221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
968494
Quảng Bình, sau lũ dữ...
1
Article
null
Quảng Bình, sau lũ dữ...
,

(VietNamNet) - Vượt qua con đường nhão nhoét, sình lầy, nhóm PV VietNamNet có mặt tại xã Thạch Hoá. Tại đây, vào 2h chiều hôm qua, cháu bé tên Phạm Viết Cường (1993), học sinh lớp 8 (Thôn 1, Thiết Sơn, xã Thạch Hoá) bị lũ cuốn trôi. Không thể chạy bằng xe máy, chúng tôi đành gửi xe ở một nhà người dân, men theo những con đường ngập sâu trong bùn tìm đến nhà nạn nhân xấu số.

 

Lớp trưởng không về nữa...

 

Căn nhà nhỏ mới xây của vợ chồng anh Phạm Xuân Thắng và Nguyễn Thị Hạnh (bố mẹ cháu Cường) xơ xác tiêu điều sau trận bão.

a
Mẹ và em trai Phạm Viết Cường bên bàn thờ.
 

Bên ngoài, bàn ghế vứt chỏng chơ. Tiếng khóc ai oán, não nề của chị Hạnh làm những ai có mặt không kìm được nước mắt. Trên bàn thờ, khói hương nghi ngút. Di ảnh của em Cường với nụ cười hồn nhiên như cứa thêm vào nỗi đau của gia đình. Gọi là bàn thờ chứ thực ra, chỉ là mấy miếng gỗ ghép lại. 

 

Chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ cháu Cường nghẹn ngào: ”Lũ mới đến, thằng Cường không việc gì cả. Mấy hôm nay, nó chạy lăng xăng giúp cả nhà và hàng xóm, bụng đói meo. Trong lúc lũ, nó toàn nhịn cơm, bảo không đói.

 

a
Tan hoang...
Nhưng tui biết là nó nói dối, nó muốn nhường cơm cho thằng em. Biết là thế nhưng tui cũng chẳng làm gì được. Đồ đạc, lương thực trong nhà bị lũ cuốn trôi, cả gia đình có 5 lon gạo thì đã ăn hết mất rồi. 12 giờ trưa hôm qua, nó còn bảo là sẽ đi thả lưới, kiếm con cá, con tôm cho cả gia đình. Nào ngờ… Cường ơi!“ - giọng chị nghẽn lại.

 

Anh Nguyễn Văn Siêu (cậu ruột của cháu Cường) nhớ lại: ”Lúc 2h chiều hôm qua, lũ vừa rút được một lúc thì cháu Cường chạy ra bờ sông thả lưới. Vừa đi ra đầu ngõ, nước chỉ ngang bụng nhưng cháu vẫn cố men từng bước một.

  

Ai ngờ, dòng nước chảy quá xiết, cháu bị trượt chân, ngã xuống cống thoát nước. Một cháu bé hàng xóm thấy cháu Cường đưa tay vẫy, vội vàng chạy vào gọi người nhà.

 

Mọi người hoảng loạn, tìm mọi cách để vớt cháu. Khoảng 30 phút sau, cả nhà tìm thấy thi thể cháu Cường cách đó 5m”.

 

Cả ngày hôm nay, không khí u ám bao trùm căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Thắng. Làng xóm người thì nắm gạo, người thì ít tiền ủng hộ để cả nhà lo tang lễ. Vợ chồng anh Thắng và chị Hạnh sinh được 3 cháu, Cường là con thứ 2.

 

10h trưa, các bạn thân, cô giáo của Cường đến để tiễn đưa người học trò học giỏi, ngoan, người lớp trưởng năng động. Các bạn của Cường không ai có thể cầm được nước mắt. Từ đây, lớp 8A, truờng THCS Thạch Hoá sẽ không bao giờ được nghe giọng nói của cậu lớp trưởng này nữa.

 

Sau lũ là nỗi đau...
Cô giáo Nguyễn Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm của Cường xúc động: “Cường là lớp trưởng của lớp 8A, liên tục trong nhiều năm liền là học sinh giỏi. Lúc nghe tin Cường bị lũ cuốn trôi, tôi không dám tin đó là sự thật. Trước khi lũ ửô về, Cường còn đến thăm tôi và nói: “Em phải về thật nhanh để còn giúp gia đình và cất mấy bộ sách vở mà bố mẹ mua cho để chuẩn bị cho năm học mới”.

 

12h trưa, mọi người vẫn tập trung tại nhà anh Thắng. Dù rất mệt nhưng không ai muốn về. Dòng người đổ về đây mỗi lúc một đông. Ai cũng muốn thắp một nén nhang để vĩnh biệt cậu học trò nhỏ. Anh Thắng vì quá thương con nên ở mãi ngoài mộ của cháu.

 

Anh nói chuyện với Cường như em hãy còn sống: “Con ngoan của bố, con không thể bỏ bố mà ra đi được. Có phải là con chỉ tạm xa bố vài ngày rồi con sẽ trở về phải không…”. Giọng anh khản đặc, lạc vào buổi trưa đầy gió.

 

Vừa nói, anh Thắng vừa lấy khăn lau nước mắt, và đắp thêm một ít đất vào mộ Cường.

 

Phờ phạc sau lũ

 

Tại xã Châu Hoá, người dân vẫn chưa hết kinh hoàng do cơn lũ đêm 07/08/2007 gây ra. Ai cũng phờ phạc vì phải vật lộn với dòng nước xiết ngay trên nóc nhà trong đêm tối mịt mùng.

 

n
Xác xơ con đường vào rốn lũ
 

Đường đi vào thôn xóm bùn nước nhão nhoẹt, cây cối ngả nghiêng, rác ngoài sông trôi vào vướng trên những bụi tre xiêu vẹo.

 

Khi được hỏi về cơn lũ, người dân nơi đây ai cũng muốn chen lời vào, kể lại đêm hãi hùng 7/8: Trời quá tối, nước dâng lên quá nhanh, đến nửa đêm hầu hết các nhà của thôn Lâm Lang đều bị nước lũ nhấn chìm, mọi người phải trèo lên nóc nhà ngồi đợi thuyền ứng cứu.

 

m
Thân nhân anh Ngô Khắc Huynh bên bàn thờ được kê tạm bợ, không di ảnh
23h, ngôi nhà của gia đình anh Ngô Khắc Huynh (thôn Lâm Lang) ở gần bờ sông bị nước cuốn trôi. Lúc này trong nhà có hai vợ chồng và con gái thứ ba. Dòng nước xiết và màn đêm đã cuốn trôi hai vợ chồng và đứa con gái anh Huynh. Nhiều người dân đã lao vào dòng nước để cứu nhưng bất lực. 3 đứa con gái khác đang ở nhà ông bà ngoại nên may mắn thoát khỏi dòng lũ.

 

Chiều ngày 8/8/2007, xác anh Huynh được tìm thấy. Trên nền ngôi nhà cũ đã bị nước cuốn trôi hoàn toàn, bàn thờ anh Huynh được dựng lên.

 

Không một tấm hình, không một di vật của người đã chết, mọi thứ trong nhà đều bị hà bá cuốn đi. 10h sáng nay (09/08), lễ đưa ma diễn ra trong không khí ảm đạm, tang thương. Một đám tang vội trong cảnh đổ nát.

 

Bà con hàng xóm đến thắp nén hương cho anh Huynh, an ủi mấy đứa nhỏ mà không ai cầm được nước mắt. Ông nội của các cháu, nay đã 80 tuổi nói: “Thương mấy đứa nhỏ lắm các chú ơi. Bây giờ không nơi nương tựa, ông bà nội ngoại đều già cả rồi”.

 

Sau hai đêm và một ngày, vẫn chưa có thông tin gì về vợ của anh Huynh là chị Trương Thị Tuyết (42 tuổi) cùng con gái thứ ba Ngô Thị Trang (12 tuổi). Ba người con còn lại của anh chị đều đang nhỏ tuổi. Con đầu Ngô Thị Nhung đang học lớp 11, hai đứa sau lần lượt là Ngô Thị Trinh (học lớp 9) và Ngô Thị Huyền (học lớp 5). Hiện các em đang ở với ông bà nội đã trên 80 tuổi.

 

Sau lũ, là cảnh tan hoang...
Theo ông Trương Thanh Lam, chủ tịch UBND xã Châu Hoá, toàn xã có 5 ngôi nhà bị cuốn trôi, 53 nhà bị sập đổ và hơn 100 con gia súc. Thiệt hại về vật chất vẫn chưa thể thống kê đầy đủ.

 

“Hiện tại, tất cả nhà dân đều bị thiệt hại nặng. Trước mắt, xã chỉ mới ủng hộ 500 nghìn cho gia đình bị thiệt hại nặng nhất là gia đình nạn nhân Ngô Khắc Huynh. Cái cần nhất của người dân bây giờ là thức ăn, nước uống, thuốc men và điện thắp sáng” - ông Lam nói.

 

Hơn 1/3 số dân của xã Châu Hóa sẽ có nguy cơ đói, nếu không được cứu trợ kịp thời.

 

Trôi hết cả rồi!

Cụ Nguyễn Kiệm, 72 tuổi ở xã Mai Hoá mếu máo: "Trôi hết cả rồi chú ơi! Đến cái quần cũng không còn! May sáng nay mấy chú hàng xóm cho được một cái! Cả đời tui chưa bao thấy nước dữ như mấy hôm rồi! Tan nát hết cả rồi...".

p
Người dân vẫn hy vọng cứu được lúa, chống cái đói trước mắt...

Đến nhà anh Kiên ở xã Mai Hoá, nhà cửa trống trơn. Hôm qua, vợ anh khi chạy lũ bị tiện mất một ngón chân. Sáng nay, từ bệnh viện về anh định dọn nhà. Nhưng chảng còn gì để dọn...

Bà Văn ở xã Phong Hoá, mắt hoẵm sâu, chỉ tay vào ngôi nhà đổ sập xuống sân: Cả đời tui dựng được một chỗ trú cái thân già. Chừ thì hết cả rồi!" Bà khóc. Trên tay cầm mẩu mì tôm ăn dở. Từ Hôm qua đến giờ, bà mới có chừng ấy vào bụng.

Anh Võ Đức Thống, thôn Đồng Lâm, xã Đức Hoá nghẹn ngào: “Ngán lắm rồi chú ơi! Nhà cửa đồ đạc đổ bể, trôi mỗi nơi một thứ, dọn bở hơi tai không hết. Mấy hôm ni phải ăn mì tôm, uống nước mưa để cầm cự qua ngày, lấy sức mô mà dọn dẹp!”.

v
Nguy cơ dịch bệnh rất cao khi cơn lũ đi qua
Tình cảnh nhà ông Tuyển, thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hoá sau lũ bí bát hơn. Hai vợ chồng ông đã ngoài 80 tuổi, cả đời chắt chiu dành dụm mãi mới làm được cái nhà để ở. Lũ về, cuốn trôi. Nhà ông trôi, nhà đứa con tui cũng trôi nốt.

Đâu đó ở Mai Hóa, Đức Hóa, Thạch Hóa... thấp thoáng bóng diều hâu tìm xác chết! Hàng ngàn con gia súc bị lũ cuốn trôi, vương mắc lại bốc mùi! Trên những lùm tre, quần áo, rác bám đầy. Môi trường Tuyên Hóa đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nặng.

Trên những cánh đồng lúa hè thu, mới cách đây vài ngày, lúa làm đòng tăm tắp. Sau lũ, lúa ngã rạp, phủ đầy phù sa vàng ệch. Những người nông dân đang hối hả tát nước rửa lúa. Một hy vong mong manh: Cứu lúa. Cứu được chừng nào hay chừng ấy. Lúa làm đòng, ngâm nước lũ mất ngày, khó thành hiện thực. Nhưng họ vẫn hy vọng.

11h trưa ngày 9/8, ông Thiện chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá thông báo nhanh: nước lũ đã làm ngập 9.000 ngôi nhà của người dân, 30 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 11 ngôi nhà của bị sập đổ, 4 người chết, 2 người mất tích, 2 người bị thương. Thiệt hại tại Tuyên Hóa đến bây giờ vẫn chưa thống kê được. Điện, điện thoại vẫn chua được khôi phục. Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễn nặng, nguy cơ sảy ra dịch bệnh khó tránh khỏi.

Đau thương, mất mát, thiệt hại, phờ phạc, đói khát... Tình cảnh của nhiều vùng quê Quảng Bình, một ngày sau lũ dữ...

 

  • Hoành Sang-Quang Cường-Vũ Hoàng-Kỳ Nhân-Chi Mai-Văn Minh (từ Quảng Bình)
     
    Sẻ chia của bạn?
     
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,