(VietNamNet) - Luật Cư trú ra đời mang niềm vui đến cho nhiều gia đình. Không còn phải "tạm trú" trong nhà của mình. Không phải nhờ người khác đứng tên đủ thứ giấy tờ. Không phải còng lưng lo trường lớp cho con cái. Họ tạm biệt thân phận "ngụ cư", hân hoan trở thành "người thành phố"...
>> Hà Nội: Tăng đột biến số người đi làm hộ khẩu
>> Nhập hộ khẩu mới ở TP.HCM: Nơi quá tải, chỗ vắng lặng
"Tôi là người Hà Nội!"
Khát khao trở thành người thành phố xịn! - Ảnh: Phạm Hải. |
“Suốt 21 năm qua, nào điện, nước, điện thoại, giấy tờ nhà, xin học cho con… đều “đòi” hộ khẩu. Cứ phải “đôn đáo” đi nhờ đứng tên. Nay luật “cởi mở” hơn nên phải đi làm ngay!” - bà Hải hồ hởi cho biết. Từ khi Quốc hội thông qua Luật Cư trú, bà Hải đã rất quan tâm và bỏ công chuẩn bị hồ sơ, đợi “giờ vàng” đến là sẵn sàng để nhập được hộ khẩu trong thời gian sớm nhất.
Cũng như bà Hải, đã 17 năm nay (1990), dù đã mua được nhà và kịp “đèo bòng” thêm một cô vợ cộng một cậu nhóc nhưng gia đình anh Phạm Đức (tổ 47, Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội) vẫn chỉ là công dân “hạng hai” (KT3, KT4) và phải "tạm trú dài hạn" trong chính ngôi nhà của mình.
Kể từ ngày tốt nghiệp ĐH, anh Đức đã quyết tâm “ở lại xây dựng Thủ đô”. Từ đó, mọi giao dịch với công ty điện thoại, nước sạch, đăng ký xe… anh đều nhờ “mấy thằng bạn tốt bụng” đứng tên hộ. Thậm chí, sau bao năm ki cóp, đến cái nhà - tài sản giá trị nhất - anh cũng đành “liều mình” nhờ người đứng tên nốt. Mọi thứ đều “đòi” đến một quyển sổ nhỏ, mỏng dính, là sổ hộ khẩu.
Chị Nghiêm "tạm trú" trong nhà mình tròn 20 năm - Ảnh: Phạm Hải |
Anh Đức bảo: “Chỉ 15 ngày nữa thôi, tôi cùng vợ con sẽ trở thành “người Hà Nội”!
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Nghiêm, ở thôn Ngọc Trục, xã Đại Mỗ cũng oái oăm chả kém. Sự phấn khởi chan hòa trong mắt chị Nghiêm. Chị kể, năm 1978, chồng chị là Bạch Đăng Hùng, sau khi tham gia chiến trường biên giới, trở về địa phương lập gia đình. Thời buổi ấy, vừa bước ra khỏi chiến tranh, giấy tờ thất lạc hết cả. Sau này, dù có nhà ngay nhưng gia đình chị không được làm hộ khẩu.
Từ đó, con cái lớn lên, đi học cũng khai là "tạm trú" tại địa phương. Cả nhà ở đây đã tròn 20 năm nhưng cũng chỉ thuộc dạng "tạm trú". Chị khoe, giờ được nhập hộ khẩu cũng là để cho con có cái "sổ", sau đó nó sẽ cắt, rồi lại nhập vào trong TP. Hồ Chí Minh cho ổn định công tác.
Nhận một niềm vui, bớt nhiều nỗi lo
Có hộ khẩu, những người dân nghèo như bà Hoàng Thị Thịnh sẽ bớt đi nhiều nỗi lo - Ảnh: Thông Chí
Mấy ngày nay, cơ quan công an các quận ở Hà Nội tấp nập hơn thường ngày. Người người chen chúc làm thủ tục đăng ký hộ khẩu mới cho người nhập cư (diện KT3) muốn có hộ khẩu Thủ đô. Có hộ khẩu Hà Nội không chỉ thuận tiện cho bản thân người đăng ký mà còn thuận lợi hơn rất nhiều cho những đứa trẻ, con của các gia đình... mang danh "dân ngụ cư".
Bà Hoàng Thị Thịnh, ngõ Thịnh Hào 1, phố Tôn Đức Thắng chờ ngày đến 1/7 đã mấy tháng nay. Bà đến Công an quận Đống Đa từ hôm 1/7 nhưng đến ngày 2/7 vẫn chưa làm xong đăng ký hộ khẩu mới. Bà đã có nhà ở Hà Nội hơn 10 năm nay. Năm 1998, bà mua lại căn nhà rộng hơn 70m2 của Hợp tác xã thủy tinh Cộng hòa, nay đã giải thể.
Chính vì HTX giải thể nên đất bà mua vẫn thuộc quyền quản lý của đơn vị cũ, khi làm thủ tục, lên quận hay lên phường họ đều bảo khu đất bà mua vẫn thuộc quyền quản lý của HTX. Hơn 10 năm, 4 người trong gia đình bà Thịnh vẫn chưa có được quyển sổ hộ khẩu Hà Nội và chịu vô vàn những rắc rối, tốn kém trong chuyện học hành của những đứa trẻ.
Nhà có mấy đứa cháu cũng khốn khổ vì hộ khẩu. Em Tào Ngọc Ánh, cháu ngoại bà Thịnh, học lớp 11, vì không có hộ khẩu Hà Nội nên lên cấp III phải đăng ký thi vào Trường dân lập Nguyễn Siêu.
Trước Ánh là cháu Lê Thanh Tâm, cháu nội bà cũng trải qua 3 năm cấp III tại trường một trường dân lập... Bà bảo: “Khổ cho bọn trẻ quá, cấp I đến cấp II thì không sao nhưng lên cấp III không có hộ khẩu phải học trường dân lập. Mà hai đứa cháu nhà tôi học rất giỏi, đứa nào cũng học sinh giỏi mấy năm liền. Học dân lập tiền đóng học phí cao quá. Mỗi tháng phải mất 450 nghìn đồng/người, trong khi đó học trường công lập mỗi tháng chỉ đóng có 50 nghìn đồng. Mà gia đình tôi đâu khá giả gì...”.
“Mấy ngày nay nghe báo, đài đưa tin về quy định nhập hộ khẩu mới mà tôi mừng quá. Đứa chị đã học qua không nói làm gì, còn đứa em làm được hộ khẩu tôi sẽ chuyển trường cho cháu vào đầu năm học này luôn. Rồi còn hai đứa cháu dưới nó nữa... Có được hộ khẩu, sau này riêng chuyện đóng tiền học một đứa, với một đứa sắp lên cấp III, mỗi tháng có thể tiết kiệm được gần một triệu. Nghĩa là giảm được tới... 9 lần học phí!” - Bà Thịnh tính toán ngay khi niềm vui được nhận hộ khẩu mới sắp đến.
Ông Bùi Nguyên Thắng lo xa hộ khẩu cho thằng cháu đích tôn còn chưa ra đời - Ảnh: Thông Chí |
Ông Thắng phải đăng ký hộ khẩu cho anh Hải để gia đình chuẩn bị đón thành viên mới: đứa con anh Hải sắp ra đời. Ông Thắng kinh nghiệm: “Đứa con trai thì chẳng cần vội gì, nhưng tôi muốn thằng cháu ra đời có hộ khẩu Hà Nội. Để nó dễ dàng hơn cho việc ăn học sau này. Không có hộ khẩu mà sinh sống ở Hà Nội thì làm gì cũng khó!”.
Căn nhà 14M, ngách 18/10 Huỳnh Thúc Kháng, ông mua cho con trai nhưng chưa đăng ký được sổ đỏ. Anh Hải đang thi công công trình trong miền Nam, mấy hôm nay biết được thông tin, gọi điện gấp về cho bố đi đăng ký hộ khẩu cho mình. Ông Bùi Nguyên Thắng còn nói vui: “Tính tôi hay lo xa nên cũng chuẩn bị cho thằng cháu đích tôn từ khi... trong bụng mẹ!”.
“Câu chuyện hộ khẩu” vốn của người lớn nhưng nó lại đang liên quan sát sườn đến những đứa trẻ, thậm chí những đứa trẻ chưa cất tiếng khóc chào đời. Vì có hổ khẩu Hà Nội thì mới được thi vào các trường công lập cấp III. Mà trường công và tư lâu nay vẫn chênh lệch khá lớn về chất lượng đào tạo cũng như kinh phí đóng góp. Nhất là học phí... Người dân bớt đi được một nỗi lo "cơm áo gạo tiền", khi họ sẽ được cầm trên tay sổ hộ khẩu Hà Nội.
Những lo toan, trăn trở sẽ bớt đi. Với nhiều người dân nghèo Hà thành, đó là một điều hiển nhiên, từ thực tế cuộc sống.
Loay hoay quanh "con gà và quả trứng!"
Tinh mơ ngày 02/07, anh Tâm đã giục đứa con trai lớn thức dậy đến công an quận xếp hàng nộp hồ sơ làm hộ khẩu. Cũng như hàng triệu người dân nhập cư khác của TP.HCM, anh nôn nao chờ đợi cái ngày gia đình mình được trở thành những công dân thường trú của thành phố này đã lâu lắm rồi.
Nhiều người dân "ngụ cư" cứ loay hoay quanh chuyện "con gà và quả trứng"- Ảnh: Nguyễn Thủy |
Anh kể: "Khó khăn đầu tiên tôi vấp phải và luôn là nỗi ám ảnh của tôi khi quyết định đem cả gia đình lên thành phố làm ăn sinh sống chính là hộ khẩu. Chuyện bây giờ kể ra ai cũng cười, nhưng thực tế đã từng diễn ra như thế. Tôi đi mua nhà, không ai làm thủ tục sang tên cho tôi vì tôi không có hộ khẩu thường trú tại thành phố. Đi làm hộ khẩu thì công an lại bảo không có nhà không làm được!".
Cứ thế, chuyện nhà và hộ khẩu cứ luẩn quẩn, gỡ hoài không ra. Nực cười như chuyện gà đẻ trứng, trứng nở ra gà. Anh đành chọn giải pháp đột phá từ khâu làm giấy tờ nhà. Nhờ người em là dân thành phố "chính hiệu" đứng tên, anh đã cầm được sổ hồng căn nhà của mình sau gần 4 năm "chạy chọt" khắp các cửa.
Phải đợi đến khi Nhà nước cho phép người không có hộ khẩu thành phố vẫn được đứng tên mua nhà, người em mới có thể làm thủ tục "tặng" lại cho vợ chồng anh căn nhà đã đứng tên dùm. Tới tận tháng 10/2006, tức là 13 năm sau khi mua nhà, tên của vợ chồng anh mới xuất hiện trên bộ chứng từ nhà hợp pháp! Anh nói: "Vậy là tôi cũng may mắn lắm rồi, nhiều người giống như tôi, nhờ người quen đứng tên nhà rồi họ lừa luôn, mất cả chì lẫn chài... Tất cả cũng chỉ vì không có hộ khẩu!".
Để trở thành "người thành phố", họ đã quá thấm thía với "thân phận ngụ cư" - Ảnh: Thông Chí |
Chưa hết, tất cả các thứ giấy tờ cần thiết của anh cũng đều phải đem về quê mới chứng thực được. Mà đã đi là mất đứt ít nhất 2 ngày. Anh chị mở cửa hàng buôn bán hàng tạp hoá, nhưng do không có hộ khẩu nên không thể đăng ký kinh doanh, muốn làm thẻ khách hàng của siêu thị bán sỉ Metro để mua hàng về bán cũng không được.
Gần đây nhất, chỉ cách nay khoảng 1 tháng, khi mà chuyện tách hộ khẩu ra khỏi các giao dịch dân sự không cần thiết đã được báo chí và công luận nói nhiều, anh Tâm vẫn còn bị "hành" vì hộ khẩu. Số là anh đến một ngân hàng thương mại làm thủ tục thế chấp căn nhà của mình để vay vốn kinh doanh. Nhân viên tín dụng vẫn một mực đòi anh phải có hộ khẩu mới cho vay, dù họ đang nắm trong tay toàn bộ hồ sơ nhà đất và giấy tờ tuỳ thân của anh.
Luật Cư trú có hiệu lực, chỉ ít năm nữa, chuyện khó khăn về sổ hộ khẩu của anh Tâm và những người khác sẽ trở thành chuyện "tiếu lâm" lúc trà dư tửu hậu.
Nhưng để trở thành "người thành phố", có lẽ họ đã quá thấm thía, quá cơ cực với "thân phận ngụ cư"...
-
Nguyễn Thủy - Thông Chí - Chí Hiếu - Phạm Hải
Ý kiến của bạn?