221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
875742
Nhà khoa học làm quản lý giỏi
1
Article
null
Nhà khoa học làm quản lý giỏi
,

(VietNamNet) - Chiếc bút vẫn còn ghim vào trang bản thảo để mở. Từ điển tra cứu ngổn ngang khắp bàn làm việc. Chỉ tưởng là GS Đạo vừa mới thong dong xuống nhà đi bộ như lịch thể thao thường ngày thôi. Vậy mà... Đến giờ, đứa cháu nhỏ vẫn ngơ ngác hỏi: "Bao giờ ông Đạo về hả bà?"...

"Không chỉ nhận nhiệm vụ và thừa hành"

Bạn bè đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 69 của GS Nguyễn Văn Đạo (Ngày 10.8.2006). Ảnh tư liệu

... Hung tin về vị Giám đốc đầu tiên của trường ĐHQG Hà Nội đến vào đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập trường (10.12).  Những cộng sự với GS ở ĐHQG từ ngày đầu giật mình nhìn nhau, điềm báo chăng?

Mới cách đây chừng một tháng, GS Nguyễn Văn Đạo xuất hiện nhiều lần trên báo chí khi tranh luận về vấn đề tự chủ ĐH nhân câu chuyện xin thí điểm của ĐH FPT.

Nhưng cơ duyên của GS Nguyễn Văn Đạo với giáo dục không chỉ có "ĐH FPT" mà khởi phát từ ngày ông nhận lấy gánh nặng "Giám đốc ĐH Quốc gia HN", một trong hai trường trọng điểm của giáo dục ĐH cả nước. Những người bạn chung sức thúc đẩy cho sự thành lập của ĐHQG từ ngày đầu vẫn còn nhớ GS Đạo đã quyết liệt tranh đấu cho một cơ chế quản lý ĐH mới chưa từng có, cơ chế tự chủ.

Thầy Tống Duy Thanh, Khoa Địa chất, trường ĐH KHTN (ĐHQG) nhớ lại: "Một tay anh Đạo cùng với bạn bè và đồng nghiệp đã chèo chống trước biết bao khó khăn ban đầu trong xây dựng ĐHQG Hà Nội theo một mô hình chưa từng có trước đó ở Việt Nam. Anh đã vượt qua bao trở ngại do những đầu óc thủ cựu, quan liêu gây nên".

Nhiệm vụ của GS Đạo không phải là đặt viên gạch xây một ngôi trường mới, cũng không phải liên kết đào tạo, mà là đặt nền móng cho một cấu trúc mới trên cơ sở tổng hợp của ba trường ĐH hàng đầu ở HN, những ngôi trường vốn đã có truyền thống lâu năm với những bộ máy quản lý kỳ cựu. Và quan trọng hơn, GS Đạo không muốn mình chỉ là người "nhận nhiệm vụ" và "thừa hành" như cơ chế hoạt động cũ càng xưa nay của các trường ĐH. Cơ chế tự chủ theo đề xuất của GS Đạo không nằm trong quy định thông thường về hoạt động của các trường ĐH.

Cô Vũ Thị Quý, nguyên phụ trách đối ngoại và là người giúp việc cho GS từ những năm 1993 -94 ấy bồi hồi kể lại câu chuyện GS Đạo đã quyết liệt và biết "chớp" thời cơ như thế nào khi đấu tranh để có được con dấu giao quyền tự chủ cho ĐHQG. Ngay khi nhận được quyết định cho phép cấp con dấu riêng, tài khoản riêng, GS Đạo đã hoan hỉ cho người cầm quyết định đi làm con dấu và khẩn khoản thúc giục phải làm thật gấp.

Quả nhiên, chỉ mấy ngày sau khi quyết định ban hành, trên Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có nhiều ý kiến ngãng ra. Nghe ngóng được tin ấy, GS Đạo đã giục ngay người giúp việc của mình đi gấp ô tô từ Lê Thánh Tông sang Hàng Bài (hai phố sát kề nhau) để lấy con dấu vừa khắc xong trước khi có lệnh dừng từ trên đưa xuống. Cô Quý vẫn còn nhớ nguyên cảm giác vừa cầm con dấu lên xe, cô đã nghe GS Đạo "alô" thông báo chuyện vừa nhận được điện thoại "báo hoãn" từ VPCP và sốt sắng hỏi xem cô Quý đã lấy được con dấu hay chưa? Nếu không tiên liệu trước, rất có thể, con dấu ấy sẽ còn phải nằm lại thêm một vài năm nữa...

Nhưng một người bạn thân của GS Đạo, GS Phan Huy Lê đã "bật mí" rằng, sở dĩ đã có sự "rộng rãi" trong việc trao con dấu tự chủ cho ĐHQG là bởi Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt hồi đó đã nhiệt thành ủng hộ tư tưởng đột phá này.

"Nhà quản lý giỏi"

GS Nguyễn Văn Đạo đang trao đổi với đồng nghiệp. Ảnh tư liệu

Có lẽ trong các nhà khoa học VN làm quản lý, ít người được khen như vậy. Nhưng GS Đạo lại được không ít đồng nghiệp, cấp dưới thừa nhận điều này.

"Tất cả những người từng làm việc với GS Đạo đều phải cảm ơn giáo sư vì ông là người cầu toàn, khắt khe, chính xác về thời gian. Những văn bản do văn thư trình lên đều bị bác "soi" từng li từng tí, từ dấu chấm, dấu phẩy cho đến chữ viết hoa.", cô Vũ Thị Quý nhớ lại. Không ít người vốn quen với tác phong hành chính quan liêu đã thầm oán trách ông cứ thích sát sao, chặt chẽ như "Tây". Đã làm là phải cặn kẽ, quyết liệt và đến đầu đến đũa... Ngay những chuyện "đối ngoại" nho nhỏ như làm quà lưu niệm cho ĐHQG để tặng các đối tác nước ngoài, đích thân GS Đạo cũng phải sục sạo mày mò tìm cho được nghệ nhân nào làm đồ gỗ, đồ mây tre, sành sứ... công phu nhất. Và ông đến tận nơi hỏi chuyện nghệ nhân. Đến giờ, ngày nghỉ nào ông cũng tận tay đánh xe đến các làng nghề để tìm hiểu...

Trên bàn làm việc của cô Quý ở trụ sở Hội liên lạc, vẫn còn nguyên mẩu báo mà ở đó GS Đạo đã khoanh tròn dòng địa chỉ về nghệ nhân làm thạch anh ở Đà Nẵng, chờ dịp ghé qua...Tất cả chỉ để khi đưa tặng món quà cho bạn bè quốc tế, ông có thể tự giới thiệu về nguồn gốc món quà, thay vì cần đến một phiên dịch.

Có người nói, hay là ông không tin tưởng người giúp việc, nhưng bạn bè và đồng nghiệp lại bảo: ông rất biết nhìn người và biết giao đúng người, đúng việc. Thậm chí chỉ tuyển dụng những người có năng lực làm việc bằng ba, bốn người khác. Không ít lần ông không nề hà tuyển lựa cả những người có thể chưa được lòng cả ban lãnh đạo nhưng đã qua được vòng sát hạch ngặt nghèo của mình.

GS Phan Huy Lê đánh giá, rất nhiều người đã có chung nhận xét rằng hầu như bộ máy trong tay GS Đạo đều "chạy" rất êm. Bởi ông luôn lắng nghe những góp ý của tập thể, đến với từng con người để nghe những tiếng nói riêng và kiên quyết ủng hộ cái mới. Nhưng khi cần ra quyết định, bao giờ GS Đạo cũng có chính kiến riêng và chịu trách nhiệm trước tất cả những quyết định đó.

Được nhận sự tri âm của một người bạn kỹ tính như vậy, có lẽ GS Đạo ở nơi xa cũng vui nhiều. Có lẽ những lời này, GS Lê chưa có dịp nói với bạn. Bởi ông đã từng nhiều lần phân bua với GS Lê, rằng, cái gì đã thấy đúng, thấy cần thì phải dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Bà Bùi Hồng Lâm, Ban Quan hệ Quốc tế, ĐHQG Hà Nội bùi ngùi: "Bọn trẻ chúng tôi hồi đó luôn tâm niệm lời khuyên của bác Đạo: Đừng để thời gian chết, tâm sự, tán gẫu cũng tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu dành thời gian để nghiên cứu". 

Viện trưởng sớm biết lo

GS Nguyễn Văn Đạo đến chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)

Ở cái thời chưa làm gì đã gặp đầy rẫy khó khăn, cản trở nói gì đến "đột phá" hay "đổi mới", không ít người "giỏi giang" thời điểm ấy (những năm trước đổi mới) có xu hướng thu mình lại trong chuyên môn hẹp để tránh va chạm hoặc mua lấy bực bội vào thân thì GS Đạo lại  ngược xuôi trình lãnh đạo lập dự án này nọ rồi gom nhóp anh em chuẩn bị nguồn lực cho những kế hoạch mới.

Những năm 70 thế kỷ trước, hầu hết các viện khoa học đều sống cầm chừng, ngột ngạt đợi một luồng gió thay đổi. Chẳng ai muốn nói gì đến việc lại thành lập một Viện nghiên cứu mới. Có những giai đoạn hàng chục năm ròng mà không có lấy một viện nghiên cứu mới nào ra đời. Giới cơ học của GS Đạo chỉ có một tổ chức "to" nhất là Phòng cơ học (Viện Khoa học Việt Nam). Vậy là GS Đạo ráo riết lên kế hoạch, soạn thảo phương hướng phát triển và "hút" một số cán bộ trẻ mới du học từ Liên Xô và Đông Âu về. Viện Cơ học do GS Đạo làm Viện trưởng ra đời tháng 4/1979 trong sự phấp phỏng lo âu của những người trong giới. Để rồi, giữa thời điểm cán bộ các vụ viện khác đều chỉ biết ngậm ngùi xếp các đề tài khoa học vào ngăn tủ thì cán bộ Viện cơ học khá "xông xênh", vừa "thảnh thơi" làm khoa học vừa được tạo điều kiện "bung ra" lo đời sống.

"Anh em ở đây đều yêu mến bác. Về chuyên môn, bác rất chú tâm đến việc đào tạo cán bộ. Mà anh chị em có nhà cửa như bây giờ là cũng nhờ tư tưởng cải cách của bác" - cô Nguyễn Thị Chung, từng làm việc với GS. VS Nguyễn Văn Đạo từ những năm 70 nhớ lại.

... Lớp người tiên phong của công ty FPT đến nay vẫn còn nguyên những hào hứng khi nhắc về cái tên GS Nguyễn Văn Đạo, người "đỡ đầu" và hết lòng ủng hộ cho sự khai sinh của công ty từ những ngày họ còn là một nhóm những kỹ sư trẻ nhiệt huyệt làm việc trong Viện cơ (Nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất). Và FPT (vừa mới lên sàn giao dịch chứng khóan) là một trong số những doanh nghiệp ăn nên làm ra trong số các công ty mà Viện Cơ học thành lập. Mới đây thôi, khi cái tên ĐH FPT làm xới lên những cuộc tranh biện nảy lửa trên các diễn đàn giáo dục về cơ chế tự chủ trong GD ĐH, người ta lại thấy cái tên Nguyễn Văn Đạo, người cố vấn, ở tuổi thất thập tiếp tục nỗ lực trên hành trình làm thay đổi tư duy xã hội về giáo dục ĐH.

"... Lỡ hẹn"

"Tiếng tăm" trong giới khoa học, đặc biệt chuyên ngành cơ và nổi tiếng trong lĩnh vực quản lý KH nhưng GS, VS Nguyễn Văn Đạo không phải là "người của công chúng" bởi ít khi ông xuất hiện trên các  phương tiện thông tin đại chúng.

GS Sử học Phan Huy Lê, một trong những người bạn thân nhất của ông đã lý giải điều này từ nguyên do, ông là con người của KHTN và công nghệ chứ không phải một nhà khoa học xã hội (lĩnh vực dễ được công chúng biết danh hơn). GS Lê cũng giải thích thêm, là ngay trong giới tự nhiên của mình, GS Nguyễn Văn Đạo lại được xem như một nhà khoa học thực tiễn có vốn kiến thức xã hội sâu rộng, khác hẳn với một số nhà KH tự nhiên xuất sắc tuy chuyên môn giỏi nhưng thường gặp bỡ ngỡ trong đời sống. Điều này do cá tính ham học hỏi nhưng cũng còn bởi ông đã được đặt vào cái ghế quản lý quá sớm. Và nhà cơ học hàng đầu Việt Nam cũng đồng thời là một nhà quản lý khoa học, quản lý giáo dục "tầm cỡ" không dễ gặp...

Bạn bè GS Đạo không ít người đã từng e ngại khi sau hàng chục năm "đứng lớp" ở ĐH Bách khoa HN và đi "tiên phong" trong giới Cơ học, ông lại "rẽ ngang" sang con đường quản lý, chính thức ngồi lên cái ghế Phó Viện trưởng - Tổng thư ký Viện Khoa học VN (Trung tâm khoa học tự nhiên lớn nhất nước ta).

Nhưng GS Nguyễn Văn Đạo lại chứng minh một bài học, rằng, một người đã có thể tự vật lộn nghiên cứu đề tài và bảo vệ luận án tiến sĩ ngay khi sang Ba Lan được ba tháng (thông thường phải sang tối thiểu hai năm mới được bảo vệ), một nhà khoa học có chuyên môn mà làm quản lý thì sẽ sinh lợi rất nhiều cho giới khoa học.

Mới gần đây thôi, bạn bè, đồng nghiệp và những học trò yêu quý ông hoan hỉ chia vui với dự án máy bay siêu nhỏ phục vụ cho du lịch, tưới tiêu nông nghiệp vừa kết thúc giai đoạn một và đã bay thử nghiệm thành công, hứa hẹn ra đời một thứ phương tiện giao thông mới. Dự án phát triển giai đoạn hai đang được xúc tiến và đang dợm những bước khởi đầu...

... Nhưng cuộc đời một người làm khoa học không bao giờ nên nói là đã xong việc, đã mãn nguyện, GS Phan Huy Lê tâm sự. Và ông ngậm ngùi nhớ lại mới cách đây mấy ngày, còn vui vẻ nói với GS Đạo về chuyện mong có dịp được đi du lịch trên chiếc máy bay siêu nhẹ mới vừa thử nghiệm xong ấy.

Và GS Đạo có lẽ đã lỡ thêm một nhịp tàu lớn nhất: cơ hội cất cánh cùng đất nước khi gia nhập WTO.

  • Lê Nhung 

GS Sử học Phan Huy Lê: "Hiếm có nhà KHTN nào lại quan tâm đến lĩnh vực XHNV như vậy"

... Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên với anh trong việc xây dựng và phát triển ngành Việt Nam học. Trên cơ sở Trung tâm hợp tác nghiên cứu VN thuộc ĐH tổng hợp HN do tôi làm Giám đốc, tôi đề nghị nên mở rộng quan hệ giao lưu và hợp tác quốc tế để đưa ngành Việt Nam học lên vị thế mới trên phạm vi thế giới, tạo ra một thế mạnh cho ĐHQG Hà Nội. Chỉ sau mấy lần trao đổi rất ngắn gọn, anh nắm bắt được ngay ý tưởng này và quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu quốc tế thuộc ĐHQG Hà Nội. Với tổ chức mới này, chúng tôi đề nghị tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Việt Nam học với sự cộng tác chặt chẽ giữa ĐHQG Hà Nội với Trung tâm KHXH và nhân văn Quốc gia.

Hội thảo đã được tổ chức tại HN trong 3 ngày 15/7 đến 17/7/1998 với sự tham dự của trên 600 nhà khoa học trong đó có gần 300 nhà Việt Nam học quốc tế đến từ 26 nước trên thế giới. Đây là cuộc hội thảo quốc tế đầu tiên về Việt Nam học do VN tổ chức tại thủ đô nước VN, qui tụ được các nhà Việt Nam học nổi tiếng nhất và bao gồm nhiều thế hệ các nhà Việt Nam học của các trường ĐH, các trung tâm, các viện nghiên cứu của hầu hết các nước có tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học, kể cả các nhà khoa học người VN ở nước ngoài. Thành công của hội thảo được dư luận trong nước và thế giới đánh giá rất cao. Trong thành công đó, GS Nguyễn Văn Đạo với cương vị Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã hết lòng ủng hộ, giúp đỡ cho Ban tổ chức chúng tôi, cùng chúng tôi trực tiếp giải quyết rất nhiều khó khăn về các thủ tục, về xử lý các mối quan hệ đối nội, đối ngoại nhiều khi khá phức tạp trong bối cảnh của khoa học xã hội và nhân văn lúc bấy giời. Có lúc anh cùng tôi đến gặp những đồng chí lãnh đạo cao của những ngành liên quan để trực tiếp trình bày và tháo gỡ các vướng mắc của hội thảo. Anh sẵn sàng cùng tôi chịu trách nhiệm về những vấn đề nhân sự và nội dung đặt ra trong hội thảo. Anh tâm sự với tôi, đã thấy đúng, thấy cần thì phải dám làm và dám chịu trách nhiệm. Những ngày gần đến hội thảo, anh Nguyễn Văn Đạo càng dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho Ban tổ chức, có lúc đêm khuya, anh đến thăm hỏi Ban thư ký về các công việc dồn dập đang phải hoàn thành rất khẩn trương.

Tôi ít thấy một nhà khoa học tự nhiên nào lại dám chia sẻ khó khăn và dám chịu trách nhiệm đến cùng để thực hiện một ý tưởng về khoa học xã hội như vậy...

Bạn đã từng là đồng nghiệp, học trò hoặc đã từng tiếp xúc với GS Nguyễn Văn Đạo và có những kỷ niệm, ấn tượng về ông. Hãy chia sẻ tại đây:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,