(VietNamNet) - Trở lại cầu Vĩnh Tuy những ngày mưa tháng 8, sau 30 tháng thi công (từ tháng 2/2005) và 2 lần "lỡ hẹn ngày hợp long cây cầu, chúng tôi mới lần đầu tiên được nghe: "Tiến độ thực của cây cầu đã... nổi lên".
>> Kỳ 2: Con đường “đóng băng”!
>> Kỳ 1: Đường "cao tốc", tiến độ "rùa"!
Một "kỉ lục" của ngành xây dựng cầu VN!
Tháng 7/2004 Bộ GTVT cùng UBND TP. Hà Nội cùng thể hiện 1 quyết tâm: "Thực hiện dự án cầu Vĩnh Tuy với tiến độ "thần tốc".
Mục tiêu của dự án nhằm giảm tải cho cầu Chương Dương, thúc đẩy phát triển kinh tế hai khu vực Bắc - Nam sông Hồng, với những khu đô thị đang phát triển cũng bằng tốc độ "thần tốc" là: Khu đô thị Việt Hưng, khu đô thị Sài Đồng A, khu đô thị Đài Tư... với dự tính phục vụ trên 34.000 lượt xe/ngày đêm vào năm 2010.
Tháng 12 này, 8 nhịp cầu Vĩnh Tuy sẽ hợp long, tiền đề cho thông cầu chính vào trước tết nguyên đán.
Để có tiến độ nhanh nhất, dự án được thi công theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư trên 3500 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án trọng điểm nên được tạo mọi điều kiện tốt nhất. Trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương 2000 tỉ, 1000 tỉ từ nguồn phát hành trái phiếu. Tỉ lệ tiết kiệm từ 5% được giảm xuống còn 2%...
Song, cây cầu dài 3.778m, mặt cắt ngang cầu chính 19,25m này cũng phải hoàn thành trong một khoảng thời gian ""kỷ lục" trong thi công cầu của ngành xây dựng Việt Nam: 24 tháng! Trong khi đó, cầu Thanh Trì dài chỉ 3200m, mặt cắt ngang cầu chính 16m lại có thời gian thi công đặt ra dài gấp đôi: 48 tháng. Hay cầu Yên Lệnh dài 2000m lại được "du di" đến 39 tháng.
Nếu đó là một tiến độ thật thì có lẽ, nó xứng đáng được nhắc đến như một chiến tích của ngành xây dựng cầu đường Việt Nam!
Có điều, theo Ban quản lí dự án Tả Ngạn, đơn vị chủ đầu tư, "ở đây không hề có chuyện "ép" tiến độ"!. Ngày ấy, chủ đầu tư đồng ý vì cứ nghĩ sẽ được thi công trong "môi trường lý tưởng". Chẳng phải vừa làm vừa "mò mẫm" mặt bằng như 2 năm vừa qua.
Chủ đầu tư cũng tin rằng, khả năng tài chính của các đơn vị thi công là dư giả, bởi dẫu sao, đây cũng là "những tên tuổi lớn, quá quen thuộc".
Ngờ đâu, với một vài đơn vị chuyện kịp tiến độ ngày hợp long cầu không bằng... lo cho ngày khai giảng (5/9) vì chưa có tiền trả lương công nhân. Nghe đâu có vị giám đốc nọ phải chạy vạy để lo ít tiền cho anh em công nhân sắm sửa bút mực cho con kịp năm học mới!
Cho nên, có chuyện "lỡ hẹn" 18 tháng, trực tiếp tiêu tốn đến 190 tỉ đồng (riêng tiền đội lãi suất), để Nhà nước phải lấy tiền của nhân dân chi trả. Trong khi nhà thầu chỉ bị phạt vài chục triệu vi phạm hợp đồng âu cũng là điều không quá khó hiểu!
Cứ 7 ngày, mõi trụ đúc hẫng này vươn thêm 1 cặp K dài 6m.
Nhưng đáng nói là, suốt hơn 1 năm từ ngày chính thức khởi công, hàng ngàn con người cặm cụi làm để mong đạt tiến độ "thần tốc", mà chẳng kịp nhận ra "tiến độ thực" của cây cầu? Để tới tận thời điểm này - mới đây thôi, người chỉ huy trưởng của công trường mới dám "nói nhỏ" cho chúng tôi biết: Bây giờ mới dám khẳng định là tiến độ thực đã... nổi lên!
"Sẽ hợp long vào tháng 12/2007"!
Nước sông Hồng những ngày mưa tháng 8 một màu đỏ ngầu cuồn cuộn chảy. Phải khó khăn lắm con thuyền của chúng tôi mới cập được hệ nổi chính giữa lòng sông vừa được dựng lên chưa lâu phục vụ việc đúc bê tông vươn theo những trụ đúc hẫng.
Trên toàn bộ công trình, ngoài những trạm trộn bê tông trên bờ, mới đây đã có sự xuất hiện của 4 hệ nổi nhằm cung cấp bê tông kịp thời cho giai đoạn "nước rút"- khi các trụ đúc hẫng cân bằng bắt đầu vươn ra vào mỗi tuần để rút ngắn 8 nhịp cầu lại với nhau.
Mỗi một hệ nổi có chức năng nuôi 4 "con bom" trộn bê tông. Sẵn sàng cung ứng bê tông vào mỗi lần các trụ đúc hẫng vươn "cánh tay" mình dài thêm 1 sải 6m (1 cặp K - hay còn gọi là khối đúc).
Phía bờ bắc, nhịp ru - ti từ trụ 25 đến trụ 69 đã được nối. Từ nhịp ru - ti 69 này, 1 hệ thống cầu tạm dài 90m được thả xuống làm con đường chuyên chở bê tông trên sông.
Để không lỡ hẹn 1 lần nữa, mỗi hệ nổi luôn có "4 con bom" sẵn sàng "thuỷ chiến"!
Chưa hết, trên đầu con đường "độc đạo" này, tại đỉnh trụ 21, (thuộc Công ty thi công cơ giới 1) một trạm trộn bê tông cũng được dựng lên. Tất cả cho một ưu tiên tối thượng: mỗi tuần, đồng loạt 8 trụ đúc hẫng cân bằng phải cùng nhau tiến đều lại gần nhau thêm 6m.
Đến đầu tháng 8/2007, phần lớn các trụ đã đúc được từ 10-12 trên tổng số 22 cặp K (khoảng cách giữa 2 trụ là 135m, tương ứng với 22 cặp K). Điều đó đồng nghĩa với việc mất khoảng 10 tuần nữa, tất thảy 8 nhịp cầu này sẽ được nối liền một dãy.
Theo ông Đỗ Hạnh Long, Phó Chủ nhiệm dự án cầu Vĩnh Tuy, chỉ huy trưởng công trường: Phần việc chính trong tổng số 25-30% khối lượng công việc còn lại (cuối tháng 7/2007, khối lượng công việc đã hoàn thành đạt trên 70%) là gắn liền 8 trụ đúc hẫng.
Trong khi 2 tháng qua, công việc đều tiến với "gia đốc đều", tiến độ công trình được kiểm soát bằng tuần nên có thể khẳng định đã có tiến độ... thực! Thời kì "cần" thi công trong "điều kiện lý tưởng" đã qua! Bây giờ, cái chính là tạo ra điều kiện thi công lý tưởng trong mọi môi trường".
Ông Long cho rằng, trước nay, "điều kiện lí tưởng" chủ yếu là giả thiết thi công trong điều kiện đã được bàn giao mặt bằng. Nguồn tài chính cũng rủng rỉnh để ứng chỗ này đắp chỗ nọ... Mà trách nhiệm GPMB thuộc về địa phương (theo Nghị định 197).
May thay, về cơ bản, mặt bằng sẽ được bàn giao hoàn tất trong một tháng tới. Việc thi công di dời những công trình ngầm nổi (thoát nước, cáp quang, điện) cũng sẽ xong trong tháng 9. Trước nay, vướng mắc lớn nhất là di dời 2 nhà máy của quân đội là X20 và X26, nay đã được thống nhất.
"Điều kiện lí tưởng vừa đến! Tiến độ cầu chính đã... "nổi lên". Kế hoạch hợp long cầu chính vào tháng 12 này không chỉ là quyết tâm của công nhân tham gia thi công mà còn là "lệnh" từ trên.
Đã hai lần "lỡ hẹn", không thể phụ sự "khoan hồng" thêm nữa" - ông chỉ huy trưởng công trường khoe trong hơi thở còn hổn hển sau một vòng nghiêng ngả theo con thuyền từ trung tâm công trường trở về...
-
Hà Lê