221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
972322
Kỳ 5: Cứu đồng đội bằng cách... chia lửa về nhà
1
Article
null
Kỳ 5: Cứu đồng đội bằng cách... chia lửa về nhà
,

(VietNamNet) - Vừa mới ở rừng ra, người lính đặc công bắn hai tay hai súng bỗng chốc trở thành anh Tư trong gia đình người đẹp. Để tránh bị nhòm ngó, Tám Thảo nghĩ ra cách thỉnh thoảng mời sếp... về nhà chơi. Những chuyến thăm của viên thiếu tá Mỹ tới gia đình nhà tư sản bỗng nhiên tạo thành chiếc khoá an toàn cho ông thiếu tá Việt cộng.

 

>> Kỳ 4: Mỹ nhân của cố vấn Hải quân Mỹ!
>> Kỳ 3: Đồng đội, duyên phận và những ám ảnh cuộc đời
>> Kỳ 2: Tiểu thư Thành đô sống như... tiểu thuyết
>> Kỳ 1: "Hoa trong tuyến lửa" 
 

 

Sáng tình báo Việt cộng đưa đi, chiều tình báo Mỹ rước về

 

Trước ngày cô Tám Thảo xin cho Tư Cang về nhà, ba cô cũng nghĩ ngợi ghê lắm. Trong nhà vốn toàn các cô chưa lập gia đình, tiêu tiền kiểu tư sản, nay tự nhiên lại xuất hiện một anh lính ở rừng về, chưa biết hoạ phúc ra sao.

 

o
Tám Thảo, người phụ nữ nổi tiếng với việc sáng tình báo Việt cộng đưa đi, chiều tình báo Hải quân Mỹ rước về

 

Ông cụ vẫn còn nhớ, gần hai chục năm trước đó, ngày cô xin đi vào chiến khu làm cách mạng, sợ ba gặp khó khăn, cô liều bảo: “Con đi vào rừng không có nhà. Nếu ai làm khó dễ ba, ba cứ bảo là con mê thằng nào rồi theo nó bỏ đi Nha Trang, Đà Lạt nha. Vậy nên ba tức chuyện, ba từ con luôn, nói thế cho an toàn”.

 

Khác với mọi khi luôn gật đầu vì cưng chiều con gái, lần này, ông nhất định không chịu: “Đâu có được, con gái của ba, không bao giờ ba bêu tiếng xấu như vậy. Con cứ đi, để ba ở nhà tuỳ cơ ứng biến”.

 

Nhưng lần này, câu chuyện lại hoàn toàn ngược lại. Tám Thảo vẫn ở trong nhà, chỉ có điều, thêm một người đàn ông đến tá túc. Ngẫm ra, chuyện đó chẳng có vấn đề gì, tình thương của ông đối với cán bộ đã giúp ông gạt phăng hết ngại ngần.

 

Về ở với gia đình ông, “thằng Tư” sẽ bớt đi nhọc nhằn, nguy hiểm. Trong khi chiến tranh đang leo thang, tài liệu mật càng nhiều, nếu cứ đi đi về về thì sẽ còn nguy hiểm nữa.

 

Vậy nên không cần đợi cô thuyết phục, ông gật đầu đồng ý. Với vỏ bọc “anh rể thứ tư” mới trở về, từ hôm đó, cứ sáng ra, “anh Tư” đưa Tám Thảo đi làm. Chiều về, viên thiếu tá Mỹ lại chở cô về tận cửa. Bà con hàng xóm cũng có người tò mò, nhưng tiểu thư Mỹ Nhung nổi tiếng vừa đoan trang vừa kiêu kỳ nên chẳng ai dám lời ong tiếng ve.

 

l
Tiểu thư Mỹ Nhung từng nổi tiếng vừa đoan trang vừa kiêu kỳ đất Sài Gòn là vỏ bọc tốt cho Tám Thảo hoạt động trong lòng địch.
 

Một bữa, trên đường tới sở, tự nhiên nghĩ ra điều hay, cô kều tay nói giỡn với Tư Cang: “Anh Tư nè, em nghĩ đời mình cũng hay thiệt nghe. Sáng thì thiếu tá tình báo Việt cộng chở honda đi làm, chiều thì thiếu tá tình báo Mỹ xách bỏ lên xe jeep chở về. Anh bảo có ai được như vậy không?”.

 

Nghe cô cười khanh khách, ông thiếu tá Việt cộng cứ nghĩ mà xót xa. Khi ấy, cô đã gần 40 nhưng vẫn quyến rũ đến chết người. Bao nơi muốn mối lái, vậy mà cô cứ mải mê đi “làm Việt cộng”, chẳng hề tính đến hạnh phúc trăm năm.

 

Thời đó, có những lúc cũng có người gợi ý, sao hai người ở gần mà không cưới nhau đi, tạo luôn cái vỏ bọc hợp pháp cho an toàn? Nhưng cô chỉ điềm tĩnh bảo: Anh đã có vợ, còn chúng tôi lại chỉ là đồng chí, làm sao có thể yêu nhau theo cái kiểu lửa gần rơm lâu ngày cũng bén được vậy?

 

Cứ như thế, suốt từ năm 1966, trong ngôi nhà tư sản toàn tiểu thư xinh đẹp, có một ông nông dân chính hiệu ra vào. Với gia đình cô, chưa bao giờ ông là người lạ, dù cho lối sống đã quen kham khổ của ông rất khác xa với gia đình.

 

Tình quân dân, tình đồng chí lúc này là trên hết, vì có gì lạ đâu: cô và ông đều là người Việt, đều đang chiến đấu cho Nam Bắc một nhà!

 

Hai phát súng sinh tử

 

Đêm 31/1/1968, cuộc tổng tiến công Mậu Thân bắt đầu. Đã biết qua từ trước nên cả gia đình đều sẵn sàng chuẩn bị tinh thần.

 

Trước đó, theo yêu cầu của cấp trên, cô đã kịp chuyển tài liệu bố phòng quân sự tại Bộ Tư lệnh Hải quân ra ngoài căn cứ để làm sơ đồ cho biệt động Sài Gòn tấn công.

 

Đêm về, trong ngôi nhà bề thế nằm giữa trung tâm thành đô, cô có thể nghe tiếng súng nổ và quan sát những nhánh quân đang di chuyển về phía dinh Độc Lập. Lực lượng mỏng, gặp phải trục trặc ban đầu, đội biệt động Sài Gòn ngay khi vừa tấn công đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt.
 

m

"Tình quân dân, tình đồng chí lúc này là trên hết, vì có gì lạ đâu: cô và ông đều là người Việt, đều đang chiến đấu cho Nam Bắc một nhà!" - hơn 30 năm trước, Tám Thảo đã nghĩ như vậy về thủ trưởng Tư Cang của mình

 

 

Rạng sáng ngày mồng 1 Tết, địch được chi viện thêm lực lượng. Các chiến sĩ biệt động phải mở đường máu thoát ra ngoài và cố thủ tại một toà nhà còn đang xây dở. Cuộc chiến giằng co đến vài ngày. Đội biệt động của ta rơi vào tình cảnh nguy cấp. Khắp nơi, lính Cộng hoà bao vây kín cả trên trời dưới đất. Cả lính Mỹ và lính Đại Hàn tăng cường vây bủa.

 

“Suốt 2-3 ngày liền, hai anh em cứ nằm bò trên gác để theo dõi mà không thấy chiến sĩ nào thoát ra”. Tiếng súng trong toà nhà thì cứ ngày một thưa dần rồi yếu hẳn. Linh cảm thấy đồng đội đang gặp nguy hiểm, cô quyết định: chia lửa cùng anh em.

 

Nhìn quanh trong số những tên lính đang vây ráp, thấy có cả toán lính đánh thuê Đại Hàn, Tám Thảo giục anh Tư: Bắn! 

 

Nhưng Tư Cang là chỉ huy lưới khi đó. Nhiệm vụ của ông là nằm vùng để chỉ huy và giúp đỡ nhà báo Phạm Xuân Ẩn chứ không phải chiến đấu trực tiếp. Hơn nữa, nếu bị lộ, không chỉ mình ông mà cả gia đình cô sẽ vào vòng tù tội, không chỉ cách mạng mất đi một cơ sở mà công sức gây dựng một lưới tình báo chui sâu leo cao trong lòng địch cả chục năm qua sẽ đổ sụp.

 

Ông băn khoăn ghê gớm. Nhưng Tám Thảo một mực giục ông: “Sao anh nỡ nhìn đồng đội mình chết? Mọi chuyện em sẽ lo, anh cứ bắn đi”.

 

Thế rồi, trước máu của đồng đội và nước mắt của cô, người anh hùng có tài bắn hai tay hai súng giương cao khẩu K54. “Đoàng, đoàng!” Hai phát đầu tiên, một tên chỉ huy Mỹ, một tên chỉ huy Đại Hàn ngã gục.

 

Phản xạ như chớp, Tám Thảo chạy nhanh xuống dưới tầng, chôn luôn mấy viên đạn còn lại cùng 2 vỏ đạn vào đống rác để đề phòng lính kéo đến lục lọi. Xong xuôi, cô cũng kéo luôn ông xuống nhà, giấu ông vào phía sau căn gác xép chứa đầy vải vóc, nơi để tài sản buôn bán của gia đình.

 

Còn tụi lính, ngay khi nghe tiếng súng nổ, đã hô lên ầm ĩ “có Việt cộng”. Chúng chia người bủa vây khắp nơi, đập cửa nhà cô ầm ầm. Trời tối, cô vừa giả bộ tìm chìa khoá để kéo dài thời gian, vừa nghĩ nhanh cách ứng phó với tụi lính.

 

Tới khi chúng xộc vào trong thì ba cô cũng đã gọi tất cả 8 người dậy, lấy nước mời chúng uống. Nhìn phong cách gia đình lịch thiệp, lại thêm các cô gái trẻ đẹp, tên chỉ huy bắt đầu hạ giọng. Nhưng chúng vẫn toả đi sục sạo khắp góc nhà. Vừa tìm, chúng vừa quát hỏi để “nắn gân” mọi người.

 

Nhìn thấy mẹ cô, tên chỉ huy quát lớn: “Bà già, sao lại mặc đồ trắng thế kia?” (vì ngày đó các cụ hay mặc đồ đen). Mẹ cô - do đã chuẩn bị tinh thần từ trước - nên từ tốn trả lời: “Tôi không biết nữa, thích thì mặc thôi”. Nghe câu trả lời không chút bối rối, tên chỉ huy cười bảo: “Tôi giỡn bà già đó” rồi lại tiếp tục ngó nghiêng.

 

Chỉ đến khi nhìn thấy ảnh ông thiếu tá Mỹ rất đẹp trai mà cô treo đầu giường, hắn mới thật sự hạ nhiệt: “Ủa, ai đây vậy cô?”. “Sếp tôi đó”. Chỉ trong một giây, cô thoáng thấy vẻ bối rối ngại ngần của hắn. Nhìn quanh quất lấy lệ cho xong, tên chỉ huy xin lỗi rồi rút quân về.

 

n
Suốt từ năm 1966, trong ngôi nhà tư sản toàn tiểu thư xinh đẹp, có một ông nông dân chính hiệu ra vào. Với gia đình cô, chưa bao giờ Tư Cang là người lạ, dù cho lối sống đã quen kham khổ của ông rất khác xa với gia đình - Ảnh chụp tại tư gia Tám Thảo tháng 4/2007

 

Chỉ đến khi toán lính rút đi, cô mới nhận ra rằng, mình vừa đi qua cõi chết. Sau một hồi im ắng, ông Tư Cang từ trong nơi ẩn nấp bước ra, nghẹn ngào cảm ơn cô cứu mạng. Cô cầm tay ông rồi cứ thế oà khóc.

 

Bây giờ cô mới thực sự hiểu: Làm tình báo đâu phải bước đi trên nhung hoa, đâu giống như tiểu thuyết mà cô đọc đầu đời. Làm tình báo không bao giờ được mắc lỗi. Nhưng sẽ bi kịch thế nào khi phải nhìn đồng đội chết trước mắt mà không được nổ súng, nhìn đồng bào bị tra tấn dã man mà không được rơi lệ? Trong phút lâm nguy nhất, bản năng sống và tự vệ đã giúp cô đối đầu được cả toán biệt kích lăm lăm súng đạn.       

 

Mấy ngày sau, cô đưa ông Tư Cang về căn cứ. Đối diện với nhà cô là nhà một tên chỉ điểm. Những ngày Tư Cang tá túc tại đây, hắn biết thừa cái “anh rể Tư” chỉ là vỏ bọc. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, biết gia đình cô che chở cho cán bộ cách mạng, hắn cũng không tố cáo bao giờ. Có thời nhà hắn khó khăn chật vật nhất, gia đình cô vẫn thương tình giúp đỡ, cho mượn 100.000 để giúp vợ chồng làm ăn.

 

Sau này, khi đã dư dả, sống thêm bằng lương chỉ điểm, nhưng hắn vẫn luôn tôn trọng gia đình. Một người hàng xóm của cô có con rể làm đại úy cảnh sát, sau ngày giải phóng, cũng nói lại: “Tao biết hết việc làm của tụi bay nghe. Đứa này đi Nam, đứa kia về Bắc, nhưng tao có nói gì hết đâu”.

 

Mỗi lần nghe vậy, cô đều xúc động.

 

Trong chiến tranh nhân dân, nếu không có những người đồng bào thương yêu và kính nể mình thật sự, liệu cô có còn sống sót? Liệu ông Tư Cang có hoàn thành nhiệm vụ? Liệu Phạm Xuân Ẩn có trở thành anh hùng? Và liệu dân tộc này có thể giành chiến thắng?

  • Việt Hà - Thế Vinh - Hà Trường
     
    Kỳ 6: Giữa lòng địch để tang Bác Hồ 
     
    Ý kiến của bạn?
     
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,