221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
927446
Kỳ 3: Tìm đôi mắt cộng sản cho anh lính cộng hoà
1
Article
null
Kỳ 3: Tìm đôi mắt cộng sản cho anh lính cộng hoà
,

(VietNamNet) - Có lẽ đến giờ, những người cùng làm việc với H3 tại văn phòng Tổng tham mưu trưởng, BTTM của Quân đội Việt Nam Cộng hoà, dù giàu sức tưởng tượng bao nhiêu cũng khó có thể tin rằng viên hạ sỹ cao lòng khòng, "ốm đói như sót lại từ năm 1945" (lời chính H3 miêu tả về mình lúc bấy giờ), chuyên nghiên cứu số đề, đánh bạc như con nghiện thực thụ, lại có thể là "con cá bự" của tình báo Việt Cộng.

Kẻ chơi đề, gây lộn trong cuộc chiến im chìm

Ẩn trong vóc dáng gầy ốm với đôi tai to như thể mọi sự ồn ã bên ngoài đều lọt thấu, Nguyễn Văn Minh (Ba Minh) lẳng lặng đến công sở hằng ngày, ít nói và vô cùng thận trọng, bởi với ông, “lúc nào mình chẳng như cá nằm trên thớt”.

Cờ giải phóng tung bay tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, ngày 30/4/1975. H.3 lặng lẽ rời BTTM sau khi hoàn thành nốt công việc cuối cùng: Bảo quản và bàn giao lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ đã được niêm phong cho quân giải phóng. Ảnh: chụp lại Tư liệu tại dinh Thống Nhất.

Cờ giải phóng tung bay tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, ngày 30/4/1975. H.3 lặng lẽ rời BTTM lúc 3h chiều cùng ngày, sau khi hoàn thành nốt công việc cuối cùng: Bảo quản và bàn giao lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ đã được niêm phong cho quân giải phóng. Ảnh: chụp lại tư liệu tại Dinh Thống Nhất.

Hơn 10 năm làm thư ký đánh máy tại BTTM là hơn 10 năm Ba Minh sống trong hang hùm. Người bao bọc và giúp đỡ cho ông không ai khác chính là gia đình và những người đồng chí. Tuy nhiên, trước khi được dốc trọn sức mình cống hiến trong sự che chở vẹn toàn, Ba Minh đã phải trải qua những cuộc chiến im lìm đến khốc liệt.

10 đứa con nheo nhóc, 10 năm làm việc không màng gì thăng tiến, viên thượng sĩ nhứt hay đau yếu liên miên ấy, lạ thay, lại có cách làm việc rất chuyên nghiệp. “Chẳng xía vô chuyện của ai bao giờ”, Ba Minh trở thành một trong những viên thư ký được các đời Tổng tham mưu trưởng (trải từ thời tướng Nguyễn Hữu Có cho tới tướng Cao Văn Viên) đặc biệt tin cậy.

Ông biết cách sắp xếp tài liệu rất gọn gàng, có khi chỉ 2 phút sau khi tướng Viên yêu cầu là đã tìm xong. Ông còn là người được Cao Văn Viên tin tưởng, nhờ tìm mua những cuốn kinh Phật trong giai đoạn cuối của cuộc chiến ở Việt Nam. Ông là thượng sĩ duy nhất được vào phòng Tổng tham mưu trưởng mà không cần xin phép trước. Thậm chí, có những tài liệu mật mà chỉ 5 người được phép biết, trong đó, 4 người kia đều phải hàng chóp bu. Có mỗi ông thì lúc nào cũng lờ đờ là một anh thượng sĩ. 

Nhưng làm lính tráng quèn của BTTM mà chỉn chu, nghiêm túc quá thì cũng kỳ. Như ai, Ba Minh cũng đôi lần quậy dữ. Nguyên tắc chỉ cực kỳ kỷ luật khi làm việc, còn ngoài ra, ông “hay mang cuốn nghiên cứu số đề trong người để nguỵ trang. Nguỵ thế thôi, chứ chơi đề là thật”. Ông cười sảng khoái khi ngẫm lại thời “chúa đề” của mình và lý giải.

“Tôi sống tự nhiên để có thể đóng góp những cái quý nhất cho cách mạng. Khi liên lạc bị đứt, tôi cũng sống làm việc bình thường thôi. Trong cơ quan, có người cũng chơi thân nhưng tôi không hỏi han gì để gây nghi vấn cả. Nghĩa là tôi vẫn giữ được bình phong tối đa của một người rất bình thường. Thậm chí tôi cũng gây lộn, đánh bạc... như tất cả người khác trong BTTM. Có dạo đánh bạc cũng dữ. Binh xập xám, tổ tôm... oánh tất. Một ông thiếu tá tuỳ viên, cận vệ của ông tướng phó trưởng liên quân, tương đương tổng tham mưu phó, cũng hay qua phòng tôi chơi bài”. 

Sau này, chính bí quyết nguỵ trang số đề ấy đã giúp cho H3 giữ được an toàn tuyệt đối trong giai đoạn phải truyền tin tức dồn dập ra ngoài hồi cuối năm 1974. Thậm chí, cái vỏ "đề đóm" còn khiến ông “đến khi giải phóng lại thu được tiền lời bằng 8 tháng tiền lương”.

Đi tìm người trừng mắt

Sinh năm 1933, Ba Minh nói rằng, cuộc đời ông sống vội lên trong nghèo khó. Cha là người Hưng Yên, má là người Nhị Khê, ông rất tự hào: “Tôi cùng quê với Nguyễn Trãi đó!”. Thuở dắt dìu nhau vào Nam, ba má ông sinh được 6 người con: 5 trai 1 gái. Anh cả sinh năm 1929, ông là con thứ hai, đặt tên là Nguyễn Văn Minh, thường gọi Ba Minh theo cách của người Nam bộ.

Ba Minh kể rằng, ông lớn lên ít học (chỉ hết tiểu học, sau này mới học thêm), vì gia đình quá khổ. Đã có thời tính vô căn cứ, nhưng gia cảnh ngặt nghèo, 18 tuổi đã phải thay cha nuôi em, sức khoẻ lại yếu, nên ông nghĩ có vô rừng cũng bị đuổi về trông em mà thôi.

Tuy nhiên, dòng máu cách mạng thì đã ngấm vào máu ông từ nhỏ. “Ba của tôi cũng không được học hành gì, viết chữ sai chính tả tùm lum, nhưng rất khoái nói chuyện chính trị. Ông là người Bắc, cứ uống 1-2 chén rượu vô thì ngồi nói chuyện cách mạng suốt ngày. Ông nói về Phan Chu Trinh, về Phan Bội Châu, về lòng yêu nước, tôi nghe riết rồi nhập tâm".

Bên cạnh đó, Ba Minh còn có một người chú ruột - người khiến Ba Minh nhớ ơn rất nhiều, bởi đó không chỉ là người thầy dạy nghề đầu tiên mà còn là người hướng dẫn cách mạng cho ông nữa.

Cha, chú, anh trai, rồi sau này là em trai, em gái của Ba Minh đều đồng lòng đi theo cách mạng, dẫu cho bức tường mà họ tựa vào có thể rất khác nhau.

18 tuổi, Ba Minh kiếm sống, nuôi em bằng nghề thợ giày và tham gia vào nghiệp đoàn thợ giày. 20 tuổi, chàng thanh niên ưa hoạt động phong trào này được đưa ra Đồng Tháp Mười, giữa chốn đồng không mông quạnh, để học chính trị, học về nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Khi trở về khu phố, những chàng trai trẻ như Ba Minh cứ đều đặn sinh hoạt tổ mỗi tuần 1 lần, tổ chức đi căng biểu ngữ đấu tranh chống Diệm phá hoại Hiệp định Geneve, bày mưu giả đụng xe để cản đường, thu hút người xem và tuyên truyền cách mạng.

Thời kỳ 1954-1955, Ba Minh tham gia biểu tình công khai trên đường phố Sài Gòn. Hàng ngàn người đổ ra kín đường phố chính, mặc cho cảnh sát dùng xe jeep dàn hàng ngang càn tới, đánh lựu đạn hơi cay, cán cho đồng bào bể xương cũng mặc.

Năm 1955, Diệm bắt đầu tăng cường khủng bố. Ba Minh không bị bắt, nhưng tổ chức của Ba Minh và Trần Minh Đạm ở huyện uỷ Thủ Đức (lúc bấy giờ gọi là phân khu Thủ Đức - Dĩ An) bị vỡ. Cả 2 giao ước với nhau: Ai bắt được liên lạc với tổ chức thì kéo người khác đi theo. Thời điểm đó, Ba Minh thất nghiệp, 1 vợ 1 con nheo nhóc. Ông bèn đăng ký đi học thư ký đánh máy, rồi bán nhà, đút tiền xin làm ở Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống.

Thời điểm đó, Ba Minh đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của vợ chồng ông Chín Đức (Trần Quốc Hựu – nguyên Bí thư huyện uỷ Thủ Đức – Dĩ An), đầu mối liên lạc là cô em gái tên Nguyệt.

Đến năm 1960, thành tích đáng kể đầu tiên của Ba Minh là vẽ lại sơ đồ phòng thủ thành Cộng Hoà để chuyển cho ông Chín Đức. Với vai trò thư ký đánh máy về quân số (vào sổ lính gác, tên, số quân, lý lịch cá nhân, gia đình...), hàng ngày Ba Minh có cơ hội tiếp xúc, bắt quen rồi xin xỏ, bí quá thì... ăn cắp vũ khí (đạn, lựu đạn), đem về bảo em chuyển ra cho tổ chức.

Năm 1962, lính dù tiến hành đảo chính Diệm - Nhu, cuộc đảo chính được xem là "lời cảnh cáo cuối cùng" đối với chế độ Diệm. Sang năm 1963, ngay trong ngày anh em Diệm - Nhu bị ám sát tại cuộc đảo chính 1/11/1963, sau 3 giờ nằm dưới tầm pháo kích tấn công thành Cộng Hoà, khi thoát ra ngoài được, Ba Minh đã kết luận rằng: "Hoá ra, mình không biết sợ là gì".

Sau khi đã vào được Văn phòng BTTM, Ba Minh thường theo TTMT Nguyễn Hữu Có về Cần Thơ (ở Quân đoàn 2, vùng 4 chiến thuật) công tác. Nhưng khoảng thời gian yên ả đó không lâu. Sài Gòn lại tiếp tục biến loạn. Tướng Có lên chức, thuyên chuyển đến Pleiku. Thi thoảng nhớ tổ chức quá, khi tìm về mạn Cái Răng (Cần Thơ), Ba Minh trong bộ đồ hạ sỹ nhất cứ lang thang vào xóm chỉ để tìm xem "có ai trừng mắt nhìn mình không" mà bắt liên lạc. Vậy mà vẫn không thành.

Ngồi trên “vàng” mà ấm ức

Suốt một thời gian dài, Ba Minh cứ đi tìm tổ chức, tìm đồng đội như thế.

BaMinh5.jpg

Thượng sỹ nhất Nguyễn Văn Minh đã mải miết đi tìm đôi mắt, cái đầu của tổ chức tình báo đủ tầm đánh giá được giá trị chiến lược của những tài liệu mà anh đang giữ, suốt mấy chục năm trời, đến cuối năm 1973 mới toại nguyện: Gặp được Hai Kim. Ảnh: Hà Trường.

Đến tận cuối năm 1965, sau cuộc chỉnh lý của nhóm tướng lĩnh trẻ lật Nguyễn Khánh, tướng Nguyễn Hữu Có quay về Sài Gòn, trở thành "nhân vật số 3" trong Chính phủ VNCH, chỉ sau Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn. Nguyễn Văn Minh cũng có mặt trong nhóm hầu cận của tướng Có, lọt vào Bộ Tổng tham mưu, làm thư ký văn phòng lưu trữ hồ sơ.

Ngày 14/10/1965, khi tướng Cao Văn Viên được cử chức Tổng Tham mưu trưởng thay tướng Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Văn Minh vẫn được giữ lại trong tổ thư ký, chính thức "nằm trên đống vàng" tài liệu - cách mà ông thường nói thế - suốt 10 năm liền sau đó.

Tuy công việc đã êm êm, song Ba Minh vẫn trăn trở và ấm ức mãi vì không tìm được người để móc nối và sử dụng nguồn tin. Dẫu tự nhận là “không học hành nhiều”, nhưng Ba Minh hiểu: không lấy được tin này ra là thiệt thòi cho cách mạng.

Lúc bấy giờ, quan niệm của Ba Minh về tình báo quân sự cũng chỉ đơn giản như chính cách ông được học về tình báo: ngày xưa, coi phim thấy tình báo Anh lấy được bản vẽ tí ti mà sau này nhờ nó, họ đã đánh sập tuần dương hạm lớn nhất của Đức. Rồi cả chuyện ba ông hay kể về người lính Cộng sản được bố trí đi theo Quốc dân đảng. Anh lính này được ông Mao Trạch Đông giao mỗi một việc, khi nào Tưởng Giới Thạch trở mặt thì cấp báo. Vậy là hoàn thành nhiệm vụ.

"Tôi sức yếu, chỉ nghĩ rằng mình đóng góp được gì cho cách mạng thì đóng góp. Những người trong phim hay trong truyện tôi đã xem, đã nghe, cả đời họ chỉ làm đúng một việc, nhưng miễn là thành công thì cũng đã là đóng góp rồi" - ông nghĩ vậy, và lý giải đơn giản vậy.

Và rồi cuối cùng, cả đời ông đã diễn ra đúng như cách ông đã chọn.

Gian nan tìm đồng đội

Năm 1967, việc liên lạc với huyện uỷ Thủ Đức được nối lại thông qua người em gái. Nhưng mối quan tâm của người phụ trách huyện uỷ chỉ dừng lại quanh những tin lặt vặt liên quan đến cấp huyện - điều mà "bói suốt ngày" mới thi thoảng kiếm được ở văn phòng cỡ BTTM. Nhưng chưa kịp chuyển tin gì thì Ba Minh phải vào viện vì bệnh - việc như cơm bữa hàng ngày.

BaMinh3.jpg

Ba Minh nói rằng: Tình yêu nước, mong muốn cống hiến cho cách mạng lớn lên, được nuôi dưỡng trong ông bắt đầu từ những câu chuyện kể về Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Vì vậy mà suốt mấy chục năm trời nằm trong lòng địch, ông mong mỏi có 1 cơ hội để có thể cống hiến chút công "lấy sức ít mà đánh được địch nhiều". Ảnh: Hà Trường.

"Trong nhà tôi giờ vẫn còn giữ cái giấy tôi nằm viện 4 tháng. Còn ở ngoài Hà Nội vẫn còn cái giấy tôi nằm viện tới 5 tháng trời. Bệnh nặng, năm nào cũng vào viện mấy đợt, đóng góp của tôi với cách mạng cũng kém đi vì vậy", Ba Minh cười khi nhắc tới bệnh tật.

Nhưng đấy đúng là chuyện "tái ông thất mã". Vì sức khoẻ ốm mà ông vì giữ kín được mình, để đến phút cuối cùng mới tung tổng lực ra cho cách mạng nhiều hơn. "Nếu làm từ hồi đó, chắc tôi bị bể sớm rồi. Mà bể thì làm gì có cơ hội phục vụ được như sau này", ông lại cười sảng khoái.

Đến 1967, Ba Minh vào hẳn trong trại gia binh BTTM, có nhiều thời gian hơn với việc tiếp xúc tài liệu. Một năm sau, cán bộ phụ trách và huyện uỷ Thủ Đức vỡ, Ba Minh tạm thời mất liên lạc.

Không chịu ngồi yên, cùng lúc, thông qua người em gái cũng hoạt động mật, Ba Minh cứ đều đặn gửi thông tin ra ngoài cho nhiều lưới khác nhau. Chiến công đầu tiên mà Ba Minh thấy rõ ràng nhất là lần ông báo tin về một toán biệt kích mới được huấn luyện tại nước ngoài sắp được tung ra phá hoại hậu phương miền Bắc.

Về sau, bà chị dâu Sáu Chi (người luôn chủ động móc nối liên lạc cho chú em Ba Minh) thông báo lại: "Ngoài đó người ta biểu dương chị em mình quá trời luôn". Vì tin báo kịp thời này đã giúp miền Bắc đón lõng, bắt gọn toàn bộ nhóm biệt kích kia.

Tuy nhiên, đã làm tình báo thì lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần chịu nguy nan. Một lần, trên đường chuyển tài liệu ra cứ, người giao liên của Ba Minh bị địch phục bắn chết, tài liệu bay tung toé ra đường.

Nhưng may mắn thay, dù tài liệu mà địch thu được còn nguyên chữ viết của ông, song do thông tin mà cấp huyện yêu cầu chỉ là tin tức phòng vệ thông thường, lấy đâu cũng được nên không bị mật vụ truy xét kỹ về nguồn.

Bình luận về sự việc này, Đại tá T.T nói: “Đó là một mất mát về con người, nhưng cũng là một điều may cho Ba Minh. Nếu tin tức đó quan trọng, địch tập trung truy xét là "lòi" ra ngay. Thông tin, tài liệu chính là điệp viên. Nếu mất Ba Minh lúc đó, về sau, cách mạng sẽ mất đi một nguồn tin có tính chiến lược đặc biệt quan trọng”. Sự việc đó xảy ra vào năm 1972.

Vốn là người thận trọng và kỹ tính, sau sự cố ấy, Ba Minh ráo riết tìm người liên lạc cấp cao hơn, bởi ông biết mình đang nằm ở chỗ nào. “Hồi đảo chính Diệm, tôi nằm 3 giờ dưới đạn pháo, khi chui lên mới biết là mình đâu có sợ gì. Tôi chỉ sợ là tài liệu quan trọng không được dùng đúng chỗ thôi”.    

Và cuối cùng, đến cuối năm 1973, cái tên Hai Kim xuất hiện trong cuộc đời Ba Minh, đưa Ba Minh vào đúng vị trí lịch sử mà ông theo đuổi từ những ngày còn "học" làm tình báo: Chỉ cần có cơ hội, chỉ cần cung cấp được một thông tin có giá trị đã là mãn nguyện rồi.

Nhưng Ba Minh không chỉ cung cấp một thông tin. Ông đã báo về một "núi" thông tin, toàn loại tuyệt mật, chỉ trong vòng chưa đầy năm rưỡi.

Bắt đầu từ giờ phút gặp Hai Kim, các bí số H3, H4, T2... cũng lần lượt ra đời. Nhà tình báo không chịu ngồi yên ấy đã tìm được đôi mắt đủ sức đánh giá những tài liệu ông đang giữ sau gần 10 năm trời lặn lội.   

  • Thế Vinh – Việt Hà - Hà Trường

Kỳ tới: Cuộc thử lửa cho tấm "lưới vàng"

Tháng 4/2007. Người mang bí số H.3 bí ẩn nay đôi mắt đã mờ đục. Một mắt loà, một mắt chỉ còn 30% thị lực. Ông nói, đó là kết quả những ngày đêm ông ngồi viết tài liệu đêm ngày để chuyển kịp về cho cách mạng.

LTS: Trong quá trình sưu tầm tư liệu, tài liệu, nhân chứng cho loạt bài viết này, VietNamNet chưa có dịp gặp gỡ đầy đủ, đa chiều về tất cả nhân chứng, tài liệu của sự kiện. Vì vậy, những thiếu sót rất có thể xảy ra. Toà soạn mong muốn nhận được sự góp ý, tư liệu, tài liệu của người đọc, để có thể hoàn thiện hơn góc nhìn, dẫn chứng về sự kiện, nhân vật.

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,