(VietNamNet) - Trong lưới tình báo huyền thoại H.63, điệp viên Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) và Tám Thảo (Mỹ Nhung) dù hoạt động trong lòng địch nhưng chưa bao giờ cô độc. Đằng sau họ là cả một "hậu phương" hoạt động thuần thục như một cỗ máy. Và mỗi cỗ máy luôn cần có một "máy trưởng" tài ba.
>> Huyền thoại về Cụm tình báo H63 anh hùng - phần 2
>> Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - Phần 1
>> Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH
"Máy trưởng" chỉ huy cỗ máy H.63 anh hùng được biết đến với tính cách hóm hỉnh, gan dạ, mưu trí và có nhiều tài vặt, nhất là biệt tài bắn súng 2 tay như một. Ông là ai?
Trong một tài liệu đánh giá về lưới H.63, cụm trưởng có một vai trò quan trọng: kiểm tra, điều nghiên tình trạng của toàn lưới một cách cụ thể, tiếp xúc với điệp viên để hướng dẫn, bồi dưỡng cho điệp viên, nghe điệp viên nói, để điệp viên bớt cô độc và căng thẳng. Cấp chỉ huy lúc nào cũng phải kiểm soát được điệp viên trong mọi tình huống.
Những năm tháng ác liệt nhất trên chiến trường miền Nam, với vùng ven luôn bị vây ráp, trong thành bị kiểm tra gắt gao, trong mỗi lưới tình báo, cụm trưởng phải là người "đứng mũi chịu sào". H.63, dưới sự chỉ đạo của ông, vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm để bất cứ lúc nào cũng có thể thông tuyến từ trong thành ra căn cứ và ngược lại. Cùng với một tập thể anh hùng, 32 năm sau, năm 2006, cụm trưởng H.63 nhận danh hiệu cho riêng mình, từ Đảng và Nhà nước: Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Con đường từ cậu bé nghèo đất Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cụm trưởng Cụm tình báo H.63 huyền thoại và Anh hùng LLVT của ông như thế nào?
"Tình yêu bò cạp!"
Năm 1928, tại một làng quê xã Long Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Văn Tàu ra đời. Cậu bé nghèo sau này trở thành chỉ huy của cụm tình báo huyền thoại có một tuổi thơ đầy khí tiết cách mạng và tình yêu... trẻ con. Tháng 4/2007, khi nhắc lại chuyện xưa, cả hai vợ chồng ông đều vui đùa gọi đó là tình yêu bọ cạp!
Hồi nhỏ, gia đình nghèo khổ, Nguyễn Văn Tàu phải gánh hàng rong đi bán trong xóm phụ mẹ. Gánh hàng nhỏ bán đủ thứ vật dụng như dầu hôi, nước mắm, thuốc tây... Ngoài gánh hàng rong cùng mẹ, Tàu mua cả heo về làm thịt và gánh đi bán. Không có nghề nào cậu bé nghèo này không làm, miễn là kiếm ra tiền, giúp mẹ. Nhưng anh vẫn ham học, tiếng Pháp nói giỏi nhất làng.
Cậu bé nghèo sau này trở thành chỉ huy của cụm tình báo huyền thoại có một tuổi thơ đầy khí tiết cách mạng và tình yêu... trẻ con.
Giặc Tây ào tới làng quê thanh bình. Chúng chiếm trường học. Ngôi trường nơi Tàu đang học phải dời xuống Mỹ Tho. Tàu không theo được. Anh về nhà và vào đội thanh niên tiền phong. 17 tuổi, khát vọng làm cách mạng nung nấu trong đầu Tàu. Khi đó, phong trào thanh niên tiền phong của mình, nhưng núp bóng Nhật để tổ chức. Nhật đã đảo chính Pháp, chúng cho phép thành lập các đội thanh niên tiền phong.
Tham gia hoạt động, nhưng Nguyễn Văn Tàu chưa biết gì về Đảng cộng sản. Lý do đơn giản nhất anh vào đội tiền phong: Thấy vui thì nhập! Niềm vui của Tàu là đêm đêm anh được gọi đi tập đánh trận giả, tập võ... Khí thế trai trẻ, có chút võ trong người, đêm nào Tàu cũng tham gia thi thố trên võ đài làng.
Tháng 8/1945, khi cả nước giành chính quyền, Tàu cũng cầm gậy tầm vông chạy ra tỉnh cùng dân làng. Thiếu niên Tàu nhớ mãi hình ảnh lãnh tụ thanh niên tiền phong cưỡi ngựa chạy trước, dân làng chạy theo sau. Anh chỉ nghe dân làng nói đi đánh Tây, thế là cầm gậy đi. Tàu suy nghĩ thật giản đơn: Mình đang góp sức đuổi Tây ra khỏi đất nước.
Tàu ham chơi. Mẹ anh quyết định cưới vợ cho con bớt lêu lổng. Giữa Nguyễn Văn Tàu và cô bé Trần Ngọc Ảnh khi đó không hề có tình yêu. Tất cả do cha mẹ, ông bà hai bên sắp đặt. Năm 1946, cô bé Trần Ngọc Ảnh nghe theo ông bà, sang "ở" nhà Tàu. Cô nghe mọi người nói làm dâu rất cực, nhưng không thể chống lời ông bà. Khi mới cưới, hai người ở chung nhà, mang danh vợ chồng nhưng chẳng... quen nhau.
Hai vợ chồng trẻ con không ai thèm nói chuyện với ai. Có hôm, vợ Tàu bị con bò cạp cắn. Cô khóc rống lên. Má chồng chạy vào, thấy thế kêu lên: "Tàu ơi Tàu! Con vợ mày nó bị bò cạp cắn, mày vào xem nào!". Con bò cạp giúp 2 vợ chồng trẻ con có cái nắm tay đầu tiên. Từ hôm đó, hai người mới nằm chung giường và nói chuyện với nhau. Nguyễn Văn Tàu mới 18 tuổi.
Má tâm sự thật, tìm vợ để Tàu khỏi đi đánh giặc. Bà thương con, muốn giữ chân con ở làng. Gia đình chỉ có mình Tàu. Khi má sinh ra Tàu, ba anh bỏ đi kiếm vợ khác.
Giặc Tây về làng kiếm một người thông ngôn. Cả làng chỉ mỗi Tàu biết tiếng Pháp. Trước, mỗi lần có Tây đến, quan làng lại gọi Tàu đi phiên dịch. Khi bọn Pháp về, chúng phàn nàn, tại sao cả làng không ai biết tiếng Pháp, mình Nguyễn Văn Tàu biết mà không kêu vào làm việc?
Hồi đó, Tàu hay đi theo một người có tư tưởng yêu nước trong làng là ông Nguyễn Văn Đường. Ông dạy anh hát những bài cách mạng. Khi học trong trường, cũng nhiều người nói với Tàu chuyện về cách mạng, về những tất yếu phải đuổi Tây ra khỏi đất nước. Những tình cảm với cách mạng, dù mơ hồ nhưng đã ngấm dần vào đầu chàng thanh niên trẻ.
Tàu ghét làm việc cho Tây. Biết chuyện người Tây đang tuyển mình làm thông ngôn, anh ở luôn trong rừng, không về nhà nữa. Đó là năm 1947, chỉ một năm sau khi có vợ. Tàu tranh thủ "để trong bụng vợ một miếng" (từ của bà Trần Ngọc Ảnh, vợ ông Nguyễn Văn Tàu) rồi đi tuốt luôn. Cả làng biết Tàu hay làm thông ngôn cho Tây.
Nhưng cũng nhiều tin đồn anh theo Việt Minh vào rừng. Ngay sau khi chồng biền biệt trong rừng, Trần Ngọc Ảnh cũng sinh con và lên Sài Gòn học nghề đánh máy kiếm sống.
Bài học đầu tiêu
Nguyễn Văn Tàu có "máu tình báo" từ khi còn là một thanh niên mới lớn. Từ năm 1947, chàng trai nghèo Nguyễn Văn Tàu đã được ông Tư Túc dẫn dắt vào làm quân báo ở Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thời kỳ này cũng đã manh nha ý thức cho Tàu về người chiến sĩ tình báo, nhất là hoạt động trong nội thành, đối diện với vô vàn hiểm nguy như thế nào. Và lần "sai sót" đầu đời của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tàu đã trở thành kinh nghiệm quý báu cho người cụm trưởng H.63 Tư Cang sau này.
Những thử thách đầu tiên không bao giờ dễ dàng với Nguyễn Văn Tàu.
Nhớ lại, khi ấy Tàu có bình phong làm công cho một tiệm nước người Hoa ở Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Tư Túc sai Tàu đi nắm tình hình đồn bốt giặc xung quanh rồi báo về. Tàu làm nhiệm vụ được mấy tháng thì xảy ra sự cố. Một hôm, lúc buổi trưa vắng vẻ, cô hàng tào phớ bị mấy thằng Tây trêu chọc. Thấy cảnh bất bình, "máu Từ Hải" trong người nổi lên. Anh can thiệp. Dùng vốn tiếng Pháp của mình, Tàu nói vào mặt 2 thằng Tây: "Các anh làm gì đó, buông con người ta ra!".
Tàu tự tin, vì hồi đó võ nghệ khá, lại nói tiếng Pháp trôi chảy. Lâu nay, tụi Pháp hàng ngày đi qua không biết gì về anh. Chúng nghĩ đơn giản: Tàu chỉ là kẻ bưng bê thuê! Vì thế, chúng giật mình vì kẻ phục vụ này biết tiếng Pháp. Hai thằng Tây to cao lực lưỡng buông cô hàng tào phớ ra. Tàu được đà, ngồi phân tích cho tụi nó rằng, quân đội nước khác tới đây, nếu làm vậy dân chúng đánh giá. Một thằng ngồi nói chuyện với Tàu, còn thằng kia vẫn tiếp tục ra ve vãn cô tào phớ tội nghiệp.
Tàu bảo thằng đang nói chuyện kêu thằng kia vào. Nó không nghe, còn cười khiêu khích. Anh đứng dậy định ra tay, cô hàng tào phớ sợ hãi núp sau lưng. Hai thằng Tây tức giận, lăm le súng và lựu đạn. Nhưng dân chúng đứng xem đông, chúng không làm gì được. Trước khi bỏ đi, chúng gằn giọng: "Chiều nay chúng ta sẽ gặp lại!".
Bọn Pháp vừa đi, Tàu nói với chủ tiệm không thể ở đó được nữa. Anh vô thẳng chiến khu Bà Rịa. Đến chiều, 2 tên Pháp dẫn một tiểu đội đến. Chúng lôi chủ tiệm đánh để truy tìm người phục vụ giỏi tiếng Pháp. Mấy ngày sau, đi đâu, chúng cũng mang ảnh Tàu (lấy trong tiệm nước) ra dò hỏi.
Hơn 30 năm sau, khi đã trở thành cựu cụm trưởng của lưới tình báo H.63 huyền thoại, Đại tá Nguyễn Văn Tàu thừa nhận: Đây là bài học đầu đời cho nghề tình báo của mình. Bởi vì, với nghề tình báo, nhiều lúc không thể để cho mọi người biết mình là ai, giỏi cái gì, phải thể hiện ra sao.
Sau đợt va chạm với 2 thằng Tây, Nguyễn Văn Tàu hoạt động thêm một thời gian trong Ban quân báo Bà Rịa- Vũng Tàu rồi ra Bắc tập kết vào năm 1954.
Đây là quãng thời gian chuẩn bị hình thành một "tư cách chỉ huy" trong con người Nguyễn Văn Tàu. Anh bắt đầu phát huy các tài vặt sẵn có và học tập những "ngón nghề" của nghề tình báo, mong một ngày được trở lại Sài Gòn hoạt động. Nhưng, những thử thách đầu tiên không bao giờ dễ dàng...
-
Hà Trường - Thế Vinh - Việt Hà
Kỳ 19: Thử thách đầu tiên của xạ thủ "hai tay như một"
Ý kiến của bạn?