221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
941062
Xác xơ vì... "giấc mơ gia cầm"
1
Article
null
Xác xơ vì... 'giấc mơ gia cầm'
,

(VietNamNet) - Ngoài sự lo lắng, tiếc nuối, người nông dân còn bộc lộ tâm lý chán nản. Đã mấy năm nay, năm nào cũng có dịch cúm. Cứ hơi có "bóng dáng" của H5N1, "giấc mơ gia cầm" của họ lại tiêu tan...

Mỏi mòn... gà vịt

t

Chị Nguyễn Thị Hương trước hố chôn gia cầm - Ảnh: Hoàng Sang

Nghệ An là một trong những tỉnh đã phát dịch cúm gia cầm. Chiều 31/5, chúng tôi về thị trấn Hưng Nguyên.

Chị Nguyễn Thị Huơng, một người dân có hàng ngàn con vịt bị tiêu hủy, nghẹn ngào nước mắt: "Khổ lắm! Cả nhà vừa vay được mấy triệu đồng, đầu tư vào đàn vịt, nghĩ để kiếm thêm chút tiền để chuẩn bị cho thằng con vào năm học mới. Nào ngờ, đàn vịt bỗng dưng lăn đùng ra chết...".

Ban đầu, chỉ có mấy con, sau đó hàng loạt vịt có thể thu hoạch được cứ rủ nhau chết. Hoang mang, chị báo cáo với xã. Hôm sau, có mấy cán bộ về tiêu hủy luôn. Giờ nhà chị chẳng còn gì nữa. "Tiền vốn mất trắng, chẳng biết bao giờ mới có thể trả hết nợ đây!...". 

Không khí não nề bao trùm cả khối 5, thị trấn Hưng Nguyên. Đi đâu, cũng chỉ nghe được những tiếng thở dài thất vọng, tiếc nuối.

Gia đình anh Hồ Sỹ Hùng và Lương Thị Hồng "đang yên đang lành", anh Hùng nổi chí cầm mấy triệu bạc vay từ vốn ngân hàng, bắt xe vào Đà Nẵng, mua một lúc mấy ngàn con vịt giống. Số tiền chuẩn bị làm nhà cũng được anh dốc hết cho "canh bạc" này. Đêm, anh không ngủ ở nhà mà vác chiếu ra bờ ao để canh đàn vịt. Niềm vui của anh cũng lớn theo. Nhiều lúc, ngủ mê, anh còn nhắc thằng con phải cho vịt ăn đầy đủ.

Gà vịt len lỏi cả vào giấc mơ bình dị của những người nông dân. Thế nhưng, niềm vui lớn chỉ tày gang. Một ngày, bỗng dưng mấy con vịt lăn đùng ra chết. Hoảng quá, nhưng anh vẫn tự động viên mình: Chắc là chỉ mấy con bị "trái gió trở trời" nên vậy thôi. Mấy ngày sau, anh mới tá hỏa khi hàng loạt vịt cứ lăn đùng ra chết. 

y

Anh Cao Văn Chiến: Vịt không dịch cũng khó bán! - Ảnh: Hoàng Sang

Gia đình anh Cao Văn Chiến ở khối 4, thị trấn Hưng Nguyên may mắn hơn một chút. Trong khi đàn vịt của các hộ khác bị nhiễm H5N1 thì đàn vịt 2.200 con của anh vẫn "bình an vô sự". Thế nhưng, anh cũng không giấu nổi sự lo lắng: "Vịt của tui mua giống từ Đà Nẵng, lúc mua không được tiêm phòng gì hết. Chỉ có một đợt vừa rồi, sau khi hàng loạt đàn vịt ở một số hộ ở khối 5 thị trần Hưng Nguyên bị nhiễm bệnh thì đàn vịt của tui mới được tiêm phòng...".

Anh Chiến không phải không lo lắng. Vịt nhà nào chết thì khổ là đã đành. Vịt nhà đang sống cũng khốn khó không kém. Bao nhiêu công chăm bẵm, đến lúc xuất chuồng lại không thể tiêu thụ được vì đang trong thời gian bùng phát dịch. Một ngày, trung bình đàn vịt ăn hết khoảng hai chục ngàn tiền lúa. Cứ như thế, không bán được, vẫn phải cho ăn thì nông dân lỗ là chắc chắn.

Bà con nông dân không giấu được vẻ mệt mỏi, chán nản. "Chúng tôi chỉ biết chăn nuôi, nhưng năm nào cũng xuất hiện dịch cúm. Mắc dịch thì phải tiêu hủy cho an toàn, chưa mắc dịch thì bán thì rẻ, không bán thì phí. Biết đến bao giờ hết hẳn dịch cúm đây?".

Của đau con xót, nông dân Cao Văn Chiến bức xúc: "Mà tui nói, các vị thú y kể cũng lạ. Lúc dịch chưa bùng phát thì không lo mà phòng tránh. Bây giờ thì quắn đuôi mà chạy...!" 

Dân bất hợp tác, phòng chống lỏng lẻo!

Ông Trần Minh Hạnh - Phó Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: "Tỉnh Nghệ An đã có công văn chỉ đạo kiên quyết việc dập dịch, thậm chí sẵn sàng kỷ luật bất cứ tuyến cơ sở nào lơ là, buông lỏng quản lý đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh’’.  

Chi cục đã chỉ đạo, lập chốt chặn kiểm dịch tại các trục đường ra vào các thôn, nghiêm cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào nơi có dịch. Nghiêm khắc hơn, Chi cục sẽ thanh tra nguồn gốc gia cầm tại các gia đình chăn nuôi bị bệnh; thống kê tổng đàn vịt, tiến hành tiêm bổ sung những đàn chưa được tiêm trong đợt 1, 2.  

u

Vịt vẫn được thả rông tại Hưng Nguyên (Nghệ An) - Ảnh: HS

Tuy nhiên, nếu tận mục sở thị các điểm kiểm dịch tại Nghệ An thì hoàn toàn trái ngược. Nhiều chốt chặn kiểm dịch "vắng như chùa bà đanh". Nhân viên thì nhàn nhã, thậm chí không thấy bóng dáng đâu trong những ngày dịch bùng phát trở lại. Chúng tôi mang điều này ra trao đổi, ông Hạnh thanh minh: "Anh em của tôi phải đi chặn ở chỗ đường tránh thành phố Vinh nên không có mặt ở trụ sở". Khi được hỏi nếu người dân vận chuyển gia cầm qua trụ sở thì làm sao mà kiểm tra được, ông Hạnh chỉ ậm ờ, lảng tránh sang chuyện khác. 

Tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ chăn nuôi ở Nghệ An đã vận chuyển nguồn vịt giống từ các địa phương khác về, chủ yếu là các tỉnh phía Nam. Sở dĩ các hộ chăn nuôi chuộng đàn vịt ở đây là do giống vịt nhanh lớn, trọng lượng trung bình mỗi con vào khoảng từ 1,5-1,8 kg. Nhưng, một người dân ở Hưng Nguyên khẳng định: "Lúc chúng tôi vận chuyển đàn vịt giống từ Đà Nẵng về, không có cơ quan thú y nào kiểm tra cả!".

Trong khi đó, ở ngay trạm thu phí Bến Thủy vẫn có một trạm kiểm dịch động vật "hoạt động 24/24!". 

Tại trạm kiểm dịch Hà Tĩnh đóng ở Gia Lách, một điểm giáp với Nghệ An trên quốc lộ 1A, chúng tôi được mục sở thị cảnh làm việc của cán bộ trạm. Mặc dù đang trong giờ làm việc và là ca trực của 3 người, khi chúng tôi vào thì chỉ thấy một nhân viên đang... ngủ, 2 người còn lại vắng mặt.

Một cán bộ khác nói đầy tự tin: "Hiện nay, chúng tôi chưa có thông báo nào bằng văn bản của Chi cục về công tác phòng chống dịch mà chỉ nắm thông tin qua điện thoại. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn luôn làm việc 24/24h, dân buôn bán gia cầm ở đây tự giác lắm, khi nào đi qua họ cũng dừng lại để chúng tôi kiểm tra!".

Hiện nay, để có thông tin về diễn biến của dịch cúm gia cầm tại Hà Tĩnh rất khó, bởi nhiều người dân vì sợ không tiêu thụ được sản phẩm nên không chịu hợp tác. 

Xác xơ như... nông dân mất gà!

u

Trang trại của anh Khổng Đức Điều và Nguyễn Đức Hữu xác xơ, không còn một bóng thủy cầm- Ảnh: Lò Minh

Xã Chiềng Mai (huyện Mai Sơn, Sơn La) là "điểm đến" đầu tiên của cúm gia cầm ở Tây Bắc. "Bão cúm" lướt qua đã "quét" sạch gia cầm, thuỷ cầm nơi đây. Trên con đường vào trung tâm xã, không một bóng dáng gia cầm. Tại các ao, hồ giờ chỉ còn trơ trơ mặt nước.

Khi dịch đến, cả xã điêu đứng. Chiềng Mai là xã thuần nông, con gia cầm nhiều đời gắn bó với người nông dân vùng cao. Chăn nuôi là nghề thu nhập chính trong xã. Cúm gia cầm ào vào, đã nghèo lại nghèo hơn.

Chiềng Mai có 842 hộ dân với 24 bản, tiểu khu, trong đó số hộ nghèo chiếm tới gần 50%, mức thu nhập bình quân chỉ 3,5 triệu đồng/người/năm. Có lệnh tiêu huỷ, 251 hộ nghèo đã nuối tiếc "quẳng" đi hàng nghìn con gia cầm, thuỷ cầm...

Gia đình chị Hoàng Thị Thươm (bản Pat Ban) đã điêu đứng vì gà vịt, ứa nước mắt: "Nhà em có vài chục con gà nuôi thịt, định để cuối năm nay bán đi sửa sang lại nhà thì lại phải tiêu huỷ hết. Xót lắm, thường ngày thóc gạo còn phải nhịn ăn để nuôi gà, nay có dịch không biết xoay xở cuộc sống thế nào nữa".

Đau nhất, phải kể đến hai anh em Khổng Đức Điều và Nguyễn Đức Hữu. Họ đưa gia đình từ Phú Thọ lên đây lập nghiệp. Tháng 6 năm ngoái nhận thầu cái hồ rộng 2 ha của xã. Hai gia đình lăn lưng ra làm, vay ngân hàng gần 200 triệu đồng, cùng vốn liếng dành dụm dồn hết vào cái trang trại.

Đến trước lúc bị dịch, đàn thuỷ cầm của các anh đã lên đến 1.600 con, trong đó có 600 con vịt siêu trứng bắt đầu đẻ. Gần 2 tháng nay, cứ mỗi ngày hơn 500 quả trứng bán với giá 1.300 đến 1.400 đồng/quả, 2 gia đình cũng thu được 700 - 800 ngàn đồng/ngày, trừ tất tật cũng còn lãi 200 ngàn. Nhưng dịch đến, mọi thứ thay đổi phút chốc.

Chị Khổng Thị Quế, vợ anh Hữu bùi ngùi: "Cả nhà làm quần quật mới được hưởng chút thành quả thì dịch đến, thế là mất hết! Khi thấy nhiều vịt chết, chồng em đã về tận Hà Nội mua thuốc lên tiêm. Nhưng vừa mang thuốc lên hôm nay thì hôm sau có thông báo tiêu huỷ. Cả trăm con vịt bị tiêu huỷ bảo sao không xót được, cả trăm triệu đồng tiền vay mất trong phút chốc...!"

y

Chị Khổng Thị Quế (bên trái): "Cả trăm triệu đồng tiền vay biến mất trong phút chốc!" - Ảnh: LM

Đau vì vịt, gia đình chị còn xui xẻo hơn khi đau cả vì... lợn. Con lợn nái vừa mới mang từ quê ra định gây giống chăn nuôi, loay hoay thế nào bị rớt xuống hồ chết. Thế là sạch sành sanh...

Chưa hết, cô em chồng chị Quế là chị Nguyễn Thị Hương nhìn thấy vịt bị mang đi tiêu huỷ quá nhiều, xót của, chị lăn ra ốm. Tưởng chị bị nhiễm cúm A, gia đình vội vàng đưa đi bệnh viện. Nằm trong viện 3 ngày, truyền hết 2 chai dịch, chị hồi tỉnh. Sau khi tìm hiểu và biết chuyện của bệnh nhân, bác sĩ mới đoán bệnh chị là "ốm tư tưởng"...

Tại Chiềng Mai, có hộ gia đình tiếc của mang thuỷ cầm bị bệnh đi đổi lấy củi, ngô hoặc lén lút bán. Đó là hộ gia đình anh Đỗ Xuân Hoà, đây là hộ đầu tiên có thuỷ cầm bị chết đã không thông báo cho xã biết mà mang số vịt, ngan bị bệnh đi đổi, bán. Với người nông dân, gia cầm là cả một tài sản nên không dễ gì chấp nhận tiêu hủy ngay.

Người dân Chiềng Mai chưa bao giờ biết đến "cái con" H5N1 nó như thế nào! Họ bảo, họ chỉ nghe qua báo, đài. Hộ nào nuôi gà vịt cũng tự nhủ, nó ở tận đẩu đâu, cách xa cái bản dân tộc Thái này lắm. Đồng bào bảo  mình cũng chủ quan, cứ nghĩ H5N1 không bao giờ "mò lên" được vùng cao, thế mà...

Bà Lò Thị Ươm, Chủ tịch UBND xã cũng là "nạn nhân", nhớ lại: "Nhà tôi nuôi hơn 200 con gà thịt và chục con ngan. Trước khi xuất hiện dịch cúm một ngày, gia đình có khách, chồng tôi có thịt một con gà đãi khách. Sau đó có một đêm, sáng ra chuồng gà thì thấy chết chục con, cả nhà tiếc đứt ruột vẫn phải cho gà chết vào bao tải mang đi chôn. Và chỉ sau có 3 ngày, số gà chết gần hết...". Bà Chủ tịch xã luôn mồm kêu đen đủi vì mọi năm gia đình nuôi lợn, vừa chuyển sang nuôi gà thì gặp dịch!

Ngoài lo lắng, tiếc nuối, người nông dân còn bộc lộ tâm lý chán nản. Họ bảo, đã mấy năm nay, năm nào cũng có dịch cúm. Cứ hơi có "bóng dáng" của cúm gia cầm, giấc mơ gà vịt của họ lại tiêu tan...

Xác xơ, mỏi mòn. Đó là tình cảnh của nhiều nông dân nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng hiện nay...

  • Chi Mai - Lò Minh - Hoàng Sang - Hà Vi

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,