(VietNamNet) - Về hưu từ năm 1991, sống ở TP.HCM, thực chất ông không hề ngơi nghỉ, mà tham gia ngay phong trào lớn của thành phố: xóa đói giảm nghèo. Ông còn có thể được gọi là một cố vấn, một chuyên gia suy nghĩ các vấn đề chiến lược. Ông hay bàn luận về việc này đến nỗi có người trêu ông: Lúc nào cũng nói chuyện xoá đói giảm nghèo. Ông cũng trêu lại: Người cộng sản không nói chuyện xoá đói giảm nghèo cho dân thì nói chuyện gì?
>> VietNamNet trân trọng chào vĩnh biệt đại tướng Mai Chí Thọ
>> Trao huân chương Sao Vàng cho Đại tướng Mai Chí Thọ
Trăn trở xóa đói, giảm nghèo
Ông nói về việc viết hồi ký: mong sao vừa là hồi ký vừa là những kinh nghiệm lớn dưới hình thức ký sự, tự sự. Ông muốn trao đổi những suy nghĩ của mình với rộng rãi nhân dân, với Đảng của mình. Tập 1 và 2 ông nói về thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông bảo đứng về văn học thì không thoả mãn, nhưng về tư tưởng, những đánh giá thì đã thoả mãn phần nào ý đồ của ông.
Đại tướng Mai Chí Thọ nhận huân chương Sao Vàng do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao. (ảnh: Minh Cường) |
Còn tập 3 về sau giải phóng, ông đang chuẩn bị viết. Ông bảo muốn chỉ ra bài học thất bại nữa.
…Đại tướng Mai Chí Thọ cho rằng, sau khi thực hiện đổi mới và kinh tế thị trường, những người thiệt nhất là những người nghèo, cán bộ công nhân viên cấp thấp, gia đình chính sách. Các cơ sở của Đảng nhiều nơi đối phó lại bằng xoá đói giảm nghèo, tăng cường chính sách xã hội.
Đó là những hành động mới hết sức đúng, đã trở thành chính sách lớn, đạt nhiều thành tựu nhưng chưa đủ liều lượng để trở thành định hướng thật rõ nét của chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh kêu gọi và tôn vinh làm giàu, phải phát huy sáng tạo này, tập trung đúng mức vào xoá đói giảm nghèo, tăng cường mạnh mẽ các chính sách xã hội. Theo ông, vấn đề còn cần lãnh đạo tập trung hơn nữa. Lãnh đạo tập trung phải tập trung hơn nữa từ trái tim, trí tuệ, sức lực, cả linh hồn, lẫn thể xác vào những công việc này. Cán bộ đảng viên phải tham gia phong trào nay. Cả các doanh nghiệp nữa, càng làm giàu càng xoá đói giảm nghèo, đó là rèn luyện lý tưởng và tình cảm giai cấp.
Ông trăn trở khi thấy nhiều chủ trương đường lối tốt mà thi hành yếu. Thí dụ đường lối quần chúng, Bác Hồ dạy: “Ai cũng phải làm dân vận, dân vận là phải chân đi, tai nghe, mắt thấy, tay làm”. Phải đi xuống, nghe, thấy cái hay tập hợp lại những nhân tố cách mạng. Cương lĩnh của Đảng: lấy sức mạnh là ở sự mật thiết với dân. Quan liêu mệnh lệnh xa rời nhân dân dẫn đến tổn thất không lường được trong quan hệ Đảng - dân.
Ông suy ngẫm: Có gần dân không? “Xe hơi nhà lầu thì cũng được nhưng có nghe dân không? Quan liêu ghê gớm nguy hiểm, nguyên nhân chính của tham nhũng”.
Nói đến sự học, ông phê phán sai lầm bỏ hết Hán Nôm, không dạy văn hoá triết học phương Đông. Khổng – Lão – Phật, 3 xu hướng triết học hết sức lớn của phương Đông, học trò không biết gì.
Các nhà văn của ta thì diễn tả theo cách của phương Tây từ tư tưởng đến cấu trúc, chất Việt Nam có nhưng chưa tương xứng. Đọc văn Việt Nam hay, cũng có câu chữ nhưng không thấm máu Việt. Văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc mà bỏ Hán Nôm thì chả còn dân tộc.
Yêu cầu thư ký trả lời tất cả thư
Phương Đông tính ra chiếm hai phần năm nhân loại, cái nôi văn minh ghê gớm của nhân loại. Mác - Lê Nin chưa có điều kiện nghiên cứu phương Đông. Bác Hồ kết hợp văn hoá triết học phương Đông với chủ nghĩa Mác. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh mà không hiểu triết học phương Đông là không hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Tôi nghe nói sinh viên ngán học chính trị, giáo viên sợ câu hỏi. Tôi nhớ từ ngày xưa ở nước Pháp có cuốn sách trả lời câu hỏi thắc mắc về chủ nghĩa cộng sản. Tôi muốn bàn với bên Thành đoàn tập hợp tất cả thắc mắc của thanh niên về chủ nghĩa xã hội rồi trả lời, in ra. Tôi bảo: cho mình gặp tụi nó đi… Chẳng ai làm".
…Hình như ông không có nhiều sở thích cá nhân, cũng chẳng kể lại nhiều chuyện quá khứ, dù cuộc đời ông biết bao chuyện hay. Từ cuộc vật lộn tù đày, đối phó với địch, lăn lộn cùng dân, với công việc cho tới cuộc vật lộn với bệnh tật của mình: sốt rét, lao xương.
Năm 1952 đã trị gần 1 năm, sau lên miền Đông gian khổ, ông lại bị lại. Đi Hà Nội, Trung Quốc kiểm tra, bác sĩ không cho mang nặng, kể cả không đi xe đạp. Thế thì còn kháng chiến gì? Ông nghĩ thế nên lại tập và trở lại miền Nam công tác. Trải qua bao gian khổ, như tất cả các chiến sĩ cách mạng cùng thế hệ, ông thuộc các loại lá rừng vì sống ở chiến khu.
…Ông thường thích thảo luận các suy nghĩ về thời cuộc, về cách mạng, về nhiệm vụ, rất ít khi dừng lại lâu ở những chuyện nhiều vô tận như giúp người này, giải quyết việc kia. Kể cả những chuyện không mấy suôn sẻ trong cuộc đời, những hiểu lầm của người nọ, người kia.
Nhưng anh thư ký tên Minh của ông thì còn nhớ nhiều chuyện, nhiều kỷ niệm. Anh Minh nhìn nhận: Ông Năm là một nhà lãnh đạo đáng kính nể. Người thành phố tôn trọng quý mến tin tưởng một người liêm khiết, quan tâm đến dân.
Ông còn phân công cho anh Minh thư ký nhận thư từ gửi tới phải bóc, xem, báo cáo và chuẩn bị trả lời không sót một ai.
Ông bảo: Người ta gửi cho Đảng đó, không làm, người ta không tin Đảng nữa. Thiệt hại uy tín của Đảng là từ những anh cán bộ, các cậu phải nghiên cứu, phải trả lời cho rõ các thư khiếu nại. Có cái nào cần thiết đưa tôi xem và ký tên vào. Người ta khó khăn hoặc hiểu không đủ mới cần mình. Công an liên quan nhiều đến quyền lợi của dân: hộ khẩu, đi xuất cảnh, giải quyết khó khăn.
Việc đã đến chỗ ông, những gì đúng đắn hợp lý, ông đều tìm cách giải quyết.
Khi gặp, đồng bào vẫn vui vẻ - không huy chương nào bằng
Anh Minh nhắc lại câu chuyện nhỏ, hồi ấy anh còn ở bên công an: "Anh Năm thường vui chuyện sau hội họp. Anh bảo: Tôi đố các cậu khi làm đúng rồi có sợ gì nữa không?”.
Rồi anh bảo làm, đúng không sợ nhưng làm sai phải tính. Chủ trương sai mà lợi cho dân, cho cách mạng, thì tôi nghĩ sẽ điều chỉnh được. Nếu cứ sợ sai không dám làm, chỉ nghĩ cho cá nhân mình thì khó đổi mới. Không lẽ vì sợ cho cá nhân mình mà không dám làm gì hết sao?
Anh Minh còn kể các chi tiết mà có lẽ ông đã quên, vì không thấy ông nhắc bao giờ. “Với các trí thức trong thời kỳ khó khăn kinh tế, thí dụ ông kỹ sư Ngô Viết Thụ, nhà báo Chánh Trinh, ông Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận…, ông Năm bắt tôi đi tới tận nhà, quan sát xem họ khó khăn gì. Đến Tết phải qua nhà bà Ba Thi xin gạo chở tới cho các ông ăn Tết. Với mấy ông tay nghề giỏi như Giám đốc sành sứ Thiên Thanh, Công ty Vissan…, ông trọng dụng nhân tài, cho họ phát huy, động viên họ sống với chế độ.
Ngay với những người khác biệt về quan điểm chính trị, khi họ ra đi, ông cũng tổ chức tiễn đưa. Có một chi tiết anh Minh thích nhất là ông Năm Xuân bắt anh em trong tổ thư ký thi viết bức thư trả lời cho Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền ở Huế.
Người ta còn nhắc tới vụ một người quấn băng rôn đả đảo cộng sản ở Nhà thờ Đức Bà, bị bắt. Ông Năm Xuân phân tích: người hành động như vậy có thể có 3 lý do. Một là ngưới ấy khùng. Hai là có gì đó bức xúc, liều mạng. Ba là có kẻ xúi giục. Ông bắt điều tra theo ba hướng đó.
Cuối cùng, hoá ra đó là người lính chế độ cũ đang bán phở ở khu vực Quang Trung, bị đuổi ra khỏi nơi ăn ở, sinh sống. Vợ đau bệnh, con bỏ học. Ông cho điều tra thấy đúng khó khăn bức bách. Ông bảo thả ra, đề nghị địa phương cấp cho 50 kg gạo.
Chuyện này ông cũng quên đi, cho đến một ngày, người chị họ của ông ra bưu điện bỏ thư, thấy người ta bàn tán, bà về kể lại cho ông. Người ta bàn rằng, việc trên kỳ quá, đả đảo cộng sản mà còn tha và cho gạo.
Một tờ báo phỏng vấn ông thích nhất điều gì? Ông trả lời: Thích hai chuyện: một là khi nghỉ hưu không còn quyền chức gì nhưng khi ra đường gặp đồng bào vẫn vui vẻ với tôi là không huy chương nào bằng.
Còn điều thứ hai ông thích là khi nghỉ hưu, làm công tác xã hội vì công tác xã hội là lý tưởng cộng sản, đạo đức người Việt Nam, thương người như thể thương thân. Những biểu hiện của công tác xã hội đó cũng là chủ nghĩa xã hội.
Tranh luận với nhà báo ngoại quốc
… Hãy nghe ông Mai Chí Thọ trao đổi, tranh luận với một nhà báo trẻ ngoại quốc về những quan điểm không đồng nhất.
Nhà báo hỏi: Ông thực hiện chủ nghĩa xã hội như thế nào. Tư bản chúng tôi cũng điều tíết, cũng bảo đảm phúc lợi xã hội. Phúc lợi xã hội của chúng tôi cao hơn các ông nhiều lắm.
Ông Mai Chí Thọ: Ông còn trẻ thế này, đâu có biết chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản xưa nó như thế nào. Đâu có được như ngày nay. Nó tàn ác. Dân tộc tôi còn khổ hơn con chó của tư bản, ăn cháo cám, chết đói. Nếu không có các cuộc cách mạng long trời lở đất liệu các ông có cải cách như ngày nay không? Cái các ông được như ngày nay có đóng góp của các cuộc cách mạng buộc các ông. Các nước tư bản được như ngày nay cũng tích luỹ từ xương máu của thuộc địa, của nhân dân bị áp bức.
Tôi 80 tuổi, đã sống thời Pháp. Ông có biết con đường ta đang đi đây hồi trước làm bằng gì không? Làm bằng tay không. Một là phu, hai là tù, chết vì ma thiêng nước độc biết bao nhiêu. Chúng tôi vác cây đầm, ông có cái dây mìn, tụi tôi phu tù đục lỗ, bỏ dây mìn vào đó đánh. Đường số 6, số 5, đường xuyên Đông Dương, tất cả do lao động chân tay người Việt Nam làm, chết chóc không biết bao nhiêu mà kể. Ông đang bước trên đường là đạp lên biết bao xương máu đấy.
Có lẽ vì từ trong máu xương, đau khổ, gắn bó với dân tộc xứ sở nên mỗi người cộng sản như ông Mai Chí Thọ đều đã là những chính khách từ lâu.
Chỉ có điều những chính khách này không comple, cavat và không đăng đàn nơi trịnh trọng. Họ làm chính khách trong mọi hành vi giản dị nhất của đời họ.
-
Phạm Cường (Lược trích "Mai Chí Thọ - tướng con dân" (NXB Công an Nhân dân), tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hải)