221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
861566
CCHC ở Hà Nội: Trên quyết liệt, dưới ''thủ tục''?
1
Article
null
CCHC ở Hà Nội: Trên quyết liệt, dưới ''thủ tục''?
,

(VietNamNet) - Phóng viên VietNamNet có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước, là người trong cuộc, ghi nhận việc thực hiện cải cách hành chính theo Chỉ thị 32 của Thủ tướng, sau 6 ngày có hiệu lực.

Hà Nội đang xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá. Sau ngày 1/11/2006, theo ghi nhận của PV VietNamNet ở Hà Nội, UBND TP.Hà Nội và các Sở ban ngành rất quyết liệt vào cuộc, nhưng nhiều cấp phường vẫn hoạt động theo... thủ tục!

Phóng viên không được đi ''một cửa''!

Theo quy định tại chỉ thị 32/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu trước ngày 1/11/2006, các điểm tiếp nhận hồ sơ của người dân niêm yết toàn bộ quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc của người dân; họ tên, chức vụ cán bộ, công chức có trách nhiệm giải quyết công việc.

VietNamNet đã có bài phản ánh về ngày đầu tiên thực hiện niêm yết các thủ tục, quy trình... theo chỉ thị 32 của Thủ tướng. Thế nhưng, sau gần 1 tuần, nhiều cơ quan cấp phường ở Hà Nội vẫn... lơ là với thủ tục này.

14h30 chiều ngày 6/11, PV VietNamNet có mặt tại UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Đúng như thủ tục hành chính, phóng viên xuất trình thẻ nhà báo và đề nghị được làm việc với nhân viên ''một cửa'' của phường cũng như ghi nhận ý kiến của người dân đến làm thủ tục.

Vấn đề CCHC luôn được công luận và nhân dân quan tâm giám sát, theo dõi và đúng như tinh thần chỉ đạo của Hà Nội là công khai, minh bạch, gọn nhẹ. Thế nhưng, sau khi xem thẻ nhà báo, bà Vũ Thị Khang, nhân viên làm nhiệm vụ CCHC của UBND phường Thanh Xuân Trung yêu cầu PV ngồi... chờ để đi xin ý kiến lãnh đạo. PV nói lại với nhân viên này rằng chỉ đề nghị được hỏi chuyện về những người trực tiếp làm nhiệm vụ ''một cửa''. Bà Khang vẫn kiên quyết không đồng ý và đưa thẻ nhà báo cho một nhân viên khác mang lên phòng họp báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo phường đang... họp.

''Mấy hôm nay chúng tôi đang rất bận cho cuộc họp GPMB đường vành đai 3. Hôm nay, các lãnh đạo phường, quận đều họp tại trụ sở phường. Phải có ý kiến của lãnh đạo thì chúng tôi mới dám cung cấp thông tin...'' - Bà Khang nói.

Một lúc sau, nhân viên kia mang thẻ nhà báo xuống và bà Khang thông báo lại: lãnh đạo phường đang họp, phải đợi đến khi khác!

Ngoài cửa phòng, phường Thanh Xuân Trung đã cho dán đầy các thông tin về CCHC và chế độ làm việc một cửa. Nhưng phóng viên đi lấy thông tin về CCHC vẫn không được đi... ''một cửa''!

Người dân vẫn kêu!

Thông báo treo sau lưng nhân viên. Ảnh: Phạm Hải

Theo chỉ thị của Thủ tướng, các đơn vị CCHC phải thực hiện nghiêm túc việc đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức có ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp trong thời gian làm việc tại trụ sở.

Mỗi sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, UBND phường, xã, thị trấn phải lập đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử, công bố công khai trong tháng 11/2006 để tiếp nhận và giải quyết nhanh các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính phiền hà, vướng mắc hoặc thái độ hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà của cán bộ công chức, viên chức nếu có.

Ngày 6/11, theo ghi nhận của VietNamNet, nhiều cơ quan vẫn chưa thực hiện đầy đủ chỉ thị của Thủ tướng và chỉ đạo của thành phố Hà Nội như chưa công khai đúng quy trình, không đeo thẻ, chưa có hộp thư điện tử, đường dây nóng...

Rất nhiều đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã niêm yết các thủ tục, hồ sơ hành chính và các mẫu hồ sơ nhưng không đưa ra cách thực hiện cụ thể khiến người dân gặp lúng túng. Thêm nữa, nhiều nơi niêm yết nhưng không nêu rõ thời gian hoặc thiếu các thủ tục hành chính như xin cấp sổ đỏ, quyền sử dụng đất, xin phép xây dựng, điện, nước, thủ tục mua bán nhà của Nhà nước theo Nghị định 61...

Tại phường Thanh Xuân Trung, đến 14h30 chiều nay khi phóng viên có mặt vẫn chưa niêm yết các thủ tục hành chính và nhân viên thực hiện CCHC cũng không đeo thẻ. Khi được hỏi về CCHC tại đây, một người dân (đề nghị giấu tên) đến xin xác nhận hộ khẩu đã cho biết: ''Có thay đổi, nhưng không nhiều...''.

Theo người dân này, dù nhân viên hành chính thực hiện đúng quy trình, thời gian tiếp dân và giải quyết thủ tục nhưng bà thường xuyên phải chờ đợi vì lãnh đạo phường bận... họp, không có ai ký.

Từ ngày 1/11/2006, hầu hết các sở ban ngành, quận, phường trên địa bàn Hà Nội đều đã niêm yết công khai các thủ tục hành chính theo quy định. Tuy nhiên, một số phường trên địa bàn quận Ba Đình, Thanh Xuân... do trụ sở chật hẹp nên việc niêm yết rất khó cho người dân đọc như phường Cát Linh (Ba Đình), phường Kim Giang (Thanh Xuân)...

Tại phường Kim Giang, bà Phó Chủ tịch Phạm Thị Hà giải thích: do phường đang cải tạo trụ sở nên việc niêm yết chưa được như mong muốn vì thiếu không gian. Riêng đường dây nóng và hộp thư điện tử phường đã lập.

Tuy nhiên, chiều 6/11, nhân viên CCHC ở đây cũng không đeo thẻ như quy định.

Rầm rộ kiểm tra!

Ảnh: Phạm Hải

Sáng 6/11, trao đổi với VietNamNet, ông Lưu Tiến Định - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, từ hôm nay (6/11), Hà Nội đã thành lập 14 đoàn kiểm tra về việc thực hiện CCHC và việc triển khai thực hiện chỉ thị 32 của Thủ tướng.

Ông Định cho biết, dẫn đầu các đoàn kiểm tra là các Thành uỷ viên. Các đoàn này sẽ xuống các sở, quận, huyện của Thủ đô để nắm tình hình, số liệu phản ảnh đúng thực tế về việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị; khắc phục tình trạng báo cáo mang tính hình thức, số liệu báo cáo không xác thực.

Đặc biệt, các đoàn kiểm tra sẽ phát hiện và có biện pháp xử lý những cán bộ, công chức có hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà cho dân... Đoàn kiểm tra sẽ thực hiện nhiệm vụ từ 6-10/11/2006.

Hôm nay, đoàn kiểm tra đầu tiên của Hà Nội do Bí thư quận Tây Hồ Vũ Hồng Khanh dẫn đầu đã xuống kiểm tra tại quận Thanh Xuân. Ông Khanh cho biết, đoàn kiểm tra đã xuống các phòng ''một cửa'' của quận Thanh Xuân và đã có bản kết luận sơ bộ.

'Nhận thức của lãnh đạo đơn vị, cán bộ chuyên trách được nâng lên sau chủ trương CCHC. Chúng tôi thấy họ làm việc nghiêm túc và có kết quả, hồ sơ qua một cửa có tỷ lệ cao, đã đầy đủ thủ tục. Tuy nhiên, những hồ sơ chưa đủ thủ tục phải kiểm tra lại do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Hơn nữa, việc đưa các thủ tục hành chính vào một cửa như đất đai, sổ đỏ chưa được nhiều...''.

Sau khi đi kiểm tra, ông Vũ Hồng Khanh cũng nhận ra khó khăn của CCHC Thanh Xuân là số lượng cán bộ đáp ứng thủ tục một cửa ở các cấp còn hạn chế so với yêu cầu công việc, rất nhiều nơi kiến nghị cần phải tăng thêm người.

Cũng xin được nhắc lại, trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã xảy ra một số vụ việc nổi bật liên quan đến sự chậm trễ trong thủ tục hành chính đã được thành phố nghiêm túc xử lý và xem như bài học trong giải quyết thủ tục hành chính. Đó là việc xin cấp giấy chứng nhận giám định sức khỏe của bà Ngô Thị Sửu, mẹ sinh viên Vũ Anh Tuấn bị sát hại tại Nga; vụ mất hơn 400 ngày để xin 24 con dấu của Cty Hoàng Lê; hay dự án đường vào sân golf Minh Trí…

Người dân Thủ đô cũng như công luận đang mong đợi tất cả các cấp ngành cao thấp của Hà Nội đều xem CCHC là nhiệm vụ ''nóng hổi'' cần thực hiện và thực hiện vì dân.

  • Thế Lê Vinh

Kỳ tới: Thủ tục phiền hà, hành hạ doanh nghiệp

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,