm kiếm may mắn và giàu sang. Không rõ tương lai trong số đó sẽ có bao nhiêu người may mắn trở về, khi mà ngự trị nơi đây giờ là sự lộn xộn, là tội phạm, ma túy, bệnh tật và tất nhiên là cả nạn mại dâm.

>> Kỳ 1: Bạn của người Anh-điêng
>> Kỳ 2: Người kể chuyện

>> Kỳ 3: 
Làng của những người Anh-điêng xài "Ơ rô"
>> Kỳ 4: "Chốn thiên đường" Amazon
>> Kỳ 5: Hung thần Jararaca, chim ruồi và nhện độc

Hơn một năm trước, bốn người nông dân nghèo đã lặn lội mò vào vùng rừng rậm gần Apui, một chốn thâm sơn cùng cốc bị trời bỏ quên nằm cách Manaus, thủ phủ của bang Amazonas 460 cây số về phía tây nam. Neguinho, Paulo, Agenor và Tibúrcio hợp sức cùng nhau chặt cây rừng ven sông Rio Juma. Họ dự định làm một trang trại nhỏ và chăn nuôi bò. Thịt gia súc là thứ duy nhất có thể giúp họ kiếm tiền ở vùng Amazon này.

Rio Juma: Đào bới để tìm sự giàu có

Trong lúc bốn người đào bới ở bờ sông, tình cờ họ phát hiện ra mấy cục quặng vàng lấp lánh giữa những viên sỏi. Cả hội đã thề với nhau rằng sẽ không hé răng nửa lời về phát hiện trời cho này. Bốn người bí mật tiến hành khai quật hàng tháng trời, và có lẽ đã trở nên cực kì giàu có, nếu như họ không đi lê la hàng quán. Cuối tháng mười hai năm ngoái, trong một quán bar ở Apui, khi đang cao hứng một trong số họ đã khoe tướng lên rằng. “Tôi đang bơi trong vàng!“.

Serra Pelada năm 1989- ảnh của Sebastiao Salgado

Serra Pelada năm 1989. Ảnh của Sebastiao Salgado.

Đó là tín hiệu cho cơn khát vàng lớn nhất vùng Amazon kể từ “cuộc đổ xô huyền thoại” tại vùng Serra Pelada ở bang Pará kế bên vào giữa những năm tám mươi của thế kỉ trước. Khi đó, hai chục ngàn "garimpeiros" (từ dùng để chỉ dân đào vàng theo tiếng Bồ Đào Nha) đã khoan vào lòng khu rừng một cái hố khổng lồ. Siêu nhiếp ảnh gia Brazil Sebastiao Salgado, bằng những thước phim đen trắng chân thực, đã đưa cảnh tượng những “tổ kiến người” ở Serra Pelada nổi tiếng khắp toàn thế giới.

Một gam hai cái bánh mỳ kẹp, nửa gam một lon Cola

Hai mươi năm sau, từ khắp mọi miền đất nước Samba, bao kẻ mạo hiểm và săn may lại đổ về vùng Amazon này. Tin về việc tìm thấy vàng truyền đi nhanh như lửa cháy. Hơn một tháng sau đã có tới 6.000 garimpeiros tay cuốc tay xẻng tham gia đào bới ở "Eldorado de Juma" (Đất vàng mới ở Juma). Người đến mỗi ngày một đông hơn. Khoảng 1,5 tấn vàng đã được tìm thấy. Nhưng con số thực thì không ai biết.

Những người nhập cuộc đầu tiên là dân Apui ở cách đó 80 cây số. Xưởng gỗ Incopol lớn nhất vùng đột nhiên một ngày nọ vắng bóng công nhân – họ thích đi đào vàng trong rừng hơn. Các tay chăn bò bỏ rơi các trang trại. Các công trường thiếu hụt trầm trọng thợ xây và thợ sắt. Ngay cả ông phó thị trưởng cũng bỏ rơi nhiệm sở đi theo tiếng gọi của vàng.

Một góc khu khai thác

Một góc khu khai thác.

Từ ngày có bãi vàng, công việc làm ăn của cánh phi công tư nhân, chủ thuyền, dân buôn bán và gái mại dâm trở nên phát đạt. Ở Rio Juma giờ đây chỉ lưu hành một loại tiền: đó là vàng. Hai cái bánh mì kẹp giá một gam vàng, tương đương với khoảng 280.000 đồng VN, một lon Cola nửa gam. Một đôi giày đá bóng được hét với giá cắt cổ là 30 gam. Đắt như vậy, bởi trên nền đất rừng lầy lội này giày đinh là thích hợp nhất.

Ai nhanh nhạy có thể tạo cơ nghiệp cả đời ở đây. Andréia Gobbi, giám đốc siêu thị lớn nhất ở Apui, trong một lần đến thăm những người đào vàng đã phát hiện ra trong khu rừng rậm này, thứ thiếu thốn nhất chính là: phụ nữ. Cô kết hợp cùng với anh mình, một bác sĩ thú y, thuê 25 cô gái trẻ từ Manaus đến và khai trương "Andressa’s Nightclub" (Hộp đêm của Andressa).

Bốn gam vàng cho một "chương trình" với các quý cô tổ chức tại một trong hai mươi căn phòng của "câu lạc bộ". "Chúng tôi sẽ kiếm được ối vàng“, anh em nhà Gobbi phấn khởi thổ lộ.

Vua bãi vàng

Hộp đêm là nơi thay đổi không khí duy nhất dành cho dân garimpeiros. Từ mờ sáng cho đến khi tối mịt họ đã phải chôn chân trong bùn bên những chiếc máy bơm, tay đào bới, hoặc oằn mình dưới những tảng đất nâu nhầy nhụa. Họ ngủ trên võng trong các lán dựng tạm bằng vải bạt và gỗ rừng, nơi bốc lên một thứ mùi hôi thối tựa địa ngục tổng hợp từ các loại chất thải của con người. Sốt rét và tiêu chảy là những bệnh thường ngày.

Đãi cát tìm vàng

Đãi cát tìm vàng.

Ai đến sớm hơn sẽ là thủ lĩnh của cả bọn – đó là luật bất thành văn của dân đào vàng. Nhưng ở những nhóm làm ăn khá, chuyện dùng bạo lực chiếm ngôi “đại ca” là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Những tay đàn anh bản lĩnh nhất sẽ thu nhặt thật đông vệ sĩ và bắt “đàn em” lao động khổ sai cho họ. Đứng ở vị trí thấp nhất trong hệ thống băng nhóm là những tay "requeiros" - những người chuyên lục lọi trong các đống xỉ quặng, với hy vọng tìm đuợc một chút vàng còn sót lại.

Chỉ mới đây thôi vẫn còn tồn tại quy định là bất cứ ai muốn tới đây xin đất đào vàng phải nộp mười phần trăm thu nhập cho Zé Capeta, bởi ông này đã đưa ra giấy tờ chứng minh mình là chủ khu đất chứa vàng này. Thực ra thì Zé Capeta cũng không phải dạng đàn anh đàn chị gì, ông ta vốn là bần nông, mù chữ. Dựa vào tờ giấy mua đất viết tay, Zé lập nên một hợp tác xã và bắt tất cả mọi người tham gia vào. Nhưng ông ta không được lòng dân ở đây, đã có đêm ông bị bắn lén khi đang ở trong lều.

Trong lúc đó thì vụ di dân và cải cách ruộng đất INCRA đã bác quyền sở hữu đất của Zé vì giấy tờ không có giá trị pháp lý. Hợp tác xã của Zé Capeta bị mất thế độc tôn và nhanh chóng bị thay bởi một tổ chức khác có cách ăn chia công bằng hơn.

Đất vàng hôm nay, địa ngục ngày mai?

Mới đây Chính phủ Brazil đã quyết định sẽ “hợp pháp hóa” mỏ vàng ở bên sông Juma nhằm chấm dứt tình trạng lộn xộn nơi đây. Hơn tám mươi cảnh sát, chuyên gia sức khỏe, bác sĩ đã được điều động đến “Eldorado ở Juma”. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo an ninh và ngăn không cho bệnh dịch bùng phát. Tất cả dân đào vàng sẽ được tập trung vào một tổ chức, các băng nhóm cũng phải đăng kí với ban quản lý.

Cảnh sát được cử đến để đảm bảo an ninh

Cảnh sát được cử đến để đảm bảo an ninh.

Mục tiêu của Chính phủ là chấm dứt tình trạng khai thác tài nguyên vô tổ chức cũng như ngăn chặn các vụ thanh trừng lẫn nhau giữa các băng nhóm. Tình trạng phá hoại thiên nhiên ở đây cũng đã đến mức báo động : Hơn bốn ngàn hecta rừng đã bị dân garimpeiros chặt phá, và ngày càng có thêm các dải rừng mới bị “thanh toán”. Sông suối quanh vùng bị nhiễm độc thủy ngân (được dân khai thác dùng để tách các tạp chất ra khỏi vàng). Bạo lực ngày càng gia tăng. Nếu cứ để tự nhiên phát triển, sự sụp đổ của xã hội thu nhỏ này chỉ diễn ra trong nay mai.

Ngay từ đầu cũng đã có những người chống lại việc đào vàng ở khu vực vùng Amazon này. Đó là hai công dân có uy tín của Apui, một người là cha đạo Itacir Fontana, còn người kia là thị trưởng thành phố, ông Antonio Roque Longo.

Cha Itacir từng ra sức bác bỏ các thông về việc tìm thấy vàng ở Apui, nhưng vô ích. Cha đã liên hệ với tất cả các đài phát thanh trong cả nước và thuyết phục các tổng biên tập rằng tất cả chỉ là lừa đảo. Cha đủ sung túc để không bị cơn bão vàng cuốn đi, nhưng lời của cha không đủ sức thuyết phục các con chiên ở lại. Ngày lễ thánh chỉ còn có người già và trẻ nhỏ đến nhà thờ cầu nguyện. Những người khác đi cầu may nơi bãi vàng.

Thị trưởng Roque Longo thì đoán trước kết cục của cơn khát vàng: Đa số dân khai thác nghèo sẽ lại hoàn nghèo. Số vàng kiếm được rồi cũng rót cả vào rượu và gái điếm. Cuối cùng thì chính quyền là người gánh chịu hậu quả.

"Dân garimpeiros đang sống trong những điều kiện không dành cho con người. Chúng tôi sớm sẽ phải đối mặt với một thảm họa xã hội", ông nói. “Mai đây cánh đào vàng sẽ xếp hàng đầy trước cửa tòa thị chính để xin phát chẩn – và rồi, "Eldorado vùng Juma" sẽ nhanh chóng biến thành "địa ngục trần gian" nơi thiên đường xanh.

  • X.T (Lược dịch, theo SPIEGEL) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,