221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
960518
Nơi "bão” AIDS tràn qua
1
Article
null
Nơi 'bão” AIDS tràn qua
,

(VietNamNet) - Những ai ở xa đến, khi nghe người dân vùng sơn cước Mai Hạ, huyện Mai Châu, Hoà Bình, kể những câu chuyện đau lòng về “bão AIDS” đã hoành hành ở vùng này như thế nào, đều thấy rùng mình.

Chỉ chưa đầy hai năm, cơn bão HIV-AIDS ập tới đã cướp đi mấy chục sinh mạng, toàn là thanh niên trai tráng. Cá biệt, có gia đình mất cả ba con trai, có nhà thì trong vòng một tháng lần lượt có hai con nằm xuống…

Từ ma túy tới AIDS

Chẳng ai ngờ được mảnh đất Mai Hạ êm đềm, dưới chân núi Pù Lầu, lại chứa trong nó những câu chuyện về những cái chết đau đớn, đáng giận nhưng cũng thật đáng thương.

Bao đời nay, Mai Hạ được biết đến là một vùng quê có truyền thống nấu rượu ngon nổi tiếng. Ngoài nghề nấu rượu, người dân ở miền sơn cước này sống bằng việc đồng áng, nương rẫy...

Đằng sau vẻ yên ả nên thơ, xã Mai Hạ là tâm điểm hoành hành của bão AIDS.

Đằng sau vẻ yên ả, nên thơ, xã Mai Hạ là tâm điểm hoành hành của bão AIDS.

Người Hoà Bình không ai lạ gì rượu Mai Hạ vốn nức tiếng thơm ngon khắp tỉnh và các vùng lân cận. Đâu đâu ở Hoà Bình người ta cũng gọi rượu Mai Hạ là đặc sản. Nhưng chỉ chưa đầy 2 năm trở lại đây, Mai Hạ không chỉ nổi tiếng với đặc sản rượu nữa, mà còn được biết đến với tên gọi: “lãnh địa” của AIDS, cơn "hồng thủy" AIDS đã đến cướp đi sinh mạng của nhiều thanh niên còn phơi phới xuân xanh.

Ông Lường Xuân Lô, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã không giấu giếm: “Ở xã có hai xóm, Lầu và Tiền Phong, vốn là những điểm nóng về ma tuý, những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ kia cũng đều có hộ khẩu thường trú ở hai xóm này”.

Bão AIDS tràn vào Mai Hạ là do những xáo động về kinh tế. Những năm 1987-1990, dân tứ xứ bắt đầu tìm lên đây khai thác vàng, mang theo những tệ nạn xã hội, trong đó nổi lên là nạn nghiện hút.

Xã Mai Hạ nằm bên trục quốc lộ 15, đi sang Quan Hoá - Mường Lát thuộc địa phận Thanh Hoá, từ đó thông sang Lào. Cung đường này đã bị bọn tội phạm lợi dụng vận chuyển ma tuý vào nội địa.

Khu vực giáp ranh giữa huyện Mai Châu với huyện Quan Hoá là điểm nóng phức tạp, nơi tập trung khách giang hồ tứ chiếng tới làm ăn. Dân Mai Hạ thường làm công ăn lương cho họ.

Khi nghề đãi vàng bắt đầu xuất hiện thì đời sống kinh tế nơi đây cũng “phát” lên đôi chút. Dân bản làm thuê cho dân đãi vàng, có tiền hơn so với việc cày cấy đồng áng. Cũng từ đó, một số thanh niên trai tráng bản xứ bắt đầu bủng beo, sốt rét, theo nhau nghiện hút, ham mê cờ bạc… Và cuối cùng, ngoài những đồng tiền cóp nhặt từ công việc đào đãi, họ “được” cả những cơn nghiện hút đem theo về nhà “làm quà” cho gia đình.

Cho tới hai năm trở lại đây thì bão AIDS nổi lên, đổ ụp lên đầu những gia đình vốn đã nghèo khó, khiến họ càng thêm bần hàn

Ông Hà Văn Duân, Trưởng CA xã ngao ngán nhẩm tính: “Hai xóm Tiền Phong và Lầu hiện còn khoảng 24 con nghiện. Xã đã có những biện pháp phong toả, khoanh vùng không để phát sinh con nghiện mới. Cách đây hai năm, số con nghiện là khoảng 40. Năm ngoái chết 15 người. Năm nay (2006) chết 5 người. Một số gia đình có người nghiện đi cai về, hầu hết đều tái nghiện. Các con nghiện ở độ tuổi 20-35”.

Người “đón đường” cho cơn bão AIDS là Hà Văn Đại, chết năm 2003, là người đầu tiên trong làng chết vì AIDS.

Ba anh em đều chết vì AIDS

Cung đường từ thị trấn Mai Châu đến xã Mai Hạ suốt ngày bụi đỏ mù mịt. Xe tải chạy qua chạy lại như mắc cửi. Theo chân ông Nguyễn Đức Giao, công an viên của xã, chúng tôi tới bản Lầu. Sự thiếu vắng của những chàng trai trẻ càng khiến bản, vốn đã vắng vẻ, dường như lại càng hoang lạnh hơn.

Ông Giao đưa chúng tôi tới một gia đình có ba con trai đều chết vì AIDS, nhà ông Vì Tiến Khoa.

Rất may mắn, chị Vì Thị Thưa cùng con trai đều có phản ứng âm tính khi thử HIV

Rất may mắn, chị Vì Thị Thưa cùng con trai đều có phản ứng âm tính khi thử HIV.

Nhà ông Khoa nằm ven đường quốc lộ 15. Năm nay ông 58 tuổi, nhưng trông hom hem già yếu chẳng khác nào ông cụ 70. Trên bàn thờ, di ảnh của ba người con ông trông còn rất trẻ.

Người anh cả Vì Trọng Khiêm sinh năm 1977, con thứ Vì Văn Khải sinh năm 1980, con út Vì Văn Khểu sinh năm 1982. Cả ba đã lần lượt theo nhau ra đi, để lại vợ chồng ông sống cùng người con dâu Vì Thị Thưa (1981) và một đứa cháu nội.

Thật nghiệt ngã, trong ba năm 2004 đến 2006 ông bà phải lần lượt làm ma cho các con trong sự bất lực tột cùng bởi căn bệnh thế kỷ. Ông Khoa kể rằng ba người con ông đều hiền lành, chăm chỉ, hàng xóm láng giềng ai cũng quý mến. Nhưng đi làm thuê, trong giây phút bồng bột đã theo nhau “tiêm” thử cùng một mũi kim, và khoảnh khắc oan khiên ấy phải đánh đổi bằng cả ba mạng người.

Người con dâu Vì Thị Thưa nói chuyện với tôi rất lâu và cởi mở. Chị kể rằng khi chồng chết, chị hoang mang tột độ: “Mẹ con em sợ lắm, bản thân hoang mang không biết đã “dính” chưa, hàng xóm thì ghẻ lạnh xa lánh, bố mẹ chồng thì đau khổ không sao nguôi ngoai…”

Nhưng thật kỳ diệu, đã đưa nhau đi xét nghiệm tới ba bốn lần, lần nào hai mẹ con cũng nhận được thông báo có phản ứng âm tính. Cu Cò hơn hai tuổi nom khá khôi ngô, cách đây hơn 1 tháng, hai mẹ con lại đi xét nghiệm lại. Kết quả cũng ra âm tính. “Thôi cũng là niềm an ủi cho bố mẹ chồng em, tội nghiệp hai ông bà lắm”, chị Thưa rưng rưng.

Trong xã, chuyện nhà ông Khoa chỉ là một điển hình. Những cái chết khác cũng đau xót không kém. Người chết, thôi đã nằm xuống, nhưng còn người sống thì tan nát khổ đau. Có những gia đình chỉ trong vòng 19 ngày phải 2 lần đào huyệt chôn 2 người con trai tuổi đời còn rất trẻ. Theo thống kê chính thức, xóm Lầu còn 7 người nhiễm AIDS không biết tử thần sẽ mang đi lúc nào.

Tựa vào nhau để phòng chống AIDS

Người Mai Hạ giờ đã thấy sợ. Họ hiểu về sự tàn khốc của căn bệnh thế kỷ hơn ai hết. Dân bản đã nghe tận tai, thấy tận mắt những câu chuyện khủng khiếp, con em của nhiều người đã vĩnh viễn chia lìa. Ở đây những người nhiễm AIDS, chỉ một thời gian ngắn là chết.

Ông Hà Văn Duân cho biết: “Hầu hết thanh niên đều đua đòi tập tọng hút chích, dùng chung kim tiêm nên một đứa bị là tất cả dính”. Ông Duân nói thêm, những thành phần đã nghiện thì… đành bó tay, còn lâu nay trong xã không phát sinh thêm trường hợp nghiện mới nào. Dân bản giờ trở thành những tuyên truyền viên chống AIDS với kiến thức rất sâu.

Ông Nguyễn Đức Giao cho biết sắp tới xã sẽ thành lập CLB tuyên truyền phòng chống AIDS do chính ông làm chủ nhiệm, ban đầu có khoảng 50 thành viên, sinh hoạt ở hai cơ sở chính là xóm Lầu và Tiền Phong.

Tỏ ra hiểu biết về căn bệnh, chị Thưa con dâu ông Khoa nói vanh vách về các cơ chế lây nhiễm bệnh. Bây giờ ở bản, những goá phụ như chị chiều chiều thường quây quần với nhau, an ủi nhau cùng vươn lên. “Nhóm” của chị dễ có đến hơn chục goá phụ cùng cảnh ngộ.

Và, kỳ lạ là, mặc dù chồng chết vì AIDS, nhưng không ai trong số họ mắc AIDS, những đứa trẻ cũng hoàn toàn khỏe mạnh.

Những góa phụ cùng cảnh ngộ cũng dễ chia sẻ, cảm thông cho nhau. Giờ gặp nhau họ không kể lể chuyện buồn nữa, những gì đã qua hãy để cho qua! Cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn phía trước, phải biết lạc quan và hy vọng, rằng sự ra đời của CLB phòng chống AIDS sẽ xua tan bão AIDS đang hoành hành ở đây.

Chiều buông. Dưới chân núi Pù Lầu lác đác đã có trẻ đi chăn trâu về bản. Tiếng mõ lốc cốc thong thả vọng lại trong một buổi chiều tĩnh mịch, thật êm đềm. Đằng sau vẻ yên ả nên thơ ấy, có những con người nhợt nhạt đang hàng ngày gắng bám trụ cuộc sống, từng giờ...

  • Văn Khách

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,