(VietNamNet) - Với đoàn Mỹ sang dự APEC 2006 tại Hà Nội, ăn uống không quan trọng, an ninh mới là quan trọng nhất. Những điều chưa biết về những ngày Tổng thống Bush ở khách sạn Sheraton...
Trước khi đoàn Mỹ do Tổng thống G.Bush dẫn đầu sang Việt Nam dự Hội nghị APEC 14 đã có rất nhiều đoàn an ninh của Mỹ sang Việt Nam tiền trạm về giao thông, khách sạn... Và khách sạn nằm bên Hồ Tây thơ mộng Sheraton đã được phía Mỹ chọn làm nơi ở của Tổng thống G.Bush trong thời gian ở Hà Nội.
Ai cũng biết vấn đề an ninh là tối quan trọng trong mỗi dịp Tổng thống G.Bush công cán nước ngoài. Nhưng khi Tổng thống Bush đến Hà Nội, ở khách sạn và rời khách sạn, vẫn còn nhiều chuyện ít biết về vấn đề an ninh, ăn, ở của ông.
''Ông G.Bush ở phòng nào?''
Không ai biết Tổng thống Mỹ và phu nhân sẽ ở tầng nào trong 18 tầng của khách sạn Sheraton. Chỉ đến khi ông Bush đến, lực lượng an ninh khách sạn mới biết ông ở tầng 18, tầng cao nhất của khách sạn 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế này. Đó là tầng có những căn phòng sang trọng nhất. Ngoài một vài sĩ quan đặc vụ của Tổng thống Bush luôn kè kè bên cạnh, không ai được đến gần.
Chỉ đến khi ông Bush rời Hà Nội vào TP.HCM, tôi mới đến khách sạn Sheraton và được ông Nguyễn Tuấn Hưng, phụ trách an ninh khách sạn Sheraton tiếp chuyện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả Tổng giám đốc lẫn ông Hưng và nhiều nhân viên khác vẫn chưa biết ông Bush đã ở phòng nào trong 3 phòng xịn nhất.
Đó là một phòng "Đế vương" và 2 phòng Tổng thống. Toàn bộ tầng 18 và hành lang được lực lượng an ninh Mỹ phụ trách, không ai có thể tiếp cận. Phòng "Đế vương" có diện tích 176m2 với những tiện nghi đắt tiền, hiện đại. Từ cửa vào là phòng khách, được bố trí theo phong cách Phương Đông rất trang trọng nhưng không có cảm giác quá choáng ngợp. Phòng khách có không gian thoáng và cửa kính nhìn thẳng ra cảnh quan Hồ Tây lãng mạn. Bên phải cửa ra vào và bên trái phòng khách là phòng ăn được nối thông với phòng bếp để khi cần có thể chế biến món ăn tại đây. Nối tiếp phòng ăn có một cánh cửa thông sang một phòng nhỏ khác dành cho lực lượng cận vệ, thư ký. Giữa phòng ăn và phòng khách có một phòng làm việc trông rất gọn gàng. Bên phải của phòng khách là phòng ngủ được trang bị cực kỳ hiện đại nhưng ấm cúng. Phòng ngủ được thông với phòng tắm gồm tất cả các thiết bị hiện đại, mới nhất trên thế giới hiện nay.
Cũng cần nói thêm, trước khi đến dự APEC, phòng "Đế vương" là phòng nghỉ cho nguyên thủ quốc gia rất lý tưởng mà khi đi khảo sát không chỉ đoàn Mỹ mà nhiều đoàn khác đều rất ưng ý về nội thất, sự bài trí và không gian. Nếu nói lãng mạn một chút, nó như một thiên đường thu nhỏ mà không phải ai cũng được bước chân vào.
Cùng tầng 18, ngoài phòng "Đế vương" ở giữa còn có 2 phòng tổng thống ở hai đầu toà nhà. Cũng là những trang thiết bị hiện đại, cách bài trí sang trọng nhưng phòng tổng thống đơn giản và nhỏ hơn một chút so với phòng "Đế vương". Hai phòng tổng thống này có ban công nhìn ra Hồ Tây lộng gió. Phòng Tổng thống không có phòng bếp, còn lại các phòng nhỏ được bố trí giống hệt phòng "Đế vương" với những vật dụng xa hoa và... lối thoát hiểm. Ngoài ra, tầng 18 còn một số phòng khác nữa nhưng chỉ có chức năng hỗ trợ 3 phòng kia như phòng của người phục vụ, phòng của cận vệ.
''Ông Bush ở phòng nào?'' - Đến nay, nhiều nhân viên ở khách sạn Sheraton vẫn còn hỏi nhau...
An ninh: tối quan trọng!
Ông Nguyễn Tuấn Hưng cho biết, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ khách sạn là phối hợp bảo vệ an ninh trật tự, các hoạt động, sự di chuyển của Tổng thống Bush trong khách sạn.
Cùng với việc bảo vệ Tổng thống G.Bush trong thời gian di chuyển tại Hà Nội, phía an ninh Mỹ đã lên các phương án bảo vệ Tổng thống Mỹ khi di chuyển trong khách sạn, mặc dù ông Bush không di chuyển ra ngoài sảnh khách sạn lần nào vì lý do an ninh. Tổng thống Bush chỉ di chuyển phía sau khách sạn, trong thang máy, hầm nhà và hành lang dành cho nhân viên... Lực lượng an ninh Mỹ và an ninh Việt Nam đảm trách nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối khu vực tổng thống Bush sẽ đi qua.
Khi tổng thống Mỹ G.Bush ở đây, các hoạt động bảo đảm an ninh được tăng cường tối đa và có một phương châm đề ra là tuyệt đối không chủ quan. Đối với khách sạn, bảo vệ phải tuân thủ quy định của Nhà nước về đảm bảo an ninh cho APEC. Trong thời gian Tổng thống Mỹ và đoàn Mỹ ở, nhân viên khách sạn, kể cả lễ tân, trực buồng, bảo vệ... đều phải có thẻ riêng dành cho APEC do Bộ Tư lệnh cảnh vệ xét duyệt.
Để có thẻ này, khách sạn Sheraton phải đưa danh sách sang Bộ Tư lệnh cảnh vệ để kết hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác của Bộ Công an, Công an Hà Nội... kiểm tra, xác minh kỹ càng lý lịch của từng người.
Trong thời gian ông Bush ở đây, có một số khu vực mà nhân viên không được bước chân đến, ngay cả Tổng giám đốc và người phụ trách an ninh. Khu vực này chỉ dành riêng cho người Mỹ làm công tác bảo vệ.
Anh Nguyễn Tuấn Hưng kể, trước khi tổng thống Mỹ đến, nhân viên bảo vệ khách sạn đã phải luyện tập và làm quen với các phương án phối hợp bảo vệ Tổng thống Mỹ khi ông di chuyển trong khu vực khách sạn. Trước đây họ chưa làm việc này bao giờ cả. Nhiều tình huống được đặt ra như tổng thống di chuyển phía sau khách sạn, tất cả nhân viên của khách sạn không được có mặt tại khu vực đó. Đây là nhiệm vụ của An ninh khách sạn. Vì vậy, nhân viên đang ở chế độ hoạt động bình thường, có thông báo cho phụ trách an ninh trước chỉ 3-5 phút rằng ông Bush sẽ đi qua, an ninh khách sạn có nhiệm vụ giúp đỡ nhân viên khách sạn giải phóng đường đi cho tổng thống ngay tức khắc.
Rất nhiều thách thức đặt ra cho tập thể Ban quản lý khách sạn và an ninh Việt Nam. Thời điểm chuẩn bị cho Tổng thống Bush đến khách sạn là thời điểm căng thẳng. Từ việc đặt cổng từ an ninh, bố trí cận vệ gần đến việc lắp đặt các thiết bị bảo vệ... Cùng với phía Mỹ, lực lượng an ninh Việt Nam đã xuất sắc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ phối hợp. Có những sự khác biệt trong phương án bảo vệ nhưng cuối cùng đều được giải quyết ổn thoả, được hoá giải và có kết quả tốt mà an ninh 2 bên đều ghi nhận. Trong thời gian Tổng thống Mỹ ở khách sạn, an ninh được bảo đảm, không có lấy một sơ suất nhỏ nào xảy ra.
Một lần ông Bush rời khỏi phòng. Phụ trách an ninh Mỹ gọi cho ông Hưng yêu cầu bảo vệ 2 thang máy và tổng thống sẽ đi đường hầm. Ông Nguyễn Tuấn Hưng liên lạc yêu cầu nhân viên an ninh của mình chuẩn bị thực hiện theo phương án tổng thống đi đường hầm. Nhiệm vụ của an ninh khách sạn là đi tới các phòng, ban, bộ phận đang làm việc thông báo cho mọi người ai ở đâu ngồi im tại chỗ. Cửa được đóng lại, nhân viên bảo vệ khách sạn cùng đứng bên trong. Khi tất cả đã xong, ông Hưng báo cho phụ trách an ninh Mỹ và họ đi kiểm tra. Sau khi kiểm tra, phụ trách an ninh Mỹ ra dấu hiệu tốt và có một nhóm mở đường đi trước. Nhóm này đi theo tổ 3 người hình chữ A, một người đi trước 2 người đi sau 2 bên. Vừa đi, họ vừa xoay người đủ các hướng để kiểm tra. Sau khi kiểm tra xong, lúc đó họ mới ra ám hiệu an toàn cho cộng sự.
Tổng thống Bush đi xuống bình thường, tay đút túi quần như đi dạo. Vừa đi vừa nói chuyện với các thành viên trong đoàn một cách vui vẻ.
Thêm nữa, tại 2 lối vào khách sạn Sheraton, lực lượng an ninh Mỹ điều 2 xe tải lớn đến chặn 2 đầu vào ban đêm. Vị trí xe, hướng đặt xe đều được tính toán rất kỹ càng. An ninh Mỹ đưa rất nhiều chó nghiệp vụ sang và ''phân công nhiệm vụ'' ở nhiều vị trí quan trọng trong khách sạn cũng như đi tuần tra. Trước khi APEC diễn ra, cơ quan an ninh Việt Nam đã đi vận động nhân dân không bán hàng, bán quán gần khu vực khách sạn và nên đóng cửa nhà nếu quay về phía khách sạn.
Để vào được khu vực Tổng thống G.Bush ở phải qua rất nhiều hàng rào an ninh nghiêm ngặt. An ninh Mỹ cũng rất đa dạng, có nam nữ, da trắng da đen. Ông Nguyễn Tuấn Hưng ghi nhận có ít nhất 4 vệ sĩ của Tổng thống Bush là người Mỹ gốc Việt là anh Chung, anh Bùi, anh Cao Nguyên và một người nữa ông Hưng không nhớ tên.
Những điều thú vị...
Đã có một tình huống thú vị về vấn đề an ninh xảy ra. Tình huống này xuất phát từ việc khách sạn luôn bị động trong các hoạt động của Tổng thống Bush. Điều này rất dễ hiểu vì an ninh Mỹ luôn có rất nhiều phương án và không thể biết họ sẽ thực hiện theo phương án nào. Và phương án nào cũng được chuẩn bị kỹ càng, đến phút chót mới biết tổng thống sẽ đi đường nào.
Đó là ngày 18/11, nhân viên bếp của khách sạn phải sơ tán liên tục, không đủ thời gian để làm bếp. Bởi vì, trong kế hoạch di chuyển, Tổng thống Bush sẽ đi qua bếp để... ra xe đi dự hội nghị. Nhân viên bếp sơ tán từ 8h30- 9h30, kể cả 2 thang máy dành cho nhân viên vận chuyển đồ lên xuống cũng bị giữ bởi lực lượng an ninh. Nhưng cuối cùng, ông Bush không đi đường đó! Nhân viên bếp có được một tiếng đồng hồ ''ngồi chơi xơi nước'' nhưng lo ngay ngáy vì còn phải chuẩn bị bữa ăn cho cả khách sạn lớn.
Ngay sau buổi tiếp Tổng thống Nga Putin, ông Bush đã dành cho khách sạn Sheraton một sự ưu ái rất bất ngờ. Ông đã chụp ảnh và nói chuyện trong thời gian 10 phút tại phòng họp với một số người của khách sạn đã qua lựa chọn. Có 6 người được chọn chụp ảnh. Đó là TGĐ Alain Rigodin, GĐ Kinh doanh, Phó Tổng GĐ, Kỹ sư trưởng, GĐ bộ phận tiệc và Phụ trách an ninh. Tổng thống G.Bush không chụp với cả 6 người của khách sạn cùng lúc mà chụp với từng người một. Ông bắt tay từng người và nói: ''Các bạn đã làm rất tốt, rất tuyệt vời. Xin cảm ơn các bạn!''. Ảnh do thành viên đoàn Mỹ chụp và sẽ được gửi sang Việt Nam sau 3 tháng nữa, sau khi đã có chữ ký của Tổng thống G.Bush vào mỗi tấm ảnh.
Chuyện ăn của Tổng thống Bush và phu nhân lại nhẹ nhàng hơn nhiều. Như thông lệ bấy lâu, khi nào có đoàn Mỹ, đặc biệt những yếu nhân như tổng thống, ngoại trưởng đến nơi nào đó, việc an ninh là hàng đầu, ăn uống chỉ là thứ yếu. Vì thế, lần này đầu bếp của khách sạn Sheraton tương đối nhàn so với lực lượng an ninh của khách sạn trong suốt thời gian Tổng thống G.Bush và đoàn Mỹ ở đây.
Giá của đoàn Mỹ phải trả cho khách sạn Sheraton đến thời điểm này vẫn chưa được tiết lộ. Chị Nguyễn Hằng Nga, phụ trách Maketing - khách sạn Sheraton cho biết, không phải là con số 2 triệu USD như một tờ báo từng nêu cho chi phí của đoàn Mỹ ở khách sạn.
Vì không chú trọng ăn uống nên trong thời gian ở đây, chỉ có 2 bữa tiệc chiêu đãi của ông Bush đặt tại khách sạn. Đó là buổi ăn trưa tiếp Thủ tướng Úc. Nhưng rất đơn giản, chỉ có ba món là sa lát, thịt bò và kem cháy. Bữa thứ hai là buổi Tổng thống Bush mời Thủ tướng Nhật, cũng chỉ có 3 món là sa lát, cá và bánh. Ngoài ra, đồ ăn của Tổng thống Mỹ cũng được tự mang sang, nhân viên phía Mỹ tự pha chế đồ uống. Đối với Tổng thống Bush, tất cả mọi thứ đều thực hiện tại phòng, kể cả ăn sáng. Ông chỉ ra khỏi phòng khi đi công việc.
Là một nguyên thủ quốc gia với kín mít lịch làm việc, tiếp khách tại Hà Nội song trước khi vào TP.HCM, ông G.Bush đã để lại nhiều ấn tượng với nhân viên khách sạn Sheraton. Tổng thống Mỹ đánh giá cao sự phục vụ của nhà hàng thể hiện ở các món ăn ngon và hợp khẩu vị.
Rất nhiều nhân viên khách sạn Sheraton đã cảm nhận được sự cởi mở, gần gũi từ vị tổng thống đến từ nước Mỹ xa xôi trong dịp ông đến Hà Nội này.
-
Thế Lê Vinh