Rừng Amazon là chốn thiên đường gần như bất khả xâm nhập của hàng ngàn loài chim thú. Với tốc độ "rùa" - tám trăm mét một giờ, đoàn thám hiểm chúng tôi đã lội suối băng rừng từ khu bảo tồn Yanomami cho đến tận đỉnh Pico de Neblina huyền thoại.
>> Kỳ 1: Bạn của người Anh - Điêng
>> Kỳ 2: Người kể chuyện
>> Kỳ 3: Làng của những người Anh-điêng xài "Ơ rô"
Băng qua rừng sâu
Cuộc thám hiểm chưa thực sự bắt đầu, nhưng riêng sự căng thẳng thôi đã làm mỏi nhừ những đôi chân. Mười hai ngày sắp tới chúng tôi sẽ "rạc cẳng" qua khu rừng mưa lên đến đỉnh Pico da Nebila, đỉnh núi cao nhất Brazil, nằm ở biên giới với Venezuela và Colombia. Con đường cũng dẫn tới khu bảo tồn thiên nhiên cùng tên.
Mỗi năm chỉ có vài đoàn thám hiểm được phép đến khu vực sinh sống của người Anh-điêng Yanomami đặt dưới sự bảo vệ của nhà nước. Khu rừng rậm này được coi như một trong những dải đất xa xôi nhất của thế giới và mới chỉ được phát hiện vào những năm tám mươi, khi dân đào vàng thực hiện một cuộc thảm sát nhằm vào người da đỏ địa phương.
Bộ lạc Yanomami cũng mới chỉ được người ta biết đến khoảng hai mươi năm trước đó. Cho đến bây giờ họ vẫn còn rất xa lạ với nền văn minh thế giới.
Mười hai ngày lặn lội ở chốn thiên đường này
Từ Manaus, thủ phủ của bang Amazonas, đoàn đi rừng "bắt" một chiếc Cessna con con bay 850 cây số vào sâu trong khu rừng. Rồi sau đó, từ Sao Gabriel de la Cachoeira đoàn nhảy lên một chiếc Jeep băng qua những con đường rừng nhầy nhụa bùn lầy tiến lên phía bắc.
Dọc đường không biết bao lần chiếc xe ngập sâu trong các vũng bùn không nhích lên nổi. Một lúc sau thì ai cũng biết phải làm gì: nhảy ra khỏi xe, lội bùn ngập đến đầu gối, dùng tay và thân cây bẩy chiếc xe khốn khổ lên.
Cá heo quanh thân thuyền
Ì ạch mãi cũng tới được bờ sông, cuộc phiêu lưu chuyển sang giai đoạn đường thủy: rong ruổi trên dòng Rio Negro rồi rẽ vào các nhánh sông phụ, đoàn chúng tôi tiến sâu vào trong rừng rậm. Dường như có một đàn cá heo bơi lượn hộ tống quanh thân thuyền.
Cá heo ở dòng sông đục ngầu này ư? Đúng vậy, tôi cũng đã đọc được đâu đó là dòng sông này có cá heo, thậm chí là cá heo hồng. Anh chàng người Anh-điêng tên là Lobo vỗ vỗ mái chèo lên trên mặt nước, dường như muốn dụ đàn cá heo nổi lên. Thị giác của cá heo sông không được tốt, nhưng bù lại cơ quan thính giác của chúng rất nhạy cảm.
Đột nhiên từ dưới nước trồi lên một cặp vây lưng cá, kèm theo tiếng phì hơi rất mạnh. Nhanh như chớp chúng lại lặn xuống. Tôi bật máy ảnh lên sẵn và ngồi chờ. Lần này thì có một chú ngoi lên ngay bên cạnh tôi, và phải công nhận là chú ta màu hồng thật.
Cá heo sông Amazon.
Cá heo sông không bơi theo đàn lớn, thường chỉ từ hai đến ba con. Đặc điểm nổi bật phân biệt cá heo Amazon với cá heo các sông khác chính là ở màu sắc của nó: ngoại trừ lưng màu xám thì tất cả phần thân còn lại đều có màu hồng.
Ngoài ra sông Amazon còn một loại cá heo khác tên là Amazon-Sotalia. Loại này có màu xám giống cá heo thường, nhưng về già thì màu của nó sáng dần ra, cũng có khi chuyển thành màu kem.
Con thuyền nổ máy tiếp tục lên đường. Nơi đuôi sóng xuất hiện một bầy rái cá khổng lồ chơi đùa thỏa thích. Những chú vẹt lông sặc sỡ, chim bói cá, chim cốc bay qua bay lại giữa hai bờ sông.
Cá quỷ Piranha – hung thần ăn thịt người?
Ở độ ẩm 95 phần trăm và nhiệt độ 50 độ C thì không có gì hợp lý hơn là một bữa tắm. Nhưng sau khi quan sát xung quanh chúng tôi đành ngậm ngùi để quần áo bơi lại trong hành lý, bởi đằng xa là bầy cá sấu châu Mỹ to khủng khiếp đang nằm vừa sưởi nắng, vừa tranh thủ "săm soi" con thuyền nhỏ xíu.
Rồi trên những cành cây to là là mặt nước là những con rắn Anaconda dài phải đến sáu mét đang nằm vắt vẻo. Chưa hết, những con cá quỷ, hay còn gọi là cá cọp Piranha nức tiếng về "tài" ăn thịt đang lởn vởn ở dưới trông cũng không có vẻ gì là thân thiện mời chào.
Thực ra thì Piranha không nguy hiểm như người ta đồn thổi. Những minh chứng về việc cá cọp ăn thịt người thì ít, mà phim ảnh tô vẽ lên thì nhiều.
Cá quỷ Piranha
Điển hình nhất là trong tập phim Điệp viên 007 "Bạn chỉ sống hai lần" năm 1967 có cảnh trùm phản diện Blofeld trừng phạt cấp dưới bằng cách để cô ta trượt xuống một bể nước đầy cá Piranha.
Thực tế, như các nhà khoa học trường đại học St Andrews (Scotland) đã chứng minh, cá cọp chỉ quen ăn các loài cá nhỏ, côn trùng và thực vật. Vũ khí nguy hiểm nhất của Piranha là hàm răng cực kỳ sắc nhọn.
Chúng thường tụ họp lại thành từng đàn lớn từ 50 đến 100 con, với mục đích chính là để tự bảo vệ chống lại các kẻ thù thường trực như cá sấu, cá heo sông và nguy hiểm hơn cả là Arapaima, một trong những loài cá lớn nhất thế giới, có thể dài đến ba mét và coi cá quỷ Piranha là thức ăn chủ yếu. Nói như vậy không có nghĩa là chúng hoàn toàn vô hại. Tốt nhất là không nên kinh động đến cá quỷ. Nếu ai đó có nuôi một con trong bể thì cũng chớ dại mà lấy tay khoắng nước.
Một buổi sáng, sau ngã rẽ của con sông, chúng tôi tình cờ phát hiện một làng của người Yanomami lấp ló sau những cây ngọc giá (cây yucca), cây xoài, cây đu đủ. Bọn trẻ con đang nô đùa hồn nhiên dưới sông giật mình hoảng sợ khi thấy con thuyền xuất hiện ở khúc cua. Trên bờ sông, những thành viên lớn tuổi hơn của bộ lạc quan sát chúng tôi đầy vẻ hoài nghi.
"Họ không tin tưởng chúng ta đâu. Họ vẫn còn bị ấn tượng bởi dân đào vàng, những kẻ vô nhân tính đã tất công họ, đã mang bệnh tật truyền cho họ, săn đuổi cuộc sống hoang dã của họ", Aril Silva, người dẫn đường và là nhà khảo cổ, giải thích.
Len lỏi chốn rừng thiêng
Không có ai rành về con người và cuộc sống ở đây như ông ấy. Vài năm trước ông từng đảm nhận việc đo đạc khu vực này cho quân đội Brazil, bởi cho đến khi đó vẫn không có tấm bản đồ nào vẽ chi tiết những vùng có người Anh-điêng sinh sống nằm dưới sự bảo vệ của chính quyền trong vùng rừng Amazon.
Mãi đến bây giờ chính phủ mới gửi một nhóm các nhà sinh vật học đến bảo tồn thiên nhiên này để khảo sát xem có những loài động vật nào sinh sống nơi góc khuất heo hút nhất của đất nước.
- X.T (Lược dịch, theo SPIEGEL)