221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
999830
Làng của những người Anh-điêng xài euro
1
Article
null
Ký sự về thổ dân Amazon - Kỳ 3:
Làng của những người Anh-điêng xài euro
,

Khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới nằm ở phía bắc Brazil. Giám đốc vườn quốc gia này là một kĩ sư nông nghiệp trẻ đến từ CHLB Đức – anh đến đây để giành giật từng thước rừng với dân chăn nuôi bò và những tay đào vàng trái phép.

>> Kỳ 1: Bạn của người Anh - điêng
>> Kỳ 2: Người kể chuyện

Raimundo Nonato, một tay đào vàng cơ bắp cuồn cuộn, cầm về lều một túi nilon dính đầy máu và quăng lên bàn. "Bữa trưa đấy!“, vừa nói anh ta vừa kéo cái thủ lợn ra khỏi bao. "Thứ lợn rừng này ngon phải biết", tay bạn thân Jose Martin cười hân hoan.

"Đó là một con lợn nhà", Nonato đính chính và ném về phía bạn mình một cái lườm. "Mày muốn tao đi tù à? Ở đây cấm săn thú". Đôi mắt của anh ta gườm lại thành một đôi rãnh nhỏ, "Sáng nay bọn bảo vệ thiên nhiên vừa đi thuyền tới. Tay sếp là một gã người Đức – một con bẹc-giê".

Bảo vệ rừng: Cuộc đua với thời gian

Christoph Jaster
Christoph Jaster
Cũng không hoàn toàn như vậy: Christoph Jaster, 41 tuổi, sinh ra ở Đức nhưng từ hai năm nay anh đã là công dân Brazil. Chân ướt chân ráo đến đây, anh hiểu có những việc cần phải thỏa hiệp. "Thực sự tôi cũng không muốn biết chính xác là những gì đang diễn ra ở nơi này!".

Săn bắt trái phép ở "Vila Brasil" có thể coi như một tội lỗi vô hại. Bởi cả làng này sinh sống không đăng kí. Ngôi làng nằm giữa khu rừng quốc gia Tumucumaque do Jaster quản lý. Anh chàng kĩ sư lâm nghiệp này đang phụ trách khu bảo tồn rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Năm 2002, Tổng thống Brazil khi đó là Fernando Henrique Cardoso đã kí sắc lệnh đưa khu rừng ở biên giới phía bắc này vào diện cần được bảo vệ. Trước khi hết nhiệm kì, ông cũng muốn làm một việc có ích để lấy cái tiếng là nhà bảo vệ thiên nhiên, cũng như để giải thoát đất nước ông khỏi vết nhơ chặt phá rừng.

Khu vực rừng quốc gia này có diện tích bằng bốn tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam gộp lại, biên giới trải dài trên 1.700 kilômét. Những cánh rừng già vẫn còn bao bọc trong lòng một hệ động thực vật có một không hai. Những cây gỗ cao trên 50 mét vươn thẳng lên trời. Trong nhiều cuộc thám hiểm trước đây các nhà khoa học cũng đã phát hiện nhiều loại động vật mới.

Khu bảo tồn Tumucumaque
Khu bảo tồn Tumucumaque
Nhưng kể cả với trang thiết bị hiện đại như hiện nay thì việc khám phá khu rừng cũng vẫn còn là một thử thách lớn. Dòng sông có nhiều chỗ nước chảy xiết và vô số các thác ghềnh, đường sá hoàn toàn không có. "Tumucumaque là biên giới cuối cùng của Brazil", tờ tạp chí tin tức "Veja" đã viết như vậy. Tuy nhiên văn minh cũng đang tiến lại gần nơi đây. Những hội đào vàng đã đến định cư ngay cạnh khu bảo tồn, nơi có mỏ vàng và mangan. Cả những tay chăn bò cũng mới tìm đến vùng đất này.

Chưa bao giờ ở khu vực Amazon rừng lại bị chặt phá nhiều như mười năm trở lại đây. Khu vực từng một thời được phủ kín bởi những dải màu xanh miên man bất tận giờ trông như một tấm thảm lốm đốm. Vườn quốc gia Tumucumaque sẽ là nơi cho các thế hệ sau chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy và thiên nhiên phong phú của một khu rừng mưa nhiệt đới, tất nhiên là nếu như việc bảo vệ thiên đường này thành công. Jaster bảo với tôi, anh đang ở trong một cuộc đua với thời gian.

Không trông đợi nhiều từ chính quyền

Bố của chàng trai giàu lòng yêu thiên nhiên này vốn là một chuyên gia hỗ trợ phát triển. Khi nộp đơn xin làm trưởng khu bảo tồn, anh cũng đồng thời phải xin nhập quốc tịch: các cơ quan hành chính ở Brazil không dành cho người nước ngoài. Thực ra, anh chàng vận động viên lướt sóng này từng mơ ước có một công việc ở biển. Khi được tin mình được cử tới Tumucumaque, Jaster đã đi tìm ngay một tấm bản đồ. Giờ đây, anh sống ở Macapa, thủ đô của bang Amapa, và lướt sóng trên sông Amazon.

Khu bảo tồn cách nhà anh ở 250 cây số, khu nhà cho ban quản lý vẫn đang xây dở chưa xong. Để canh gác "bốn tỉnh Tây Nguyên", người ta trang bị cho anh một chiếc ô tô, hai xuồng máy và năm người phụ tá. Mỗi chuyến đi vào rừng là một cuộc mạo hiểm không biết trước kết quả. Đã có lần anh phải sửa động cơ thuyền bằng dao bỏ túi, từng phải nhảy xuống sông để đẩy thuyền qua chỗ nước xiết; trong cơn mưa xối xả của rừng già, anh chỉ mất vài phút để dựng xong một cái lều trú ẩn.

"Đó là một cảm giác không gì so sánh nổi, khi bạn là người đầu tiên bước vào trong một khu rừng và ngỡ rằng từ hàng triệu năm nay chưa hề có ai đặt chân đến nơi đây", anh hào hứng kể. Để được vui như vậy, anh cũng đã phải thả những thất vọng với bộ máy hành chính ở đây trôi theo dòng sông. Cấp trên của anh, viện môi trường và tài nguyên Brazil IBAMA, vốn bị cho là hoạt động không hiệu quả và bị nạn tham nhũng chế ngự. Ai chống lại những kẻ phá hoại thiên nhiên thường trở thành người bị săn đuổi. Cách đây ít lâu một đồng sự của Jaster thiếu chút nữa bị xe đâm chết, sau khi anh này ra lệnh phạt với một chủ trang trại bò. Ngay Jaster cũng đã từng bị đe dọa.

Anh chẳng trông mong được giúp đỡ gì ở những nhà chính trị. Ông thống đốc bang Amapa vốn xuất thân từ một gia đình kinh doanh gỗ. Vị nghị sĩ theo đảng Xanh của bang thậm chí còn muốn thông qua lệnh cho phép khai thác vàng trong khu vực rừng cấm, bởi qua đó ông ta sẽ giành được nhiều phiếu bầu hơn.

Trong lần bay ngang qua rừng gần đây Jaster đã đếm được hai chục đường băng trái phép, chủ yếu có lẽ do dân đào vàng và dân buôn thuốc phiện xây dựng nên. Một khu đào vàng trong rừng cũng đã bị anh phát hiện.

Sống trong rừng, xài tiền "Ơ rô"

Vila Brasil – ngôi làng giàu lên nhờ “Ơ-rô”
Vila Brasil – ngôi làng giàu lên nhờ “Ơ-rô”
Nhưng việc làm Jaster đau đầu hơn cả là "Vila Brasil" ở biên giới phía bắc khu rừng. Khu làng bất hợp pháp này hoàn toàn không có trên bản đồ. Từ đó đến thành phố gần nhất cũng mất bảy tiếng đi xuồng máy. Thế nhưng dân số làng này vẫn tăng đều đặn. Cách đây một năm mới có 150 dân, giờ đây đã hơn 200. Hiệu thời trang, cửa hàng tạp hóa, quán rượu và nhà thổ mọc lên như nấm dọc bờ sông. Vila Brasil bùng nổ, bởi phía bên kia bờ đã là đất sử dụng đồng euro: thuộc địa Guayana của Pháp.

Đối diện với Vila Brasil là tỉnh Camopi, "sứ quán vùng nhiệt đới" của châu Âu. Mấy cảnh sát quân sự mặt khó đăm đăm và một quân đoàn lê dương (khoảng 8000 người - ND) đóng quân ở khu vực này. Ngoài ra bên phía Pháp còn có khoảng gần một ngàn dân bộ lạc Wayapi sinh sống. Họ quấn vải đỏ, nói thứ tiếng Pháp mất âm và mua Baguett (loại bánh mỳ dài đặc trưng của Pháp – ND) để ăn sáng. Họ thuê người Brazil làm việc trên đồng và trả lương theo ngày. Sung túc như vậy, bởi những người Anh-điêng này mang quốc tịch Pháp và nhận trợ cấp từ chính phủ Pháp.

Paris trả cho mỗi chủ gia đình ở đây 1200 euro một tháng, 600 euro cho một bà vợ, 300 euro tiền con cho một bé gái hoặc trai. Những gia đình người Anh-điêng đông con có thể nhận từ 4000-5000 euro một tháng – bằng 12 lần thu nhập của một người Brazil bình thường. Họ mang tiền này sang tiêu ở Vila Brasil, bởi hàng hóa ở đó rẻ hơn ở Camopi.

Vậy nên khu làng trong rừng này sống nhờ đồng euro của người da đỏ. Những người Anh-điêng giàu có này rất dễ bị mua đắt: 30 euro cho một két bia, 50 euro cho một "chương trình với các quý cô" ở lầu xanh lầu đỏ. Tối tối các quý ông rủng rỉnh tiền ngồi rung đùi ở quầy bar, uống đẫy bia Antarcia và rượu mía. Tiền bạc đã biến những người xưa kia chuyên săn bắn hái lượm thành những tên bợm nhậu hiện đại

Đem “Ơ-rô” đi nhậu tối ngày
Đem “Ơ-rô” đi nhậu tối ngày

Ngoài ra còn phải kể đến hàng ngàn người vượt biên trái phép sang bờ bên kia tìm vàng; dòng sông đã bị nhiễm độc thủy ngân, thứ kim loại được dân đào vàng dùng tách vàng khỏi tạp chất.

"Vì sao chính phủ Pháp không giải quyết tình trạng lộn xộn ở đây?", Jaster hỏi trong một lần sang thăm viên chỉ huy quân đoàn lê dương. Đại tá Antonio Lopes cười lớn trước sự ngây ngô của anh: "Voilà, voilà, anh bạn, nếu chính phủ không chi tiền cho người da đỏ, họ sẽ gặp rắc rối với tổ chức nhân quyền, còn nếu họ muốn đuổi người đào vàng, ắt sẽ có đổ máu".

Mặc dù đã có những kế hoạch sáp nhập vùng biên giới với Pháp vào khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng đến nay tất cả vẫn còn nằm ở mức thông báo. Jaster cam kết là sẽ chống lại việc di dời Vila Brasil, "vì lý do xã hội", nhưng anh cũng quyết không để làng này lan rộng thêm.

Một buổi sáng gần đây, Jaster bị tiếng ồn phát ra từ bìa rừng đánh thức. Một nhóm dân di cư trái phép lại đốt trụi một khoảng rừng, cây cối vẫn đang âm ỉ cháy. Những người công nhân lại vội vã bắt tay vào việc đặt các lồng cây mới. Cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục.

  • X.T (Theo SPIEGEL)
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,