(VietNamNet) - Chỉ có một câu hỏi: "Mày là Nguyễn Văn Thương phải không?", không nhận được cái gật đầu, họ lôi Thương lên và đập nát 2 bàn chân ra, trong 1 tuần lễ liền.
>> Huyền thoại về Cụm tình báo H63 anh hùng - phần 3
>> Huyền thoại về Cụm tình báo H63 anh hùng - phần 2
>> Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - phần 1
>> Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH
Phòng tra tấn có mặt đầy đủ viên trung tá Mỹ, Chiến cá và một đám lô nhô sỹ quan. Người Mỹ vốn kiệm thời gian, sau 3 tháng để thuyết phục Thương quy hàng không xong, giờ thì đã là lúc anh phải giơ đầu chịu trận.
"Khớp háng nếu bị tháo, nếu tôi may mắn sống thì cũng không thể ngồi đuổi gà, như người Mỹ tuyên bố trước khi bắt đầu cắt đôi chân giao liên này", Thiếu tá Nguyễn Văn Thương kể lại khi ông trở thành vật thí nghiệm của việc "tra tấn tân thời kiểu Mỹ". Ảnh: Hà Trường.
Chỉ có một câu hỏi: "Mày là Nguyễn Văn Thương phải không?", không nhận được cái gật đầu, họ lôi Thương lên và đập nát 2 bàn chân ra, trong 1 tuần lễ liền.
Nhưng chỉ đánh thế thôi. Cú đòn dằn mặt kẻ tù binh lì lợm lại được tạm ngưng để đưa Thương trở về căn biệt thự cho suy nghĩ lại. Nhưng họ vẫn cứ nhầm. Rốt cuộc, người Mỹ hết kiên nhẫn. Họ quyết định cắt chân anh ra, từng khúc, từng khúc một.
“Kẻ đuổi gà”
Người Mỹ rất thẳng thắn khi họ công khai luôn cho Thương rằng: "Nếu mày không khai thì chúng tao sẽ cưa chân mày, để sau này mày chỉ còn biết ở nhà đuổi gà”.
Lần cưa chân đầu tiên Hai Thương nhớ như in. Chân phải được chọn đầu tiên. Bàn chân dập nát vì trận đòn cảnh cáo, những ngón chân đã bị bẻ gãy chưa kịp lành, người Mỹ quyết định dùng Thương để áp dụng "đòn tra tấn kiểu tân thời", sau khi dành thời gian thả gái đẹp và tiền bạc ra “câu”.
Viên bác sỹ Mỹ hướng dẫn đám thực tập sinh người Mỹ phải ga-rô chân như thế nào, cắt ra sao, xử lý phần thịt, phần xương, kẹp các tĩnh mạch, động mạch như thế nào để không thể làm tù binh chết, chỉ có thể... gần chết mà thôi.
Phòng tra tấn lặng ngắt, đây đó chỉ nghe thấy tiếng Anh của đám lính CIA trao đổi rầm rì và những ngón tay chỉ trỏ. Thương bị cột chặt trên bàn mổ. Người Mỹ quyết định dùng đòn độc: Cắt cụt đôi chân giao liên Nguyễn Văn Thương, sau khi ông một mực chỉ nhận mình là Nguyễn Trường Hân, thanh niên trốn lính.
Mũi tiêm thuốc tê chỉ gây mê phần chân phải. CIA muốn thưởng ngoạn sức chịu đựng của tên Việt Cộng gan lỳ, muốn ghi chép phản ứng của một con người ra sao khi chứng kiến một phần cơ thể mình bị cắt rời. Những nhát dao đầu tiên rạch vào ống quyển, ngay trên mắt cá. Thương thấy tê dại đi.
"Tôi như một con vật mà họ đem ra thí nghiệm", Hai Thương thuật lại. Ảnh: Thế Vinh.
"Tôi như một con vật mà họ đem ra thí nghiệm", Hai Thương thuật lại. “Họ rạch, bóc da ra, kẹp mạch máu lại. Sau đó, họ tiếp tục cắt phần thịt, phần cơ. Họ tiến hành công việc tỷ mỷ, thuần thục như đang thí nghiệm với một sinh vật trong phòng nghiên cứu", 38 năm sau, một ngày giữa tháng 4/2007 tại TP.HCM, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương mắt vẫn hằn lên sự bi phẫn khi kể lại việc ông trở thành vật thí nghiệm trong đòn tra tấn tân thời của người Mỹ.
Thời gian kéo dài thật chậm. Dù thuốc tê có làm vết cắt giảm đau, nhưng những dây thần kinh trên đầu Thương cảm nhận rất rõ khi từng phần da thịt bị cắt rời một cách rõ nét. Cuộc đấu cân não của CIA với những lời thuyết phục "Ông có thể nghĩ lại. Chúng tôi có thể phẫu thuật khâu lại vết thương..." vẫn tiếp diễn.
Khoảnh khắc kinh hoàng mà Thương còn nhớ là khi anh lắc đầu cái cuối cùng, lưỡi cưa phẫu thuật kê ngay xương chân, rít lên những âm thanh rợn người. Cảm giác đau buốt dội lên tận óc. Thương hét lên một tiếng khủng khiếp, rồi ngất xỉu vì đau.
Giữa tiếng thét căm hờn ngay trước lúc lịm đi, Thương còn nghe thêm một tiếng hét nữa. Đó là giọng của viên bác sỹ Mỹ. Hắn ta cũng hét với đám thực tập sinh đang tiến hành hình thức tra tấn trung cổ nhưng sử dụng các phương tiện hiện đại nhất: "Giữ lấy cái lưỡi của nó".
Khi tỉnh lại, điều đầu tiên đập vào mắt Thương là ống chân phải quấn băng vấy máu. Bàn chân phải đã mất. Bàn chân của người giao liên đã phải trả giá để giữ gìn bí mật của tổ chức. Người Mỹ để cho ông khoảng nửa tháng để nghỉ ngơi, chờ vết thương lên da non. Nhưng cứ vào lúc vết thương bắt đầu liền da thì Hai Thương lại được đem đi tra tấn.
"Rồi sau đó cứ thế họ tiếp tục. Vẫn những câu hỏi cũ: Mày là Nguyễn Văn Thương?, tôi lắc đầu. Vậy là họ lại cho tôi lên bàn mổ và tiếp tục cưa chân. Hết chân phải, họ cưa sang chân trái. Có đợt, vết thương chưa kịp liền miệng, họ đã lôi tôi lên bàn mổ để tiếp tục cưa và tiếp tục hỏi", thiếu tá Nguyễn Văn Thương nở nụ cười khinh miệt những kẻ đã từng tra tấn ông để lấy lời khai, khi kể lại.
Tổng cộng, họ cưa chân Nguyễn Văn Thương 6 lần. Cắt cụt đến háng cả 2 chân. Lần thứ 6, họ quyết định tháo khớp háng của ông.
Nhân tính trong chiến tranh?
Người anh hùng này đã bị cắt cụt đôi chân giao liên tới tận bẹn. Ảnh: Hà Trường.
Nguyễn Văn Thương là hình ảnh đại diện cho sự dũng cảm, hy sinh của những chiến sỹ giao liên tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang của Quân đội Việt Nam.
Nhưng, ông cũng là nhân chứng sống của sự tàn bạo của CIA Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đối với tù binh mà họ quen gọi là bọn Việt Cộng. Mặc dù lúc tiến hành những bước của cái họ gọi là "tra tấn tân thời kiểu Mỹ" đối với Nguyễn Văn Thương, hiệp định Geneve về đối xử với tù binh chiến tranh đã được ký kết, còn nước Mỹ là một trong những thành viên đặt bút ký vào bản hiệp ước này.
32 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. 38 năm sau khi đôi chân đã vĩnh viễn xa rời một con người, ông vẫn thường hỏi: Không biết những người Mỹ đó đã vứt những bộ phận cơ thể của ông ở đâu? "Hay là họ đã giữ làm kỷ niệm?", ông cười tự hỏi.
Một buổi chiều, đột nhiên có một bác sỹ người Việt ghé lại phòng giam thăm Hai Thương. Những phút trao đổi ngắn gọn giúp ông hiểu rằng ngày hôm sau, người Mỹ quyết định sẽ tháo khớp háng của ông.
“Nếu họ làm vậy, ông sẽ chết. Và ông không được quyền im lặng mãi như vậy, vì ông có quyền phản đối khi người Mỹ tra tấn tù binh bằng sự vô nhân đạo như suốt quãng thời gian qua”, người bác sỹ nói.
"Tôi là một bác sỹ, và tôi biết trong giải phẫu, điều gì sẽ đến nếu họ tháo khớp háng của ông", người bác sỹ đó cho hay. Hai Thương nhớ mãi: Đó là một bác sỹ người miền Bắc, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, bị bắt làm tù binh. Người Mỹ và VNCH phát hiện ra chuyên môn của người này quá giỏi, nên đã sử dụng lại trong việc cứu chữa những người lính bị thương của họ.
Đúng như tiên liệu, ngày hôm sau, người Mỹ tiếp tục lôi Hai Thương lên bàn mổ và tuyên bố sẽ "thử nghiệm tháo khớp háng" của ông. Ngay lập tức, Hai Thương phản đối phương pháp tra tấn tù binh mà họ áp dụng đối với ông trong thời gian qua, không đồng ý để họ tháo khớp háng.
Cũng ngay lập tức, vị bác sỹ người Việt xuất hiện lên tiếng phản đối việc dùng nhục hình tra tấn tù binh. Ông ta nói rằng nếu người Mỹ tháo khớp háng của Hai Thương, ông sẽ ra trước công luận để phơi bày mọi chuyện.
Viên bác sỹ người Mỹ nổi giận, ngay lập tức túm cổ, bạt tai và đuổi vị bác sỹ người Việt ra khỏi phòng tra tấn. Tuy nhiên, lời đe doạ "phơi bày mọi chuyện" của vị bác sỹ người Việt đã khiến người Mỹ biết lo sợ. Trong lần thứ 6 cắt chân Thương, họ đã chùn tay khi bỏ ý định tháo khớp háng, nhưng quyết định cắt chân Thương tới... bẹn.
Hai Thương nói rằng, ông còn nợ người bác sỹ tù binh ngày đó một lời tri ân cứu mạng. Ảnh: Hà Trường.
Một thời gian sau, Hai Thương mới biết người bác sỹ đó đã chết. Ông đã bị những kẻ muốn xoá bỏ bí mật tra tấn tù binh kiểu trung cổ này lôi đi, đánh vỡ tim và vùi mất xác. Họ không thể để lại một nhân chứng có thể góp phần chứng minh tội ác của họ.
Giữa TP.HCM khi ngày Quốc lễ 30/4 lần thứ 32 đang tới rất gần, Thiếu tá, Anh hùng Nguyễn Văn Thương kéo ống quần, chỉ vào vết thương sát bẹn trái: "Hãy tưởng tượng hình ảnh một con lật đật, nếu không có người khuyên của bác sỹ đó và CIA đã tháo khớp háng của tôi. Khi đó, cơ hội sống sót của tôi rất ít vì mất máu. Trong số ít cơ hội sống sót, thì tôi cũng không thể ngồi để tiếp chuyện các bạn như hôm nay. Khớp háng nếu bị tháo, nếu tôi may mắn sống thì cũng không thể ngồi đuổi gà, như người Mỹ tuyên bố trước khi bắt đầu cắt đôi chân giao liên này".
Ông lại không kìm được xúc động, nước mặt lại ứa ra. Cuộc nói chuyện phải tạm dừng một lúc lâu, để rồi Hai Thương nói rằng, ông còn nợ người bác sỹ tù binh ngày đó một lời tri ân cứu mạng.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương dẫn lời một người già từng nói với ông khi trả lời câu hỏi về những mất mát của thế hệ ông để đất nước hôm nay có ngày toàn vẹn:
“Một ông già từng gặp tôi và nói: "Những người mẹ, người vợ nào có con, có chồng hy sinh, rồi lâu ngày cũng quên đi và chỉ còn nhớ ngày cúng cơm thôi. Chứ không như những người có vết thương trên mình như mày, vì vết thương sẽ đeo đẳng cả cuộc đời mày".
-
Việt Hà - Hà Trường - Thế Vinh
Kỳ 33: "Hận" giữa cuộc đời