(VietNamNet) - Cuộc sống của ba chị em o Bông bây giờ chỉ biết hiện tại. Tương lai là một khái niệm quá xa với họ. Bất hạnh và khổ đau mang tên chất độc dioxin vẫn bám chặt ngôi nhà lạnh lẽo, trống trải bên bờ sông Vực.
Giấc mơ hạnh phúc
Căn nhà chị Bùi Thị Bông cùng 2 em trai đang sống (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) mang một không khí lạnh lẽo, trống trải nằm sâu hút ở con đường nhầy nhụa, ngập nước cuối thôn.
O Bông và hai người em trai nạn nhân chất độc da cam. |
Ở ngoài hiên là người đàn ông tóc đã điểm bạc đang la lết bò lui bò tới với khuôn mặt méo mó, xạm đen. Đó là anh Bùi Tu (người em thứ 3 của o Bông).
Trên nền nhà ẩm thấp cũng lại một người đàn ông trạc tuổi anh Tu, đang nằm vật vã, miệng lảm nhảm chửi rủa. Chúng tôi cố gắng lắm mới nghe được lõm bõm vài từ: "Cha ơi, mẹ ơi! Sống khổ rứa thì sống làm chi!? Chết cha đi, chết cha đi".
Nhìn quanh một hồi không thấy còn ai, hỏi anh Tu: "Chị Bông có nhà không"? Anh Tu mặt vẫn úp sát đất, dơ cái cùi tay (tay anh bị quặp xuống), miệng ú a ú ớ chỉ về hướng sông Vực.
Tìm mãi, mới gặp được o (người miền Trung hay gọi phụ nữ lớn tuổi chưa lấy chồng là o) đang lom khom bên bờ sông. Người "con gái" mái tóc đã bạc hơn nửa đầu rưng rưng, giọng như muốn oà ra tất cả những năm tháng cực nhọc.
Rồi o kể... Trong kháng chiến, gia đình o có 7 người tham gia hoạt động cách mạng. Con sông Vực gần nhà trở thành giới tuyến giữa ta và địch. Nhà o là nơi bộ đội trú quân kháng chiến. Cùng với cha mẹ, o và 4 người em của mình đều tham gia cách mạng. Từ việc lo lương thực nuôi quân, làm liên lạc rồi đến chèo đò đưa bộ đội.
(VietNamNet) – "Tòa phúc thẩm lưu động số 2 Hoa Kỳ hãy buộc các công ty hóa chất Hoa Kỳ nhận trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân Việt Nam", UBTW MTTQ VN kêu gọi. Vào lúc 10h sáng 18/6 sẽ diễn ra phiên tranh tụng miệng giữa bị đơn - các công ty sản xuất chất độc da cam của Mỹ và nguyên đơn - các nạn nhân da cam VN
Cũng như bao nhiêu người con gái khác, Bông yêu. Tình yêu của chị gửi hết vào trái tim anh Ty, một anh bộ đội quê ở Thanh Hoá, về trú trong nhà chị. Mối tình quân - dân đẹp trong sáng, giản dị nhưng đầy lãng mạn.
MTTQ kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam
Anh Ty và o từng mơ về một ngôi nhà hạnh phúc, mơ về tiếng trẻ thơ bi bô gọi ba, gọi mẹ. Ba mạ o nhìn cô con gái đầu lòng quất quít bên anh bộ đội mà mừng, vun vào cho đôi trẻ.
Chiến tranh vẫn là sự chia ly. Anh Ty cùng đồng đội hành quân vào Nam. Trước khi đi, anh trao lại cho o Bông một số giấy tờ tùy thân và tấm bằng đại học của mình, hẹn khi đất nước hoà bình sẽ trở lại tìm o.
“Ngày đó, để đảm bảo bí mật tui cho những kỷ vật đó vào lon sữa rồi đưa chôn ở một góc vườn, thỉnh thoảng nhớ anh tui lại bí mật đưa lên xem”. Thấm thoát vậy mà đã hơn 35 năm, hoà bình đã lập lại từ lâu, các giấy tờ tuỳ thân của anh mục nát theo thời gian...
Người lính năm xưa đã không bao giờ trở lại. Như nhiều người phụ nữ gửi tình yêu trong thời chiến, nhận đau khổ vắt sang thời bình, o lặng lẽ chịu đựng nỗi đau, sự mất mát đầu tiên trong đời.
Nhưng nào chỉ có thế...
"Người mẹ bất đắc dĩ"
Từ khi bộ đội về làng, cũng là lúc địch bắt đầu dùng chất độc hóa học để hủy diệt vùng đất bộ đội bám trụ.
Hàng ngày, từ dòng sông Vực trước nhà, giặc thả chất độc thành những làn khói mờ đục có mùi hắc vào thôn xóm. “Cả thôn không ai biết đó là chất chi. Mấy anh bộ đội trong nhà tui bảo đó là chất độc hóa học. Cây cối trong vườn tui và trong thôn ni rụng lá trọc lóc hết” - O nhớ lại.
Em o Bông đi được ba bốn bước thì mất nửa tiếng...
Những năm đó, dù vẫn biết đó là chất độc làm rụng lá, nhưng người nông dân ít ai biết nó độc hại với cơ thể mình mà kiêng cữ, mọi người vẫn sinh hoạt bình thường. Chiến tranh lùi sâu vào quá khứ. Mặt đất trở lại yên tĩnh, nhưng những vết thương của chiến tranh để lại làm cho con người phải kinh hoàng, đau khổ và vẫn có cả chết chóc.
Những người thân yêu trong gia đình o lần lượt ra đi vì bệnh tật. Mẹ o mắc chứng bệnh “lạ”. Một vết thương ở chân bà cứ lở ra rồi “ăn” đến tận xương chậu. Bà sống trong sự vật vã vì vết thương hành hạ, một thời gian sau thì mất.
Mẹ o qua đời cũng là lúc người em út tên Dư bắt đầu ngã bệnh. Chân Dư co rút, đi lại khó khăn, nhưng vì đói khổ nên vẫn phải lê lết cùng gia đình kiếm sống. Trong một trận lụt, để lo thức ăn cho cả nhà, Dư lê từng bước khó nhọc đi bắt cá. Thấy con về muộn, người cha già yếu đi tìm. Ông tìm ra Dư bị mắc kẹt trong cống thoát nước. Cha o Bông vào cứu con. Cả hai cha con cùng mắc kẹt trong đó, và không trở về ngôi nhà đói khổ bên sông Vực nữa.
Mẹ vừa mất, lại thêm hai nỗi đau ập vào tấm thân yếu đuối của o.
"... Tiếng thở dài của o Bông như nhát dao cứa vào chính trái tim mình. Rồi nó lại theo gió, bay ra dòng sông Vực..."
O trở thành “người mẹ trẻ bất đắc dĩ”, tảo tần thay cha mẹ nuôi 3 người em. Nhưng bất hạnh vẫn không chịu buông tha, ba đứa em trai của o lại tiết tục mắc chứng bệnh lạ, chân mất cảm giác không thể đi lại.
“Thằng Tới, thằng Tu rồi đến thằng Hộ lần lượt ngã bệnh. Nhìn ba đứa bị bệnh tật hành hạ, tui chỉ biết khóc. Cả nhà còn hai con trâu, tui phải bán để đưa chúng đi viện, nhưng bệnh viện họ trả lời là không chữa được. Tui chảy nước mắt đưa chúng về...” - O Bông kể rồi đưa tay gạt những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má đen sạm vì nắng gió, vì khổ đau.
Ba đứa em bệnh tình ngày càng nặng. Một mình o vừa cắm mặt ngoài đồng, vừa lụi hụi chăm sóc ba người bệnh trong nhà.
Và bất hạnh vẫn lởn vởn trong ngôi nhà vốn đã có quá nhiều bất hạnh. Mới đây, người em út của o vì không chống chọi nổi với sự hành hạ của bệnh tật, đã qua đời. O lại thêm một lần nuốt nước mắt vào trong. O vẫn còn 2 đứa em mang dioxin trong người nữa.
Thời gian cứ trôi đi, nước sông Vực cứ vơi rồi lại đầy. Chỉ có o Bông là đứng lại bên dòng sông sau nhà. O không còn thời gian, không còn tư tưởng để lo cho thân mình. O khóc: "Nhiều lúc tôi muốn bỏ đi một nơi nào đó cho "rảnh nợ". Nhưng vì thương các em nên chỉ còn biết nuốt nỗi đau để lo cho chúng, vắng tôi chúng sẽ chết mất".
“Mà cái số của tui nó thế chú ơi, cha mẹ chết nhẹ thân, anh Ty thì một đi không trở lại, mấy đứa em bệnh tật, thôi thì số nó thế mình chịu chứ răng chừ. Chứ tui cũng thèm có một gia đình của mình lắm chứ, thèm có một đứa con cho đỡ tủi, nhưng biết mần răng mà bỏ đi được".
Tiếng thở dài của o như nhát dao cứa vào chính trái tim o. Rồi nó lại theo gió, bay ra dòng sông Vực...
"Ngọn đèn trước gió"
Để lo cho cả nhà, một mình o phải cật lực làm đêm làm hôm. Nhưng vẫn không sao kiếm đủ miếng ăn. O thả cá, nuôi heo, làm ruộng thuê... O quên hết cả khó, cả khổ, làm tất cả mọi việc để kiếm sống, nuôi em.
Mấy năm nay sức không còn, o bỏ làm ruộng. Cá cũng không nuôi được vì chỉ một trận lụt là mất trắng.
Bà con hàng xóm thương có lúc mỗi người giúp một tay. Nhưng ở cái xóm nghèo này, có mấy nhà đủ ăn, nào có giúp được mãi. Nhưng dân quê sống chân tình, bà con luôn động viên o. Thi thoảng, có con cá, mớ tôm cũng san sẻ cho chị em o Bông.
Khi hỏi sao không đưa các em đi chữa bệnh, o buồn bã, cam chịu: “Kiếm tiền để ăn chưa đủ, lấy đâu ra tiền chữa bệnh cho hai em, thôi thì phó mặc cho số trời, tụi nó sống được ngày nào, tui ráng làm nuôi ngày đó”.
Rồi bản thân o cũng đổ bệnh. Các khớp tay và chân đau nhức. Thêm căn bệnh sỏi thận nhiều năm nay mỗi ngày lại nặng thêm.
"Mấy năm trước, vì đau không chịu nổi, tui bòn mót được 150.000đ đi viện, nhưng chỉ đủ tiền lo thủ tục. Tôi xin nằm dưới sàn trong phòng bệnh suốt hai ngày mà không người chăm sóc" - O nhớ.
Đi viện về tới nhà, o Bông thấy anh Tu lết đi lấy nước uống cho... đỡ đói. Anh ngậm cái lon trong miệng, cứ múc được một ít thì lại đổ hết sạch. Nhìn thấy em như vậy, o khóc ròng. Từ đó tới nay, o không dám đi đâu xa nữa.
Hai đứa em o Bông đang hàng ngày chịu nỗi đau dioxin. Một người suốt ngày ngồi một chỗ, nói nhảm và đòi chết. Một người đi được ba bốn bước thì mất nửa tiếng. Từ ăn mặc, tắm rửa cũng phải một o lo.
“Tui chừ như ngọn đèn trước gió rồi, không biết tui nằm xuống có cái trại mô nhận nuôi hai đứa không hỉ?”
Mấy năm nay sức không còn, o bỏ làm ruộng. Cá cũng không nuôi được vì chỉ một trận lụt là mất trắng. O cứ quanh quẩn với mấy con heo, bòn mót mớ rau mớ cá lúc có lúc không. Có bữa, ba chị em chỉ có một gói mì tôm nấu lõng bõng với rau “tập tàng” trong vườn nhà.
"Thu nhập" đáng giá nhất của ba người là khoản tiền 120 ngàn đồng/tháng trợ cấp cho hai người em o Bông.
“Tui khổ răng cũng được, nhưng nói dại, nếu tui nằm xuống hai đứa nó sống mần răng?” - O Bông cứ nhắc đi nhắc lại câu nói đó trong cơn ho thắt ruột.
Ai nhìn o cũng thương, tấm thân o đâu còn sức sống. Toàn bộ sức lực đã đổ xuống trong hàng chục năm trời o nuôi những đứa em bất hạnh. “Tui chừ như ngọn đèn trước gió rồi, không biết tui nằm xuống có cái trại mô nhận nuôi hai đứa không hỉ?” - Câu hỏi của o làm nhói lòng người viết.
Bất hạnh và khổ đau mang tên dioxin vẫn bám chặt ngôi nhà lạnh lẽo bên bờ sông Vực. Cuộc sống của ba chị em o Bông bây giờ chỉ biết hiện tại. Tương lai là một khái niệm quá xa với họ!
-
Kỳ Nhân - Đình Hợp